Từng giai điệu ấm áp ngân vang trong khí trời mùa xuân qua “Ngày Xuân Tái Ngộ” – Thanh Sơn

Đăng ngày 07/09/2024

Mới chỉ nghe tiêu đề bài hát thôi chúng ta đã biết được nội dung của nó là gì? Đó là sự gặp mặt, họp mặt đầu năm. Mùa xuân là mùa của sự đoàn tụ. Mùa xuân mang lại cảm giác thân thuộc lắm. Xuân về cũng là lúc những người sống và làm việc ở xa nghĩ đến ngày trở về, hưởng trọn niềm vui Tết, hưởng cái không khí xuân ấm áp bên gia đình yêu dấu. Và mùa xuân đó cũng đã khơi lên nguồn cảm hứng bất tận để nhạc sĩ Thanh Sơn viết lên giai điệu của bài hát Ngày Xuân Tái Ngộ.

Nhạc sĩ Hoài An và 'Tâm sự ngày xuân'

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1938 tại Sóc Trăng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng và nhạc quê hương miền Nam. Trước khi sáng tác, ông là một ca sĩ. Nhạc của Thanh Sơn thời kỳ đầu thường viết về tuổi học trò hồn nhiên trong sáng, đặc biệt là mùa hè với những ca khúc nổi bật “Nỗi buồn hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ba tháng tạ từ”… Ngoài đề tài học trò, ông còn có nhiều tác phẩm ở một số chủ đề khác như ca ngợi mùa xuân hay những bài nhạc vàng than thân, trách phận, viết theo điệu Bolero.Ngoài ra Thanh Sơn cũng thường đem những địa danh, những đặc sản, những giai thoại có thật vào nhạc của mình, như là một cách để quảng bá cho miền quê đó như ca khúc Hành trình trên đất phù sa,  Bạc Liêu hoài cổ,…

Trong thời gian làm việc bươn chải tại Sài Gòn, Thanh Sơn được nhạc sĩ Hoàng Thơ chỉ dẫn để sáng tác ca khúc, giúp ông ngộ ra được nhiều kiến thức. Có thể nói Hoàng Thơ chính là người thầy đầu tiên của Thanh Sơn trong những năm đầu bước vào lĩnh vực sáng tác. Thanh Sơn từng cho biết sự việc chuyển hướng sang lĩnh vực sáng tác là một sự bất ngờ, vì khi đặt chân lên Sài Gòn ông chỉ muốn theo nghiệp ca hát. Nhưng sau đó ông lại thổ lộ : “Tui khoái làm nhạc sĩ hơn. Bởi vì mình làm nhạc sĩ mình có tâm sự gì thì viết ra thành lời được. Ca sĩ thì chỉ diễn đạt bài của người ta làm sẵn thôi”. Trải qua 15 năm sau đó khi thị trường âm nhạc trong nước trở nên cởi mở hơn, Thanh Sơn mới bắt đầu viết nhạc mạnh mẽ với hầu hết là những ca khúc viết về mùa xuân và ngợi ca quê hương.

Nhận thấy được tầm quan trọng của ngày Tết, của truyền thống họp mặt, hội tụ đầu năm Thanh Sơn viết Ngày xuân tái ngộ.

“Thấy hoa mai nở biết Xuân về đây.
Mười hai tháng qua mơ một mùa này.
Bạn bè bôn ba khắp hướng
thấy Xuân về trên miền quê hương,
mơ được phút tương phùng yêu thương.”

Nhạc sĩ Hoài An và 'Tâm sự ngày xuân'

Dường như Thanh Sơn cũng là một nhạc sĩ có tình yêu lớn đối với hoa mai. Hoa mai nở chính là dấu hiệu mùa xuân về. Mười hai tháng làm làm việc, bươn chải với cuộc sống khó khăn, vất vả thì mọi người chỉ mong tới ngày Tết để trở về, quây quần sum họp với gia đình và người thân của mình. Và những người bạn đi làm tứ phương cũng mong dịp tết để tương phùng gặp gỡ lại bạn mình, cùng nhau tâm sự về năm cũ, về dự định trong năm mới hay tâm sự về người này người kia. Những ngày đầu xuân năm mới đâu đâu cũng là không khí hân hoan, vui mừng.Đâu đâu cũng là niềm vui.

“Có cô thôn nữ ước một mùa Xuân.
Người yêu sẽ mang thật nhiều quà mừng.
Một niềm tin dâng chất ngất,
hái hoa lộc chúc mừng đầu năm.
Chúc an khang bước đường lợi danh”.

Mùa xuân cũng là mùa của hạnh phúc lứa đôi. Cô thôn nữ mong chờ xuân về để được người yêu tặng thật nhiều quà mừng. Các đôi tình nhân có niềm tin vào một năm mới tình yêu của họ sẽ tiến triển tốt đẹp hơn, như những hoa lộc đầu năm.

“Em hỡi thấy không em!
Mừng Xuân hoa nở khắp trời,
chúc nhau đạt nhiều thắng lợi.
Và mừng bác nông phu
vui Xuân nâng chén rượu
quên những ngày vất vả ngược xuôi”.

Mùa xuân thật sự là món quà vô giá, nó tô điểm cho cảnh đẹp thiên nhiên với những loài hoa sặc sỡ, thi nhau khoe sắc trong nắng gió ban mai. Xuân cũng chính là khởi phát quan trọng của năm, do đó, ở thời điểm này người ta có nhiều cầu mong và hy vọng. Hy vọng cuộc sống trong năm mới có nhiều thắng lợi hơn, no ấm và hạnh phúc hơn. Cái cầu mong đó là của tất cả mọi người chứ không riêng gì của tác giả “Và mừng bác nông phu, vui Xuân nâng chén rượu, quên những ngày vất vả ngược xuôi”. Tác gia ước mong cho những người nông dân hết những vất vả có thể vui mừng nâng chén rượu xuân bên gia đình, người thân.

“Ngắm hoa mai nở muốn Xuân đừng qua.
Tình thương vắng xa sẽ được đậm đà.
Mùa Xuân gặp nhau quyến luyến
phút giây này xin người đừng quên.
Rước Xuân về gia đình đoàn viên”.

Sự mong muốn mùa xuân đừng qua đi để “Tình thương vắng xa sẽ được đậm đà”. Sự đoàn tụ nào rồi cũng sẽ phải có chia ly. Hết ngày Tết, người ta lại phải đi xa làm ăn, tiếp tục với cuộc sống bộn bề và sẽ mãi luôn ghi nhớ những giờ phút ấm áp bên gia đình, người thân, bạn bè và cả người yêu của mình.

Ngày Xuân Tái Ngộ của nhạc sĩ Thanh Sơn cho đến tận ngày hôm nay vẫn được hát bởi những ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam mỗi độ xuân về và sẽ không bao giờ phai nhòa theo thời gian vì ý nghĩa to lớn của nó. Mùa xuân là mùa đoàn tụ, mùa của đất trời giao hòa, mùa của hy vọng và ước mơ, mùa của mùa màng no ấm và hạnh phúc.Bài hát chứa đựng cả truyền thống văn hóa của một dân tộc Việt Nam không ai có thể phủ nhận được.

Trích lời bài hát Ngày Xuân Tái Ngộ

Thấy hoa mai nở biết Xuân về đây.
Mười hai tháng qua mơ một mùa này.
Bạn bè bôn ba khắp hướng
thấy Xuân về trên miền quê hương,
mơ được phút tương phùng yêu thương.

Có cô thôn nữ ước một mùa Xuân.
Người yêu sẽ mang thật nhiều quà mừng.
Một niềm tin dâng chất ngất,
hái hoa lộc chúc mừng đầu năm.
Chúc an khang bước đường lợi danh.

Em hỡi thấy không em!
Mừng Xuân hoa nở khắp trời,
chúc nhau đạt nhiều thắng lợi.
Và mừng bác nông phu
vui Xuân nâng chén rượu
quên những ngày vất vả ngược xuôi.

Ngắm hoa mai nở muốn Xuân đừng qua.
Tình thương vắng xa sẽ được đậm đà.
Mùa Xuân gặp nhau quyến luyến
phút giây này xin người đừng quên.
Rước Xuân về gia đình đoàn viên.