Bài hát “QUÁN NỬA KHUYA” là ca khúc nhạc vàng nổi tiếng được hợp sáng tác bởi hai nhạc sĩ Hoài Linh và Tuấn Khanh. Đây cũng là sự kết hợp hết sức thú vị, bởi lẽ nhạc sĩ Hoài Linh là một trong những tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng hiện đại. Còn nhạc sĩ Tuấn Khanh (sinh năm 1933) lại là một nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc tiền chiến và nhạc thính phòng. Hai người gần như hai tư tưởng trái ngược nhau, lại kết hợp với nhau vô cùng hoàn hảo, để cho ra vô vàn những nhạc phẩm nổi tiếng như: “Hai kỷ niệm một chuyến đi”, “Giọt lệ vu quy”, “Những ngày xa cách”,…..Sở dĩ có sự kết hợp này là do thời điểm ấy, dòng nhạc vàng rất được người nghe đón nhận, nên nhạc sĩ Tuấn Khanh tạm thời gác những thể loại tiền chiến, thính phòng sang một bên mà theo đuổi dòng nhạc vàng này. Nghe danh nhạc sĩ Hoài Linh đã lâu, vì ông cũng là người khá nổi tiếng trong giới, nên nhân duyên hợp tác bắt nguồn từ đây để cho ra đời hàng loạt ca khúc. Nhạc phẩm “QUÁN NỬA KHUYA” được nhạc sĩ Tuấn Khanh viết lời cho những câu đầu tiên, phần lời còn lại được Hoài Linh viết tiếp và lấy cảm hứng từ một hoàn cảnh có thật mà Tuấn Khanh đã trải qua trong quá khứ, Hoài Linh đã vẽ nên một bức tranh quá khứ chỉ bằng những lời kể miệng. Được hỏi tại sao nhạc sĩ Tuấn Khanh không tự mình viết lời cho bài hát mà phải nhờ vào nhạc sĩ Hoài Linh, tác giả đã tự nhận rằng mình không chuyên trong dòng nhạc này, thế mạnh của ông là dòng nhạc âm hưởng Tây phương – Đó là những bài hát có ca từ sâu sắc, được lựa chọn cẩn thận cho phù hợp với từng dòng nhạc. Nên ông đành cậy nhờ vào nhạc sĩ Hoài Linh với danh người viết lời nhạc hay nhất trong làng nhạc vàng.
Hình ảnh “Quán nửa khuya” được nhắc đến trong bài hát chính là quán nhỏ vùng quê miền Bắc, ở góc nhỏ của chợ Ô Mễ của tỉnh Thái Bình ngày nay. Sở dĩ được gọi là “Quán nửa khuya” vì quán này được mở cửa đến tận hai giờ sáng. Người lui tới quán nhỏ thường là những người tản cư, những người ở các chiến khu ghé quán để chào hỏi thăm nhau, trò chuyện, tâm tình,…..Trong những năm này, nếu người người dám bàn tán về chuyện tản cư, hồi cư,…đều sẽ bị trừng trị, nên luôn phải cẩn thận từng ly từng tí. Còn nơi quán nhỏ này, người ta có thể tự do tự tại, thoải mái mà tám chuyện, không lo tai vách mạch rừng.“QUÁN NỬA KHUYA” là bài hát kể lại câu chuyện, vẽ lại bức tranh của hai người bạn gặp mặt nhau nơi quán nhỏ vào lúc nửa khuya để cùng trò chuyện, để cùng tâm sự. Muốn đến quán đêm phải băng đồng, qua suối, mới có thể cùng nhau tiếp nối đôi lời tâm sự.
“Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói,
trút tâm tư vào đêm vắng canh dài,
quãng đời tôi tàu đêm vắng không người vẫn lặng trôi.
Tôi là người tha hương đi bốn phương.
Anh là người quân nhân vui gió sương.
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay tay cầm tay….”
Những hình ảnh đầu tiên của ca khúc này chính là hình ảnh của hai người bạn, gặp mặt nhau nơi quán nhỏ cùng nhau tiếp tục câu chuyện tâm tình vào lúc nửa khuya. Tình cảm này tuy chỉ là tình bằng hữu, nhưng lại thân thiết vô cùng, đến mức “tay cầm tay” làm cho người nghe cứ ngỡ đây là hình ảnh của một đôi nam nữ đang hẹn hò. Nhưng hình ảnh tiếp đó lại giúp ta tỏ tường một chín một mười, anh là một quân nhân vui đời gió sương nơi chiến trường núi rừng, tôi lại là một người tha hương đi khắp bốn phương tìm gặp tri kỷ.
Ánh sáng trắng của những quán thông thường, được nơi cà phê nhỏ thay bằng ánh điện tiết kiệm nên mới có hình ảnh “quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói, trút tâm tư vào đêm vắng canh dài…”. Đây không phải là hình ảnh thê lương hay buồn bã, nó chỉ là sự vắng lặng của màn đêm, rời xa phố phường tấp nập, nhưng quán chẳng vắng đi tẹo nào mà thậm chí còn có phần đông đúc. Những tốp người đến người đi, ra vào nhẹ nhàng và chậm rãi. Còn với tác giả, không dễ gì mới gặp gỡ được tri kỷ hôm nay, nên vô lo mà tâm tình, những nỗi sầu bi cứ như một làn khói bị gió cuốn đi.
“….Nói bạn nghe từ khi say viễn xứ,
gót chân in ngàn muôn lối sông hồ,
áo sờn vai tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?
Hoa nào mà không phôi pha sắc hương?
Ân tình nào mà không gây vấn vương?
Lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương để tìm thương….”
Dường như cuộc sống quá vội vã và bộn bề, đôi ta là bạn bè, hôm nay gặp nhau tâm sự, nhưng đến ngày mai ta lại chia xa, nhanh đến mức chớp mắt một cái đã chẳng thể nhìn thấy nhau. Bạn mới ta có thể có rất nhiều, nhưng bạn cũ có lẽ ta chỉ có thể giữ họ ở trong tim, chỉ biết “tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?” – Vì đây là bạn thân, là tri kỷ.
“Hoa nào mà không phôi pha sắc hương? – Ân tình nào mà không gây vấn vương?” – Có hợp ắt có tan, có gặp mặt ắt có sự chai lìa, nên tác giả chỉ biết lê đôi chân trên chốn xưa, cầu mong một điều may mắn sẽ đến để có thể tìm gặp được người tri kỷ.
“….Dĩ vãng tìm đâu thấy
như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay.
Cố xóa tình xưa ấy
ngân tiếng tơ chùng để tìm quên hương đắng cay.
Muốn nhắn nhủ thời gian
ai mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân.
Áo trắng màu sương gió
ngưng gót xuôi ngược để tìm về nơi bến mơ…..”
Câu hát nghe qua tưởng chừng như dành cho đôi tình nhân bị chia cắt, nhưng đây lại là câu hát dành cho đôi tri kỷ, người nơi chiến trường đầy nguy cơ, người tha hương bốn phương không nơi dừng chân cố định. Chia tay nơi quán nhỏ, biết ngày nào trùng phùng, chỉ biết lượm nhặt chút kỷ niệm để nhớ về nhau, để thấy tình tri kỷ mãi bền lâu
Xa nhau quá lâu, chút kỷ niệm còn xót lại cũng như bóng mây chiều lững lờ theo làn gió trôi mất. Không biết là do người xưa cố tình xóa nhòa hay vô tình bị lãng quên theo từng tiếng ngân tơ cay đắng. Chỉ muốn nhắn nhủ đôi chút với khoảng thời gian ấy, vẫn luôn có người ngày ngày nhớ người cố nhân.
“….Quán nửa khuya bạn, tôi chia tay nhé!
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về,
xiết chặt tay để ghi phút phân kỳ, tiễn người đi.
Sa trường anh lại đi vui gió sương.
Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương.
Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi!”
Bạn bè tuy không nhiều nhưng cũng chẳng phải là ít, người nào ta cũng có thể nói chuyện, người nào ta cũng có thể vui chơi, nhưng mấy ai thật sự chịu nghe ta tâm sự, hay chỉ là vạn bất đắc dĩ. Đôi khi trên đường đời, gặp được nhau đã khó, gặp được một người bạn thật sự còn khó hơn gấp trăm ngàn lần. Vậy nên khi vô tình gặp nhau, cùng tâm sự, cùng hỏi thăm nhau, để đến khi xa cách ta lại thấy nhớ nhung cái khoảnh khắc ấy khôn nguôi. “ Sa trường anh lại đi vui gió sương, sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương” – Góc cà phê đó vẫn còn, những đôi bạn ấy giờ còn đâu, anh thì nơi xa trường, còn tôi vẫn phải tha hương trong cuộc đời chông chênh này. Giờ đã chia tay, nên lòng này thấy nhớ, nhớ chúng ta từng là bạn, từng ngồi cạnh hàn huyên mỗi đêm ở nơi góc nhỏ về chuyện đời, chuyện thế sự trần gian. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm! “Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi – bạn đường ơi!”.