Petrus Trương Vĩnh Ký
Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), lúc nhỏ có tên là Trương Chánh Ký. Sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, tự là Sĩ Tải, tên thánh là Jean Baptiste Petrus. Quê quán ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long ngày nay là địa phận thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ông mồ côi cha mẹ từ rất sớm và được dạy dỗ, nuôi dưỡng bởi các linh mục như Cố Tám, Cố Lâm. Đến năm 22 tuổi ông đã sử dụng thành thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. Trương Vĩnh Ký được mệnh danh là nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và là nhà khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ 19. Ông được thế giới bình chọn là “nhà bác học về ngôn ngữ”, đồng thời nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ 19, được ghi tên rong Tự điển Larousse.
Lăng mộ nằm giữa lòng thành phố
Từng là một người danh tiếng lẫy lừng khi còn trẻ nhưng những ngày cuối đời của nhà bác học Trương Vĩnh Ký lại trôi qua khá hiu quạnh, cô đơn. Sau khi người bạn Paul Bert mất năm 1886, ông xin về lại Sài Gòn sống, dành hết thời gian cùng tâm trí cho việc nghiên cứu và viết sách. Cũng trong thời gian này, ông đã thiết kế và bắt đầu xây dựng nhà mồ cho bản thân.
Hiện nay, lăng mộ Petrus Ký tự thiết kế và trông nom đến trước khi mất tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng (Quận 5) nằm trong khu đất rộng khoảng 2.000 mét vuông. Cổng chính nằm ở đường Trần Hưng Đạo và cổng phụ nhìn ra đường Trần Bình Trọng.
Khi đứng từ hướng cổng chính nhìn vào, ta sẽ thấy một cánh cổng lớn mang phong cách Phật giáo, nếu không biết sẽ dễ lầm tưởng đó là cổng chùa hoặc đền do cổng được xây dựng theo kiểu tam quan, nghĩa là có một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng có ba tầng lớp mái được lợp ngói ống, những góc mái cong lên mang đặc trưng của phong cách Á Đông. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy là một người Công giáo, Petrus Ký đã không quên thiết kế hình ảnh cây thánh giá trên nóc cổng. Như vậy, chỉ từ cánh cổng ta đã nhận ra sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và phương Đông của công trình mà Petrus Ký đã tự mình thiết kế, xây dựng.
Bước qua cánh cổng tam quan, ta sẽ bắt gặp hình ảnh một căn nhà được xây dựng theo hình bát giác với diện tích khoảng 50m2. Phần mái nhà gồm có tám cạnh cũng được lợp bằng mái ngói hình vảy cá màu đỏ, trên những đường viên nối các mái ngói lại với nhau đều được trang trí hình rồng cùng với biểu tượng cây thánh giá ở giữa. Các họa tiết trong nhà cũng được trang trí hòa huyện giữa kiến trúc Đông Tây. Trong tám cạnh của căn nhà, ngoài ba cạnh là cửa dùng để ra vào thì tất cả đều là những bức tường có trổ ô thông gió. Trên nóc nhà mồ có dòng chữ “Decembre 1898” (tháng 12 -1898), đây là năm công trình này hoàn thành và cũng chính là năm nhà bác học tạ thế.
Trên cửa nhà mồ, hướng về phía cổng chính có dòng chữ ghi bằng tiếng Latin với nội dung “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei”, tạm dịch là: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi. Phải chăng ước nguyện cuối đời của một con người từng tiếng tăm lẫy lừng chỉ đơn giản là có một ai đó nhớ đến mình? Còn cửa hướng ra cổng sau có khắc một dòng chữ Latin khác “Fons Vitae Eruditio Possidentis”, tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó. Chỉ một dòng chữ ngắn ngủi cũng đủ thấy đưc khát khao khám phá tri thức và con người uyên bác của nhà bác học lúc sinh thời.
Trở về khu chính giữa của nhà mồ, ta sẽ thấy có ba phần mộ được lát bằng với nền nhà. Có ba tấm đá khác màu nằm đối diện với đài thờ sát tường trong cuối nhà mồ với chiều rộng khoảng 1 mét, dài 2 mét. Mộ của Petrus Ký nằm ở giữa, bên phải là mộ phần của vợ ông – bà Vương Thị Thọ, còn bên trái là con trai Trương Vĩnh Thế. Trên mộ Petrus Ký có tấm đá đã ngả sang màu vàng nhạt được trang trí đơn giả, bao bọc xung quanh là hoa văn cành lá, ở giữa bia mộ khác dòng chữ “J.B Petrus Trương Vĩnh Ký”, J.B là chữ viết tắt tên thánh Jean Baptiste của nhà bác học. Tấm bia ghi rõ ngày mất của ông là 01/09/1898. Còn bia mộ của vợ và con trai ông có màu sẫm hơn, nhiều chỗ đã bị bong tróc, bị tàn phá bởi thời gian. Ở chính giữa nhà mồ, phía trước đài thờ là tượng bán thân của nhà bác học. Trên trần nhà mồ, phía trên phần mộ của Petrus Ký có vẽ hình một con lân mã chở hà đồ ở chính giữa, bao bọc xung quanh là hình mây gió. Phải chăng Petrus Ký đã cố tình thiết kế hình ảnh đó để ngầm khẳng định mình vẫn luôn hướng về phương Đông?
Ngôi nhà cổ hơn 130 năm tuổi do chính Trương Vĩnh Ký xây dựng ở Sài Gòn
Nằm trong khuôn viên rộng lớn 2000 mét vuông này còn có một ngôi nhà cổ do chính Petrus Ký chỉ huy xây dựng năm 1886. Ngôi nhà nằm bên phải cổng chính, trên đại lộ Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo), ven bờ kênh Thị Nghè. Theo hậu duệ của nhà bác học Petrus Ký thì đây là căn nhà ông đã sống những ngày cuối đời, là nơi đọc sách, dạy học, nghiên cứu và viết sách,…Lúc mới xây dựng, ngôi nhà sử dụng tấm lợp fibrô xi măng giả ngói, trên nóc nhà có hình trái bầu hồ lô với dòng chữ “6 Decembre 1937”, 06/12/1937. Căn nhà hiện nay đã được trùng tu vào năm 1937 nhân dịp ngày giỗ lần thứ 39 của nhà bác học, tuy nhiên chỉ xây dựng tường bao quanh thay cho vách ván, còn lại vẫn giữ nguyên thiết kế cũ. Cửa của căn nhà vẫn là dàn cửa gỗ xưa xây dựng theo kiểu “thượng song, hạ bản” nghĩa là phía trên là chấn song, phía bên dưới là tấm ván. Với thiết kế này, nhà cửa sẽ luôn sáng sủa, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa lạnh. Bên trong nhà vẫn là bộ khung gỗ, có ba gian, hai cháy, 24 cây cột gỗ. Phía hai bên trong căn nhà là hai tủ kính đặt đối xứng với nhau, được biết trước đây hai chiếc tủ này chính là nơi dùng để cất giữ hình ảnh, hơn 120 quyển sách và bản thảo của Petrus Ký để lại. Tuy nhiên, hiện nay số sách vở này một phần đã được tặng cho Viện Khảo cổ Miền Nam, phần còn lại đã được đem qua Pháp trong năm 1975 để người thân của ông tiếp tục lưu giữ. Ở giữa nhà là hương án thờ phụng tượng bán thân của Trương Vĩnh Ký. Phía đằng sau tượng là bảng sắc phong của vua nhà Nguyễn ban cho Trương Vĩnh Ký.
Phía trên cao hai bên hương án là cặp câu đối khắc chìm với nội dung “văn dĩ tải đạo” – văn vốn để chở đạo lý. Phần còn lại của căn nhà phía bên gian trái là hai căn buồn nhỏ có vách ngăn dựng bằng ván, theo như con cháu của ông thì đây vốn là phòng ngủ của gia đình. Phần còn lại của căn nhà là nơi nhà bác học Trương Vĩnh Ký làm việc những năm cuối đời. Bên cạnh việc sử dụng gian phòng để nghiên cứu, đọc sách, dạy học thì đây còn là nơi để Petrus Ký tiếp những vị khách của mình.
Hiện tại ngôi nhà này do con cháu của ông sống và trông nom. Chỉ tiếc rằng, do sự phát triển hối hả của đô thị mà giờ đây mỗi lần đi ngang qua ít ai biết rằng đây từng là nơi ở của một nhà bác học lừng lẫy danh tiếng vào thế kỷ 19. Dòng chữ Latin trước cổng chính gợi lên một niềm khắc khoải: Người đời giờ đây còn mấy ai nhớ đến ông chăng? Danh tiếng, quyền cao chức trọng là thế, nhưng ra đi rồi cũng chỉ còn là cát bụi, chỉ mong mỗi việc có một ai đó còn nhớ đến mình. Có lẽ, một lúc nào đó nhiều người sẽ không còn nhớ đến căn nhà nhỏ nằm giữa lòng Sài Gòn của ông. Thế nhưng, những công lao, đóng góp của ông cho đất Việt vẫn sẽ lưu truyền mãi.
Sài Gòn vẫn tiếp tục nhịp sống của nó, nhưng đâu đó giữa lòng phố thị xa hoa vẫn còn những điều cổ xưa, bình dị. Nếu chịu khó đi tìm, ắt hẳn ta sẽ khám phá ra thêm nhiều điều thú vị, như cái cách mà ta biết được: có một căn nhà nhỏ đã hơn 130 năm tuổi do chính một nhà bác học xây dựng vẫn lặng lẽ nằm giữa lòng thành phố.