“Thương về Miền Trung” là một ca khúc khá nổi tiếng và được nhiều người yêu thích trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên “cha đẻ” thật sự của ca khúc này vẫn đang nhận được nhiều sự tranh cãi của dư luận. Ca khúc “Thương Về Miền Trung” được biết đến lần đầu tiên vào năm 1962 với tên của nhạc sĩ Duy Khánh trên nhạc tờ phát hành và đây được xem là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của ông. Tuy nhiên vào năm 2016 lại dấy lên thông tin ca khúc “ Thương về Miền Trung” là sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ, khi ca sĩ Châu Huyền Khanh – con gái của nhạc sĩ Châu Kỳ khẳng định đây là bài hát của cha mình tức nhạc sĩ Châu Kỳ. Vậy “cha đẻ” thật sự của ca khúc này là ai?
Trước năm 1975, “Thương Về Miền Trung” lần đầu tiên được khán thính giả yêu nhạc biết đến năm 1962 là sáng tác của nhạc sĩ Duy Khánh và ông kiêm luôn trình bày ca khúc.
Sau năm 1975, khi ca khúc này được cấp phép lưu hành trở lại thì lúc này lại bị gán tên nhạc sĩ sáng tác là Minh Kỳ ( tác giả của ca khúc nổi tiếng “ Thương về xứ Huế”), trong các sản phẩm băng đĩa hay các chương trình ca nhạc trong và ngoài nước đều ghi nhạc sĩ Minh Kỳ, trường hợp này kéo dài khoảng 20 năm. Mãi cho đến khi truyền thông phát triển mạnh, nhiều thông tin được mọi người tiếp cận dễ hơn, người nghe nhạc lúc bấy giờ mới tìm được các tờ nhạc phát hành trước năm 1975, ghi rõ nhạc sĩ sáng tác là Duy Khánh. Khi ấy các hình thức thông tin đại chúng mới đính chính lại ca khúc này là của nhạc sĩ Duy Khánh và trong tất cả các chương trình ca nhạc trong và ngoài nước lúc bấy giờ khi trình bày ca khúc “Thương về Miền Trung” luôn đề nhạc sĩ Duy Khánh.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2016 trong chương trình Sol Vàng vinh danh cố nhạc sĩ Châu Kỳ với đêm nhạc riêng, con gái của ông – ca sĩ Châu Huyền Khanh đã tiết lộ ca khúc “ Thương về Miền Trung” vốn là sáng tác của cha cô – nhạc sĩ Châu Kỳ. Và thông tin này cũng được đăng tải trên một số các phương tiện thông tin đại chúng trong nước. Cụ thể thì theo ca sĩ Châu Huyền Khanh, nhạc sĩ Châu Kỳ đã cho ra đời ca khúc này vào khoảng năm 1940. Khi phát hiện ra tài năng của Duy Khánh, ông đã đưa Duy Khánh từ Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp và lúc này ông mới giao bài hát này cho ca sĩ Duy Khánh thể hiện. Thời bấy giờ, để lăng xê cho tên tuổi Duy Khánh, nên cha cô mới quyết định lấy tên của anh làm bút danh cho ca khúc “ Thương về Miền Trung” vậy nên khán thính giả lúc ấy mới biết đến ca khúc này như là một sáng tác của Duy Khánh.
Ca sĩ Châu Huyền Khanh nói “Khi cha tôi còn sống, có lần ông xem ti vi thấy để sai tên bài hát của mình thì vỗ đùi và bảo: “Ủa? Bài này của cha mà sao để Minh Kỳ! Vì lúc đó cha tôi đã lớn tuổi rồi, thấy bài hát của mình được hát nhiều thì mừng chứ không nghĩ đến chuyện yêu cầu đính chính gì cả. Ông cũng không bận tâm nhiều”.
Đồng thời cô cũng khẳng định, trong những năm qua tuy tên tác giả để sai nhưng hơn 10 năm nay, gia đình cô đều nhận được tiền tác quyền của ca khúc này từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Thông qua chương trình Sol Vàng, gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ cũng muốn được đính chính lại rằng bài hát “Thương về Miền Trung” chính là sáng tác của cố nhạc sĩ Châu K
Nhiều thông tin trái chiều là thế cho nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn có nhiều người nghi hoặc không biết thật sự “cha đẻ” của “ Thương về Miền Trung” là ai? Bởi lẽ, nếu tính đến năm 1962 thì Duy Khánh đã vào Sài Gòn lập nghiệp cũng gần 10 năm và lúc bấy giờ tên tuổi của ông cũng đã nổi tiếng khắp nơi vậy ông có cần được lăng xê bằng một ca khúc nữa không? Đó vẫn là một ẩn số, và chắc có lẽ chỉ có hai người trong cuộc là cố nghệ sĩ Duy Khánh và cố nhạc sĩ Châu Kỳ mới giải đáp được.
Tuy nhiên dù nhạc phẩm “ Thương về Miền Trung” là do cố nhạc sĩ nào sáng tác đi nữa thì người đời vẫn thầm cảm ơn người nghệ sĩ tài hoa ấy đã cho ra đời một ca khúc thật sự rất hay và sống mãi cùng với thời gian.
Mời khán thính giả và bạn đọc cùng nghe lại ca khúc “ Thương về Miền Trung” để cảm nhận những giai điệu da diết về nỗi nhớ của một người con miền Trung do một người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên:
Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường
Người hỡi! Có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao niềm thương,
Cho nhắn đôi lời.
“Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em…” – Người ta nói “Một ngày không gặp như cách ba thu, một tháng không gặp như đã mấy đời” là nói những người yêu nhau, không thể xa rời nhau, còn với tác giả, xa quê cũng như rời xa người yêu của mình. Có lẽ khoảng cách địa lý ngăn cách người nhớ quê về thăm chốn cũ, nhưng lại không ngăn được lý trí của tác giả, nó còn là yếu tố không ngừng thôi thúc tác giả nghĩ về nơi quê hương thân thương.
Chỉ cần vài câu nhớ thương, vài lời nhắn gửi, cũng có thể làm thỏa lòng người con xa quê – “Có về miền quê hương thùy dương…..Cho nhắn đôi lời.” Một câu hát khá hay làm cho lòng người phải lặng lại và bùi ngùi – “Nước chảy còn vương bao niềm thương…” – Dù nước có chảy thì tình cảm đó cũng vẫn còn trong tâm trí của mỗi người, đặc biệt là trong lòng tác giả, chưa hề vơi đi theo con nước ấy.
Dẫu xa muôn trùng
Tôi vẫn còn thương sao là thương
Nhớ ai xuôi thuyền Bến Ngự
đẹp trăng soi đêm trường
Và nhớ tiếng hò ngoài Vân Lâu chiều nao
Ước nguyện đẹp duyên nhau dài lâu
Xa rồi còn đâu.
Trong lòng mỗi người, quê hương chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng, không gì có thể thay thế được. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình yêu thiêng liêng gắn bó dành cho quê hương đất nước. “Dẫu xa muôn trùng – Tôi vẫn còn thương sao là thương” – Tình yêu quê hương trong bài này ý nói về miền Trung thân thương, nơi đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng tác giả. Người ta có thể nhớ quê hương của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một thói quen sinh hoạt gắn liền, còn đối với tác giả của ca khúc thì tình yêu ấy gắn liền với Bến Ngự, Vân Lâu chính là những địa danh làm ông càng nhớ quê da diết. Nhớ máy thuyền xuôi dòng sông Ngự, nhớ ánh trăng soi mình trên mảnh sân trường, nhớ tiếng hò nơi Vân Lâu mỗi chiều, nhớ lắm những ước hẹn tình duyên đôi lứa,….Nhưng giờ đây, mọi thứ đã mãi xa, không còn trông thấy, không còn gần bên nữa.
Em ơi! Chờ anh về
Đừng cho năm tháng xóa mờ thương nhớ
Đêm nao trăng thề,
đã vang ước hẹn đẹp lòng người đi…
“Em ơi! Chờ anh về” – Cách gọi thân thương ấy là gọi người yêu hay gọi về nơi “chôn rau cắt rốn”? Có lẽ chỉ có tác giả mới có thể cảm nhận sâu sắc được điều đó. Cách gọi làm lòng người xa quê thêm âm ỉ, làm nhỏ máu nơi trái tim. Đối với mỗi con người, dù có xa quê bao lâu, dù có thế nào đi nữa, thì trái tim mỗi người luôn ngự trị một thứ tình cảm, hơn cả tình yêu – Đó chính là tình quê nhà, đây là thứ tình mà không phải thời gian là có thể xóa nhòa được. Không cần thề thốt, không cần những câu hẹn ước thủy chung, nhưng trong lòng mỗi người vẫn giữ.
Ca từ đơn giản, diễn tả chân thật tình cảm của người con miền Trung chân chất, kết hợp với giai điệu Bolero nhẹ nhàng, đằm thắm, làm cho ai ai khi nghe thấy bài hát này cũng phải im lặng, ngậm ngùi mà suy ngẫm. Không mang trong lời ca quá nhiều mỹ từ hoa lệ, ngợi ca quê hương xinh đẹp thế nào, nhưng vẫn có thể truyền đạt được vẻ đẹp của quê hương qua chính tình cảm của tác giả.
Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em.
Nắng mưa đêm ngày cách trở giờ xa xôi đôi đường.
Người ơi! Có về miền quê hương thùy dương,
nước chảy còn vương bao niềm thương, cho nhắn đôi lời.
Dẫu xa muôn trùng tôi vẫn còn thương sao là thương.
Nhớ ai xuôi thuyền Bến Ngự đẹp trăng soi đêm trường.
Và nhớ tiếng hò ngoài Vân Lâu chiều nao,
ước nguyện đẹp duyên nhau dài lâu, xa rồi còn đâu?
Em ơi! Chờ anh về.
Đừng cho năm tháng xóa mờ thương nhớ
Đêm nao trăng thề, đá vàng ước hẹn đẹp lòng người đi.
Em biết chăng em.
Đã bao Thu rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương.
Mỗi khi sương chiều xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường
Người ơi! Nếu còn vầng trăng soi dòng Hương,
núi Ngự còn thông reo chiều buông tôi vẫn còn thương.
Sông Hương lững lờ.
Người đi năm tháng vẫn còn mong nhớ.
Đêm đêm trăng chờ, đá vàng ước hẹn đẹp lòng người xưa.
Ai biết chăng ai?
Đã bao Thu rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương.
Mỗi khi sương chiều xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường
Người ơi! Nếu còn vầng trăng soi dòng Hương,
núi Ngự còn thông reo chiều buông… tôi vẫn… còn thương.
-Trích lời bài hát Thương về miền trung.