“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Từ xưa đến nay, tình cảm đối với cha, mẹ luôn là đề tài để các nhà thơ, nhà văn, các nhạc sĩ mượn cảm hứng để viết lên những tác phẩm ca ngợi công đức sinh thành ấy. Trong kho nhạc Việt, không sao có thể kể hết những bài hát nói về nhà, nhưng không thể nào không kể bài hát Mừng tuổi mẹ của Trần Long Ẩn. Cái hay của Trần Long Ẩn chính là mượn mùa xuân để gửi đôi lời chúc đến mẹ như cảm tạ ơn nghĩa sinh thành của người đã chấp nhận hy sinh gần như cả đời người vì ta.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh năm 1944 tại Bình Định. Trước năm 1975 ông chủ yếu sáng tác các bài hát theo phong trào sinh viên Việt Nam như: Người mẹ Bàn Cờ, Người cha bến tàu, Đi về mới có hoa lục bình, Chim gọi đàn chim tung cánh trắng… Sau năm 1975 ông tham gia sáng tác các ca khúc cổ điển và bán cổ điển như: Mặt trời và ánh lửa, Dậy mà đi, Tình đất đỏ miền Đông,… Hiện nay ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.
“…Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng Mẹ bay
như gió, như mây bay qua đời con,
như gió, như mây bay qua thời gian…”
Mỗi mùa xuân về, vui trong không khí năm mới, hạnh phúc trong khoảnh khắc giao thừa, mọi vật đều đổi cũ thay mới. Cây cối đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở cho đời sau thêm tươi tốt. Trẻ con xúm xính váy áo với câu chúc may mắn và nhận lì xì mừng tuổi mới. Tất cả đều vui tươi, hớn hở. Nhưng, mỗi mùa xuân sang long tôi lại nặng trĩu. Vì sao ư? Vì mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Đó luôn là nỗi hối tiếc về thời gian trôi nhanh, ngày tôi càng lớn, mẹ lại càng già và ngày bên mẹ lại ngắn đi “Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.”Rồi lại một mùa xuân, mùa xuân tóc trắng mẹ bay. “Như gió, như mây bay qua đời con. Như gió, như mây bay qua thời gian” khi em không ngờ đến, khi con còn trẻ thơ non dại chưa nghĩ nhiều, thì mẹ đã thật sự già đi. Tóc mẹ nay trắng đi rồi, mái tóc trắng ấy như gió như mây bay qua đời con, bay qua thời gian. Trần Long Ẩn dùng hình ảnh so sánh mái tóc mẹ với gió, mây của trời, phải chăng ông muốn so sánh mẹ với cái vĩnh hằng của thiên nhiên? Không phải, vì ông đang luôn tự nhắc nhở mình rằng thời gian trôi nhanh, như gió thổi mây bay, nên trân trọng thời gian được bên mẹ.
“…Ôi Mẹ của tôi!
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi.
Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi.
Mồ côi tội lắm ai ơi!
Đói cơm khát nước biết người nào lo.
Đói cơm khát nước biết người nào lo…”
Chợt nhận ra mẹ già, tác giả như hoảng hốt cất tiếng gọi mẹ “Ôi Mẹ của tôi!”. “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi.” Tác giả sử dụng hình ảnh rất đời thường và gần gũi là chuối chín cây để nói về mẹ, “gió lay” ý chỉ những biến cố bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc sống. Tác giả sợ hãi khi nghĩ mẹ đã già, nếu lỡ có gì xảy ra thì con sẽ phải trở thành trẻ mồ côi, đói cơm khát nước không còn ai lo. Không ai có thể lo cho con tốt hơn mẹ, cũng như không ai có thể thay mẹ. Mồ côi mẹ, nghĩ đến cụm từ ấy thôi mà như xé nát con tim chúng ta.
“…Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin,
tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ.
Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới.
Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ…”
Một mùa xuân đi qua, mẹ già thêm một tuổi. Dẫu có muốn phủ nhận,, có muốn không chấp nhận thời gian xa mẹ càng gần thì tôi vẫn phải tin. Tôi tin, nhưng lại luôn tự an ủi bản thân mẹ còn trẻ, mẹ luôn khỏe mạnh, mẹ sẽ cùng tôi đón mọi mùa xuân. Và cứ mỗi độ xuân về tôi không nên buồn vì tuổi mẹ già thêm mà sẽ mừng tuổi mẹ. Mừng mẹ sang năm mới lại có thọ thêm một tuổi cùng cháu con, lại đón một năm hạnh phúc bên chúng con. Và con sẽ luôn quý trọng mỗi xuân còn được bên mẹ.
Lúc nhỏ, ai trong chúng ta mà chưa từng ngân nga câu ca “mẹ già như chuối chín cây”. Có thể nói đây là câu ca đi cùng tuổi thơ cũng tất cả chúng ta. Nhưng ngày ấy nhỏ dại,khi ngân nga câu hát chỉ thấy mới mẻ và thú vị vì mẹ giống như chuối chín. Nhưng rồi khi chúng ta lớn hơn, khi chúng ta thật sự có thể tóc mẹ bạc dần, chúng ta mới hối tiếc, sao không sớm nhận ra điều ấy và bên mẹ nhiều hơn. Mẹ, tiếng gọi thiêng liêng nhất cho một người vĩ đại nhất. Nên những ai còn cơ hội được gọi mẹ, còn có thể mừng tuổi mẹ thì hãy trân trọng những mùa xuân có mẹ ấy. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”
Trích lời bài hát Mừng Tuổi Mẹ:
Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng Mẹ bay
như gió, như mây bay qua đời con,
như gió, như mây bay qua thời gian.
Ôi Mẹ của tôi!
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi.
Gió lay Mẹ rụng, con phải mồ côi.
Mồ côi tội lắm ai ơi!
Đói cơm khát nước biết người nào lo.
Đói cơm khát nước biết người nào lo.
Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.
Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin,
tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ.
Mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới.
Mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ