Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Cát bụi” – Thấm đượm triết lý nhân sinh của cuộc sống

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ có sức ảnh hưởng mãnh liệt đến làng nhạc Việt. Những ca khúc của ông đã trở thành một nhánh quan trọng, được công chúng đón nhận và gọi nó bằng cái tên “ nhạc Trịnh”. Những ca khúc của ông cũng góp phần làm nên tên tuổi của một số ca sĩ nổi tiếng trong đó người thành công nhất khi thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn phải kể đến là nữ ca sĩ Khánh Ly, người được mệnh danh là “ Nữ hoàng chân đất”. Và một trong số những bài hát cô thể hiện khá thành công đó là bài “ Cát bụi”, được ông sáng tác năm 1965, Khánh Ly cũng chính là người thu âm đầu tiên ca khúc này.

Nhạc phẩm “Cát Bụi” thấm đượm triết lý nhân sinh của cuộc sống và quy luật tự nhiên “sinh lão bệnh tử”. Trong thế giới rộng lớn và vô hạn này con người chỉ là hữu hạn. Ta ở kiếp trước có thể chỉ là một hạt bụi vô danh nào đó lơ lửng trong vũ trụ, rồi được tái sinh thành kiếp con người mang hình hài và có số phận “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai vươn hình hài lớn dậy”. Để rồi ta được sống trong yêu thương của gia đình và lớn lên trong xã hội, trưởng thành từng ngày. Thế nhưng theo nhịp sống, một ngày ta chợt nhận ra mái đầu xanh kia bây giờ đã “tóc trắng như vôi”. Phải chăng đời người mong manh như một cành hoa sớm nở, tối tàn tựa như mây khói và rồi con người cũng sẽ trở về với cát bụi “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi”. Ca khúc thoạt đầu nghe thì chỉ thấy những day dứt, băn khoăn về kiếp người ngắn ngủi qua hình ảnh cát bụi nhưng khi nghe nhiều lần ta lại nghiệm ra và vỡ òa trong niềm đồng cảm và sẽ có chút rung động, nhẹ lòng bởi ca khúc không chỉ có nỗi buồn khắc khoải mà còn toát lên một niềm hạnh phúc nho nhỏ của nhân vật trữ tình vì đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Bởi lẽ Cát bụi không chỉ đơn giản là cát bụi, mà nó còn đại diện cho cuộc sống với nhiều mảnh ghép nhiều màu sắc khác nhau với hai mảng sáng và tối là đặc trưng hơn cả. Chính chúng ta là người lựa chọn cho mình mảng màu nào để tô vẽ nên cuộc sống của chính mình. Bản thân ta có thể chọn mảng màu tươi sáng để trước khi chúng ta lại trở về cát bụi, kết thúc một vòng luân hồi, và hãnh diện về cuộc đời mình đã từng sống như chính tác giả vậy.

Về hoàn cảnh sáng tác “ Cát bụi” cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “ Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu”. Và cảm hứng sáng tác ca khúc “Cát bụi” đến khi ông xem một đoạn phim và đọc một cuốn truyện buồn.

Trong hồi ký của mình, Trịnh Công Sơn từng chia sẻ câu chuyện của mình về nguồn cảm hứng để viết ra “Cát bụi” như sau:

“ Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt dây. Người nghệ sĩ mù nói : có kẻ bất thiện đang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.

Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “ Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.”

Nếu như nói rằng đời người là ngắn ngủi như một giấc mộng, thì với ‘Cát Bụi’ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ta thấy nó dường như ngắn hơn như thế. Chỉ như một thoáng vui, một vòng dạo chơi trong cõi vô thường này “Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy. Cho trăm năm vào chết một ngày”. Cả một đời làm kiếp con người theo đuổi những dục vọng và mộng tưởng, để rồi quay đi ngoảnh lại, thấy mình đã già như lá úa trên cao sắp rụng, cái chết trong gang tấc. Những câu hát nhẹ nhàng, lãng đãng như hơi thở nhưng lại vô cùng sâu lắng và in vào tâm khảm người nghe.

https://www.youtube.com/watch?v=CiclHVsms9U

Khi nghe “ Cát bụi” , ta nhận ra có những trải lòng thực chân thật với đời, để tâm thực sự tĩnh lại mà ngẫm tới những được mất, và rồi thấy rằng đời người như ‘trò chơi nắm cát’, nắm càng chặt thì tuột mất càng nhanh. Trong những giây phút lắng đọng lại để chiêm nghiệm, ta chợt giật mình với những trăn trở, cuộc đời đó là thân người là đau khổ, nhưng cuộc sống thì vẫn phải sống, phải làm sao để tìm được con đường an lạc cho chính mình. Dù là ai, ở thế hệ nào đi nữa thì câu hỏi: Phải sống như thế nào cho cuộc đời này? vẫn luôn đau đáu trong tiềm thức mỗi người. Cũng chính bởi vậy, ‘Cát Bụi’ của Trịnh Công Sơn có lẽ sẽ vẫn mãi được hát lên bởi các thế hệ tiếp nối, trong vòng quay vĩnh hằng của cát bụi – đời người – cát bụi.

Ca khúc này, sau khi được Khánh Ly trình diễn đã được mọi người biết đến và đón nhận. Đến ngày nay “ Cát bụi” vẫn là nhạc phẩm được nhiều người yêu thích và được nhiều ca sĩ trình bày. Chắc bởi lẽ “Nhạc Trịnh giản dị dễ hát” và nhiều cảm xúc chân thành, gần gũi nên dễ đi vào lòng người. Trong những nốt nhạc thâm trầm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đâu đó ta tìm thấy nụ cười mãn nguyện hài lòng vì ông đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cống hiến cho đời những tài sản âm nhạc hết sức to lớn, những cảm xúc thăng hoa cùng với những trải nghiệm đẹp nhất.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay.,

Trích lời bài hát Cát Bụi.

 

Đánh giá post

Viết một bình luận