Trong trái tim của mỗi người con Việt Nam, tình yêu quê hương đất nước là thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Mỗi người sinh ra ai mà chẳng có cội nguồn, gốc gác, ai mà chẳng có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, chứa đựng cả một tuổi thơ đầy mơ mộng, nơi mà chỉ cần nghĩ đến lòng ta sẽ đột nhiên bình yên và ấm áp hơn hẳn. Chắc vì lẽ đó mà nhạc sĩ Hồng Vân đã mang ta từ một nơi đô thị phồn hoa trở về nơi miền quê đang trên đà phát triển nhưng vẫn thắm đượm tình cảm nồng nàn. “TÀU VỀ QUÊ HƯƠNG” của nhạc sĩ Hồng Vân không đơn thuần là một bài hát tình cảm khi đôi trai gái rủ nhau về quê mà sinh sống, mà xây dựng tương lai ấm no. Nó còn là tình yêu mà nhạc sĩ dành cho quê hương của mình, mượn hình ảnh của đôi tình lữ để nói đến bản thân mình nhớ quê, mong được về quê đến nhường nào.
Là tác giả của nhạc khúc nổi tiếng “Đồi thông hai mộ” cùng nhiều ca khúc dành cho tầng lớp bình dân Sài Gòn trước năm 1975 – Trần Quý (Hồng Vân) để lại cho khán thính giả yêu nhạc nhiều công lao đóng góp cho sáng tác và biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Với trăm ca khúc với đa dạng chủ đề và phong phú về thể loại, Hồng Vân để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người nghe nhạc bởi chất nhạc bolero trữ tình ngọt ngào.
“TÀU VỀ QUÊ HƯƠNG” cũng là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Hồng Vân được sáng tác vào những năm thập niên 70, khi đất nước ta tiến hành những bước đầu cho ký kết Hiệp định Paris. Bài hát là tình yêu của nhạc sĩ Hồng Vân gửi gắm đến miền quê thân yêu của mình, gửi đến mảnh đất hình chữ S thân yêu trong hoàn cảnh chiến tranh còn chưa đi vào hồi kết. Bằng những giai điệu vui tươi, có phần sôi động, lời ca nhộn nhịp cùng dễ thương, cổ vũ đất nước tươi đẹp, mong cầu một cuộc sống ấm êm trong tương lai. Chấp nhận rời xa chốn đô thị đầy cám dỗ, cùng nhau trở về nơi miền quê nghèo khi xưa để xây dựng và vun đắp cho mái ấm gia đình. Từ đây chúng ta sẽ có với nhau một cuộc sống yên bình, mái lá nhà tranh chỉ ta với ta, nhưng đầy đủ tình thương, bình dị nhưng ngọt ngào hương vị tình yêu.
“Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn
Về đây mình cưới nhau luôn
Về đây mình sống vui hơn
Về đây mình có nhau luôn chẳng bao giờ buồn…..”
Mở đầu bài hát là những lời thuyết phục chân thành của một cô nàng dành cho người yêu, nàng mong chàng có thể buông bỏ mọi thứ nơi phồn hoa đô hội mà về quê trồng rau nuôi cá cùng mình. Chúng ta sẽ cùng nhau bước lên chuyến tàu về quê em, chuyến tàu của tương lai tươi đẹp, chuyến tàu của mái ấm bình yên chỉ anh và em mà chẳng có cám dỗ hay bon chen dòng đời. Em chắc chắn một điều là anh sẽ chẳng bao giờ hối hận khi đặt chân đến đó, bởi ta sẽ được là chính ta, sẽ không chen lấn xô đẩy, sẽ không có sự dẫm đạp lên nhau mà tiến bước. Và cũng chắc là sẽ chẳng có một chàng trai nào nỡ lòng từ chối lời mời gọi thiết tha cùng chân thành của người con gái dễ thương ấy, bởi khi yêu thì làm sao mà chịu được người yêu mình bảo rằng “đô thành ở đây em sống không quen”.
Thêm vào đó chính là lời ngỏ lời từ phía nhà gái, “về đây mình cưới nhau luôn – Về đây mình sống vui hơn” – Hai người sẽ có với nhau một cuộc sống vợ chồng mà bao người hằng mơ ước, đôi vợ chồng trẻ cùng nhau xây dựng hạnh phúc, sẽ chẳng ai ngăn cản lứa đôi, mãi mãi bên nhau suốt đời. Còn gì vui bằng, người mình yêu cũng yêu mình thiết tha và mong cầu được cùng mình sánh đôi cau trầu.
“…..Không ai thương mình bằng tim hai đứa đâu anh
Không ai cho bằng tình yêu em có cho anh
Về đây mình sống như tiên
Một con đường trắng trinh nguyên
Một căn nhà bé xinh xinh, một khu vườn tình…..”\
Một lý do khác thuyết phục gấp vạn lần khi cô nàng khẳng định “không ai thương mình bằng tim hai đứa đâu anh”, “không ai cho bằng tình yêu em có cho anh” không ai yêu anh bằng em yêu anh đâu. Vậy nên anh đừng đắn đo chi nữa mà hãy về với vòng tay của em, cùng em nắm tay trở về quê nhà – Nơi mái ấm bình yên và êm ả, nơi có một cuộc sống thong thả và thoải mái như chốn bồng lai tiên cảnh.
Mở ra một bức tranh tiên cảnh chốn nhân gian với một con đường trắng trinh nguyên, không có dấu hiệu của sự xô bồ chen lấn nơi phồn hoa đô thị, cạnh một căn nhà bé xinh xinh được xây dựng bằng tình yêu của hai đứa mình, một khu vườn tình yêu cất giữ tất cả kỷ niệm vui buồn của đôi lứa. Chẳng mong cầu giàu sang hay phú quý, chỉ mong đôi ta có nhau cùng vui cùng buồn, bắt đầu lại nơi miền quê có anh và em, rồi sau này có những bé con kháu khỉnh, đáng yêu. Cuộc sống ấy tuy có giản đơn nhưng sẽ luôn tràn ngập tiếng cười và tô điểm không gian màu hồng tình yêu.
“…..Em là dâu ngày cưới và anh là chú rể mới
Em đi theo anh em đi theo anh em theo anh về
Em là mây mười hướng còn anh là trăng là bướm
Anh đi nơi đâu anh đi nơi đâu là em ở đó….”
Đôi lứa yêu nhau sẽ chẳng mong cầu điều gì ngoài được hạnh phúc trọn đời bên nhau, em sẽ là cô dâu còn anh là chú rể. Đám cưới miền quê, anh dắt tay em cùng bái thiên lập địa, sánh bước vợ chồng, về chung một mái nhà.
Trong cuộc sống đó, chẳng ai ngăn cản được chúng ta, em sẽ nguyện đi theo anh đến cùng trời cuối đất, chỉ cần anh dắt em sẽ tình nguyện đi, chỉ cần anh muốn em sẽ đồng hành cùng anh. Cuộc sống tự do tự tại như “em là mây mười hướng còn anh là trăng là bướm” chúng ta sẽ nắm tay nhau đồng hành hết quãng đường đời còn lại. Một cuộc sống tự do, vui vẻ và hạnh phúc, không vướng bận phồn hoa, không ôm mối mượn sầu, dù sự đời có ra sao thì anh vẫn còn có em, ta vẫn còn có nhau để khi cần sẽ tìm về nhau như bến bờ của hạnh phúc.
“….Nơi nào yên mình tới và nơi nào thơ mộng nhất
Anh đưa em đi anh đưa em đi anh đưa em về
Chim còn bay về núi thì ta tìm nơi hạnh phúc
Em đi theo anh em theo anh về làm dâu nhà anh….”
Sẽ chẳng có gì có thể ngăn cách được đôi ta, chỉ cần đôi ta yêu nhau, anh yêu em và em cũng yêu anh thì miễn là anh dắt nơi nào em cũng nguyện ý đi qua, kể cả theo chân anh về làm dâu nhà anh. Cô nàng khẳng định tình yêu bất diệt của mình khi sử dụng hình ảnh “chìm còn bay về núi thì ta tìm nơi hạnh phúc”, không có gì là không thể nếu hai trái tim yêu thật sự hướng về nhau.
“….Em theo anh về cùng đi trên khắp quê hương
Xem quê ta nằm mộng mơ trong nắng trong sương
Về đây để thấy quê hương mình đang rộng lớn thênh thang
Dọc ngang một cõi mênh mang cùng trên mọi làng…”
Về để thấy được hình ảnh quê hương ta đang ngày càng phát triển, về để cùng nhau vun đắp cho mái ấm tương lai ngày càng ấm êm, về để nhìn thấy “quê hương mình đang rộng lớn thênh thang, dọc ngang một cõi mênh mang cùng trên mọi làng”. Rồi chúng ta sẽ cùng góp chút sức mọn của mình để vững xây quê hương thêm giàu đẹp.
“….Thương cho con tàu cùng chung như kiếp sân ga
Sinh ra trong đời làm thân đưa khách đi xa
Tàu đi tàu bỏ sân ga, tàu đi tàu vẫn đi xa
Tàu đi tàu đến quê ta để ta về nhà.”
Hồng Vân đã sử dụng thành công hình ảnh của con tàu để ví von như chính bản thân mình khi phải rời khỏi sân ga như quê hương của mình. “Sinh ra trong đời làm thân đưa khách đi xa” bản thân sinh ra nơi miền quê nhưng suốt ngày chỉ mong muốn đổi đời nơi đô thành, cứ chen chấn mong thay đổi được số phận, nhưng cuối cùng thì vẫn quyết định về quê mà xây dựng cơ đồ. Tàu có thể rời bỏ sân ga để đi đến một vùng đất khác, đặt chân tại một điểm đến thú vị nào đó, nhưng sân ga thì vẫn mãi nằm yên nơi ấy mà đời chờ con tàu quay trở về. Cũng giống như quê hương, ta có thể rời bỏ quê hương để đến một mảnh đất mà ta cho là giàu có về vốn sống và hạnh phúc hơn, nhưng quê hương lúc nào cũng dang rộng vòng tay để mà chào đón chúng ta trở lại. Kết thúc của ca khúc chính là ngụ ý, dù bạn có xuôi ngược ở bất kỳ nẻo đường nào đi chăng nữa thì quê hương mãi mãi là nhà, là người mẹ thiên nhiên lúc nào cũng mong chúng ta trở lại.
Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn
Về đây mình cưới nhau luôn
Về đây mình sống vui hơn
Về đây mình có nhau luôn chẳng bao giờ buồn.
Không ai thương mình bằng tim hai đứa đâu anh
Không ai cho bằng tình yêu em có cho anh
Về đây mình sống như tiên
Một con đường trắng trinh nguyên
Một căn nhà bé xinh xinh, một khu vườn tình
Em là dâu ngày cưới và anh là chú rể mới
Em đi theo anh em đi theo anh em theo anh về
Em là mây mười hướng còn anh là trăng là bướm
Anh đi nơi đâu anh đi nơi đâu là em ở đó.
Nơi nào yên mình tới và nơi nào thơ mộng nhất
Anh đưa em đi anh đưa em đi anh đưa em về
Chim còn bay về núi thì ta tìm nơi hạnh phúc
Em đi theo anh em theo anh về làm dâu nhà anh
Em theo anh về cùng đi trên khắp quê hương
Xem quê ta nằm mộng mơ trong nắng trong sương
Về đây để thấy quê hương mình đang rộng lớn thênh thang
Dọc ngang một cõi mênh mang cùng trên mọi làng
Thương cho con tàu cùng chung như kiếp sân ga
Sinh ra trong đời làm thân đưa khách đi xa
Tàu đi tàu bỏ sân ga, tàu đi tàu vẫn đi xa
Tàu đi tàu đến quê ta để ta về nhà.
- Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Thiên Trang – Nữ ca sĩ đa tài nổi tiếng trước 1975
- Ký ức về những ngôi trường nữ sinh trung học nổi tiếng miền Nam trước năm 1975
- “Đường Xa Ướt Mưa” (Đức Huy) – Bức tranh đầy lưu luyến của đôi tình nhân trong đêm mưa ướt đẫm
- Ngắm nhìn loạt ảnh quý của trường Đại học Y khoa Sài Gòn xưa
- Lịch sử tên những con đường tại Quận 5, Saigon từ những năm đầu thập niên 50 đến nay.