Cái tên Hàn Châu đã không còn xa lạ với khán giả yêu thích dòng nhạc vàng bởi những giai điệu Bolero nhẹ nhàng, lãng mạn. Nhưng trước đó, nó lại là một cái tên chưa được chú ý đến, mãi đến năm 1966, khi sáng tác ca khúc “Ngỏ hồn qua đêm” nhạc sĩ Hoàng Trang đã thêm cái tên Hàn Châu vào phần tác giả nên nhiều người lầm tưởng đây là sáng tác đầu tay của ông. Và cũng từ đây cái tên đó đã gắn liền với ông và dần được khán giả đón nhận. Cũng bắt đầu từ đây nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hàn Châu cũng trở nên nổi tiếng như “Ngày mai tôi về”, “Người tình đầu non”, “Thành phố sau lưng”,….và đặc biệt là nhạc phẩm “NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU”.
Chính ca sĩ Hoàng Oanh đã thu âm lần đầu tiên bài hát này vào trước năm 1975, sau đó thì lại được các ca sĩ: Phương Dung, Băng Châu,…hát lại và cũng được yêu thích cho đến ngày nay. Bài hát “NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU” được mệnh danh là Bản tính ca thời chinh chiến lãng mạn nhất của nhạc sĩ Hàn Châu, ca khúc là lời tâm sự của người lính trân sa trường, ngắm nhìn khung trời đêm được tỏa sáng rực rỡ bởi những đóm hỏa châu lung linh mà lòng chợt nhớ da diết bóng hình người yêu nhỏ. Theo như lời nhạc sĩ Hàn Châu kể lại thì ca khúc này được lấy cảm hứng từ tựa đề một bài thơ cùng tên của thi sĩ Tường Linh trong kỳ công bố giải thưởng cuộc thi thơ. Chỉ mượn nhờ một cái tiêu đề mà sau đó nhạc khúc của ông lại trở nên bất hủ trong lòng mọi khán giả yêu nhạc.
“Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi.
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời.
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối.
Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi…..”
Vào những đêm tối trường kỳ, cứ mỗi lần một đóm hỏa châu được bắn lên trên bầu trời đen đã làm sáng rực cả một vùng trời bao la, giao chiến đang diễn ra ác liệt, nhưng có lúc không bị bao phủ bởi sự im lìm đến đáng sợ, chực chờ cho một “cơn bão” đang sắp đến. Những lúc như thế này, tâm tư của người lính cứ xoay vòng không điểm dừng, những suy tư và mơ mộng lại nhanh chóng hiện lên bóng dáng của người con gái ấy – Người đã khiến trái tim chàng rung lên từng nhịp nhanh chóng. Hình ảnh những ngọn hỏa châu lung linh trong biển trời đêm vắng “bừng lên trong màn tối như mắt em sáng ngời”, soi rõ từng con đường, từng bước chân, từng vết tích để lại của cảnh vật xung quanh, như ánh mắt em dõi theo anh đi bốn phương, qua muôn ngàn lối và “Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi” như bản thân đang được tâm sự cùng người yêu, được bày tỏ tâm tình khi nhớ nhung nhau…
“…..Ôi! Đẹp làm sao, màu hỏa châu
đêm đêm tô son, tô phấn những con đường.
Ôi! Những con đường mang nặng đau thương.
Cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn
bằng những dòng sông chảy xuôi đêm trường.
Ôi! Những dòng sông nhẫn nhục đau thương……”
Trong niềm cô đơn khôn nguôi khi nhớ về quê nhà nới miền xa xôi, cảnh vật hiu quạnh chẳng một người tâm sự sẻ chia nỗi buồn, chàng lính chiến đang đứng canh gác trong màn đêm bất chợt bắt gặp ánh sáng của những đóm hỏa châu, nó như một ngọn cỏ cứu vớt người khi đang gặp khó khăn, nó như một tia hy vọng le lói giữa màn đêm tăm tối. Nếu dưới ánh nhìn của người lính thực thụ thì tia sáng của hỏa châu chính là báo hiệu hãi hùng thì dưới cái nhìn thi vị của người nghệ sĩ nó lại chính là một nàng thơ xinh đẹp, mỹ miều. Bởi nó còn biết tô son, tô phần cho những chặng đường của đất mẹ đang mang nặng những niềm đau. Soi đèn cho anh để em có thể “nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn bằng những dòng sông chảy xuôi đêm trường.”
“……Dưới ánh châu hồng, anh ngồi gọi thầm tên em.
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về.
Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới.
Khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới,
có nhau trong đời đêm trường không sợ lạc loài yêu thương.”
Và trong cảnh trời đêm tăm tối, chiến tranh hai nước đang diễn ra kịch liệt nhưng giây phút ấy người lính vẫn đủ sự lãng mạn và mơ tưởng về người mình yêu, anh đã “gọi thầm tên em” và tưởng tượng rằng những đóm hỏa châu đang tỏa sáng trên khoảng trời rộng chính là “hoa đăng ngày cưới” của đôi ta. Người lính chiến mong một ngày không xa, cuộc chính chiến này sẽ kết thúc, mở ra một thế kỷ hòa bình cho dân tộc và hạnh phúc của anh sẽ được mở ra khi được về với tiếng gọi yêu thương của tình yêu. Anh tin, chỉ cần có niềm tin thì sẽ được ở bên nhau, mà khi bên nhau thì dù có khó khăn thế nào cũng sẽ vượt qua và đi đúng trên con đường của đôi lứa. Đây không phải là sự lơ là khi đang chinh chiến, cũng không phải sự mất cảnh giác khi mãi mộng mơ, mà nó chính là những động lực để cổ vũ cho người lính hêm nâng cao ý chí chiến đấu. Thật là có đầu óc tưởng tượng, còn gì thi vị hơn, ý thơ nào tình tứ hơn….
Với những người sống nơi đô thị xa hoa và rực rỡ ánh đèn đường sẽ chẳng bao giờ ngắm nhìn được khung cảnh vĩ đại khi được chiếu rực bằng hỏa châu trong đêm trường, nhưng với người nông thôn hay những thành phố nhỏ vùng ven sẽ chẳng còn xa lạ và với họ ca khúc “NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU” chính là cả bầu trời kỷ niệm. Cảnh tượng vừa đẹp, lại vừa thơ mộng nhưng cũng chứa đầy nỗi hoang mang và lo sợ. Nhạc sĩ đã vẽ nên một nét thơ mộng trên bức tranh đầy sự sợ hãi của những người lính chiến tạo nên một nét đặc biệt không gì sánh bằng.
Từng giai điệu ngọt ngào cộng với lời ca đầy thi vị, thêm vào đó là giai điệu Bolero nhẹ nhàng, nhạc sĩ Hàn Châu đã mang một màu sắc mới cho nền âm nhạc Việt Nam với ca khúc “NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU” đầy tình ý. Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh đang tàn khốc nhưng trái tim của người lính vẫn ấm nóng nồng nhiệt, vẫn cháy bừng nên ngọn lửa tình yêu – Thứ tình cảm đã thôi thúc anh thêm phần cố gắng, mong muốn nhanh chóng kết thúc quãng đời thân chinh để về nơi chốn quê nhà, nơi có một tình yêu ngọt ngào đang chờ đợi. Có thể nói, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Hàn Châu vẫn truyền được một thông điệp lạc quan và đầy lãng mạn để cổ vũ tinh thần người lính chiến.
Trích lời bài hát Những Đóm Mắt Hỏa Châu:
Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi.
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời.
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối.
Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi.
Ôi! Đẹp làm sao, màu hỏa châu
đêm đêm tô son, tô phấn những con đường.
Ôi! Những con đường mang nặng đau thương.
Cho anh nhận diện quê hương giữa đêm đen buồn
bằng những dòng sông chảy xuôi đêm trường.
Ôi! Những dòng sông nhẫn nhục đau thương.
Dưới ánh châu hồng, anh ngồi gọi thầm tên em.
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về.
Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới.
Khi chiến chinh hết rồi, tương lai ta tìm tới,
có nhau trong đời đêm trường không sợ lạc loài yêu thương.