Âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi sâu vào tiềm thức của hầu hết những người từng nghe, mọi độ tuổi, mọi tầng lớp. Ông viết nhiều về thể loại như tình khúc, nhạc thời chiến, nhạc thiếu nhi, trong đó “Phôi pha” là một ca khúc rất hay được ông viết về cuộc đời. Nội dung bài hát nói về những nỗi niềm của một người đã qua thời trai trẻ. Bằng những lời ca mộc mạc, gần gũi ông đã đem đến cho người nghe những cảm xúc buồn man mác, làm người ta phải chậm lại một nhịp để nhìn lại cuộc đời mình trong cuộc sống xô bồ, hối hả này.
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
ôi phù du
từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua.
Cuộc đời mỗi người đều trải qua muôn vàn thăng trầm, ai cũng có một tuổi trẻ đầy oanh liệt để nhớ khi về già. Mỗi khi nhìn về quá khứ ấy, lòng mỗi người đều dâng trào cảm xúc luyến tiếc, muốn thời gian quay trở lại để được một lần nữa sống trong những ngày xưa ấy. Đêm nay, lẻ loi một mình lặng nhìn vầng trăng mới về, khung cảnh ấy làm cho những dòng suy nghĩ trong đầu dẫn lối tôi về lại với những ký ức xưa. Thời vàng son của một người trai trẻ, với lòng nhiệt huyết đã tung hoành ngang dọc, len lỏi với đời như những bước chân giang hồ để gầy dựng công danh, sự nghiệp, theo đuổi ước mơ. Giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều của cuộc đời, nhìn lại mọi thứ chỉ còn là những kỷ niệm mà chỉ mỗi mình tôi còn lưu giữ lại, với đời này những rực rỡ của ngày xưa như hóa phù du, chẳng còn muốn kể hay bày tỏ với ai, cũng không phải điều gì quá tự hào. Rồi một ngày kia, tôi biết mình sẽ đến bến bờ cuối cùng của đời người, nó là một sự thật hiển nhiên nên tôi bình thản để đón nhận, chẳng lo sợ hay buồn đau, chỉ riêng lòng này bỗng trống trải, hiu quạnh, đời người như cơn gió thoáng qua.
Không còn ai
đường về ôi quá dài
những đêm xa người
chén rượu cay
một đời tôi uống hoài
trả lại từng tin vui
cho nhân gian chờ đợi.
Cả một thời đương đầu với sóng gió, phong ba kề vai cùng những người tri kỷ, người chiến hữu. Cứ ngỡ những mối quan hệ ấy là mãi mãi, nhưng giờ đây khi về già điều còn lại chỉ là sự cô đơn, lẻ loi không một ai bên cạnh. Đường về dài thênh thang với những bước chân rã rời vì không có bạn đồng hành cũng giống như cuộc sống hiện tại vô vị, chẳng biết sẻ chia vui buồn cùng ai. Chỉ mong chờ một người nào đó đến cạnh bên để lòng này có thể tâm sự hết những muộn phiền chất chứa. Mối tình thời trai trẻ giờ đây cũng không còn, những đêm xa người kỷ niệm cũ tìm về làm tôi day dứt, khổ đau, nỗi cô đơn càng tăng thêm vạn phần. Nỗi khắc khoải ấy bám theo cuộc đời này như một chén rượu cay cào xé đến rát cả cổ họng, nóng âm ỉ trong dạ dày, tuy vậy nó mãi làm con người ta chìm đắm không thể dứt ra được. Tất cả những mối lương duyên trong cuộc sống được số phận sắp đặt để giúp đời tôi nếm đủ hương vị đắng cay ngọt bùi, cảm ơn những người đã từng quen biết, những người đã từng gọi nhau là tri kỷ. Giờ đây xin được trả lại hết những món quà mà số phận đã sắp đặt cho cuộc đời này, tôi đã lưu giữ món quà ấy hơn nửa đời người nên nguyện được nhường lại những sợi dây hữu duyên cho lớp người sau.
Về ngồi trong những ngày
nhìn từng hôm nắng ngời
nhìn từng khi mưa bay
có những ai xa đời quay về lại
về lại nơi cuối trời
làm mây trôi.
Mái nhà cũ là nơi luôn trung thành với chủ nhân, dù người có đi mãi đến phương trời nào thì khi quay về mái nhà cũng chân thành, nghiêng mình chào đón chủ nhân với một không gian ấm áp và đầy tình thương. Về lại nơi này để sống những ngày bình yên của đời tôi sau bao năm lăn lộn với cuộc đời. Dưới mái hiên lặng lẽ nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng chiều mưa bay, mặc kệ nắng mưa, cuộc sống cứ chậm rãi, bình thản như vậy. Mắt hướng về phía xa xăm nơi những tầng mây trôi về cuối trời mà liên tưởng đến đời người cũng như số phận của mình. Linh hồn con người kết tinh từ những tinh hoa của đất trời đến khi mất đi thân xác trả về với đất, linh hồn hóa thành mây bay về cuối trời, bay về lại nơi nó được sinh ra để hoàn thành một kiếp luân hồi. Cuộc đời tôi cũng vậy, được sinh ra ở đây, đến cuối cùng cũng trở về lại với nơi này, nơi ngày xưa mẹ hát ru, nơi nuôi lớn tuổi thơ tôi. Để rồi ở nơi này, sống từng ngày nhẹ như những tầng mây lơ lửng cuối trời để chờ đến một ngày hoàn thành kiếp luân hồi của chính đời tôi.
Thôi về đi
đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi
từ vườn khuya bước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa.
Đi một vòng thật lớn, thật dài để rồi nhìn lại cuộc sống cũng chỉ gói gọn trong những cảm xúc khác nhau của con người, nếu ai đó tin vào kiếp luân hồi thì đời người cũng chỉ là một phần nhỏ bé trong nhân gian. Đường trần dù có bao nhiêu thăng trầm, hạnh phúc hay khổ đau thì ai cũng chỉ sống bảy mươi, tám mươi năm, trải qua mấy mùa tóc xanh mấy mùa tóc bạc, đến cuối cùng cũng về lại với đất, không mang theo được gì. Tuy vậy nếu biết trân trọng cuộc sống này thì mọi phút giây trên đời đều quý giá, khoảng cách giữa sự sống và cái chết có khi rất mong manh, và con người sẽ luôn muốn được sống thật tốt dù cho cuộc đời có đẩy đưa ta đến ngõ cụt nào đi chăng nữa. Vì khi sống ta có thể cảm nhận được những điều sẽ đến khi con người rời khỏi cõi đời này, khi ấy ta là những linh hồn cô đơn, lủi thủi sống trong đêm tối, đôi khi muốn thăm lại mái nhà cũ xưa kia cũng phải âm thầm bước về một mình và ngôi nhà cũng chẳng còn chào đón ta. Sự lạnh lẽo, cô độc bao trùm lên cuộc sống của những linh hồn vì thế cuộc sống ở kiếp người dù có tẻ nhạt, phôi pha đến nhường nào thì ta vẫn phải sống thật tốt từng ngày.
Bài hát “Phôi pha” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một ca khúc đầy sâu sắc về đời người. Ông diễn tả những khía cạnh khác nhau của cuộc sống một con người khi đã qua thời trai trẻ. Qua đó người nghe có thể cảm nhận được những cái hay của nhạc Trịnh một cách chậm rãi, từ tốn nhưng thấm thía mãi về sau.
Ôm lòng đêm
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
ôi phù du
từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua
Không còn ai
đường về ôi quá dài
những đêm xa người
chén rượu cay
một đời tôi uống hoài
trả lại từng tin vui
cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
nhìn từng hôm nắng ngời
nhìn từng khi mưa bay
có những ai xa đời quay về lại
về lại nơi cuối trời
làm mây trôi
Thôi về đi
đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi
từ vườn khuya bước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa.
- Hoài niệm một thời đã qua: Những món ăn, hàng quán nổi tiếng ở Sài Gòn xưa
- Nghệ sĩ Hương Lan: Tan vỡ hôn nhân 7 năm và đám cưới ở tuổi 63 bao người ngưỡng mộ
- Nguồn gốc gây tranh cãi của “Phở” – Một món ăn đặc trưng trong ẩm thực Việt Nam
- “Một lần lỡ bước” (Hoài Nam)
- “Tình đẹp mùa chôm chôm” (Giao Tiên) – Mối lương duyên trời định nơi vùng sông nước miền Tây