Thuyền Quyên, theo sử xưa ghi nhận, cô nàng chính là một nữ học trò của nhà thơ Khuất Nguyên ở bên Trung Quốc. Vua Sở Hoài Vương có một vị thứ phi mưu cầu liên minh cùng giặc để chiếm lấy nước Sở, Khuất Nguyên biết được âm mưu nên đã ra sức khuyên can Đức vua. Thứ phi biết được đã bỏ tiền, vàng ra mua chuộc hầu hết quan lại triều đình và phao tin rằng Khuất Nguyên bị điên loạn. Cũng từ đó, mà chẳng còn ai tin lời nói một phía của Khuất Nguyên nữa, họ đều tin theo lời của vị thứ phi kia, thế là, cả triều đình chẳng ai muốn qua lại cùng nhà thơ và họ gần như xa lánh ông. Duy chỉ có người học trò nữ mang tên Thuyền Quyên một lòng hầu hạ thầy, bởi chính cô cũng đã đem lòng yêu người thầy của mình. Thuyền Quyên đã chịu đựng tất cả những áp lực từ mọi phía để chỉ mong được trọn tình. Do đó, về sau, người ta vẫn lấy đó làm gương để chỉ thân phận những người con gái gặp trắc trở và lận đận trong chuyện tình cảm, “đó là phận gái thuyền quyên” nghĩa là người con gái ấy có thân phận và cuộc đời khốn khổ như nàng Thuyền Quyên….
Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong sử thi của Trung Quốc và hoài niệm về những câu chuyện tình dang dở nơi quê nhà: Yêu nhau nhưng chẳng đến được với nhau, đôi người đôi ngả chia cách hai phương trời, mà nhạc sĩ Giao Tiên đã viết nên ca khúc hay về thân phận của người con gái “Phận gái thuyền quyên” cùng nhạc sĩ Nguyên Thảo. Từ năm 1965 đến năm 1975 chính là đoạn thời gian Giao Tiên phục vụ trong quân dịch nên sự nghiệp sáng tác của ông cũng khởi đầu từ những năm 1965. Và ca khúc “Phận gái thuyền quyên” chính là ca khúc đầu tay của ông và cũng là nhạc khúc nổi tiếng, được sáng tác vào năm 1970 với sự cộng tác cùng nhạc sĩ Nguyên Thảo. Bài hát kể về số phận của người con gái và câu chuyện tình dang dở của một đôi nhân tình yêu nhau sâu đậm, họ buộc phải rời xa nhau vì nhiều biến cố trong gia đình. Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, nàng yêu thương một người nhưng lại bị ép nghe theo lời cha mẹ mà gả cho một kẻ chẳng hề có tình yêu. Ca khúc chính là một lời than khóc về thân phận người thiếu nữ, bài tỏ nỗi lòng của người con gái khi tình yêu chẳng được trọn vẹn và đau lòng cho kiếp đời lận đận, lênh đênh trong tình yêu.
Mở đầu cho ca khúc chính là đôi lời tâm sự của một chàng trai, sự đau buồn cho một câu chuyện tình yêu không trọn vẹn mà chấp nhận buông đôi tay để cho người con gái mình thương yên tâm về nhà chồng. Vì “duyên mình lỡ đôi” nên dù lòng có mang theo nhiều sự “vương vấn” cùng nuối tiếc thì cũng chỉ dành thế, vẫn phải chấp nhận kết quả sau cùng chính là mất đi em mãi mãi. Ngày xưa khi đôi tình lữ còn mặn nồng bên nhau, còn trao nhau bao lời yêu thầm lặng, bao ngọt ngào hương sắc uyên ương và bao mộng thắm tươi màu. Nhưng giờ phút chia ly này, bao nhiêu lời yêu đã nói, bao câu hẹn thề đã trao, bao nhiêu nguyện ước đã định sẵn ở thuở ban đầu cũng chỉ xin “đừng tiếc nhớ thương chi” nữa vì này em đã phải cất bước theo người về nơi miền xa xứ, nghe theo lời ép gả của mẹ cha rồi.
Còn về phần người con gái ấy, nàng có thể làm được gì hơn ngoài buộc bản thân phải chấp nhận sang ngang mà bỏ quên đi tình cũ – tình yêu mà bản thân tưởng rằng chính là định mệnh để “cùng người trăm năm thề nguyền gắn bó thủy chung muôn đời” dù chẳng có tình yêu. Chẳng ai biết đó là hạnh phúc hay là đau khổ trong cuộc đời nàng, nhưng rồi sẽ ai lắng nghe tiếng lòng nàng, ai sẽ cản ngăn được quyết định của cha mẹ khi phận là con gái chỉ biết “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà lấy người con chẳng có tí yêu thương mà không được nên duyên cùng người mình yêu. Ba mẹ nghĩ là đó là tốt cho con, là tấm chồng mà cha mẹ đã lựa chọn là chẳng sai, nhưng đó lại là nỗi đau – nỗi đau chung cả đôi tình lữ.
Nàng chỉ còn biết than trách cho phận mình con gái “mười hai bến nước biết bến nào trong”, chẳng có quyền làm chủ nhân duyên và bất lực với khái niệm môn đăng hộ đối của người xưa, khiến cho con cái của mình lâm vào bể khổ chẳng biết thốt nên cùng ai, đến cuối cùng chỉ biết phó mặc cho số phận, xuôi tay theo dòng chảy của định mệnh cuộc đời. Chỉ xin anh lần cuối, đừng hờn giận tội thân em, “xin anh đừng oán trách người đi” và cũng mong anh “thôi đừng mong nhớ”, anh hãy quay về với guồng sống trước ngày không có em, sống “âm thầm đếm thời gian, xóa mờ dĩ vãng mến yêu”, nàng nguyện cầu cho thời gian sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất để chữa lành những vết thương sâu nặng. Vì dù thương yêu còn rất nhiều, đong đầy khó vơi nhưng nàng cũng chẳng biết làm sao cho vẹn toàn. Bên hiếu bên tình, bên nào cũng nặng, nhưng cha mẹ có ơn dưỡng dục và sinh thành lớn hơn núi và dày hơn biển, làm sao nói từ bỏ là từ bỏ, vậy chỉ đành phụ tấm chân tình cùng người thương.
Khúc cuối của bài hát khiến người nghe không thể nào kìm chế được nỗi xót xa, khi mình trở thành người chứng kiến câu chuyện tình dang dở của đôi uyên ương. Sao gọi là xót xa? Bởi tình yêu của người con trai ấy sâu đậm vô cùng, chàng đã yêu người con gái ấy đến độ nâng tầm cho tình yêu trở nên cao thượng. Dù “người đây kẻ đấy cách mấy đò ngang” nhưng chàng không hề mang theo tâm tư oán trách hay cảm thấy bản thân bị phụ bạc “gieo chi lời trách ưu phiền”, bởi chàng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh khó xử của nàng nên vẫn dành cho nàng hai tiếng “thương gọi cố nhân” ngọt ngào. Chàng biết “đôi ta nào phải thiên duyên” chỉ là được định mệnh thương tình mà mang hai kẻ xa lạ đến gần nhau, để cho “phận gái thuyền quyên” được tận hưởng thế nào là yêu thương chân thành và thật sự để rồi sau cùng phải chịu hiếu tình chi phối. Không được duyên vợ chồng nhưng may mắn được hạnh ngộ thành người yêu nhưng thế dường như cũng đủ rồi! Còn về người con gái, nàng chỉ mong mọi người có thể hiểu cho nỗi lòng của nàng, đừng trách nàng là kẻ phụ bạc tham sang phụ khó, “xin thương giùm phận gái thuyền quyên”, chỉ vì số phận phụ nữ em phải lênh đênh trong chuyện tình cảm, chẳng được trọn vẹn câu nghĩa câu tình.
“Phận gái thuyền quyên” thân phận khốn khổ vì chữ tình của nàng Thuyền Quyên, đại diện cho hầu hết thân phận người phụ nữ xưa trong chế độ cũ. Chẳng được chủ ý yêu thương, chẳng được tự do quyết định hạnh phúc của bản thân mình mà phải nhất nhất nghe theo lời sắp đặt của mẹ cha. Ông bà xưa vẫn có câu: “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, con gái phải biết đặt chữ hiếu lên hàng đầu, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện cãi lại lời mẹ cha. Vậy nên người con gái trong ca khúc ấy chỉ biết buông bỏ tình cảm cá nhân mà bước chân sang ngang cho tròn đạo hiếu và người con trai ấy cũng chấp nhận buông tay để không làm vướng bận lòng người thương.
Từ nay thôi đành duyên mình lỡ đôi.
Dù vương vấn mãi cũng thế mà thôi.
Khi xưa thầm nói yêu nhau.
Bao nhiêu mộng thắm ban đầu.
Thôi xin đừng tiếc nhớ thương chi.
Từ nay đôi mình thôi đừng nhớ mong.
Mười hai bến nước biết bến nào trong.
Tuy em đành phải sang ngang.
Thương yêu ngày cũ chưa tan.
Xin anh đừng oán trách người đi.
Thôi! Từ đây thôi nhé!
Anh về sống âm thầm đếm thời gian
xóa mờ dĩ vãng mến yêu.
Anh! Xin hãy quên đi
cho kẻ vu quy cùng người trăm năm
thề nguyền gắn bó thủy chung muôn đời.
Từ nay thôi đành thương gọi cố nhân.
Người đây kẻ đấy cách mấy đò ngang.
Đôi ta nào phải thiên duyên
gieo chi lời trách ưu phiền.
Xin thương giùm phận gái thuyền quyên/