Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Huyền Thoại Mẹ” một tuyệt phẩm sống mãi cùng với thời gian của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng, Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Ông đã sáng tác khoảng gần hơn 600 ca khúc tuy nhiên số ca khúc được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc. Nhạc của Ông được rất nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công như Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng. Ngoài sự nghiệp sáng tác, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ và diễn viên không chuyên. Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn từ khi ông hợp tác cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê do một nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly.

Một thời gian dài sau 1975, nhiều bài hát của ông bị cấm lưu hành ở tại Việt Nam hay bị một số người kêu gọi tẩy chay ở hải ngoại. Tuy nhiên, Khánh Ly và nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục hát và phát hành những băng đĩa với ca khúc của ông tại hải ngoại.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly năm 1970

Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tình yêu là đề tài lớn và có sức ảnh hưởng nhất trong số các tác phẩm của ông. Những bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Khả năng viết nhạc tình của Trịnh Công Sơn tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng, theo thời đại: từ 1958 với “Ướt mi” đã nổi tiếng cho đến thập niên 1990 ông vẫn có những tình ca được nhiều người ưa thích: “Như một lời chia tay”, “Xin trả nợ người”… Những bài hát này thường mang giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Slow, Blue hay Boston. Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ, nhiều chiêm nghiệm nhờ những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ… đôi khi pha lẫn hơi hướng siêu thực, trừu tượng.

Ngoài các bản nhạc tình và nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn còn để lại những tác phẩm viết về quê hương, nhạc về thân phận con người đặc biệt là những tác phẩm nói về tình cảm gia đình, cha mẹ trong đó có tác phẩm “Huyền thoại mẹ” – Một tác phẩm nổi tiếng của ông khắc họa hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng.

Rất ít ai biết, ca khúc “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – bài ca đi cùng năm tháng sáng tác của ông lại được lấy cảm hứng từ hình ảnh người mẹ Suốt của quê hương Quảng Bình.

“…Đêm chong đèn ngồi nhớ lại

Từng câu chuyện ngày xưa.

Mẹ về đứng dưới mưa

Che đàn con nằm ngủ

Canh từng bước chân thù.

Mẹ ngồi dưới cơn mưa.

 

Mẹ lội qua con suối,

Dưới mưa bom không ngại

Mẹ nhẹ nhàng đưa lối,

Tiễn con qua núi đồi.

Mẹ chìm trong đêm tối,

Gió mưa tóc che lối con đi.

 

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại

Từng câu chuyện ngày xưa.

Mẹ về đứng dưới mưa,

Che từng căn nhà nhỏ

Xoá sạch vết con về

Mẹ ngồi dưới cơn mưa

 

Mẹ là gió uốn quanh,

Trên đời con thầm lặng

Trong câu hát thanh bình.

Mẹ làm gió mong manh.

Mẹ là nước chứa chan,

Trôi giùm con phiền muộn

Cho đời mãi trong lành

Mẹ chìm dưới gian nan…”

Vào những ngày cuối năm 70 khi mà ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên vừa được sáp nhập được vài năm thì vừa hay Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên tổ chức chuyến đi thực tế ra thăm Quảng Bình để tìm cảm hứng sáng tác cho anh chị em văn nghệ sĩ. Tại Nhà truyền thống của thị xã Đồng Hới ngày đó có trưng bày bức ảnh mẹ Suốt đang chèo đò đưa các chiến sĩ bộ đội qua sông. Chính hình ảnh người mẹ Suốt “ngẩng đầu mái tóc mẹ rung, gió lay như sóng biển tung trắng bờ” (bài thơ “Mẹ Suốt” của Tố Hữu) đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với vị nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó cũng chính là nguồn cơn để ông có một tuyệt tác để đời cho đến ngày nay.

Hình ảnh những bà mẹ Việt Nam anh hùng từ thời xa xưa một đời đã vì chồng, vì con, vì dân, vì nước mà lặng thầm hy sinh không một lời oán hận hay than trách. Họ là những người mẹ Việt Nam anh dũng trong chiến đấu. Bức ảnh người mẹ Suốt cũng là một điển hình cao cả ở vùng quê Bảo Ninh bên bờ Nhật Lệ. Tuyệt phẩm “Huyền thoại mẹ” ra đời, đó vừa là ca khúc ngợi ca những người mẹ Việt Nam anh dũng trong chiến đấu, vừa là tình cảm ông dành cho chính người mẹ kính yêu của Ông. Bởi ngay từ lúc sinh thời, Ông đã dành những lời tốt đẹp nhất viết về mẹ: “Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là Mẹ tôi. Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quý giá nhất. Đó là Mẹ tôi”.

Người mẹ Suốt cũng như bao bà mẹ việt Nam anh hùng, đã góp phần cho quê hương đất nước hôm nay, mẹ đã phải vượt qua bao thử thách hiểm nguy khi “lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại”. Hình ảnh cao đẹp ấy luôn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong lĩnh vực âm nhạc, có thể gặp hàng trăm ca khúc về đề tài này. Ví như Nguyễn Văn Tý có “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, Thuận Yến có “Người mẹ miền nam tay không thắng giặc”, Xuân Hồng có “Người mẹ của tôi”, Lư Nhất Vũ và Lê Giang có “Hãy yên lòng, mẹ ơi”…

Năm 2004, Trịnh Công Sơn là 1 trong 6 tên tuổi nhạc sĩ lớn của thế giới được nhận “Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới” bởi những cống hiến của ông trong việc góp một sức nặng lớn lao trong cuộc chiến đấu vì hòa bình và thống nhất đất nước. Nhiều năm sau ngày thống nhất, Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca khúc “Huyền thoại mẹ” là một trong những bài hát hay nhất về những người mẹ anh hùng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biết đến là một nhạc sĩ tài hoa viết về tình ca hay nhất, nhưng khi ông viết về quê hương, đất nước, ông cũng đặt hết tâm hồn và trái tim của mình vào sáng tác. Nhạc sĩ Văn Cao cũng đã từng nhận xét: “Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền”. Và cũng có thể là mãi mãi, trong nhiều mái ấm của những gia đình Việt Nam, trong nhiều quán cà phê của các thị thành đến tận những làng quê xa xôi, những tình khúc của Trịnh vẫn vang vọng, vẫn tiếp tục làm rung động trái tim của nhiều thế hệ người hâm mộ.

Bài ca “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang một giai điệu sâu lắng, trầm hùng, mang chất tự sự và đặc biệt mang đậm âm hưởng dân ca miền Trung, nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những cảm xúc dạt dào để cho ra đời tác phẩm này. Một “Huyền thoại mẹ” nghe gần gũi quen thuộc mà thấm thía sâu xa làm sao. Mong cho mai sau này, khi năm tháng qua đi, đời người thay đổi, những thế hệ đi sau chúng ta chỉ còn biết chiến tranh qua môn học lịch sử, khi nghe ca khúc này họ trân trọng và tôn vinh người mẹ Việt Nam với những đức tính cao đẹp, luôn chịu thương chịu khó. Bài ca là một đóa hoa thơm mà nhạc sĩ đã dâng tặng cho những người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Cám ơn các “MẸ” đã cho chúng con một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay…

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận