Hoàng Thi Thơ vốn là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng Việt Nam từ trước năm 1975. Tất cả sáng tác của ông đều là những ca khúc thịnh hành và có giá trị vượt thời gian, luôn được mọi người đón nhận và yêu thích. Sau năm 1975, ông cùng nhạc sĩ Phạm Duy bị cấm về nhân thân tại Việt Nam (bao gồm cả những tác phẩm của hai người). Mãi đến đầu năm 2009, một số ca khúc mới được cho phép phổ biến trở lại. Khi nói về cảnh giới âm nhạc của Hoàng Thi Thơ thì sẽ là một thiếu sót to lớn nếu không nhắc đến hai nhạc khúc “Đường Xưa Lối Cũ” và “Tà Áo Cưới” – Nó như một quyển hồi ký của cuộc đời ông, hai bài hát được sáng tác vào thời điểm ông trở lại làng Bích Khê sau nhiều năm tha hương nơi quê người.
Sự ra đi và trở lại như một chủ đề kiến tạo cảm xúc trong âm nhạc, nó mang lại nhiều sự vinh quang và gầy dựng nên tên tuổi của không ít nhạc sĩ. Đó là những cuộc ra đi và trở lại nhuốm đầy nước mắt đau thương bởi những biến động của lịch sử Việt Nam thuở đó. Nhiều ca khúc được ghi nhận đến tận ngày nay, dù khói lửa đã nguội, tro tàn cũng đã lắng, những thương đau của cuộc chiến cũng phần nào được xoa dịu; nhưng những ca khúc ấy vẫn gợi nên sự bồi hồi và ngậm ngùi khi nghe lại, những tâm hồn nhạy cảm như một lần nữa chứng kiến khung cảnh với bao thương đau cũ.
Nếu Phạm Duy “thi ca hóa” hình ảnh anh thương binh trong “Ngày Trở Về”; hay sự ngỡ ngàng của Hoàng Giác khi biết người bạn cũ vì “đường tơ” mà siêu chân lạc bước chân trời khác trong “Ngày Về”;…. Tất cả đều là nỗi tha thiết, sự ngỡ ngàng của một người đi tìm một người sau nhiều năm cách biệt, mang theo niềm hy vọng hạnh ngộ cho một câu chuyện tình dang dở. Thì riêng Hoàng Thi Thơ sự trở về trong ca khúc “Đường Xưa Lối Cũ” là con đường trở về tìm mẹ, tìm em. Nó là một câu chuyện kể, một quyển hồi ký có đầu có đuôi được viết bằng âm nhạc.
Lại tiếp nữa, nếu suy xét về tác nhân đưa tới nhiều cuộc “chia cách hai phương trời” của nhân gian là câu chuyện “sang sông” hoặc “lên xe hoa về dinh” của một trong hai. Bởi vậy mới có ca khúc “Tà Áo Xanh” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh hay ca khúc “Sang Ngang” của Đỗ Lễ. Nhưng lại là Hoàng Thi Thơ đơn độc trên con đường một mình với ca khúc “Tà Áo Cưới” được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác vào năm 1960. Không phải khung cảnh chàng trai ngắm nhìn người con gái mình thương bước chân lên xe hoa mà mọi người vẫn lầm tưởng, đây là bài hát của người anh trai dành cho người em gái nhỏ sắp theo chồng về dinh.
“Tôi đi trong nắng Thu mầu nhớ
Ngơ ngẩn vì tiếng gió Thu buồn
Tôi đi trong lá Thu vàng úa
Cứ ngỡ là muôn lá tình thư….”
Mang theo những bước chân dài dạo quanh trong khung cảnh mùa Thu lãng mạn, những tia nắng mang theo sắc màu thương nhớ, những cơn gió nhẹ thoảng mang theo chút u buồn kỷ niệm cũ,..Mùa thu luôn mang đến cho ta biết bao cảm xúc
“…..Hôm nay sao áo bay nhiều thế !
Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu
Ô hay ! Tiếng pháo đâu buồn quá ?
Xác đỏ làm xao xuyến đường hoa…”
Hôm nay sắc áo bay đầy trời, như ngàn bướm đang đua nhau khoe cánh; tiếng pháo hoa cũng rộn ràng cả không gian, xác đỏ điểm tô thêm màu cho đường hoa rực rỡ. Hóa ra hôm nay là ngày vui, ngày mà người em thân thương của chàng khoác lên mình bộ áo cưới nàng dâu, trang điểm thật lộng lẫy và tay trong tay cùng chồng lên xe hoa về dinh. Nhưng sao lòng chợt buồn, không phải nỗi buồn tình yêu nam nữ, mà là nỗi buồn rời xa người thân. Tiếng pháo vốn vui tươi và nhộn nhịp nhưng trong lòng người anh lại như tiếng vỡ của tình thân, nhìn xác hoa đỏ vốn đẹp lại trở nên chướng mắt vô cùng.
“….Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều
Đưa người em gái bước chân đi đi về bến nao ?
Ôi buồn làm sao ! Em có nhớ Thu nào ?
Những tà áo cưới tiễn em đi em lấy chồng
Chim trời theo gió biết nơi đâu đâu mà ước mong !
Cung đàn thầm rơi rơi mãi tiếng tơ lòng…”
Cô dâu rạng rỡ trong tà áo cưới đỏ rực như trái tim thiếu nữ xao xuyến thuở mới yêu, em bước lên xe hoa là bỏ lại tuổi xuân xanh ở phía sau lưng, bỏ lại những mộng ước tuổi thơ mà tiến về phía trước cùng bao hoài bão lớn hơn với người chồng em đã lựa chọn. Những tà áo cưới thướt tha đang bay bay trong ánh nắng chiều Thu vàng nhạt, đồng loạt vẫy vẫy cánh tay chào tiễn biệt người em nhỏ hôm nao. Mai đây em làm dâu xứ người, em sẽ có chồng, có những đứa con, có những hoài bão và ước mơ… Nhưng lại ít được về thăm quê, ít được về vui vẻ dưới ấm gia đình có anh trai và mẹ hiền, cũng ít được về dạo chơi cùng những người bạn đồng niên. Vậy liệu em có buồn hay không? Em sẽ nhớ Thu, nhớ những kỷ niệm mình từng gắn bó chứ?
Nhìn những tà áo cưới tiễn em theo chồng, lòng người anh trai cũng mừng vui vì em mình tìm thấy được hạnh phúc, tìm được một người chồng mà em có thể gửi gắm được tấm thân. Nhưng anh cũng buồn, buồn vì xa em, buồn vì thế sự vô thường, không gian rộng lớn, không biết em có như cánh chim trời – lỡ một ngày lạc cánh, chẳng biết tìm về nơi nao. Nỗi lòng của người anh trai thương em, nên nhìn bước chân em một xa, lòng anh cũng càng nặng trĩu – “Cung đàn thầm rơi rơi mãi tiếng tơ lòng”.
Bâng khuâng trong gió bay tà áo
Gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng ?
Tôi đi đi mãi theo mầu nắng
Nắng để lòng tôi với quạnh hiu.”
Từ nỗi lòng hòa cùng với sự nhung nhớ, người trai cứ bâng khuâng mãi mà lang thang theo từng tia nắng nhạt. Nhìn những tà áo màu cứ tung bay trong gió, chỉ thấy lòng càng thêm nặng gánh, những tưởng dạo bước để với đi nỗi sầu, nào ngờ đâu nắng chiều dần buông lòng lại càng hiu quạnh.
“Tà Áo Cưới” khi nghe qua nhiều người sẽ bảo rằng: Sau ca từ nghe buồn thế, nghe như kẻ thất tình ngắm nhìn người yêu lên xe hoa, nhưng đó lại là nỗi lòng chung của những người làm cha làm, những người anh người chị, khi ngắm nhìn con mình hay em mình có được tương lai tươi đẹp. Là nỗi buồn nhưng chính xác hơn là nỗi lo, lo người thân mình nơi xa bị ức hiếp, lo không người bao bọc hay che chở như ở nhà. Và nó cũng được đan xen bằng niềm vui, vui trong nước mắt khi thấy cuối cùng họ cũng có bến đỗ hạnh phúc
Tôi đi trong nắng Thu mầu nh
Ngơ ngẩn vì tiếng gió Thu buồn
Tôi đi trong lá Thu vàng úa
Cứ ngỡ là muôn lá tình thư.
Hôm nay sao áo bay nhiều thế !
Tôi tưởng ngàn cánh bướm khoe màu
Ô hay ! Tiếng pháo đâu buồn quá ?
Xác đỏ làm xao xuyến đường hoa…
Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều
Đưa người em gái bước chân đi đi về bến nao ?
Ôi buồn làm sao ! Em có nhớ Thu nào ?
Những tà áo cưới tiễn em đi em lấy chồng
Chim trời theo gió biết nơi đâu đâu mà ước mong !
Cung đàn thầm rơi rơi mãi tiếng tơ lòng
Bâng khuâng trông gió bay tà áo
Gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng ?
Tôi đi đi mãi theo mầu nắng
Nắng để lòng tôi với quạnh hiu.
- Mối tình đẹp và viên mãn của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên – Tác giả của những tình khúc bất hủ
- Nhuộm răng đen – Phong tục lâu đời của người Việt xưa
- “Huế Xưa” Một nhạc khúc nổi tiếng về xứ Huế và tình yêu trong thời chiến
- Tục để móng tay dài (Móng tay lá Lan) “Siêu Dị” của người Việt Nam xưa – Càng giàu móng tay càng dài!
- Ngô Đình Lệ Thủy người con gái của ông Ngô Đình Nhu