Những bản tình ca trước năm 1975 luôn để lại trong lòng khán giả cảm xúc thân thương, quen thuộc. Những bài ca đó là cảm hứng, là nguồn sống để những con người ấy vượt qua hoàn cảnh khó khăn, gian khổ lúc bấy giờ. Nghe khúc tình ca, mơ những giấc mơ như vậy và tạo thêm niềm tin vào một ngày sẽ được trọn vẹn núi sông, hạnh phúc. Hoàng Trang và Ngọc Sơn là hai nhạc sĩ lớn trong thời kỳ nhạc vàng lên ngôi tại Việt Nam. Cả hai nhạc sĩ có một điểm chung là đều viết rất nhiều ca khúc trữ tình và thành công vang dội với những bản tình ca. Chính điều này đã tạo ra một mối lương duyên để hai tâm hồn yêu âm nhạc này gặp nhau và cùng sáng tác một ca khúc mang tên “Kể Từ Đêm Đó”.
Ca khúc nói về nỗi lòng của người phụ nữ đã hy sinh hạnh phúc của tuổi xuân để người mình yêu có thể ra trận bảo vệ Tổ Quốc. Với những ca từ đơn sơ, mộc mạc kết hợp với giai điệu thân quen, gần gũi, bài hát đã đưa người nghe vào những cung bậc cảm xúc khácnhau về tình thương, lòng thủy chung, son sắc của người phụ nữ Việt Nam.
Nhạc sĩ đã đặt mình vào thân phận của người con gái chờ người yêu nơi phương xa để giãi bày những tâm tư. Ở đoạn đầu tiên, những yêu thương, lo lắng cho chiến sĩ nơi xa được miêu tả.
Đêm nao anh kể chuyện mình yêu nhau
Làm buồn em lắm biết không người yêu
Sao anh nói ra chi chuyện một quân nhân,
Chuyện một quân nhân nhớ thương một lần.
Câu hát tự sự “Đêm nao anh kể chuyện mình yêu nhau” như để đáp trả lại lời thư của người lính phương xa gửi về cho người con gái trong bức thư mang tên “Kể Chuyện Trong Đêm” – nhạc phẩm được nhạc sĩ Hoàng Trang viết vào năm 1965 với câu hát đầu tiên là “Một đêm biết chuyện chúng mình yêu nhau”. Người bạn chiến đấu nằm bên nói rằng”. Câu tự sự ấy như trách người con trai nói ra làm chi. Nghe đến điều này, những nỗi niềm thương nhớ, xót xa trong tim em càng dâng lên vạn phần. Tác giả chỉ dùng một vài từ ngữ đơn sơ mà sao lại mang nhiều cảm xúc đến như thế. Nơi xa anh đã chịu nhiều khổ cực nhưng tâm hồn vẫn hướng về nơi em. Người lính chiến ngày gió, đêm sương với chiến trường ác liệt vẫn không thể ngừng bận lòng về một mối tình nhỏ bé.
Những tủi thân của người con gái chịu đựng khi phải chia xa người yêu được tác giả miêu tả một cách nhẹ nhàng. Qua đó nhạc sĩ cũng cho thấy được tấm lòng sâu sắc, vượt lên trên những cách trở kia.
Anh ơi kể chuyện tình mình yêu chi
Chuyện mình yêu mến giấu đi là hơn
Nhưng em biết đơn phương, nhìn vầng trăng suông
Làm gì anh không nói lên chuyện lòng.
Câu hát “Anh ơi kể chuyện tình mình yêu chi” như là một lời than trách, hờn dỗi với người yêu. Anh nên giấu chuyện mình đi là hơn. Tuy vậy, những suy nghĩ ích kỷ của em chỉ là phút chốc bộc phát, trong lòng em vẫn biết tình yêu anh dành cho em là mãnh liệt như thế nào. Đêm trường buông xuống, anh trống vắng với mọi thứ, gửi những nhớ nhung về em như ôm một mối tình đơn phương trong tim. Nhìn vầng trăng suông, cảnh vật như đồng cảm với lòng anh, làm gì mà anh không giãi bày tâm sự trong lòng, kể về câu chuyện tình tươi đẹp của đôi ta với đồng đội. Những suy nghĩ ấy cho thấy sự thấu hiểu về tâm tư của nhau, gắn kết nhau như chưa từng rời xa. Sự sâu sắc của người con gái như một sợi dây liên kết vô hình mà cứng vững, bền bỉ với sóng gió.
Không những sâu sắc, thấu hiểu mà người con gái trong bài hát còn đầy trưởng thành và bản lĩnh. Chấp nhận mất mát, hy sinh hạnh phúc của mình vì người mình yêu, vì đất nước.
Tháng năm chồng chất với kiếp sống đơn phương
Tuy em biết là thương
Nhưng muốn anh làm người trai tranh đấu
Anh hay chăng,
Một bóng hình thường ngày theo sau đó
Là bóng người anh yêu, là bóng người yêu anh…
Kể từ ngày tiễn anh đi, không hôm nào mà em thôi trông ngóng. Từng ngày trôi qua với sự u buồn, lạnh lẽo nơi tâm hồn. Những nỗi niềm gửi theo gió đến với anh dù biết vô nghĩa nhưng vẫn tha thiết xin được cho đi. Ngày tháng sầu thương ấy cứ chồng chất lên nhau cao như núi, tất cả đè nặng lên cuộc sống này làm nó nặng nề và không thoát ra được. Em biết vậy, em biết là đớn đau nhưng vẫn mong anh là người con trai trưởng thành và có trách nhiệm với non sông, đất nước, phải hiên ngang, kiên cường trước đầu sóng ngọn gió. Nhưng anh nhớ rằng, phía sau lưng anh hằng ngày vẫn có người dõi theo anh. Luôn cầu trời cho anh được bình an vô sự, lập những chiến công. Đấy là người anh yêu đó, anh không thất vọng, thua thiệt vì tôn thờ mối tình ấy đâu. Anh hãy vững lòng và cố gắng để hoàn thành những nhiệm vụ được giao, vượt qua những thử thách phía trước. Hình ảnh một người con gái với ý chí mạnh mẽ được nhạc sĩ xây dựng nên để nói đến sự vĩ đại, cao cả của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Họ không ra trận nhưng những sức mạnh về tinh thần mà họ mang lại cho cuộc kháng chiến cũng đủ để sánh ngang với sức mạnh của quân giặc, của đạn bom.
Những lời cuối trong bài hát là mong ước “nước non bình yên” của người hậu phương gửi cho người tiền tuyến. Một ngày rồi bình yên lại về trên mảnh đất vốn đã bị dày xéo do chiến tranh để lại. Với cách sắp xếp để toàn bài là một cái kết có hậu, tác giả đã dẫn người nghe từ trầm tư với những nỗi buồn đồng cảm cho nhân vật đến sự hân hoan về một điều tươi đẹp ở phía sau.
Anh ơi, chấp nhận ngày dài xa nhau
Là mình mong muốn nước non bình yên
Chia cách hôm nay, tìm về tương lai
Đầy lòng tin yêu đất nước ta hòa bình…
Sự đánh đổi, hy sinh kia rồi một ngày sẽ nhận được quả ngọt vì nó là chính nghĩa. Anh ơi, mình chấp nhận với xa cách, đớn đau cũng vì một lẽ ngày mai tươi sáng hơn. Khi ấy, nước non được độc lập, tự do, không chỉ chúng ta được sống trong những ngày bình yên không nghe tiếng bom đạn, mà còn là cả một dân tộc. Những em bé được tung tăng đến trường, những cụ già được quây quần bên những người con để hưởng những ngày cuối đời trọn vẹn, những cặp đôi yêu nhau sẽ không còn nghìn trùng ly biệt. Vì vậy, ta gác lại mối tình này, tạm chia cách, rời xa của hôm nay là để xây dựng một hạnh phúc tràn đầy và viên mãn hơn trong một tương lai không xa. Vừa là hy sinh cho Tổ Quốc nhưng cũng vừa là tự giành lấy quyền được sống, cuộc sống của chính mình từ tay chiến tranh, giặc thù. Một lòng thủy chung, một lòng son sắc và một lòng vững tin đất nước hòa bình.
Lời ca nói lên vẻ đẹp hy sinh thầm lặng của người phụ nữ trong thời kỳ chiến tranh. Họ hy sinh những gì quý giá nhất của đời mình mong chờ một mai đất nước được tươi sáng hơn. Luôn thủy chung với một mối tình duy nhất, dù có những lúc người phụ nữ bi lụy nhưng rồi cũng mạnh mẽ vượt qua để là chỗ dựa vững tin cho những người lính ngoài sa trường. Họ âm thầm góp những sức mạnh tinh thần to lớn của mình vào cuộc chiến đấu đầy gian khó của dân tộc.
Đêm nao anh kể chuyện mình yêu nhau
Làm buồn em lắm biết không người yêu
Sao anh nói ra chi chuyện một quân nhân,
Chuyện một quân nhân nhớ thương một lần
Anh ơi kể chuyện tình mình yêu chi
Chuyện mình yêu mến giấu đi là hơn
Nhưng em biết đơn phương, nhìn vầng trăng suông
Làm gì anh không nói lên chuyện lòng.
Tháng năm chồng chất với kiếp sống đơn phương
Tuy em biết là thương
Nhưng muốn anh làm người trai tranh đấu
Anh hay chăng,
Một bóng hình thường ngày theo sau đó
Là bóng người anh yêu, là bóng người yêu anh…
Anh ơi, chấp nhận ngày dài xa nhau
Là mình mong muốn nước non bình yên
Chia cách hôm nay, tìm về tương lai
Đầy lòng tin yêu đất nước ta hòa bình…
- Tủ sách Tuổi Hoa – Bầu trời ký ức của cả một thế hệ mới lớn ở miền Nam trước năm 1975
- Chế Linh tiết lộ người ‘se duyên’ cho ông và danh ca Thanh Tuyền song ca
- Mối tình tuyệt vọng “Mười Năm Yêu Em” nhưng chẳng thể cùng nhau suốt kiếp – Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
- Tình cảm và nỗi nhớ của người lính chiến khu chất đầy trong ca khúc “Mùa Xuân Gửi Em”
- “Tình Đầu Muôn Thuở” của nhạc sĩ Lam Phương – “Mối Tình Ban Sơ – Mối Tình Như Mơ”