Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Chiều mưa biên giới”

Đăng ngày 20/07/2024

Những người yêu thích dòng nhạc xưa, không ít thì nhiều cũng đều nghe đến cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, một nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam. Thân là một Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhưng nhiều người lại biết đến ông trên danh nghĩa của một người nhạc sĩ, một người đem âm nhạc tô điểm cho đời. Không chỉ với một bút danh là Nguyễn Văn Đông, mà cố nhạc sĩ còn ký tên trên những sáng tác của mình những bút danh khác, kể đến là: Phượng Linh, Phương Hà, Hoài Phương, Vì Dân và Đông Phương Tử. Không chỉ là một người lãnh đạo giỏi và tài ba, cố nhạc sĩ cũng là một nhà nghệ thuật “tầm cỡ” khi để lại cho nền âm nhạc Việt Nam vô số bài hát nổi tiếng, trong đó có thể thể đến như: “Chiều mưa biên giới”,“Sắc hoa màu nhớ”, “Phiên gác đêm xuân”, “Bông hồng cài áo trắng”, “Niềm đau dĩ vãng”,… Nguyễn Văn Đông là người đa tài, đáng được kính trọng và ngưỡng mộ, dù xuất thân từ quân ngũ nhưng ông đã cống hiến rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam, nhạc khúc của ông rất đa dạng, không tập trung vào một lĩnh vực nào cả và tất cả đều rất hay và thành công. Riêng ca khúc “Chiều mưa biên giới” có lẽ đã trở thành một bài ca kinh điển với giai điệu trữ tình, lãng mạn, để lại tiếng vang lớn trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Bài hát này được khá nhiều người yêu thích, dù ở thời điểm ra đời bài hát hay ở hiện tại, vẫn rất được người nghe đón nhận.Hoàn cảnh ra đời ca khúc Chiều mưa biên giới của Nguyễn Văn Đông

Ca khúc “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI” được tác giả sáng tác vào năm 1956, ký tên với bút danh là Nguyễn Văn Đông (tên thật của tác giả). Bài hát này nằm trong tập băng nhạc SƠN CA 6 – GIAO LINH do ca sĩ Giao Linh thể hiện. Bài hát ra đời vào thời điểm nhạc sĩ còn là một Trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười, cũng chính là người chịu trách nhiệm đề ra phương án tác chiến cho chiến dịch lần này. Dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật để tiến hành điều tra và nghiên cứu tình hình chiến trường ở dọc biên giới Miên – Việt và khu vực Đồng Tháp Mười. Chính lúc này, tác giả cùng đồng đội rơi vào tình cảnh mưa bão gào thét, trời chiều lộng gió, mưa như tát, đau rát cả mặt. Giữa chốn đồng không mông quạnh, tiêu điều, hiu hắt, lối vào đồn thì trở nên xa xôi hơn bao giờ hết, chỉ thoát ẩn thoát hiện hình ảnh của những nóc tháp canh mờ nhạt nơi chân trời. Tình cảnh này đây, lại nhen nhóm lên trong lòng người Trung úy những cung bậc cảm xúc khó diễn tả thành lời và cũng chính thế những giai điệu trầm buồn đầu tiên của nhạc khúc vang lên “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?….”. Vậy nên nói, “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI” là những ca từ đại diện nói về biên giới Việt Nam – Campuchia, bài ca khắc họa nên tâm trạng của người lính chiến khi tham gia vào chiến dịch Thoại Ngọc Hầu.

“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Saᴏ ᴄòn đứng ngóng nơi giang đầu

Kìa rừng chiều âm u rét mướt

Chờ người về vui trᴏng giá buốt

Người về bơ vơ…”

“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?…” – Biên giới được nhắc đến trong câu đầu tiên của bài hát có gì nghĩa gì đây? “Biên giới” là chỉ biên giới Việt Nam – Campuchia hay là biên giới nào khác? Những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không phải là những ca từ sôi động, cổ vũ chiến tranh; hay những ca từ sướt mướt, đầm đìa nước mắt, mà nó thường có nét trầm buồn miên man, ẩn sâu trong mỗi câu từ là những tình cảm của lính chiến thời loạn lạc. Thân mang trọng trách với quốc gia dân tộc, nhạc sĩ đã mang trong mình biết bao nỗi niềm mà không thể chia sẻ cùng ai, ông chỉ biết gửi gắm tất cả vào những nhạc phẩm của mình, mong muốn người nghe hiểu được nỗi khổ tâm của người lính chiến nơi sa trường. Chính bản thân ông là người trải nghiệm nên ông đem cái chân thật nhất mang vào ca từ một cách tự nhiên nhất. Đó là hoàn cảnh bom bay lửa đạn ngập trời với những vất vả, những mất mác của người lính. Giữa nơi núi rừng ẩm thấp và âm u, bản thân như đang lạc vào một mê cung không lối thoát, thả hồn theo những đám mây và gửi tình cảm của mình đến nới hậu phương có người mong đợi. “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?…” Đây không phải là câu hỏi, mà nó thực chất là một lời tự sự, tác giả đang tự hỏi chính mình và không chờ đợi sự hồi đáp từ bất cứ ai.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - Ca khúc "Chiều Mưa Biên Giới" và bổn phận của người quân nhân

“Tình anh như đám mây trôi chiều hoang

Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn”

Thật khâm phục cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, vì ông rất giỏi trong việc sử dụng chất liệu ca từ để gợi lên cảm xúc chân thật nhất cho người nghe, để khán giả khi thưởng thức âm nhạc của ông có thể cảm nhận được rõ ràng nhất những cung bậc cảm xúc mà ông muốn mang lại. “Hoa tàn”, “nguyệt khuyết” là hình ảnh cổ xưa, nó thường xuất hiện trong các dòng thơ cổ, phong cảnh hữu tình, nhưng Nguyễn Văn Đông đã rất thuần thục mà đưa vào từng câu hát của mình, biến nó trở nên hợp hoàn cảnh, không màu mè mà trở nên hiện đại hơn. Ở đoạn sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng dùng thêm dấu ấn thơ xưa cho ca khúc này:

“Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người”

Vầng trăng kia đã xẻ đôi, phải chăng đây là hình ảnh của một cuộc chia ly, phân cách đôi uyên ương. Một nửa vầng trăng theo chàng về chốn biên cương, một nửa ở lại nơi khuê phòng vắng lặng, một mình lủi thủi chờ chồng, không thể soi sáng tâm hồn nàng. Chàng như là cánh diều tung bay theo chiều gió, phiêu bạt giữa chốn loạn lạc, nhìn mây nước mênh mông mà lòng chẳng thể vơi đi nỗi bơ vơ và sự nhớ nhung bóng dáng người xưa cứ âm ỉ, bóng dáng người thương đợi chờ nơi góc phòng hiu quạnh.

Trong bài hát “CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI” câu hát hay nhất và ý  nghĩa nhất chắc phải kể đến chính là đây:

“Người đi khu chiến thương người hậu phương

Thương màu áᴏ gửi ra sa trường

Lòng trần ᴄòn tơ vương khanh tướng

Thì đường trần mưa bay gió ᴄuốn

Còn nhiều anh ơi…”

“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn…” Làm thân người lính, thì khi đất nước gặp khó khăn bản thân phải xả thân để mà cứu nguy cho Tổ quốc, dù biết làm một người chiến sĩ gian khổ biết là bao nhiêu, phải chấp nhận hy sinh để giữ vững nền hòa bình. Có người thương nhưng chẳng thể ở cạnh nhau sống những ngày bình thường, chung một mái nhà, nhưng hai thân xác hai nơi, chàng nơi chiến trường chỉ biết mong nhớ, nàng nơi phòng the chỉ biết gửi tấm áo nhớ nhung. Thân trai thời chiến là thế! Đã vậy nhạc sĩ lại còn là một quân nhân, nên từ những ngày đầu tiên khi bước chân theo sự nghiệp cứu nước, Nguyễn Văn Đông đã tự răn đe bản thân mình, và cũng vì chính những câu này mà ông lại gặp muôn vàn khó khăn và rắc rối trong cuộc đời theo nghiệp lính chiến, bị kỷ luật, bị quở trách chỉ  vì đã sáng tác nên những ca khúc như “Chiều Mưa Biên Giới”, “Phiên Gác Đêm Xuân”, “Mấy Dặm Sơn Khê”,…. bởi lẽ những ca từ trong các bài hát đã mang đến biết bao nổi khổ, bao nhiêu khó khăn và trăn trở, diễn đạt chân thật những hy sinh mất mác, dễ làm “nhụt lòng chiến sĩ”.

Điều đáng tự hào, “Chiều mưa biên giới” là một trong những nhạc phẩm không chỉ được chào đón một cách nồng nhiệt tại thị trường âm nhạc trong nước, mà cả ở quốc tế cũng rất nhiều người hâm mộ đón nhận, đặc biệt là ở Pháp với sự thể hiện thành công của nghệ sĩ tài danh Trần Văn Trạch, như một vì sao sáng, làm rạng rỡ nền trời nghệ thuật trong âm nhạc Việt Nam. Đến nay bài hát này vẫn được rất nhiều người ca sĩ nổi tiếng sử dụng để trình diễn trên những sân khấu tầm cỡ

Trích lời bài hát Chiều mưa biên giới:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ

Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm

Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *