Đó là lời tâm sự chính nhạc sĩ Phạm Duy trong những sáng tác thơ được ông phổ nhạc. Phạm Duy là người “chắp cánh” cho rất nhiều áng thơ và đưa những bài thơ ấy trở thành những áng ca bất hủ. Như chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói “Không ai phổ thơ hay bằng Phạm Duy. Bài thơ nào qua tay ông là nổi tiếng. Một nhà ảo thuật về phổ thơ”. Và trong số các bài thơ được phổ nhạc, bài thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận được đánh giá là bài thành công nhất.
Ngậm ngùi là bài thơ được Huy Cận sáng tác vào những tháng ngày đất nước còn trong cảnh chiến chinh, bài thơ được ra mắt độc giả vào năm 1940 và in trong tập thơ Lửa Thiêng. Bài thơ của Huy Cận cũng đã được đàn anh Lê Thương phổ nhạc từ năm 1943 – 1944. Tiếc thay, người đời lại không có dịp hát nó. Đến năm 1960, Phạm Duy đã phổ nhạc cho bài thơ này và được Anh Ngọc hát lần đầu tiên rồi chính ca sĩ Lệ Thu làm nó trở thành bất hủ.
Bài thơ của Huy Cận được Phạm Duy phổ thành ca khúc như một thứ giao lưu văn nghệ, nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi. Thơ hiện diện từ mấy chục năm trước, được trở thành nhạc vào lúc Việt Nam bị phân chia, ca khúc Ngậm Ngùi của Huy Cận-Phạm Duy giao tiếp hai thời thanh bình và khói lửa, giao hòa hai nghệ sĩ ở hai miền đối nghịch. Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi.
Mặc dù nhạc khúc được đông đảo mọi người đón nhận và yêu thích nhưng lại có sự nhầm lẫn về ý nghĩa. Hầu như mọi người đều cho rằng “Ngậm Ngùi” được thi sĩ Huy Cận viết về mối tình yêu đương đôi lứa thông thường. Nhưng thật ra hoàn cảnh để sáng tác bài thơ này không phải vậy, đây là bài thơ được Huy Cận sáng tác với nỗi buồn đau, thương tiếc, khi về lại quê thăm mộ em gái út của mình.
“Quê Huy Cận ở Nghệ An, ông bố là một thầy đồ nho hết thời, tất cả trông nhờ vào sự tần tảo lam lũ của vợ. Ông bố là thầy đồ nên suốt đời chẳng làm ăn gì cả, ăn ở không suốt ngày ngồi gặm cái quạt buồm đến nỗi nó vẹt mòn mất cả cán. Nhà lại đông con, có đến 7 anh chị em.
Huy Cận rất thương cô em gái út. Vì nhà nghèo lại đông con nên ông phải vào Huế giúp việc cho một người bà con để được nuôi ăn học.
Ở nhà cô út chỉ quanh quẩn bên mẹ. Ngày xưa liên lạc đâu phải dễ dàng. Cô út khoảng 10 tuổi thì bị đậu mùa rồi qua đời. Nghỉ hè, Huy Cận về nhà mới biết em út đã mất.
Ông ra thăm mộ em ở cuối vườn, nơi có trồng mấy cây thông reo. Cỏ mắc cỡ lẫn cỏ dại trùm cả ngôi mộ”.
Sau đó, vào năm 1991, chính Huy Cận cũng xác nhận hoàn cảnh để sáng tác bài thơ Ngậm ngùi là đúng như em trai của ông đã nói: Viết sau khi thăm mộ của em gái nhỏ bạc mệnh:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Như chính từ nhan đề nhạc khúc này, “Ngậm ngùi” được nhạc sĩ Phạm Duy giữ nguyên nhu ở nguyên tác bài thơ. Vì có lẽ, ngay chính từ những câu đầu tiên của tác phẩm này chúng ta đã cảm nhận được sự ngậm ngùi và sầu lắng trong từ lời từ. “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” là câu hát nổi tiếng nhất và đắt giá nhất của cả thi và nhạc. Câu hát gợi cho người nghe một khoảng chiều hoang vắng và lơ lửng giữa thực và mơ, sự chuyển giao giữa chiều và đêm. Nơi vườn hoang có hoang trinh nữ đã khép đôi lá rầu, có sợi tơ buồn của con nhện giăng khắp vườn vắng. Và có anh đây, “ngồi hầu quạt” cho em ngủ. Cảnh chiều buồn, hoa trinh nữ khép lá buồn, con nhện giăng sợi buồn, tất cả dệt nên một bức tranh chiều êm ả mà đượm buồn.
Lòng anh mơ với quạt này,
trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em mộng bình thường,
ngủ đi em mộng bình thường.
Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ.
Ngủ đi em, ngủ đi em.
Tay anh quạt cho em giấc ngủ say “lòng anh mơ với quạt này/ Trăm con chim mộng bay về đầu giường”. Hình ảnh người anh quạt cho em ngủ với tình thương trìu mến, chỉ là… người em gái đó đã ra đi rồi. Nên anh chỉ có thể mượn quạt này mà mơ gặp về em. Mong cho chim mộng bay về nơi đầu giường mong cho em được ngủ giấc mộng bình thường “ngủ đi em mộng bình thường”. Lời anh ru cho em ngủ thùy dương đôi bờ, em ơi hãy ngủ đi nay đã có anh đây. Người anh ấy thương em như chính tình thương của người mẹ. Những đau thương và hối tiếc tuy không thốt thành lời nhưng đều chất chứa trọn trong từng cái quạt nơi tay anh. Ngày anh về, em gái thơ ngày nào nay đã yên ngủ trong vườn hoang vắng lạnh. Anh muốn ru em, điệu hát ru sẵn tiếng thùy dương đôi bờ, để em ngủ “ngủ đi em”
Ngủ đi mộng vẫn bình thường
À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
Tay anh em hãy tựa đầu
cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Em ơi hãy ngủ trong vòng tay anh “tay anh em hãy tựa đầu” ngủ với tiếng anh ru “tiếng thùy dương mấy bờ”. Lời ru có cây dài bóng xế ngẩn ngơ để hồn em đã chín mấy mùa buồn đau. Em hãy tựa đầu nơi vòng tay anh, cho anh được ru em ngủ lần sau cuối để “anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”.
“Ngậm ngùi” với tiếng ru em lần cuối, ngậm ngùi quạt đưa em vào giấc ngủ ngàn thu và ngậm ngùi nghe trái sầu rụng rơi. Mất đi người em thương yêu, nhà thơ như tê liệt và chết lặng với cảm giác đau đớn, bi thương và tuyệt vọng. Nghe nhạc khúc, ta như lạc vào khoảng không vô định, lúc mê lúc tỉnh của một trái tim đầy nỗi đau mất đi người thân. Huy Cận như lạc vào giấc mơ ngày xưa, ngày còn em gái gối đầu bên vai để ông quạt mỗi giấc ngủ trưa. Và nhạc sĩ Phạm Duy đã chắp thêm giai điệu cho nỗi lòng của Huy Cận. Nhạc khúc “Ngậm ngùi” mang tất cả những đau buồn và mất mát của thơ Huy Cận, mang tất cả du dương và ngân nga nỗi đau âm ỉ qua giai điệu của Phạm Duy. Sự giao hòa giữa hai thời cuộc, hai tâm hồn nghệ sĩ đã tạo nên một sáng tác lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
ĐK:
Lòng anh mơ với quạt này,
trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em mộng bình thường,
ngủ đi em mộng bình thường.
Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ.
Ngủ đi em, ngủ đi em.
Ngủ đi mộng vẫn bình thường
À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
Tay anh em hãy tựa đầu
cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.