Thành phố Sài Gòn quanh năm chỉ có hai mùa – một mùa mưa ướt đẫm đôi vai và một mùa nắng cháy tóc vỡ đầu – dù vậy vẫn khiến cho tâm tư người ta thêm nhiều bận bịu cùng sự nhung nhớ khắc khoải mỗi khi nhớ đến. Và trong âm nhạc, Sài Gòn cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều khúc hát ân tình bất tử. Không chỉ riêng nhạc sĩ Anh Bằng với bài hát “Sài Gòn Thứ Bảy” mà còn nhiều nhạc khúc khác như: “Sài Gòn” (nhạc sĩ Y Vân – Trần Tấn Hậu), “Ghé Bến Sài Gòn” (Văn Phụng), “Nhớ Thành Đô” (Hoàng Thi Thơ), “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” (nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng),…..Thành phố Sài Gòn trong văn học được gọi với cái tên rất mỹ miều – “Hòn Ngọc Viễn Đông”, trong tâm trí của mọi người nó là khu nhà cao cửa rộng, đèn đường sáng choang, xe cộ thì tấp nập với hai bên đường là hàng quán, bảng hiệu đủ màu, đủ kiểu.
Cái tên Sài Gòn đã không còn là chính thức, nhưng không tâm trí, người ta vẫn quen gọi nó với cái tên thân thuộc ấy, vừa gần gũi, vừa hoài niệm. Dù được đổi tên – thành phố Hồ Chí Minh – nhưng trong hầu hết các sách được phát hành chính thức về mảnh đất này, người vẫn lấy cái tên Sài Gòn để đặt tiêu đề đầu sách, như một sự đảm bảo cho nét hấp dẫn của Sài Gòn xưa và nay.
“Sài Gòn Thứ Bảy” là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng với nhóm Lê Minh Bằng, được ký dưới bút danh là Vũ Chương. Đây cũng là một trong những bài hát về Sài Gòn trước năm 1975, diễn tả về nỗi lòng của người chiến sĩ trong một lần về thăm kinh đô như sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”. Dù bài hát mang theo chủ đề về thành thị phồn hoa nhưng lại không quá đậm nét, nó xoáy sâu vào nỗi buồn của người lính trẻ hơn.
“Sài Gòn thứ bảy ngàn hoa trên đường…
Lòng mình cứ tưởng mùa xuân yêu đương
Đời tôi năm tháng phong sương
Dầm mưa dãi nắng biên cương
Nay tôi về kiếm người tôi thương …”
Dạo bước trên đường phố Sài Gòn vào thứ bảy như đi giữa mùa xuân yêu thương, ngàn hoa đua nở, người người sánh đôi vui cười. Những đàn bướm tung tăng cùng với cánh hoa; những chú chim véo von như ca múa; đôi nhân tình thì cười cười nói nói, hạnh phúc, vui vẻ bên nhau. Chỉ có chàng – người lính chiến khu được về phép sau tháng ngày hành quân gian khổ. Muốn gặp lại người thân để xoa dịu nỗi lòng mong nhớ, muốn được thư thái sau bao giây phút căng thẳng trên chiến trường…..nhưng chẳng hiểu sao lòng chợt buồn vu vơ.
Chàng vốn là một người chiến sĩ biên thùy, mang theo trọng trách cùng hàng nghìn thanh niên tỏa về khắp các vùng đất miền xa làm nhiệm vụ hành quân bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngày đối mặt là bom bay lửa đạn, chết chóc hi sinh,…phải trải qua ngày ngày dầm mưa dãi nắng giữ vững biên cương. Hôm nay mới có được dịp về thăm lại quê hương, thăm lại người em nhỏ nơi đô thành….nhưng cảnh còn người mất, người thương chẳng thấy đâu, chàng đã phải mỏi mắt kiếm tìm nhưng trong vô vọng.
“…..Sài Gòn thứ bảy còn ai mong chờ …
Một người lính trẻ về thăm kinh đô …
Người lính chiến ấy là tôi ..
Lần đi khi nắng chưa vơi ..
Gởi trọn nỗi thương cuộc đời..”
Sài Gòn thứ bảy vốn bận bịu với bao lo toan, người người quay cuồng với công việc, có ai còn mong chờ người chiến sĩ trở về thăm kinh đô, có ai còn nhớ người anh hùng đã vứt bỏ tấm áo thường mà khoác lên mình màu áo lính. Hôm ra đi, trời còn chưa vơi nắng, đến lúc về chẳng người ngóng trông, nên vui vì mọi người đều an ổn cuộc sống hay nên buồn vì chẳng ai nhớ thương mình.
Người ta vẫn luôn nhắc nhở nhau: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, cuộc sống luôn công bằng, mình chấp nhận cho đi mà chẳng cần đền đáp nhưng ở đâu đó trong tương lai, vẫn sẽ có người hoài niệm bạn và có cơ hội họ sẽ trả ơn lại cho bạn. Và người chiến sĩ cũng chấp nhận cho đi, chấp nhận “gởi trọn nỗi thương cuộc đời” mà chẳng cầu người nhung nhớ, chàng lính chiến ra đi cùng trách nhiệm với quê hương xứ sở, một lòng cầu mong đất nước sớm thanh bình, người người sớm ấm êm hạnh phúc. Dù lòng lính có chơi vơi hay cô liêu thì chàng cũng chẳng bao giờ thất vọng, chỉ có đôi chút buồn vươn lên ánh mắt mà thôi.
“….Ô hay chốn đây
Bao lần tay nắm tay ..
Nhưng rồi chiều hôm nay
Tôi đi tìm em nào thấy !
Thôi nhé giây phút sống tơ vương !
Ngày mai tôi lên đường
Với những người thương
Tiền đồn vắng vẻ mà sao không buồn
Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn
Còn biết nói những gì hơn..
Tình tôi dâng hiến giang sơn
Chắc người ấy không giận hờn !!!”
Dạo quanh đường phố, bao kỉ niệm ngày xưa ùa về như một thước phim chiếu chậm, những lần tay nắm tay nâng bước trên đường quen, cùng trò chuyện rồi cùng tâm sự, cùng kể nhau nghe tất thảy vui buồn trong cuộc sống. Nàng hậu phương – chàng biên thùy, chỉ mong ngày anh về phép chúng mình được bên nhau, nhưng chiều hôm nay lại chỉ đơn độc nơi lối cũ. “Tôi đi tìm em nào thấy!”, em đã quay lưng rời đi, mang theo luôn một trái tim yêu nồng nàn, để lại đây một tâm hồn lạnh lẽo. Đành vậy! “Thôi nhé giây phút sống tơ vương!”, chàng chiến sĩ cho phép mình buồn hôm nay nữa thôi, chỉ nhớ duy nhất một Sài Gòn thứ bảy rồi mai lại lên đường trở về căn cứ mà tiếp tục nghĩa vụ trên vai.
Nơi đồn vắng miền xa, suốt ngày chỉ có núi rừng và cây cối nhưng sao lại chẳng buồn, còn nơi thành thị nhộn nhịp một thứ bảy, chàng lại thấy vô cùng cô đơn và lạc lõng. Dường như nơi đây chẳng còn vốn cho chàng, chàng còn ai mong nhớ người chiến sĩ này nữa. Thôi đành dâng hết tình cho giang sơn Tổ quốc, chẳng còn thiết gì với chuyện yêu đương mà hãy chuyên tâm cống hiến, “chắc người ấy không giận hờn”….hay chính xác là người ấy có còn để tâm đâu mà hờn với dỗi.
Mặc dù tự đề “Sài Gòn Thứ Bảy” nhưng người ta sẽ chỉ cảm nhận nỗi buồn, nỗi cô đơn của người chiến sĩ trẻ về thăm nhà, thăm thành thị mến yêu, thăm người thương sao bao ngày xa cách. Sự thê lương trong giọng điệu cùng với sự u tịch trong khung cảnh khiến người nghe cũng cảm thấy mủi lòng, yêu thương hơn và đồng cảm hơn cho người chiến sĩ. Nơi mình sinh ra và lớn lên, nhưng chuyến xa nhà về thăm lại cảm thấy lạc lõng, cảm thấy đây không còn là nơi bản thân nên thuộc về nữa. Bị xa lạ trong chính quê hương của mình nên chàng chỉ đành quay lại cùng đồng đội, cùng núi rừng hoang vắng nhưng đầy thân thuộc.
Sài Gòn thứ bảy ngàn hoa trên đường…
Lòng mình cứ tưởng mùa xuân yêu đương
Đời tôi năm tháng phong sương
Dầm mưa dãi nắng biên cương
Nay tôi về kiếm người tôi thương …
Sài Gòn thứ bảy còn ai mong chờ …
Một người lính trẻ về thăm kinh đô …
Ngời lính chiến ấy là tôi ..
Lần đi khi nắng chưa vơi ..
Gởi trọn nỗi thương cuộc đời..
ĐK:
Ô hay chốn đây
Bao lần tay nắm tay ..
Nhưng rồi chiều hôm nay
Tôi đi tìm em nào thấy !
Thôi nhé giây phút sống tơ vương !
Ngày mai tôi lên đường
Với những người thương
Tiền đồn vắng vẻ mà sao không buồn
Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn
Còn biết nói những gì hơn..
Tình tôi dâng hiến giang sơn
Chắc người ấy không giận hờn !!!
- “Tình đẹp mùa chôm chôm” (Giao Tiên) – Mối lương duyên trời định nơi vùng sông nước miền Tây
- Thủ Thiêm cách đây gần 70 năm về trước – Khu đất vàng tưởng chừng như bị lãng quên
- Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Minh Trang
- Soạn giả Ngô Tấn Triển: ‘Hài kịch như căn nhà, mỗi viên gạch là một nụ cười…’
- Hoài niệm một thời đã qua: Những món ăn, hàng quán nổi tiếng ở Sài Gòn xưa