Trong nền âm nhạc trữ tình của Việt Nam, có hai nhạc khúc tên gần giống nhau của hai nhạc sĩ hoàn toàn khác nhau. Đó là ca khúc Mắt lệ cho người tình của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Mắt lệ cho người của nhạc sĩ Từ Công Phụng. cả hai nhạc khúc đều được người mộ nhạc đón nhận và yêu thích. Nhưng ca khúc Mắt lệ cho người của Từ Công Phụng ra sau, nên được nhiều người biết đến hơn. Với ca khúc Mắt lệ cho người tình của Phạm Mạnh Cương ra đời trước năm 1975, nên khá nhiều người không còn nhớ đến. “Mắt lệ cho người tình” là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa Phạm Mạnh Cương, nhạc khúc là bức tranh mờ ảo bởi sương giăng chắn lối trong buổi biệt ly.Phạm Mạnh Cương (1933) sinh ra tại Huế với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương được biết đến với các nhạc khúc để đời như: Thu ca, Thương hoài ngàn năm, Cánh hoa tàn, Gửi mùa xuân về biên giới,…Ngoài ra, ông còn được biết đến với vai trò sản xuất những băng nhạc mang tên Phạm Mạnh Cương rất phổ biến ở Sài Gòn trước năm 1975.
Nhạc khúc “Mắt lệ cho người tình” tuy không nêu ra tên của địa danh, nhưng bức tranh sương mờ, mây trắng với rừng thông như đã vẽ lên một khung cảnh của Đà Lạt mà chẳng nơi nào có.
Rồi đây, mây trên đồi vắng, lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn
Rồi đây, mưa ru ngàn lá, mây bay mờ xóa, rừng thông lắng buồn
Tình anh, như thông đầu núi, trăng thanh chìm suối, tháng năm vời vợi
Tình em, như sương chiều xuống, mênh mông đồi núi, mờ trong bóng đêm
Đó là cảnh “mây trên đồi vắng”, hình ảnh chàng trang “lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn”. Là bức tranh về rừng thông “lắm buồn” trong “mưa ru ngàn lá, mây bay mờ xóa”. Khung cảnh mây mờ che phủ, đồi thông phủ xanh tạo nên một quang cảnh thanh bình, yên ả nhưng đượm buồn. Cảnh sắc như nói thay nỗi lòng của những người nơi đây, quang cảnh tuy thơ mộng nhưng mang nỗi buồn u tư, cũng như người cũ tìm về những ký ức ban đầu. Tình anh “như thông đầu núi, trăng thanh chìm suối, tháng năm vời vợi”. Tình cảm của anh dành cho em luôn trân trọng và yêu quý như thông đầu núi, tình cảm bao la dạt dào như dòng suối trong veo, tình anh tràn ngập và hòa quyện vào đất trời nơi đây. Còn em, tình em “như sương chiều xuống, mênh mông đồi núi, mờ trong bóng đêm”. Tình em thì luôn mập mờ, lúc thì nặng tình “mênh mông”, lúc thì úp mở mập mờ.
Biệt ly, hôn nhau lần nữa, trông nhau lần nữa, giá băng tơ trời
Bài hát chia phôi ban đầu, vắng tiếng kinh chiều cầu cho tình ái
Biệt ly, hôn nhau lần cuối, xa nhau lần cuối, nói sao cho vừa
Chỉ thấy ánh mắt u hoài, nuối tiếc ân tình, trọn đời khó phai
Tình ta như trăng kia, dù sáng tỏ nhưng vẫn sẽ tàn, như sương chiều hoàng hôn ấy, dù có mênh mông đẹp đẽ nhưng rồi cũng tan. Ta “biệt ly, hôn nhau lần nữa, trông nhau lần nữa”, lần cuối trao nhau những ái ân, những chiếc hôn nồng cháy, và lần cuối ta ngắm nhìn nhau để khắc ghi bóng hình ấy vào tim để rồi qua hôm nay, chúng ta sẽ biệt ly “giá băng tơ trời”. “bài hát chia phôi ban đầu” sao mà vấn vương, chiều nay vắng tiếng kinh cầu nguyện cho “tình ái”. Ta xa nhau rồi, “xa nhau lần cuối, nói sao cho vừa”. Lòng mang nặng nỗi niềm, muôn vàn điều muốn nói, muôn vạn câu muốn thổ lộ nỗi lòng nhưng… lại không biết nói sao cho vừa nỗi lòng. Ta không nói, chỉ nhìn vào đôi mắt “u hoài” của nhau, lại như hiểu mọi nỗi lòng của nhau. Chúng ta biệt ly, nay xa cách nhưng lòng vẫn “nuối tiếc ân tình”, vẫn mang trong tim một tình yêu “trọn đời khó phai”.
Rồi đây, anh như ngàn gió phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò
Rồi đây, … em phương trời cũ quê hương tình ái còn vương mắt lệ
Tình yêu mong manh là thế xa xôi là thế xót xa tình buồn
Tình yêu thương đau từ đấy dư âm còn đấy
Lệ trong mắt ai .
Rồi từ đây “anh như ngàn gió phiêu du”, anh muốn đi khắp mọi nơi, không bao giờ quay lại nơi này, anh sẽ đi đến những vùng đất khác, anh làm ngọn gió “phiêu du” giữa đời. Còn em, em vẫn sẽ ở lại chốn quê hương cũ, vẫn ở lại phương trời thương nhớ ấy với đôi mắt còn vương lệ vì một tình biệt ly. Chúng ta mỗi người một ngã rẽ, “biết đâu hẹn hò”, nên lần gặp mặt này là lần cuối. “Tình yêu mong manh là thế”, tình ta cứ ngỡ vĩnh cửu như trăng kia, nhưng nào hay trăng cũng tàn. Cứ ngỡ tình đẹp như sương chiều nhưng sương chiều cũng tan để lại những “xót xa” cho cuộc “tình buồn”. “Tình yêu thương đau còn đấy dư âm còn đấy/ Lệ trong mắt ai”. Cuộc tình thương đau gây lệ cho mắt ai? Lệ ở đôi mắt huyền u buồn của em, hay vương nơi khóe mắt anh. Nhưng dù là lệ của ai, thì lòng ta vẫn cùng đau. Chia tay lần sau cuối, ân tình xưa theo ta muôn đời.
Nhạc khúc “Mắt lệ cho người tình” như một điệu nhạc nói hộ nỗi lòng của những người yêu nhau nhưng lại chia xa nhau. Là nỗi đau biệt ly, ôm hôn lần cuối rồi mất nhau mãi mãi. “Mắt lệ cho người tình”, một cuộc biệt ly, một cái hôn giã từ luôn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc, và mãi ngân vang theo tháng năm.
Rồi đây, mây trên đồi vắng, lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn
Rồi đây, mưa ru ngàn lá, mây bay mờ xóa, rừng thông lắng buồn
Tình anh, như thông đầu núi, trăng thanh chìm suối, tháng năm vời vợi
Tình em, như sương chiều xuống, mênh mông đồi núi, mờ trong bóng đêm
Biệt ly, hôn nhau lần nữa, trông nhau lần nữa, giá băng tơ trời
Bài hát chia phôi ban đầu, vắng tiếng kinh chiều cầu cho tình ái
Biệt ly, hôn nhau lần cuối, xa nhau lần cuối, nói sao cho vừa
Chỉ thấy ánh mắt u hoài, nuối tiếc ân tình, trọn đời khó phai
Rồi đây, anh như ngàn gió phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò
Rồi đây, … em phương trời cũ quê hương tình ái còn vương mắt lệ
Tình yêu mong manh là thế xa xôi là thế xót xa tình buồn
Tình yêu thương đau từ đấy dư âm còn đấy
Lệ trong mắt ai .