Đã từng có một nhà văn nhận xét về nhạc sĩ Nguyễn Hiền như sau: “Nếu có người hỏi tôi, ai là khuôn mặt nghệ sĩ mẫu mực để tôi được nhìn làm tấm gương soi . Tôi sẽ không ngần ngại trả lời người đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ông có tính tình điềm đạm, giọng nói từ tốn và kiến thức rộng rãi. Ông cởi mở với mọi người, rộng lượng với đàn em, tử tế với bạn bè và trân quý gia đình.”. Phải chăng trên đời này lại có người hoàn hảo đến thế sao? Không chỉ là người tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật, mà ông còn là một con người có đời sống gia đình hoàn mỹ, người người gặp đều yêu mến ông.
Dòng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hiền luôn mang đậm hương vị tình tự quê hương, có lẽ do bút danh của ông là Hiền nên âm nhạc và ca từ của ông cũng hiền lành và đơn giản như vậy. Tình yêu mà ông mang theo và truyền tải vào mỗi ca khúc đều vô cùng tinh khiết, không chút tạp niệm, không chút oán giận nhân gian mà vô cùng đôn hậu như chính con người ông. Là một người nhạc sĩ tiêu biểu trong nền âm nhạc miền Nam Việt Nam, gia tài ca khúc của ông cũng có hơn 100 sáng tác, mỗi ca khúc đều mang một tâm tư tình cảm và cuốn hút người nghe nên trở thành bất hủ với thời gian. Trong đó có thể kể đến như “Anh cho em mùa xuân”, “Mái tóc dạ hương”, “Hoa bướm ngày xưa”, “Tiếng hát học trò”,…..
Và ca khúc “Hoa bướm ngày xưa” đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng người yêu nhạc bởi những ca từ giản đơn nhưng lại mơ mộng của lứa tuổi học trò hồn nhiên. Tuổi nào đẹp bằng tuổi thanh xuân, tuổi nào vui tươi bằng tuổi cắp sách đến trường, tung tăng trong tà áo trắng, vô tư bên những trang vở học trò, cười đùa cùng lũ bạn trên còn đường về nhà quen thuộc….Tất cả như cánh “hoa bướm” lung linh và còn đọng mãi trong miền ký ức yêu thương, được ép khô và lưu giữ mãi trong trang vở tinh khôi.
“Cho nhớ thương về quê xưa
Mùa Xuân không còn nữa
Muôn cánh hoa đùa phai úa
Lối cũ rơi hững hờ
Nơi ấy bao ngày xanh qua
Hồn thơ mơ màng quá
Yêu những khung trời hoa bướm
Với nắng tơ vàng êm….”
Một miền quê xưa, một miền quê chứa đựng bao hồi ức tươi đẹp tưởng chừng chỉ vừa trôi qua ngày hôm qua thôi. Nhưng chẳng thể nào ngờ được, mọi thứ lại qua nhanh như thế, giờ chỉ còn là những hồi ức được lưu giữ trong lớp bụi mờ của thời gian. Xuân không còn, cánh hoa tươi ngày nào đang khoe sắc giờ đã úa màu, giống như tuổi thơ ta mới năm nào giờ người người đã lớn, đã trưởng thành, đã vật vả trong guồng quay của cuộc sống mưu sinh. Lối cũ năm nào, con đường mòn mà những đồng bạn từng cùng nhau sánh bước mỗi ngày đến lớp, mỗi chiều tan trường giờ vẫn còn đang hững hờ nằm nơi đó, nhưng những đứa trẻ ngày xưa thì lại cách biệt, mỗi người mỗi ngả.
Yêu làm sao những tháng ngày xưa cũ, yêu một thời tuổi mộng xanh xanh, đó là cả một tâm hồn thơ mộng, cả một quãng đường thanh xuân tươi đẹp mà đời người chẳng ai có lại lần hai. Sẽ chẳng có chiếc vé lưu hành nào có thể chở ta trở về một thời thanh xuân ngày cũ, chẳng có chuyến đi nào đẹp hơn chuyến đi trở về tuổi thơ đầy mộng ước. Làm thế nào để trở về khung trời hoa bướm, trở về những ánh nắng sớm ban mai, trở về khung trời nắng vàng soi chiếu lối mòn năm cũ….làm thế nào bây giờ?
“…..Yêu sao ngày thơ ấu
Đất nước chưa thay màu
Những tấm lòng thương nhau
Cười nghiêng nghiêng tà áo
Năm tháng theo làn mây trôi
Ngày thơ xa dần mãi
Nơi cũ dâng sầu tê tái
Sắc bướm hoa tàn phai…”
Ai trong chúng ta trưởng thành mà không đi qua cái thời thanh xuân, thời niên thiếu đầu mộng mơ và hoài bão. Tuổi thơ ấu chính là những chiều lon ton trên cánh đồng thả cho những cánh diều bay như chắp cánh ước mơ xa xa của tương lai, tuổi thơ chính là những ký ức về một thời cắp sách đến trường mặc trên mình tà áo dài trắng tinh khôi, phất phơ bay theo từng cơn gió thoảng…
Là ngày đất nước vẫn còn giữ mãi một màu xanh, màu thương yêu đất trời, màu gắn kết những tấm lòng yêu thương nhau không nghi kỵ, chẳng toan tính thiệt hơn. Tác giả yêu cái thuở vẫn còn là những đứa trẻ hồn nhiên và trong sáng, lúc nào cũng ngả nghiêng cười chẳng nghĩ suy, lúc nào cũng vô tư lự mà sống vui vẻ. Tuổi thơ ấu làm người ta luyến lưu không rời, bởi chẳng có những nghĩ suy hay sầu lụy, sẽ có những lúc chợt buồn chợt không vui về một vấn đề nào đó, nhưng lại chợt phai mà thay vào đó là nụ cười tươi tắn. Dường như chưa từng có nỗi “sầu tê tái” nào đã từng dâng lên, chẳng có nỗi phiền muộn nào “ghé thăm” tâm tư đứa trẻ….mà đọng lại chỉ có sự trinh nguyên và trong sáng.
“…..Hồn bướm hoa xưa còn đâu ?
Vườn cũ quê nhà yêu dấu
Màu nắng xưa còn lưu luyến
Hương sắc ngừng trôi trước thềm
Còn nhớ hay chăng người ơi!
Chiều nào thầm nghe lá rơi
Ta nắn cung đàn u sầu
Thương ngàn cánh hoa phai màu
Tìm thấy đâu ngày thơ êm ái .”
Thời gian trôi qua quá nhanh hay do chúng ta đã từng không biết trân trọng tuổi thơ, mà đến bây giờ khi lớn lên mới chợt nhận ra “hồn bướm hoa xưa còn đâu?”, tất cả đã trôi tụt vào khoảng thời không xưa, chẳng thế nào lấy lại được. Con người chúng ta ngộ lắm! Khi bé thì chỉ mong mình lớn thật nhanh, mong có thể chính mình thực hiện những ước mơ, những hoài bão ngày nhỏ. Nhưng khi lớn lên rồi, trưởng thành rồi, bộn bề với cuộc sống nhộn nhịp thì lại cưỡng cầu được trở về với những “hoa bướm ngày xưa”. Trở về với mái tranh cũ vườn quê, trở về để hòa mình vào những đợt nắng nhẹ như thanh lọc tấm thân mệt mỏi này, về để luyến lưu với những hương sắc ngày xưa đang đọng lại nơi trước thềm nhà.
Đã từng: Chiều chiều ngồi trước mái hiên, ngắm nhìn những chiếc lá vàng rơi, nghe chúng than thở về cuộc đời tuần hoàn mọc rồi rụng; lắng nghe từng tiếng cung đàn u sầu cất lên từng điệu nhạc câu hát ân tình mến thương,…Nhưng giờ phút này, có cầu mong cũng chẳng thể nào thấy được, vì tấm vé tuổi thơ chỉ có một chiều, xuất phát điểm từ trẻ thơ cho đến trưởng thành và già đi. Nên còn lại nơi trái tim chúng ta, chỉ là kỷ niệm, là những “cánh hoa phai màu”, và chẳng thể nào tìm lại được thời ấu thơ xưa….
Có lẽ ta đã quá vội vàng trong lứa tuổi thơ ngây, quá mong mỏi về sự trưởng thành trong tâm hồn ngây dại nên khi lớn rồi ta chỉ có hối tiếc tại sao bản thân không biết trân trọng, không biết quý hơn những khoảnh khắc ấu thơ ấy. “Hoa bướm ngày xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền là những giai điệu nhẹ nhàng, dìu dắt người nghe từng bước đi vào giấc mơ tuổi mộng, từng bước trở về với những hoài niệm tuổi thanh xuân, để nhớ, để yêu và để kiếm tìm…..
Cho nhớ thương về quê xưa
Mùa Xuân không còn nữa
Muôn cánh hoa đùa phai úa
Lối cũ rơi hững hờ
Nơi ấy bao ngày xanh qua
Hồn thơ mơ màng quá
Yêu những khung trời hoa bướm
Với nắng tơ vàng êm
Yêu sao ngày thơ ấu
Đất nước chưa thay màu
Những tấm lòng thương nhau
Cười nghiêng nghiêng tà áo
Năm tháng theo làn mây trôi
Ngày thơ xa dần mãi
Nơi cũ dâng sầu tê tái
Sắc bướm hoa tàn phai
Hồn bướm hoa xưa còn đâu ?
Vườn cũ quê nhà yêu dấu
Mầu nắng xưa còn lưu luyến
Hương sắc ngừng trôi trước thềm
Còn nhớ hay chăng người ơi!
Chiều nào thầm nghe lá rơi
Ta nắn cung đàn u sầu
Thương ngàn cánh hoa phai mầu
Tìm thấy đâu ngày thơ êm ái .
- “Bài Thánh Ca Buồn” – Một sáng tác bất tử vang lên mỗi dịp giáng sinh về của nhạc sĩ Nguyên Vũ
- Tìm lại quá khứ với các kiến trúc cổ ở Sài Gòn – Những nét đẹp của một Sài Gòn xưa để lại.
- Giai thoại về những địa danh của Sài Gòn được cho là dùng để trấn yểm long mạch
- “Miền Trung Thương Nhớ” – Đợi chờ hát thành khúc ca – Thương nhớ dệt thành thơ
- Đôi điều về Ca sĩ Hoàng OAnh – “Chim vàng Mỹ Tho”.