Khi nhắc đến cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy thương tiếc thay cho một nhạc sĩ tài hoa, cống hiến gần như cả cuộc đời mình cho đất nước. Ông dành cả thanh xuân của tuổi trẻ để sáng tác ra nhiều nhạc khúc để đời, lúc đầu là tình ca sau đó chuyển dần sang dòng nhạc thể hiện tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đến tận khi sắp lìa xa cõi đời, ông vẫn cố gắng để hoàn thành hai nhạc khúc trường ca là “Con đường thế kỷ” và “Gió Củ Chi”. Những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mang đến cho người nghe niềm tự hào dân tộc vô cùng to lớn, đó là những bản nhạc đượm tình cảm dành cho quê hương xứ sở, nói lên cái tôi của người con dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ lìa xa cội nguồn, không bao giờ rời bỏ cái nơi đã nuôi lớn ta và sẽ càng không tách rời tình dân tộc, đặc biệt là khi đất nước đang lâm nguy, đang chìm trong khói lửa bom đạn.
Có một bài hát mà khi nhắc đến không ai là không biết, chính là ca khúc “THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM”. Đây là một bài hát khá nổi tiếng của cố nhạc sĩ, là một nhạc khúc mà chỉ cần nhắc đến tên sẽ có người ngâm nga ngay: “Em nghe gì không hỡi em, con chim nó hót vang đầu hè, em nghe gì không hỡi em, con chim nó múa trên cành tre…” – Nhạc khúc có tiết tấu rất mượt mà, giai điệu có phần hơi nhanh chóng và dồn dập như nhắc nhở và thôi thúc mọi người hành động, vì đất nước hôm nay, vì tương lai của ngày mai, và tất cả đều thể hiện được một tình cảm dào dạt dành cho quê hương.
Lòng yêu nước là thứ tình cảm nói dễ cũng không dễ, mà nói khó thì cũng không quá khó. Nó không xa xỉ như bạn hằng nghĩ, mà nó chỉ nằm ngay ở lời ăn tiếng nói, hành động và ý thức của mỗi người mà thôi! Nếu như trong thời chiến, thì yêu nước thường được thể hiện qua lòng dũng cảm, cầm súng trên tay, vác súng trên vai, lao vào chiến trường mà tiêu diệt quân thù, bảo vệ non sông nước nhà. Còn thời bình, chỉ cần như Phạm Thế Mỹ nói cũng là một dạng mãnh liệt yêu quê, ông yêu rất nhiều thứ tại nơi đất nước nhỏ cong hình chữ S: yêu tiếng chim hót, yêu cánh đồng vàng bát ngát, yêu hình ảnh những chú chim tung tăng bay lượn trên bầu trời (như hình ảnh con người Việt Nam được tự do tự tại trong không khí hòa bình), thương màu vàng cánh hoa cúc, thương màu áo em, thương nụ cười ngọt ngào em luôn túc trực (đó là sự hạnh phúc, không có chiến tranh bom đạn, người người được yên vui, gia đình an lành), yêu từng ánh nắng, từng vầng trăng thuần túy không còn nhuộm cùng màu với lửa đạn,…từng chút từng chút một như đẩy lùi sự tăm tối trong tâm hồn.
Mỗi chúng ta, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành và khôn lớn thì gia đình chính là nơi chất chứa tình cảm, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta. Đây chính là nơi mà chúng ta nên yêu thương đầu tiên nhất. Và sau này ta lớn dần, tình yêu thương sẽ được nhân rộng hơn đến làng quê, đến bạn bè, đến xã hội và to nhất mới là Tổ quốc. Câu hát của tác giả: “Yêu quê Mẹ yêu quê Cha, yêu luôn những mái tranh làng xa” – Tình cảm nhân rộng dần thành “Yêu thương người yêu thương ta, yêu luôn những thú hoang rừng già, yêu bạn bè như yêu ta, ôi thương quá trái tim Việt Nam.”. Đấy! Đôi khi tình yêu nước chỉ có đơn giản như thế đấy, dù là bình dị đời thường, nhưng chứa đựng ý nghĩ vô cùng to lớn.
Tình yêu quê hương đất nước sẽ là chiếc chìa khóa để mở ra những cánh cửa vô cùng rộng lớn để đưa quê hương dân tộc ta phát triển và hùng mạnh. Vậy nên tác giả đã truyền tải vào bài hát như một câu kêu gọi mọi người cùng chung sức, phát triển tương lai, dù thế hệ này hay thế hệ sau, dù cho lớp trẻ hiện tại hay lớp trẻ ở tương lai, đều phải một lòng mang đất nước đi lên: “Thắp tim lên thắp tim lên, thắp cho tình người dậy trong ta, thắp tim lên thắp tim lên,thắp cho mặt trời dậy trong ta”.
Lời bài hát “THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã khơi gợi lên trong lòng của mỗi người nghe một lòng tự hào về dân tộc, yêu thương từng cành cây ngọn cỏ, từ động vật đến cây cảnh, từ con người đến làng quê. Đây cũng là một biểu hiện của yêu quê hương đất nước, yêu từ những điều giản đơn đến những thứ cầu kỳ, từ những điều nhỏ nhặt đến tình yêu nước to lớn. Chắc chắn rằng, trong lòng của mỗi người dân Việt Nam đều yêu quý mảnh đất hình chữ S thân yêu này, nhưng mỗi người sẽ có một cách yêu khác nhau, có người sẽ thể hiện tình cảm nồng nàn ấy ra để mọi người cùng biết, nhưng cũng có người âm thầm hy sinh cho Tổ quốc mà không đòi hỏi ghi công sử sách. Có một câu hát rất tâm đắc của nhạc sĩ Vũ Hoàng và cần mọi người tự nhận thức về vai trò của mình với đất nước: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay” – Lời ca này như nhắc nhở chúng ta hãy quên đi cái tôi của mình để hòa nhập với sự phát triển chung, cùng gầy dựng đất nước tươi đẹp và vững mạnh hơn.
Trích lời bài hát Thương Quá Việt Nam:
“Em nghe gì không hỡi em
Con chim nó hót vang đầu hè
Em thấy gì không hỡi em
Con chim nó múa trên cành tre
Hót đi chim, hót đi chim
Hót cho hồng mặt trời quê ta
Hót đi chim, hót đi chim
Hót cho đời nhọc nhằn trôi xa
Chim trên đồng chim trên non
Chim tung cánh xóa tan sương mù
Chim trong hồn chim trong tim
Ôi thương quá tiếng chim việt Nam
Hoa cúc vàng trên sân anh
Xinh như áo mới em ngày nào
Hoa nắng hồng trên quê anh
Xinh như má thắm em ngày xanh
Nắng lên đi, nắng lên đi
Nắng lên hồng nụ cười quê em
Nắng lên đi, nắng lên đi
Nắng lên hồng ruộng mạ xanh thêm
Hoa tim người hoa yêu thương
Hoa thơm ngát thế gian đêm buồn
Hoa trên đồi hoa trên môi
Ôi thương quá cánh hoa việt Nam
Trăng sáng ngời trên môi hoa
Trăng lên tiếng hát vui đêm già
Trăng sáng ngời trên non xa
Trăng xua bóng tối trong hồn ta
Sáng lên trăng, sáng lên trăng
Sáng cho người tìm về bên nhau
Sáng lên trăng, sáng lên trăng
Sáng cho tình người nở đêm sâu
Trăng muôn đời trăng muôn nơi
Trăng đem bóng mát cho muôn người
Trăng thanh bình trăng yên vui
Ôi thương quá ánh trăng Việt Nam
Bao nhiêu đèn bao nhiêu hoa
Bao nhiêu nến thắp lên trong hồn
Yêu quê Mẹ yêu quê Cha
Yêu luôn những mái tranh làng xa
Thắp tim lên thắp tim lên
Thắp cho tình người dậy trong ta
Thắp tim lên thắp tim lên
Thắp cho mặt trời dậy trong ta
Yêu thương người yêu thương ta
Yêu luôn những thú hoang rừng già
Yêu bạn bè như yêu ta
Ôi thương quá trái tim Việt Nam.”