Một bức thư tay kèm theo lời của bài hát “Mưa hồng” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi gắm cho người tình bé nhỏ sau những ngày xa cách. Những nhớ nhung da diết, những mong ngóng đợi chờ từng phút giây trong suốt thời gian giận dỗi.
Bài hát “Mưa hồng” được sáng tác vào khoảng năm 1964, đây là những năm tháng đầu tiên mà Trịnh Công Sơn đến Đà Lạt sau khi rời trường sư phạm. Người ta vẫn thường nói, đặt chân đến Đà Lạt, ai rồi cũng hóa cô đơn, không phải nơi lòng người mà đang ám chỉ cảnh buồn cô liêu của xứ sở sương mù. Chàng trai trẻ một mình trong căn nhà vắng bên sườn dốc B’lao – Xung quanh là những con đường vắng, đâu đâu cũng là sương, là nỗi cô độc, từ sự giá lạnh đến ám ảnh tâm hồn. Không người bầu bạn, vốn đa cảm lại càng trở nên dạt dào cảm xúc hơn bao giờ hết. Những cánh thư từ bè bạn, người thân cho đến người thương và gia đình, trở thành động lực duy nhất ủi an tâm hồn người nhạc sĩ. Ông đã viết thư cho người tình bé nhỏ, một bức tâm thư dài được viết từ chiều hôm cho đến tận sáng ngày hôm sau để kể về những diễn biến trong tâm tưởng suốt ngày dài Ngay ở tựa đề của bài hát, đã gợi lên cho người nghe biết bao cảm xúc đan xen cũng những suy đoán phi thực. Sẽ thật sự có mưa hồng sao? Một cơn mưa với những giọt nước màu hồng hay là cơn mưa thoáng qua khi trời vẫn đang chiếu rọi từng đợt nắng vàng tươi, những giọt mưa nhỏ xuyên qua tia nắng tạo nên màn mưa hồng huyền thoại?
“Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên…”
Tình yêu trong ca khúc được nhạc sĩ họ Trịnh miêu tả sao thật đẹp và lãng mạn, một tình yêu bừng sáng nên những sắc hồng mộng mơ. Nó không rực rỡ như màu đỏ của phượng vỹ nhưng lại lấp lánh như áng mây hồng mùa hạ. Nhưng sau đó, lại nhanh chóng bị gió thổi bay khi “em nghiêng sầu”, làm cho cả khung trời vốn êm dịu lại trút xuống một đợt mưa lúc “hôm nào”. Làm cho chàng nhạc sĩ cứ ngẩn người, một mình hoài niệm và nhớ mong trong sự âm thầm và cô quạnh.
“…..Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng….”
Nơi góc phố dịu dàng trong cái tiết trời gay gắt, đang hắt lên bóng dáng hao gầy của chàng nhạc sĩ, ánh nhìn cứ xa xăm nơi phương trời nào. Chẳng làm gì hay chính xác hơn là chẳng biết làm gì, cứ ngồi nơi đó mà ngắm từng đợt “mưa nguồn”. Những cơn mưa như tượng trưng cho sự giận dỗi của người yêu, còn chàng không biết làm gì ngoài sự cam chịu và chờ đợi cơn mưa chóng tan.
Chàng nhạc sĩ đang ưu sầu và buồn bã vì bị người thương giận dỗi, nhưng người tình ấy lại dường như không cảm nhận được, vẫn cứ như những chiếc lá xanh ngoài kia, vô tư đến vô tình, hờ hững như không có chuyện gì. Nàng vẫn cứ “nghiêng sầu” lên cuộc tình đang ươm hồng, mặc cho “sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng”…
“……Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau…..”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Ngọc & Bằng Kiều trình bày
Những giọt nước mắt của người thương đã hòa vào “chiều mưa đỉnh cao”, nàng như muốn nhấn chìm mọi thứ, dẹp tan cả “sương mù đã lâu”, cuốn trôi hết những lời xin lỗi của nhạc sĩ. Hình ảnh người em gái nhỏ với bóng dáng gầy mỏng manh, đi qua chiếc cầu dưới cơn mưa như trút, giọt nước mắt chảy xuống cũng vỡ tan trong màn mưa lạnh. Con đường “phượng bay” giờ phút này cũng mịt mờ và trở nên hư ảo không rõ lối như chính con đường tình của họ…buồn đến nao lòng.
“…..Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du…..”
Không cầu điều gì hơn nữa, chỉ mong có một sự ngẫu nhiên nào đó, em sẽ xuất hiện tình cờ trên con đường mà chàng nhạc sĩ trông thấy. Không cần biết sẽ qua bao nhiêu chiều, chỉ cầu “mong em qua”…sẽ luôn có một vòng tay dù xanh xao nhưng ấm áp chờ đợi em.
Những ngôn từ thường nhật trong cuộc sống chưa bao giờ là đủ đối với nhạc sĩ họ Trịnh, bởi với ông, nó không đủ để bộc bạch hết tâm trạng. Chẳng hạn, sự xuất hiện của cụm từ “phiếm du” trong câu hát “ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du” là một từ ngữ mới lạ, mang theo hình ảnh có chút hư ảo. Người nhạc sĩ như bước trên con đường đầy sự viển vông, khó với tới. Nhưng nó lại đúng trong tình cảnh của bài hát, vì tình yêu là thứ không thể cưỡng cầu, lại càng khó có thể tìm kiếm…chỉ có thể chờ đợi và hy vọng.
“…..Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
Còn có thể làm gì ngoài việc ngồi im nơi mái hiên ấy mà cầu mong “mưa đầy”, rồi mưa sẽ tạnh cũng như em thôi giận dỗi, sẽ trở về lại nơi vòng tay anh như ngày nào. “Trên hai tay cơn đau dài” nhưng không thôi nguyện cầu, không thôi mong đợi, đến khi bản thân rã rời và nằm xuống thì tận sâu trong tiềm thức cũng nghe thấy ru, tiếng tình vẫy gọi: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”….
“Mưa hồng” được xem là một trong những nhạc khúc hay nhất và được yêu thích nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong hơn 200 ca khúc phổ biến trên tổng số ca khúc. Nếu, ai chưa từng một lần ghé thăm nơi cao nguyên Đà Lạt đầy hoài niệm, chưa một lần cảm nhận được cảm giác “cô độc” trong buổi sớm đầy sương và chưa một lần ngắm nhìn cái mưa chiều lạnh giá thì sẽ không thể nào thấu cảm được hết ý vị trong ca khúc. Đã có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này như Khánh Ly, Ngọc Lan, Quang Dũng,….nhưng người mang đến cảm giác đậm nét nhất và thể hiện được trọn vẹn ca khúc nhất, sẽ không ai khác ngoài Khánh Ly.
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ