Chủ đề ma mị có phần hiếm hoi trong nền âm nhạc Việt Nam, nếu có người muốn liệt kê ra danh sách những bài hát ấy, thì phải nói là rất ít bởi số lượng sáng tác được ra mắt chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Nhưng trong cái con số nhỏ nhoi ấy, nhạc sĩ Quốc Dũng vẫn góp mặt vào với ca khúc khá nổi tiếng và lấy đi nước mắt của hàng triệu người yêu nhạc – Ca khúc “NGƯỜI VỀ TỪ LÒNG ĐẤT”.
Nhạc sĩ Quốc Dũng là người con Việt Nam nhưng được sinh ra tại Thái Lan. Khi 3 tuổi, ông đã theo chân gia đình để quay trở lại với quê hương gốc của mình. Ông có niềm đam mê với âm nhạc ngay từ khi còn nhỏ, 10 tuổi ông đã vào học tại trường âm nhạc tại Sài Gòn và tiến dần vào con đường âm nhạc. Những thể loại sáng tác của ông rất đa dạng, từ nhạc trẻ, nhạc vàng cho đến những tình khúc 1954 – 1975 và cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng bất hủ theo thời gian như: “Đường xưa”, “Chuyện hợp tan”, “Điệp khúc mùa xuân”, “Người về từ lòng đất”,…..
Vào độ những năm 2000, bài hát “NGƯỜI VỀ TỪ LÒNG ĐẤT” đã gây sốc với toàn thể khán giả nghe nhạc, khi trải nghiệm một thể loại nhạc độc đáo. Không còn là tình cảnh đơn thuần của đôi lứa yêu nhau rồi bị chia cắt, hay đôi người đôi ngả vì một lý do nào đó. Mà ca khúc này chính là tâm sự và nỗi niềm của một người đã mất, nhưng linh hồn chẳng thể siêu thoát được vì nhớ mãi người con gái mình yêu. Đôi tình nhân trẻ đang hạnh phúc cùng nhau, cùng ước mơ xây đắp về một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng trời cao trớ trêu, đã mang anh đi mãi chẳng thể quay lại. Anh bỏ lại người yêu nhỏ nơi phòng vắng cô đơn, nên lòng còn nặng mối tình, chưa thể giải thoát được cho bản thân. Người con trai trong bài hát “NGƯỜI VỀ TỪ LÒNG ĐẤT” có một sự mạnh mẽ mà không phải ai cũng có được, chàng không ngại âm dương cách biệt, mạnh dạn quay về tìm gặp người yêu dù đó chỉ là trong giấc mơ. Một phần để an ủi bản thân, luyến tiếc không nỡ rời bỏ người mình thương. Một phần như an ủi cô nàng đừng quá thương tâm, anh như chứng minh với nàng rằng, anh sẽ mãi mãi bên em dù nơi chân trời góc bể nào…Bài hát có lẽ đã lấy đi nhiều nước mắt của người nghe, khi tưởng tượng đến khung cảnh của một người trai cô đơn, lặng lẽ bay qua những nơi mà đôi lứa từng mặn nồng để hoài niệm lại một mối tình không thể cứu vãn.
Bấm vào hình để nghe ca khúc do Bằng Kiều trình bày.
“Đêm nay nơi thâm sâu âm u
từng cơn gió lùa bên muôn cây réo vi vu
Tựa như tiếng than vãn bao đau thương miên man suốt trong đêm trường
Trên không gian mênh mang mây đen tìm nhau kéo về ầm ầm,
mang theo mưa giông từng cơn bão bùng bao la vây quanh bên anh, nghĩa trang lạnh lùng
Theo cơn giông đang dâng lên cao
cùng tia sấm gào anh lê đôi chân phiêu diêu
về nơi gác phòng nơi em đang cô đơn trong đớn đau âm thầm…”
Bối cảnh tái hiện của người ra đi ấy cũng thêm phần rùng rợn khi xuất hiện giữa không gian âm u của đêm tối, từng cơn gió nhè nhẹ thổi qua, thổi ngang từng cành cây ngọn cỏ tạo nên những âm thanh vi vu có phần đáng sợ. Những âm thanh ấy tựa như tiếng than vãn về một cõi đời đầy đau thương của người trai ra đi khi tuổi đời còn xuân thì. Nhiều đêm dài, một mình lạnh lẽo nơi nghĩa trang hiu quạnh, chỉ mình anh cô đơn, lạnh lẽo nơi nấm mồ sương giá. Từng đợt sấm kéo đến cảnh báo cho một cơn mưa giông, ầm ầm sấm chớp, bập bùng từng cơn bao quanh thấy tấm thân đã lạnh từ lâu của anh.
Anh biết rằng, khi anh ra đi, em sẽ cô đơn và đau khổ đến tột cùng, cũng giống như tâm trạng của anh vậy. Đừng nghĩ rằng người chết thì không có cảm xúc, do họ chẳng thể nhìn thấy được thôi, anh đã điên cuồng đến thế nào, anh đã đau đớn đến thế nào, họ sẽ chẳng thể biết được. Anh lo sợ em không chịu nỗi nỗi đau này, anh sợ em không vượt qua được khó khăn khi anh rời đi quá đột ngột, vì thế anh đã âm thầm men theo cơn gió giông để về thăm nom em. Anh nhìn thấy rồi! Nơi gác phòng tối ấy “em đang cô đơn trong đớn đau âm thầm…”.
Bấm vào hình để nghe ca khúc do Don Hồ trình bày.
Một cảm giác bất lực len lỏi trong anh lúc này, nhìn em đau khổ anh chẳng thể làm gì khác hơn là lặng yên mặc cho bao cơn sấm đang gào thét. Bởi giờ đây anh chỉ là một bóng hình phiêu diêu nơi cõi trần bi ai này. Đây có lẽ là đặc ân cuối cùng mà trời cao đã ban cho anh, đó chính là được nhìn ngắm em một lần cuối, rồi sau đó anh sẽ mãi mãi ra đi nơi một thế giới khác, nơi đó có lẽ sẽ chẳng đau khổ như nơi này. Nhưng nơi đó lại chẳng có em…..người con gái anh thương…..
“….Gió vẫn reo lời hát, bao giờ em quên, bao giờ em quên … chuỗi ngày êm đềm
Gió vẫn reo lời hát, bao giờ em quên, bao giờ em quên …
Gió vẫn reo lời hát, bao giờ em quên, bao giờ em quên … mối tình thấm nồng….”
Lòng lúc này sao lại thấy dằn vặt, muốn em quên nhưng lại không muốn em quên……
Muốn em quên đi hình ảnh của một người con trai đã yêu em, muốn em quên đi chuỗi ngày không anh em đã đớn đau thế nào…..hãy quên anh đi và bắt đầu một cuộc sống mới không có anh. Hãy quên đi trong cuộc đời này đã từng có một người xuất hiện và mang đến cho em nhiều đau khổ…..Hãy dũng cảm mà yêu thương một người yêu em như anh, chăm sóc em như anh, nhưng đừng thất hứa bỏ rơi em như anh……
Một mặt khác trong anh, lại đang gào thét trong từng câu hát của gió, lo sợ em quên đi sự tồn tại của một người từng mang cho em hạnh phúc. Như xin em đừng rũ bỏ những chuỗi ngày mình từng có với nhau cuộc sống êm đềm qua năm tháng, từng ước hẹn một cuộc tình mặn nồng và dài lâu….
“…Mang theo bao yêu thương đêm đêm
hồn anh trở về thăm em đang trong cơn mê
nhìn em khóc thầm khi anh rưng rưng quay chân, nghĩa trang lạnh lùng
Xưa khi ta bên nhau chung đôi
tình yêu thắm nồng như muôn bông hoa xinh tươi
đời đang rất vui ôi ta đâu hay hôm nay mỗi người một thế giới.
Em yêu ôi thôi mau quên đi, tình yêu não nề đang miên man trong cơn mê,để anh trôi về mộ phần lạnh lùng vơi đi nỗi đau âm thầm”
An ủi em vào mỗi khi chìm vào giấc ngủ, khi những cơn mơ đang hành hạ tấm thân bé nhỏ ấy. Lòng anh xót xa khôn nguôi, nhìn anh khóc thầm trong những đêm dài, anh chỉ biết quay lưng đi mà rưng rưng đôi dòng lệ. Quay bước trở về nơi nghĩa trang khi trời đang dần hé ánh dương. Quay đi mà lòng nghĩ về những kỷ niệm thời ta còn hạnh phúc, nhớ đến khung cảnh anh và em chung đôi, chúng mình có với nhau những ước mơ bé, mong ước được thực hiện hóa cùng nhau. Nhưng cõi trần ác liệt, hôm qua còn mặn nồng hạnh phúc, vậy mà chẳng báo trước đã chia cách chúng ta hai người hai thế giới, kẻ âm người dương không bao giờ gặp lại.
Ở phần kết thúc câu hát của ca khúc “NGƯỜI VỀ TỪ LÒNG ĐẤT”, chàng trai ấy dường như cũng quá mệt mỏi vì cứ mãi vất vưởng nơi cõi trần không chốn nương thân này. Nên đành thôi, van cầu người yêu ơi hãy quên mình đi, để bản thân có lý do mà rời khỏi, để bản thân có thể quay về phần mộ giá lạnh mà quên đi một đoạn tình đã chết…..Nỗi đau cả anh và em mang theo, rồi sẽ dần phai thôi, rồi hai đứa sẽ có khung trời mới. Em sẽ hạnh phúc với cuộc sống sau này không có anh, còn anh sẽ ôm mối tình ấy, cầu xin trời cao ban phước lành cho em và rồi mở ra một trang khởi đầu mà ai ai khi chết đi cũng có được….người người hay gọi là “đầu thai chuyển kiếp”. Anh sẽ được siêu thoát khỏi nhân gian, sẽ không quấy rầy cuộc sống đang dần ổn định của em…..
Trích lời bài hát:
Đêm nay nơi thâm sâu âm u
từng cơn gió lùa bên muôn cây réo vi vu
Tựa như tiếng than vãn bao đau thương miên man suốt trong đêm trường
Trên không gian mênh mang mây đen tìm nhau kéo về ầm ầm,
mang theo mưa giông từng cơn bão bùng bao la vây quanh bên anh, nghĩa trang lạnh lùng
Theo cơn giông đang dâng lên cao
cùng tia sấm gào anh lê đôi chân phiêu diêu
về nơi gác phòng nơi em đang cô đơn trong đớn đau âm thầm
Đ.K.
Gió vẫn reo lời hát, bao giờ em quên, bao giờ em quên … chuỗi ngày êm đềm
Gió vẫn reo lời hát, bao giờ em quên, bao giờ em quên …
Gió vẫn reo lời hát, bao giờ em quên, bao giờ em quên … mối tình thấm nồng
Mang theo bao yêu thương đêm đêm
hồn anh trở về thăm em đang trong cơn mê
nhìn em khóc thầm khi anh rưng rưng quay chân, nghĩa trang lạnh lùng
Xưa khi ta bên nhau chung đôi
tình yêu thắm nồng như muôn bông hoa xinh tươi
đời đang rất vui ôi ta đâu hay hôm nay mỗi người một thế giới.
Em yêu ôi thôi mau quên đi, tình yêu não nề đang miên man trong cơn mê,để anh trôi về mộ phần lạnh lùng vơi đi nỗi đau âm thầm
- Một chút cảm nhận về ca khúc “Áo Đẹp Nàng Dâu” cùng Anh Bằng – Trúc Ly
- “Làm sao mà quên được” (Phạm Duy)
- Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và sự nối đuôi “tươi sáng” của nhạc khúc “Bến Giang Đầu” (Nắng Chiều 2)
- Bộ sưu tập tiền phát hành dưới thời Việt Nam Cộng Hòa
- Những gia tộc cải lương lừng danh: Gia tộc Thanh Minh – Thanh Nga sinh ra ‘nữ hoàng sân khấu’