Dân nước Việt Nam qua bao nhiêu năm giành độc lập, lại chuẩn bị tiếp đón một mùa xuân thanh bình. Mùa Xuân đến và để lại cho người ta biết bao niềm vui và những cung bậc cảm xúc về mùa xuân không thể thốt nên lời. Những đứa trẻ nhỏ mong mùa xuân với những bao lì xì đỏ thắm, những người lớn với những rung cảm mùa xuân như tình đầu chớm nở, còn với người tha hương thì xuân sang tết đến lại chính là dịp để người người hội ngộ, gia đình sum họp đoàn viên. Mỗi mùa xuân đối với mỗi lứa tuổi sẽ có những niềm nhớ riêng, nỗi nhớ sẽ được chất đầy và theo con người ta đến suốt cuộc đời. Khi chúng ta đôi mươi, những niềm nhớ về một buổi chiều xuân thiết tha và nhung nhớ, lại có đôi chút đáng yêu của tuổi cập kê, ngồi một mình nơi góc nhỏ, nhìn lại để nhớ những ký ức đã trôi qua…..Đó cũng chính là câu chuyện được nhắc đến trong bài hát “NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Không còn câu từ nào hay hơn và đẹp hơn để diễn tả về người nghệ sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, bởi ông không chỉ là một nhạc sĩ đa tài, mà còn là một nhà nghệ thuật âm nhạc và một Đại tá cấp cao trong Bộ binh cao cấp. Vừa là người chỉ huy xuất sắc, vừa là người truyền cảm hứng âm nhạc tài năng, Nguyễn Văn Đông khiến nhiều người ngưỡng mộ và xem ông là một tấm gương điển hình để noi theo. Năm 14 tuổi đã theo học trường Thiếu sinh quân, vừa học binh vừa học thêm âm nhạc cùng các giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp. Có lẽ do năng khiếu từ bé, nên chỉ trong một thời gian ngắn học tập, ông đã trở thành thành viên của ban nhạc thiếu sinh quân, cùng với việc học cách sử dụng của nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông đã có được những tác phẩm đầu tay mang tên “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”,….Nguyễn Văn Đông là một nhạc sĩ xuất sắc trong những dòng nhạc thuộc thể loại nhạc vàng, tình khúc 1954 – 1975,…rất nhiều tác phẩm của ông được viết về chủ đề người lính chiến sĩ miền Nam thời đó. Có thể là do bản thân cũng là một người lính nên ông thấu hiểu sâu sắc những cảm xúc của họ, đồng cảm với họ và thay lời họ để cho ra nhiều sáng tác đi sâu vào lòng người đến vậy. Ngoài ra còn có nhạc về chủ đề tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất mẹ, những ca khúc nhạc xuân,…..và điển hình là “NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN”.
“NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN” bài hát được sáng tác bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và đã được nhiều danh ca, ca sĩ trình bày như Hà Thanh, Thanh Tuyền,….Bài hát được sáng tác vào khoảng cuối năm 1957 khi Nguyễn Văn Đông được cử đi du học tại Hoa Kỳ trong khóa học Chỉ huy Tham mưu sơ cấp, nơi ông đã gặp được nàng thơ ngoại quốc làm ông say đắm. Tiếng đàn của chàng Trung úy Việt Nam cũng lấy đi trái tim thiếu nữ của nàng – Một vị tiểu thư bản xứ. Chàng đã vì nàng mà nguyện đánh đàn, cất lên từng tiếng ca của bài hát mà nàng yêu thích,….nhưng chỉ dừng ở đó, kết thúc hoàn toàn sau khóa tu nghiệp của Nguyễn Văn Đông. Cũng rất khó để hai con người không cùng chung dòng máu dân tộc, người trời đông, kẻ trời tây, làm sao được chấp thuận, huống hồ thời điểm ấy nước ta còn đang kịch liệt chống giặc ngoại xâm. Dù trước khi chia tay, để bản thân có thể quay về Việt Nam hoàn thành sứ mệnh dân tộc, nhưng chiến sự lại chẳng cho phép, nên chàng chỉ đành lỡ hẹn mà thôi. Và rồi một buổi chiều xuân, khi người người còn đang náo nức chờ đợi một cái Tết sắp đến thì nhạc sĩ lại một mình nhớ lại những kỷ niệm xưa cùng nàng ngoại quốc, cũng là sự tiếc nuối của tác giả khi nghĩ về nàng…..
“Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi . . . bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi . . . em ơi !…..”.
Tình yêu và mùa xuân thường được ghép đôi cùng nhau, cũng có thể là do mùa xuân là mùa đơm hoa kết trái, cũng như người ta khi yêu lúc nào cũng mật ngọt như cảnh sắc ngày xuân. Người ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mùa xuân đi qua và tình yêu vẫn còn ở lại đồng hành cùng ta qua năm tháng. Nhưng cũng khổ sở thế nào khi tình yêu được chắp cánh bay xa và không tuần hoàn như mùa xuân của mẹ thiên nhiên.
Tại sao lại là hoa cười? Tại sao không sử dụng hình ảnh khác để thay thế? Bởi hoa làm sao có thể cười tươi như người được, phải chăng đây là hình ảnh của người xưa, còn tác giả chỉ đang nhìn vật nhớ người mà thôi. Chiều hôm ngày xuân, Nguyễn Văn Đông đã chìm trong hồi ức của bản thân khi nhìn hình ảnh của “hoa cười” lại nhớ đến người thiếu nữ xinh đẹp nơi phương trời tây ấy. Lòng khơi lên bao nhớ nhung, nhìn mãi về nơi chân trời của nửa vòng trái đất mà chỉ biết ngậm ngùi thốt lên câu hát “Người nơi xa xăm phương trời ấy, người có còn buồn còn thương còn nhớ…”. Những cảm xúc mạnh mẽ nhưng lại được Nguyễn Văn Đông đưa vào bài hát một cách nhẹ nhàng và hợp lý đến lạ.
“…..Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi . . . phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng . . . hình ai?….”
Khi sống trong hồi ức và kỷ niệm, trái tim và những cảm xúc như hòa làm một, những hương hoa hay cảm giác yêu đương của khung cảnh xưa như hiện về ngay trước mắt. Và Nguyễn Văn Đông đã tìm thấy tình yêu ở một nơi vào buổi chiều Xuân hôm ấy, những chiếc lá rơi rụng khỏi cành, những cánh hoa Xuân từ đâu bay về mà ngập cả bầu trời. Có lẽ, nhạc sĩ đã tìm kiếm mãi trong miền ký ức một bóng hình người xưa, cả khung cảnh cũng làm ông nhớ đến….nhưng ông đã tìm mãi tìm mãi….và rồi chẳng tìm thấy bóng dáng của người xưa….
“….Người về còn nhớ . . . khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
Lòng này còn quyến . . . luyến mãi
Đêm Xuân dài mà đâu có hay…..”
Khi yêu, đôi ta đã từng dạo bước qua nhiều nơi, mỗi nơi đi qua đều để lại những ký ức dù đẹp dù buồn. Nắm tay nhau bước đi trên từng con phố, dạo trên từng khúc sông của bờ sông Vienne, chàng đã cất lên tiếng hát với cây đàn, ngân lên từng giai điệu mà nàng say sưa,….Nhưng nay còn đâu, mỗi người mỗi ngã, chỉ còn lại trong tâm mỗi người sự quyến luyến khôn nguôi. Đã từng đón nắng đón gió, từng giang tay đón những cánh hoa, từng trao nhau những ánh mắt không rời,…đánh rơi luôn cả trái tim nơi rất xa bên bờ đại dương ấy. Nguyễn Văn Đông đã chìm vào ký ức, góp nhặt từng chút kỷ niệm, mải mê đến nổi mà đã đến đêm cũng chẳng hay biết….
“…..Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô . . . màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây . . .”
Tình yêu tưởng chừng đã đến và nở ra những nụ hoa xinh đẹp, nhưng bất ngờ nụ hoa ấy lại vỡ tan mà chẳng hề ai hay biết, chúng bị cuốn trôi theo từng cơn gió mạnh, hòa vào không khí trong thời chiến loạn. Niềm vui và nỗi nhớ nhung người tình bé nhỏ cứ đan xen mãi trong lòng của nhạc sĩ như lời ông đã viết “Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời”. Từng ca từ và giai điệu như hòa nguyện vào nhau, đã mang đến cho người nghe bài xúc cảm dạt dào. Chúng ta cứ tưởng rằng cứ mỗi mùa xuân về hoa đua nở chính là hình ảnh người xưa quay về.
Ngoài kia Xuân đang đến trên đầu nhành lá rồi, muôn hoa đang rủ nhau mà khoe sắc hương ngập trời, từng nụ hoa cũng đang thẹn thùng mà nhoẻn môi cười tươi thắm. Ở nơi góc nhỏ nào đó trên quê hương Việt Nam, người nhạc sĩ già ấy có còn mơ màng nghĩ về người xưa hay không? Có đang trầm tư bên khung cửa sổ mà tưởng tượng đến cảnh bắt gặp lại người tình cũ khi nắng xuân đang về không? Và liệu người thiếu nữ khi xưa có còn nhớ về người Trung úy oai phong đã từng cầm đàn và ngâm nga từng câu hát cùng nàng? Hay giờ đây người ta đã là bà ngoại hay bà nội và chẳng còn chút hoài niệm gì về hình ảnh bờ biển chiều hôm ấy….
Có lẽ, đến thời điểm hiện tại, sâu thẳm trong trái tim của người nhạc sĩ già vẫn còn dành một góc cho người tình ngoại quốc. Nỗi nhớ ngọt ngào được tác giả mang vào từng giai điệu bài hát “NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN”, nghe có chút yên bình của một mối tình không kết quả, nhưng vẫn rất tình cảm và rung động hàng triệu con tim của người hâm mộ trong suốt nhiều thập niên qua
Trích lời bài hát Nhớ Một Chiều Xuân của tác giả Nguyễn Văn Đông:
Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi . . . bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi . . . em ơi !
Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi . . . phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng . . . hình ai ?
DK:
Người vê còn nhớ . . . khúc hát
Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
Lòng này còn quyến . . . luyến mãi
Đêm Xuân dài mà đâu có hay
Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô . . . màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây . . .