Tuổi thanh xuân của chúng ta, ai rồi cũng sẽ có những mảnh ký ức đi lạc hoặc bỏ quên. Nhưng chỉ cần một giây phút nào đó cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống xô bồ của thực tại, sự chán chường khi nhìn thấy cái “mù mịt tương lai”, người ta lại lựa chọn tìm về với những mảnh ký ức trong trẻo của ngày xưa. Những kỷ niệm đó thân thuộc như ta thuộc đường về nhà , chẳng cần phải học hành ở một trường lớp nào chỉ cần trải qua là sẽ nhớ mãi. Có thể thời gian trôi qua, không mấy khi những hoài niệm này được nhắc lại, sẽ có vài thứ bị mai một, nhưng thứ cốt lõi thì vẫn sẽ vẹn nguyên, nhất là cái thời niên thiếu hồn nhiên và trong sáng, chưa hề bị vẩn đục bởi những thứ “bụi trần gian”. Cái thanh xuân tươi trẻ như một bầu trời mùa thu trong vắt, chỉ duy độc một mảng màu xanh lơ xinh đẹp chứ không hề có sự xuất hiện của những áng mây đen. Và chính ca khúc “Kỷ niệm” của nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa chúng ta nhanh chóng leo lên chuyến xe lưu hành, quay trở ngược về quá khứ, trở lại những tháng ngày êm đềm vẫn được lưu giữ mãi trong miền ký ức.
Ca khúc “Kỷ niệm” được sáng tác vào những năm của thập niên 60, đây là thời điểm ông cảm thấy bản thân như lạc lõng và chơi vơi giữa dòng muôn trùng ngã rẽ. Ở thời điểm đó, nhạc sĩ đã “ngụp lặn” với những vô vàn sáng tác, thể nghiệm qua nhiều thể loại và chủ đề khác nhau nên ông bị “ngộp”. Đến cuối cùng, ông đã quyết định trở về những cảm xúc nguyên sơ nhất, nhưng cảm xúc được cho là trong sáng nhất sau khi lựa chọn “thanh tẩy” tâm hồn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nói muốn quay trở lại những thứ gọi là “kỷ niệm”, lúc bé, lúc ngây thơ và trong sáng, lúc bản thân không có những lo nghĩ hay vướng bận về tương lai, lúc không còn tiếng ồn ào nơi đô thành phồn hoa mà chỉ có tiếng mẹ kêu về, tiếng vui đùa của đồng bạn và tiếng gió vi vu nơi đồng ruộng thanh bình.
“Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo; phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu…”
Tuổi thơ của chúng ta như những viên kẹo ngọt, lúc nào cũng làm người vui vẻ; tuổi thơ của chúng ta là những ngày hối hả trên đường đồng, đuổi bắt nhau chỉ vì một con cào cào bé nhỏ; tuổi thơ của chúng ta là những ước mơ cao cả trong tâm tưởng nhỏ bé của những suy nghĩ vụng dại. Những hình ảnh về một gia đình ấm áp được nhạc sĩ tái hiện lại rõ mồn một, khiến người nghe bồi hồi xúc động: là mẹ ngồi khâu tấm áo dưới ngọn đèn dầu hắt hiu, là cha ngồi xem báo với lượng tin tức mỗi ngày, là ánh trăng lên ngang tầm ngọn tre nên đường phố cũng hoang vắng không người, là tiếng còi tàu nơi xa xa vọng lại rót vào tai như thứ âm nhạc thời thượng đêm khô. Một cuộc sống bình dị nơi thôn quê nghèo nhưng chan chứa tình thương, một chuyến tàu đêm băng băng mang theo những ký ức nhỏ nhặt ghép thành một đoạn phim ngắn cứ chiếu tuần tự trong ký ức của ta. Dường như, tất cả đã hiện ra trước mắt ta, mọi thứ chỉ vừa mới diễn ra gần đây, chỉ mới vài phút giây thôi….chứ không phải “hàng hàng lớp lớp” ngày tháng.
“….Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé,
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tía không nghe mẹ gọi về….”
Mộng ước nho nhỏ khi nguyện cầu được quay trở về buổi chiều hè năm đó, được tung tăng giữa đường quê xanh mát, hai bên đường là cánh đồng lúa tỏa hương sữa thơm, mùi lúa non thanh mát, phía xa xa kia chính là hàng tre cao cao che bóng, đang lung lay thân mình hòa theo nhịp gió đung đưa. Như một bản hòa tấu bằng những âm thanh đồng dao mộc mạc, nhưng lại khiến người ta đắm chìm khó thoát ra. Thấp thoáng lại có vài con nghé con đang ngoan ngoãn ăn cỏ, chúng cứ thẫn thờ như những du mục đang tận hưởng thứ âm thanh róc rách của tiếng nước dưới chân đê. Tất cả hiện lên như một bức tranh thôn quê thanh bình được vẽ không chỉ bằng màu sắc tươi mới của cảnh vật mà còn bằng âm thanh, âm nhạc nên sống động đến lạ thường. Dường như thật sự trở về với ngày xưa chứ không phải đang trong kỷ niệm, đắm chìm trong những tháng ngày yêu dấu, nhớ hoài những lúc ham chơi đến quên trời quên đất “không nghe mẹ gọi về”….
“….Cho tôi lại nhà trường, bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán, ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm, nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng, cô em bạn cùng đường….”
Tuổi thơ ta là những ngày cắp sách đến trường cùng những người thân thương, cứ vui đùa thoải mái chẳng sợ giận hờn, cứ vô tư không toan tính thiệt hơn, cứ yên bình mà “không ai thù ai oán”, tuổi thơ như một trang giấy trắng chỉ được vẽ lên những nét bức hồng thơ mộng bằng những thứ tình yêu trong sáng. Yêu thầy cô, yêu tiếng nói vang vang nơi giảng đường, yêu tà áo trắng tinh khôi, yêu tình bạn cùng cô nàng chung đường tan trường,….nó chỉ là những thứ tình vụn vặt và non nớt trong tâm trí lứa tuổi học trò, nhưng lại nồng nhiệt và chân thành nhất, đáng quý nhất.
“….Cho tôi lại một mùa mưa rơi buồn ngoại ô
Đêm đêm đèn trong ngõ soi sáng mảnh tim khô
Tôi mơ thành triệu phú cứu vớt gái bơ vơ
Tôi mơ thành thi sĩ đem thơ dệt mộng hờ….”
Cho xin một vé để quay về tuổi thơ, quay về cái thời khắc ngồi trước cửa nhà ngắm nhìn những hạt mưa đang rơi nặng hạt nơi vùng ngoại ô buồn. Những mái nhà tranh ấm áp, bên ngoài là sự hiu hắt của những cơn mưa lành lạnh, dường như đang thổi những mộng ước tuổi thơ bay xa, thổi đến một tương lai tươi đẹp.
Dưới ánh đèn lập lòe trong đêm, khi thì bập bùng cháy sáng, khi lại chùng tim vì những cơn gió thoảng như lại chẳng bao giờ tắt vì được bao bọc rất kỹ. Những ánh đèn vàng đã góp phần sôi sáng cả một con đường đồng vắng hiu, vụt sáng lên bao giấc mơ ngây ngô tuổi trẻ: “Mơ thành triệu phú” để cứu vớt “gái bơ vơ”, “mơ thành thi sĩ” để mang những vần thơ “dệt mộng hờ”,… Những ước mơ viển vông, nhưng lại thú vị bởi nó chính là cái “chất” tuổi thơ, không ai nghĩ được.
“…..Cho tôi lại còn nhiều cho tôi lại tình yêu
Tôi không đòi khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu dễ khóc dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu cho tôi lại ngày đầu…”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Ngọc trình bày.
Xin lại một chút tình yêu của thuở ban đầu, những tình yêu nguyên thủy có phần khờ khạo, những tình yêu ngây ngô dễ tin người, những tình yêu không nhiều và cũng chẳng cầu khôn khéo thông minh. Cầu một thứ tình trong sáng và trinh nguyên, một thứ tình thiếu niên ngây thơ và tuyệt đẹp, một thứ tình ai cũng muốn nâng niu nhưng chẳng dễ gì có được,….một mối tình mà sau này trưởng thành có cưỡng cầu cũng chẳng bao giờ tìm thấy.
“…..Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu khóe mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo, trên môi một nguyện cầu…”
Một điều triệu người mong vạn người cầu, một điều ước bình thường nhưng phi thường, bởi ai có thể nào đạt được, chính là xin được quay lại với những ngày còn chưa biết thế nào là gian khổ, chẳng hiểu được thế nào là giông bão cuộc đời. Xin được tìm lại những tháng ngày thời thơ ấu, được vui vẻ bên bạn bè, được hạnh phúc vô lo bên mẹ cha, được tìm thấy những sôi sục trong con tim và khóe mắt, những mộng ước thuở nào. Xin tìm lại những ngày còn lon ton chân sáo, còn được thảnh thơi ngắm nhìn ánh trăng sao, được ngắt hái những thứ hoa động nội và cài lên trước ngực áo, để thành tâm mà nguyện cầu những mộng ước ấp ủ ban sơ.
Con người ta đôi khi ngộ lắm, càng lớn càng trưởng thành lại càng muốn được quay trở về quá khứ, được nhớ những hoài niệm xưa cũ. Bởi với người trưởng thành, khoảng thời gian mộng ước, khoảng thời tự do chính là thời thanh xuân niên thiếu, cái thời không cần lo nghĩ ưu tư, cái thời chỉ biết chơi và biết học. Thích được yên bình ở nơi mà họ cho là an toàn sinh sống qua từng ngày hạnh phúc, chẳng hiểu sao nhưng càng lớn lại càng thấy cô đơn, càng khao khát kiếm tìm một thứ hồi ức bị nhấn chìm trong lớp bụi thời gian. Nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa chúng ta vượt lớp bụi ấy, mở ra một cánh cửa thời thơ ấu qua nhạc khúc “Kỷ niệm” chỉ bằng những ngôn từ bình dị nhưng lại mộc mạc và chân thành.
Người ta sẽ chẳng bao giờ lớn lên nếu không trải qua cái gọi là tuổi thơ, có thể trong những bộn bề của cuộc sống, giữa những tấp nập mưu sinh cùng với vô vàn những lo toan và bận bịu, con người ta sẽ lựa chọn quên đi những ký ức êm đềm của tuổi thơ để tập trung hơn. Nhưng chắc chắn rằng, tuổi thơ, thuở thanh xuân tươi trẻ sẽ luôn là điểm tựa vững chắc nhất của mỗi người, dù đơn sơ và bình dị nhưng lại cao cả, thiêng liêng. Người ta vẫn nói, đời người là những chuyến đi, là những lần trải nghiệm thì nơi miền ký ức chính là đích đến bình yên nhất và cũng khó quay lại nhất vì chẳng ai bán vé khứ hồi cho cuộc đời thanh xuân của bạn.
Lời bài hát Kỷ Niệm – Phạm Duy
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo; Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu
Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé,
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tía không nghe mẹ gọi về
Cho tôi lại nhà trường, bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán, ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm, nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng, cô em bạn cùng đường
Cho tôi lại một mùa mưa rơi buồn ngoại ô
Đêm đêm đèn trong ngõ soi sáng mảnh tim khô
Tôi mơ thành triệu phú cứu vớt gái bơ vơ
Tôi mơ thành thi sĩ đem thơ dệt mộng hờ
Cho tôi lại còn nhiều cho tôi lại tình yêu
Tôi không đòi khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu dễ khóc dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu cho tôi lại ngày đầu
Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu khóe mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo, trên môi một nguyện cầu
Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau
Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau…
- Ký ức về cụ Dương Văn Ngộ: Người dành hơn nữa thế kỷ viết thư tình ở Bưu điện Thành phố
- Nhớ về những con đường của Sài Gòn xưa: Đường Công Lý
- “Còn chút gì để nhớ” – Nhạc phẩm chắp cánh cho bài thơ cùng tên bay về hướng mặt trời, long lanh tươi mới
- Đã từng có một chợ sách Đặng Thị Nhu tấp nập như thế…
- Ca khúc “Nụ Tầm Xuân” (nhạc sĩ Phạm Duy) – Xót xa về một mối tình dang dở khi yêu mà không dám nói