Ca khúc “Thôi” là một sáng tác ấn tượng của nhạc sĩ Y Vân được phổ từ thơ của nhà thơ Nguyễn Long. THÔI không chỉ là tổng kết của một câu chuyện tình mà còn là những cảm xúc đơn phương của nhà thơ Nguyễn Long. Yêu đơn phương là một kiểu yêu vừa hạnh phúc, vui vẻ lại mang theo nhiều sự bồn chồn, sợ hãi mà chỉ có người từng trải qua mới có thể thấu hiểu được. Yêu nhưng không được yêu, tình cảm trao đi chỉ nghiêng về một phía, còn người kia dường như chẳng mảy may để ý – Có thể nói đây chính là: Câu chuyện của hai người nhưng chỉ có một người nguyện ý viết nên. Dù không yêu đơn phương như Nguyễn Long nhưng nhạc sĩ Y Vân vẫn có thể thấu hiểu được cảm giác tan vỡ khi chẳng được ở bên nhau, thất vọng – bi ai, tất cả niềm đau đan xen, chồng chất. Có lẽ vì thế mà nhạc sĩ Y Vân mới đồng điệu được cùng Nguyễn Long đến như vậy, đẩy những cung bậc tình cảm trong ca khúc đến những nốt cao nhất, ghi lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc.
Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, là một nhạc sĩ tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam với nhiều nhạc khúc đã trở nên bất hủ và vẫn được các ca sĩ tên tuổi biểu diễn tại các diễn đàn, sân khấu lớn. Y Vân có nghĩa là “Yêu Vân” – Một tình yêu nồng nàn dành cho mối tình đầu của ông, người con gái ông yêu vô bờ nhưng cuối cùng mối tình ấy vẫn đi đến kết cục tan vỡ. Cái tên này như một minh chứng tình yêu của ông dành cho nàng và cũng từ đó cái tên này đã theo ông suốt quãng đời sự nghiệp cùng nhiều nhạc khúc nói lên nỗi niềm khôn nguôi ấy: Đò Nghèo, Nhạt Nắng, Ảo Ảnh,…
Quay trở lại với chàng thi sĩ si tình Nguyễn Long, ông đã một lòng một dạ mà yêu thương người con gái tên Thanh Thúy – cũng chính là Hoa hậu Nghệ sĩ được bầu chọn vào năm 1962. Cô là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” tại thời điểm đó, vừa tài năng vừa xinh đẹp, cô hoàn toàn đủ “lý do chính đáng” để cánh đàn ông mê mệt cô và xem như nữ thần, trong đó có cả chàng tình si Nguyễn Long. Dù nhất mực theo đuổi, nặng tình yêu thương, thậm chí còn làm phim về nàng nhưng vẫn chẳng thể lưu lại nơi “mắt xanh” ấy hình bóng của chàng. Bị từ chối, không nhận được sự đáp trả cho mối tình đơn phương, Nguyễn Long mang theo tâm trạng u uất, buồn rầu và trải lòng mình trong bài thơ tự sáng tác “THÔI”. Bài thơ này được nhạc sĩ Y Vân phổ thành tình khúc với giai điệu ấn tượng, để lại dấu ấn khó phai trong lòng nhiều thế hệ.
“Thôi em đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
Thôi em đừng khóc,
Em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu
Làm sao xóa hết tâm tư…..”
Một tình cảm sâu nặng, cố chấp theo đuổi từ tự tin đến tự ti, luôn có cảm giác bản thân chẳng còn tương xứng với nàng nhưng tâm tư dành cho người ấy vẫn chẳng hề thay đổi. Giờ phút này, những giọt nước mắt ấy có cứu vớt lại được tình cảm của anh hay không? Chẳng hề, những giọt sầu ấy chỉ như một sự thương hại cho sự ngu khờ theo đuổi tình yêu của anh mà thôi, nó chẳng thể nào xóa được những tâm tư sâu kín này….
“….Thôi em đừng tới nữa làm gì
Đừng để lòng se lại khúc yêu đương
Thôi em đừng tiếc
Em đừng tiếc, đừng tiếc nữa
Đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn….”
Em đừng rơi nước mắt nữa, nhìn những giọt lệ ấy, anh chỉ cảm thấy tim như đau thắt từng cơn, chỉ muốn được nhanh chóng ôm em vào lòng để vỗ về an ủi. Đừng để anh lại phải một lần nữa dấn thân vào con đường không lối thoát ấy, khúc yêu đương đối với anh như một mê cung không tìm thấy đường ra.
Có lẽ em chỉ thích hợp kiêu hãnh trước công chúng, em chỉ nên vui vẻ với những thành công và người hâm mộ quanh mình, đừng bận lòng và cũng đừng rơi nước mắt vì anh. Đừng để kiếp này của anh phải lần nữa chìm trong u buồn.
“…..Ôi, cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn mùa thu ơi….”
Tiệc nào mà chẳng tàn, yêu đương nào chẳng tan, trong khi mối quan hệ của đôi ta chỉ có anh là người chủ động thì kết cục tan vỡ cũng là lẽ thường tình. Anh chẳng trách em không đáp lại, anh chỉ buồn vì mình không phải là người em chọn.
Giữa dòng đời phong ba, đôi ta được gặp nhau thì cũng đã là duyên phận, nhưng có lẽ nợ chẳng đủ để giữ ta bên nhau. Lời chia ly buồn tê tái khó thốt nên câu, ly rượu bi thương xin một lần uống cạn, để sầu đau sau này không còn nữa.
“….Thôi em đừng nhắc nữa làm gì
Từng nẻo đường in hình bóng chung đôi
Thôi em đừng nhớ
Em đừng nhớ nữa chuyện của mình
Kiếp nay đành lỡ duyên rồi
Thôi đôi bờ vai đừng rung động
Đã hết rồi còn khóc nữa chi em …”
Cuối con đường này, rồi đôi ta sẽ chẳng còn gặp lại nhau nữa, từng nẻo đường in bóng đôi lứa, từng câu chuyện mà chúng mình cùng nhau trải qua – Chỉ xin em hãy quên hết mọi thứ, cũng như nhắc nhở chính mình đừng ôm hoài mộng tưởng mà tâm thêm đớn đau. Nhìn thấy đôi vai bé nhỏ rung rung vì kìm nén mà lòng chàng cũng quặn đau từng cơn, nhưng làm gì được nữa giờ, vì tình nghĩa chẳng còn “đã hết rồi còn khóc nữa chi em”. “Đừng nhắc” và cũng “Đừng nhớ”, cứ để nợ duyên trong kiếp này trôi vào dĩ vãng, để thời gian chữa lành những vết thương sâu, rồi ai cũng sẽ tìm được hạnh phúc thôi.
Cả một bài hát chứa đầy nỗi bi thương, xuyên suốt câu chuyện chính là giọt nước mắt của người con gái ấy, nhưng có thực sự là lệ châu nàng rơi vì chàng hay chỉ là hình ảnh cuối cùng mà tác giả muốn tự an ủi bản thân? Có lẽ chỉ có duy nhất tác giả mới là người thấu hiểu được.
Ca khúc “THÔI” mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc, có buồn đau, có tổn thương nhưng nhiều hơn chắc là sự hối tiếc, hối tiếc vì không được bên người, hối tiếc vì bản thân chẳng thể đồng hành cùng người trên quãng đường còn lại. Kết quả tốt đẹp nhất trong câu chuyện tình một phía, là người mình yêu cũng yêu mình, còn kết quá bi thương nhất chính là người bạn thích không hề thích bạn, thậm chí là chẳng có chút tình cảm nào với bạn, đó là một sự hy sinh uổng công và vô ích. Nhưng may mắn thay cho chàng trai si tình ấy là anh biết cách buông bỏ, chấp nhận buông tay câu chuyện không hồi kết đẹp, chứ không u mê đến đánh mất bản thân mình. Dù vậy, Nguyễn Long cũng đã dành thời gian 10 năm trời để quên đi mối tình này, nhờ thời gian làm dịu đi vết thương ấy. Bỗng nhiên bản thân hiểu ra được một việc – Đó là: “Yêu đơn phương cũng có lúc thất tình”.
Thôi em đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
Thôi em đừng khóc,
Em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu
Làm sao xóa hết tâm tư
Thôi em đừng tới nữa làm gì
Đừng để lòng se lại khúc yêu đương
Thôi em đừng tiếc
Em đừng tiếc, đừng tiếc nữa
Đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn
Ôi, cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn mùa thu ơi
Thôi em đừng nhắc nữa làm gì
Từng nẻo đường in hình bóng chung đôi
Thôi em đừng nhớ
Em đừng nhớ nữa chuyện của mình
Kiếp nay đành lỡ duyên rồi
Thôi đôi bờ vai đừng rung động
Đã hết rồi còn khóc nữa chi em …
- “Tiếng hát với cung đàn” – Ngân nga bản tình ca buồn cùng nhạc sĩ Văn Phụng
- Loạt ảnh về cuộc sống tấp nập ở Công trường Hồng Bàng phía trước Chợ Bà Chiểu những năm 1960-1970
- “Phút Đầu Tiên” (Hoàng Thi Thơ) – Người thương dễ kiếm, tri kỷ khó tìm…có được thì hãy nên trân trọng
- Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Mong Chờ” và tác giả Xuân Tiên
- Cảm nhận về bài hát “Ai đưa em về” của Nguyễn Ánh 9 – Đêm nay ai đưa em về