“Suối Mơ” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1941, khi thiên tài âm nhạc chỉ vừa đôi mươi. Ở độ tuổi “trẻ người non dạ” nhưng Văn Cao đã có cho mình một sự nghiệp âm nhạc, văn học đồ sộ khiến người người mến mộ. Nhiều người cho rằng “Suối Mơ” là tác phẩm âm nhạc được thực hiện bởi hai người nhạc sĩ tên tuổi là Văn Cao và Phạm Duy bởi phần tác giả trong ca khúc có đề tên của cả hai người. Tuy nhiên, theo cách gọi của Văn Cao thì Phạm Duy chính là “Kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn” – Là người mang cảm hứng trữ tình đến cho ông, chứ không thể gọi là đồng tác giả cho ca khúc này.
Bài hát “Suối Mơ” là một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, là một ca khúc tiền chiến trữ tình vô cùng lãng mạn, sự bay bổng mang theo ước mơ của tuổi trẻ. Được vẽ nên bởi nét bút tài hoa của người họa sĩ tài năng vượt bậc, mở ra khung cảnh nên thơ hữu tình nơi núi rừng hoang sơ. Được kể lại, tác phẩm “Suối Mơ” của nhạc sĩ Văn Cao được lấy cảm hứng từ một dòng suối bên đền Cấm, một thị trấn sầm uất ở Lạng Sơn. Nơi đây trước kia chính là nơi tụ tập đàn thơ đối ẩm của các văn sĩ thời tiền chiến bởi khung cảnh yên tĩnh, dịu mát nên thơ với những gốc cây xoài và vải rừng cổ thụ. Nhưng từ khi tuyến đường Quốc lộ 1A được khởi công xây dựng thì cảnh quan nơi đây đã bị mai một. Không khí núi rừng nhẹ nhàng, mát dịu khi có những cơn gió nhẹ thổi qua giờ chỉ còn lại vài khu vườn nho nhỏ.
Nhạc sĩ Văn Cao đưa người nghe đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, từ những niềm vui bất chợt rồi dần vụt tắt nhường chỗ cho nỗi buồn miên man bởi giai điệu của ca khúc và ca từ tinh tế được chọn lọc kỹ càng. Người nhạc sĩ ấy đã tài tình khi chuyển đổi âm giai với lời bài hát từ thơ mộng như chốn “bồng lai” đưa người nghe đi từ sự lâng lâng trong sáng vụt đến tận cùng của hạnh phúc, nhưng lại nhanh chóng chìm dần trong nỗi buồn muôn thuở theo một mối tình êm đềm ngàn đời, lặng lẽ theo con suối rừng róc rách trong mùa cuối thu, cây như trút lá.
“Suối mơ!
Bên rừng thu vắng,
giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương…..”
Những lời ca như thẫn thờ, lơ đãng nhưng lại mang đến một cảm giác như mơ như thơ, đưa người nghe đến với chốn bồng lai tiên cảnh ở đời thực. Dòng suối thoát ẩn thoát hiện giữa mảng cây rừng thu vắng, mang theo dòng nước cứ trôi lững lờ dưới cái nắng nhẹ nhàng phản chiếu những ánh sáng lấp lánh như những vì sao đêm. Hai bên bờ suối là từng rặng cây xanh ngát với bóng đôi cây thùy dương, từng đợt gió nhẹ thổi qua mang sức sống thanh tịnh như gọt rửa mọi muộn phiền trong cuộc sống thường nhật.
“….Suối ơi!
Ôi nguồn yêu mến,
còn ghi khi bóng ai tìm đến.
Đàn ai nắn buông lưu luyến.
Suối hát theo đôi chim quyên
Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối .
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi …..”
Nếu ai đã từng một lần đến với “suối mơ”, đôi bên dòng suối với nước xanh trong vắt đã lưu giữ bóng hình ai trong từng đợt nắng thu. Tiếng róc rách của suối, tiếng đàn êm ái đi vào tai xuyên vào lòng người, âm thanh cây cỏ và muông thú như vang lên một bản đồng ca mùa thu khiến người ta như chìm vào mộng ảo. Khiến ai nghe thấy cũng mơ về một ngôi nhà bên suối, sáng sáng hòa cùng thiên nhiên nghe tiếng chim hót báo ngày mới, đêm đêm cùng với sao trời nói lên bao lời tâm sự. Một cuộc sống thần tiên không hề có muộn sầu của cuộc sống, chẳng có ưu tư hay vướng bận trần gian, như thoát ly khỏi hồng trần bi ai sầu khổ. Cuộc sống như thế này, có mấy ai chẳng mơ ước nhưng lại có mấy người chịu được….
“…..Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.
Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời…..”
Ước mơ thì vẫn mãi mãi là ước mơ, sẽ chẳng thể nào mộng ước đó thành sự thật nếu con người ta không có sự cố gắng, sự phấn đấu để biến nó trở thành sự thật ở hiện tại. Nhưng nếu không thành thì liệu có mấy người chấp nhận buông bỏ muộn phiền của cuộc đời để được trở về với cội nguồn chân thân của chính mình?
Từng tiếng đàn reo vang như “chùng theo với tháng năm”, cứ réo rắt và lưu luyến nơi trần ai khổ hạnh này. Để rồi chàng nhạc sĩ phải để lại một câu cảm thán đầy bi ai cho sự mong ngóng, trông chờ vào hoài niệm: “Rừng còn nhớ tới người”. Bởi từ rất lâu trước đó, nơi hoang sơ thanh mát này, đã từng có một cố nhân lưu tiếng cầm lại trên đời nhưng cuộc đời, số phận cùng những vướng bận trong guồng quay cuộc sống đã mang người “một đi không trở lại”.
“…..Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu .
Với suối xưa trôi nơi đâu”
Nếu lời gọi “Suối ơi!” ở khúc đầu là bức tranh nên thơ và mơ mộng thì ở đoạn cuối bài hát lại gợi cho người nghe sự lưu luyến khôn nguôi khi mong ngóng về quá khứ và đợi chờ trong tương lai. Nơi núi rừng thanh bình và yên ả ngày nào giờ chỉ còn lại vẻ hoang vu, không còn ai đặt chân thăm nom hay bầu bạn. Chỉ còn nghe thấy âm thanh heo hút của núi rừng, tiếng lá xào xạc như trút của cây lá cuối mùa thu. Nơi suối mơ mộng ngày nào giờ cũng chỉ lưu giữ được một chút yêu dấu của ngày xưa. Cũng như người cũ nay đâu mất, giờ nơi này để lại chút hoài niệm khiến người ta khó phai.
Nhạc sĩ Văn Cao được ví như một người họa sĩ dùng âm nhạc để vẽ nên tâm tư của chính mình, nó như một cuốn phim tự sự về con người nhạc sĩ, ông được là chính mình khi bước vào “SUỐI MƠ”. Khi màn đêm buông xuống, con người ta luôn đắm chìm vào những giấc mơ hư ảo, có người vui bởi những giấc mộng đẹp, cũng có người khổ đau vì những ác mộng kéo dài luân phiên. Khi kết thúc giấc mơ này sẽ lại thấy tiếp ảo mộng khác, những giấc mơ dù không có thật nhưng nó lại mang đến cho chúng ta những tưởng tượng về tương lai hay hoài niệm về quá khứ với bao ký ức chồng chéo. Nhạc sĩ Văn Cao đã từng trải lòng, bộc bạch về nỗi hoài niệm khôn nguôi đó: “…đôi lúc kỷ niệm cứ đeo đẳng và không thể quên, những cái đó là những năm tháng tôi tìm được ra những điều mà tôi đã mất đi trong những ngày trẻ tuổi của tôi…”
Suối mơ!
Bên rừng thu vắng,
giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương.
Suối ơi!
Ôi nguồn yêu mến,
còn ghi khi bóng ai tìm đến.
Đàn ai nắn buông lưu luyến.
Suối hát theo đôi chim quyên.
Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối .
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi .
Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.
Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời.
Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu .
Với suối xưa trôi nơi đâu .