“Ngoại Ô Buồn” (Anh Bằng) – Chiến tranh đã đi qua nhưng niềm đau vẫn còn mãi nơi vùng quê nhỏ ngoại ô

Sẽ chẳng còn xa lạ với nhạc sĩ Anh Bằng, ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc trữ tình Việt Nam, dù nổi tiếng nhưng ông vẫn hoạt động rất năng nổ cả trong và ngoài nước. Không chỉ thể nghiệm nhiều thể loại âm nhạc khác nhau với nhiều chủ đề sáng tạo, mà đến phong cách âm nhạc của Anh Bằng cũng vô cùng chỉnh chu. Ông trau chuốt cho từng sáng tác của mình dù là viết độc lập hay hợp tác cùng bạn nhạc khác. Một điểm chung mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong những âm nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng chính là ca từ rất dung dị, mộc mạc nhưng lại mang đầy ý nghĩa, chỉ cần nghe qua đã có thể hiểu và hình dung được ý nhạc mà Anh Bằng muốn truyền tải. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng tác phẩm âm nhạc của Anh Bằng đã lên đến con số 650 bài hát.

Nếu nhắc đến ca khúc sáng giá nhất của Anh Bằng chắc phải nói đến bộ ba ca khúc Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3 – Một câu chuyện tình nghèo của đôi nam nữ, một cái kết đau lòng cho duyên tình dở dang và sự ân hận muộn màng của người trai lầm lỡ. Ca khúc đã lấy đi khá nhiều nước mắt của khán giả yêu nhạc. Một ca khúc khác của nhạc sĩ Anh Bằng cũng rất phổ biến mang tên “Ngoại Ô Buồn” được sáng tác vào năm 1968, ca khúc mang theo nỗi lòng nặng trĩu ưu tư của người chiến sĩ sau một chuyến trở lại quê nhà. Ngắm nhìn quê hương sau bao ngày xa cách, trước mắt chàng, cảnh vật tưởng chừng như nguyên vẹn nhưng thật sự là “cảnh còn người mất”. Sự tàn phá của chiến tranh, sự hung ác của quân địch, sự ra đi của những con người chân chất, quê hương bây giờ tan tác điêu linh, toàn cảnh bị nhuốm màu u buồn sầu thảm. Chiến tranh đi qua chẳng buông tha cho một ai, mỗi nơi nó qua để lại biết bao là đau thương và khổ nhọc, nhưng càng đau đớn hơn cho người chiến sĩ khi nhớ về người con gái mình yêu thương, ngày đêm mong ngóng nhưng rồi nàng đâu cũng chẳng thấy…!

“Từ tiền tuyến tôi về, thăm căn nhà ngoại ô,

thấy lòng thương vô bờ.

Cũng con đường này đây,

cũng mái nhà này đây,

còn mang kỷ niệm đầy

Nhưng trăng đêm nay,

không còn tha thiết như những mùa trăng đắm say

Tôi nghe gió ru cây, chim kêu trên ngàn mây,

Triền miên man khắc khoải chìm giữa khung nhạc đêm dài…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Dạ Hương thâu thanh trước 75.

Chàng lính chiến xa nhà bao ngày, chỉ mong mỏi có được một ngày phép để được trở về thăm lại quê hương, thăm lại người thân sau bao ngày xa cách, thăm lại người em bé nhỏ hậu phương vẫn vò võ mong chờ chàng. Từ tiền tuyến, chàng bước nhanh trở về căn nhà nơi ngoại ô vắng, trước mắt chàng cảnh vật vẫn như thế, vẫn là những mái nhà nằm thưa thớt, vẫn con đường cũ chứa đầy những kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng sau cảm thấy khan khác nơi trái tim, cảm thấy đìu hiu và cô quạnh. Ánh trăng đêm chẳng còn tha thiết chiếu sáng như mùa trăng năm nào, chẳng còn sự hăng say soi bóng cho những nông dân chăm chỉ. Tiếng gió thoảng qua từng ngọn cây, tiếng chim réo vang bạc ngàn nhưng lại nghe ra được niềm vui hay sự hân hoan hạnh phúc. Mà chỉ là nỗi triền miên cùng khắc khoải, mọi thứ dường như đang gồng mình để trôi qua một đêm trường u tịch.

“….Năm xưa anh đi, từng đêm vạm võ vùng ngoại ô có người mong.

Hôm nao tôi đi, quê cũ thưa người vì hy sinh cho non sông.

Hơn hai mươi năm, lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau

Tôi theo chân anh, vai súng lên đường cùng hiên ngang viết sử xanh…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trường Vũ trình bày.

Nhớ năm xưa khi khoác lên mình màu áo xanh quân đội, mang trên vai trọng trách anh hùng, hành quân đánh giặc. Bao ngày trôi qua chính là bao đêm có người mong kẻ ngóng, nơi ngoại ô chan chứa chân tình, có người ngày ngày chờ đợi và nhớ thương về chàng chiến sĩ. Nhưng hôm nao rời đi, quê cũ đã thưa bóng chẳng còn lại mấy người tiễn đưa bởi họ đã hy sinh thân mình mà bảo vệ non sông.

Cột mốc “hơn hai mươi năm”  trong ca khúc có lẽ được nhạc sĩ tính từ thời điểm của cuộc tái chiến trang Việt – Pháp từ năm 1945 đến 1968. Đây là khoảng thời gian hai mươi năm của vùng ngoại ô vốn êm ấm đã trở nên ly loạn vì sự khuấy đảo đao binh. Những con người lương thiện nơi ngoại ô xưa đã phải chịu bao nhiêu là khổ đau cùng mất mát.

“…..Chạnh lòng thấy u hoài,

khi xưa mình ở đây, với tình yêu vơi đầy

Khóm hoa hàng dậu thưa, lối xóm mình còn kia, mà sao quá âm thầm. Sương rơi miên man, khơi nhiều nhung nhớ cho những ngày vui đã qua

Tôi quay gót ra đi, không mang theo gì hơn,

nhìn đêm khuya vắng vẻ càng thấy thương ngoại ô buồn”

https://www.youtube.com/watch?v=MUU3RTiAqJk

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giao Linh trình bày.

Nhìn thấy cảnh tượng quê hương như thế ai mà chẳng xót xa cùng đau đớn. Chạnh lòng khi bản thân lên đường hành quân, thân mang nhiệm vụ nhưng lại để quê nhà chịu cảnh tang thương. Dù chẳng phải lỗi lầm của chàng, nhưng lòng người trai vẫn mang đầy sự tự trách.

Nơi quê nhà xưa với bao kỷ niệm, nó là tuổi thơ của cả một thời niên thiếu, nó còn là nơi cất giữ tình yêu tuổi trẻ nồng nàn, tình yêu đôi lứa mặn nồng thắm thiết. “Khóm hoa hàng dậu thưa, lối xóm mình còn kia, mà sao quá âm thầm” – Mọi thứ vẫn chẳng thay đổi chỉ có thời cuộc đổi thay, từng khóm hoa, từng lối nhỏ, từng con đường, từng ngóc ngách yêu thương đều ở yên đó nhưng lại mang theo một màu sắc u tịch. Từng giọt sương rơi như khóc cho quê hương tan tác, gợi cho chàng chiến sĩ bao nhung nhớ về những ngày đã vui. “Tôi quay gót ra đi, không mang theo gì hơn” – Người ta sau chuyến về thăm nhà, sẽ mang theo ít nhiều niềm vui, nhưng còn chàng, ngoài nỗi niềm nặng trĩu lòng thì còn gì để chàng mang theo. Nhìn quê hương giữa đêm khuya vắng vẻ rồi lặng lẽ quay gót, cả khoảng trời như đang thương khóc vùng ngoại ô nhỏ vốn nên thanh bình và yên ả, nhưng sự thanh bình ấy đã bị tàn phá vì bom đạn lửa binh.

Bao trùm nơi vùng ngoại ô cũ chính là nỗi buồn miên man, khơi gợi trong lòng người nhạc sĩ bao hoài niệm với điệu Bolero xuyên suốt toàn bài. Nghe lại nhạc khúc “Ngoại Ô Buồn” chúng ta như hòa theo cùng những nốt thăng của cảm xúc – Dù biết khung cảnh ly loạn trong bài hát đã bị đẩy lùi vào thời điểm rất xa trong quá khứ, đất nước ta của hiện tại đã thanh bình, người người sống trong no ấm, nhưng vẫn không kìm được nỗi xúc động bùi ngùi khi đặt bản thân vào tình cảnh quê hương lúc đó. Về với vùng ngoại ô để cảm nhận chân thật hơn những nỗi sầu thương, những nỗi niềm mất mát, những sự hy sinh anh dũng của những con người thời chinh chiến. Và để yêu hơn cuộc sống muôn màu, yêu mảnh đất hình chữ S xinh xinh cùng những con người hôm nay.

Lời bài hát Ngoại Ô Buồn – Anh Bằng

Từ tiền tuyến tôi về, thăm căn nhà ngoại ô,
thấy lòng thương vô bờ.
Cũng con đường này đây,
cũng mái nhà này đây,
còn mang kỷ niệm đầỵ

Nhưng trăng đêm nay,
không còn tha thiết như những mùa trăng đắm say
Tôi nghe gió ru cây, chim kêu trên ngàn mây,
Triền miên man khắc khoải chìm giữa khung nhạc đêm dài

Năm xưa anh đi, từng đêm vạm võ vùng ngoại ô có người mong.
Hôm nao tôi đi, quê cũ thưa người vì hy sinh cho non sông.
Hơn hai mươi năm, lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau
Tôi theo chân anh, vai súng lên đường cùng hiên ngang viết sử xanh.

Chạnh lòng thấy u hoài,
khi xưa mình ở đây, với tình yêu vơi đầy
Khóm hoa hàng dậu thưa, lối xóm mình còn kia, mà sao quá âm thầm. Sương rơi miên mang, khơi nhiều nhung nhớ cho những ngày vui đã qua
Tôi quay gót ra đi, không mang theo gì hơn,
nhìn đêm khuya vắng vẻ càng thấy thương ngoại ô buồn

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận