Phạm Thế Mỹ sinh vào năm 1930 (có tài liệu là 1932) tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, mất năm 2009 do bệnh và tuổi già. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu nghệ thuật, có khả năng vượt trội về sáo. Những sáng tác của Phạm Thế Mỹ tập trung nói về những chủ đề phật giáo, hòa bình và dân tộc qua các ca khúc để đời như: “Lửa Thiêng”, “Vẫn Huế Ngày Xưa”, “Thương Quá Việt Nam”, “Rạng đông trên quê hương Việt Nam”…
Bài hát “Rạng đông trên quê hương Việt Nam” là một bài hát nói về Việt Nam của một ngày mới, của tương lai. Tình yêu dân tộc của Phạm Thế Mỹ được ông gửi gắm trong bài hát, một hy vọng tương lai về Việt Nam giàu mạnh đã được ông truyền tải trong từng câu ca.
“Trên đồi núi anh đi qua hoa mai nở trong rừng già
Trên đường về quê hương ta tiếng pháo vang bên làng xa á …
Bóng cây in đầu đình thuở xa xôi với bước chân đi về tuổi thơ vui quê hương ơi
Hãy hát vang lên lời chúc Việt Nam đẹp giàu
cho bao nước mắt yêu thương nhỏ xuống suối ngọt ngào
……
Chờ rạng đông đêm dài Việt Nam chờ bình minh trong hồn rực sáng
Chim trắng bay về nở muôn đóa hoa rừng lúa chín mừng anh em mừng đất nước qua rồi đêm đen
Trên đồng lúa anh đi qua bóng trâu xanh vui ngoài đồng
Trên đường phố anh đi qua có áo mới tươi lên đời ta á …
Nắng mới trên con tàu biển thanh thang
Tiếng máy reo trên đầu núi khai hoang
Hôm nay ta đã thấy yêu thương vừa thức dậy với tình người
Hôm nay ta đã thấy Quê Hương đổ nát rực sáng mặt trời”.
Trên đường những người lính Việt Nam đi qua để tìm kiếm hòa bình, một con đường gian nan không bằng phẳng khi các anh chiến sĩ phải băng đèo lội thác, xuyên qua những khu rừng già. Những khó khăn ấy các chiến sĩ Việt Nam đều có thể gánh chịu được để giữ gìn tổ quốc, khó khăn các anh trải qua đều có thể chấp nhận được để có được hy vọng mai sau. Hy vọng ấy như một đóa hoa mai đang nở. Tuy chưa thành hình, chưa có được thành công nhưng chỉ cần suy nghĩ đến ngày hoa mai nở rộ, ngày quê hương giải phóng là bao mệt nhọc trên vai lại trở thành động lực đối với các chiến sĩ nhân dân ta. Rồi sẽ có ngày các anh về lại quê hương, đất nước sẽ đón chào anh bằng tiếng pháo hoa, những bông hoa tươi thắm và những nụ cười hạnh phúc của con người Việt Nam.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam do Duy Khánh trình bày.
Để có được sự hòa bình độc lập của Việt Nam ngày nay, đó còn là một phần công sức của nhân dân “Hãy hát vang lên lời chúc Việt Nam đẹp giàu”. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, chiến thắng chúng ta nhận được cũng nhờ một phần vào những tình cảm và sự ủng hộ của nhân dân. Sức mạnh tinh thần là liều thuốc để vượt qua gian khổ, sức mạnh đó được người dân Việt Nam trao tặng cho người lính như một món vũ khí vô hình đáng gờm. Rồi sẽ có một ngày gian khổ người lính hy sinh sẽ được đền đáp, những giọt nước mắt mà nhân dân ta đã chảy sẽ trở thành một dòng suối tươi mát cống hiến cho quê hương, đất nước Việt Nam.
Phạm Thế Mỹ sử dụng những hình ảnh “con sông nhỏ, vườn cà, cánh bướm xuân, tiếng ru trưa” để nói về tương lai Việt Nam sau cuộc chiến. Đó sẽ là một Việt Nam hòa bình, thơ mộng nên thơ với con sông nhỏ êm đềm tươi mát, một Việt Nam hăng say sản xuất không còn đói nghèo. Một con bướm nhỏ nhoi còn tung bay khoe sắc mừng cho tương lai đất nước. Nhân dân ta nếu có được hòa bình sẽ còn hạnh phúc nhường nào. Cống hiến của các chiến sĩ sẽ được đền đáp, dù hy sinh nhưng công lao của các anh sẽ luôn mãi khắc ghi trong lịch sử Việt Nam, những cây nhang nồng thắm, cái cúi đầu tưởng niệm cho sự cống hiến của các anh.
Như Phạm Thế Mỹ đã viết, những điều đó sẽ thành tương lai không xa, có thể còn tươi đẹp hơn thế nữa. “Chờ rạng đông đêm dài Việt Nam chờ bình minh trong hồn rực sáng”, rạng đông ở đây là tương lai, là chiến thắng. Đêm tàn rồi sẽ sáng, đó là điều không bao giờ sai, Phạm Thế Mỹ như muốn khẳng định Việt Nam ta chắc chắn sẽ thành công. Trong màn đêm dài vô tận mà ta trải qua, những cánh chim bồ câu trắng sẽ mang hòa bình đến, xua tan đi sự thống trị của bóng đêm: “Chim trắng bay về nở muôn đóa hoa rừng lúa chín mừng anh em mừng đất nước qua rồi đêm đen”. Hình ảnh con trâu trên đồng, người dân mặc áo mới với nụ cười tươi trên môi, ánh nắng lúc bấy giờ cũng thay đổi ấm áp đến lạ thường. “Hôm nay ta đã thấy Quê Hương đổ nát rực sáng mặt trời”: sau chiến thắng, có thể quê hương ta sẽ bị thương, sẽ không còn nguyên vẹn nhưng tất cả sẽ không uổng phí. Với sức người của nhân dân, ta sẽ xây dựng đất nước trên tình yêu thương, cho đất nước sống trong hòa bình của dân tộc, sưởi ấm quê hương bằng ánh ban mai của hòa bình.
Phạm Thế Mỹ với bài ca “RẠNG ĐÔNG TRÊN QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM” như một liều thuốc tinh thần cho dân tộc, một niềm hy vọng về mai sau của người Việt Nam. Lời ca của ông như truyền thêm sức mạnh cho các chiến sĩ thời bấy giờ. Không ai nghe xong bài hát mà lại không hy vọng, không mong chờ vào tương lai tươi đẹp của Quê Hương.
Trích lời bài hát Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam:
Trên đồi núi anh đi qua hoa mai nở trong rừng già
Trên đường về quê hương ta tiếng pháo vang bên làng xa á …
Bóng cây in đầu đình thuở xa xôi với bước chân đi về tuồi thơ vui quê hương ơi
Hãy hát vang lên lời chúc Việt Nam đẹp giàu
cho bao nước mắt yêu thương nhỏ xuống suối ngọt ngào
Trên đò máy anh đi qua con sông nhỏ trôi hiền hòa
Trong vườn cà đang xa hoa cánh bướm xuân múa mừng ta á …
Tiếng ru trưa theo ngọn cỏ đong đưa hỡi cô em láng giềng
thuở xa xưa đây nhang thơm với nến yêu thương hãy thắp từng nấm mộ sâu
Cho mai đây ta hát reo vui mừng sống lại những ngày đầu
Chờ rạng đông đêm dài Việt Nam chờ bình minh trong hồn rực sáng
Chim trắng bay về nở muôn đoá hoa rừng lúa chín mừng anh em mừng đất nước qua rồi đêm đen
Trên đồng lúa anh đi qua bóng trâu xanh vui ngoài đồng
Trên đường phố anh đi qua có áo mới tươi lên đời ta á …
Nắng mới trên con tàu biển thanh thang
Tiếng máy reo trên đầu núi khai hoang
Hôm nay ta đã thấy yêu thương vừa thức dậy với tình người
Hôm nay ta đã thấy Quê Hương đổ nát rực sáng mặt trời
- Bộ ảnh cực hiếm về cuộc sống người Hoa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1975
- Giai thoại về những địa danh của Sài Gòn được cho là dùng để trấn yểm long mạch
- “Cho Người Tình Lỡ” – Ca khúc về mối tình lỡ giữa con gái Chúa Đảo và nhạc sĩ Hoàng Nguyên
- Sài Gòn xưa: Ngắm nhìn dáng hình của những ngôi trường xưa qua bộ ảnh hiếm
- “Màu Kỷ Niệm” – Là tình yêu của người lính khi “Đất Nước trên vai, tình yêu trong tim”