Mùa Xuân đang tràn khắp trên quê hương Việt Nam, mùa Xuân ngưng đọng trong từng giai điệu âm thanh, dưới góc nhìn của một người yêu nghệ thuật và qua sự cảm nhận cùng khối óc tài ba của người nhạc sĩ bằng sự ra đời của hàng loạt các nhạc khúc về chủ đề mùa xuân. Với những người không còn trẻ, mùa xuân đã trở thành những hoài niệm hay những ngày tháng vui vẻ bên con cháu, họ sống với những ký ức của một thời và mãi mãi. Nếu với La Hối và Thế Lữ, mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ, hồi ức về mùa xuân luôn sống mãi thì mùa xuân của Lê Dinh – Minh Kỳ lại là những giai điệu rộn rã và vui tươi. Với Thanh Sơn, mùa xuân vô cùng đặc biệt nên ông đã đem hết tất cả hình ảnh đẹp nhất của mùa xuân vào tất cả bài hát của mình, từ cảnh vật đến cây cỏ. Còn riêng Minh Kỳ và Lê Dinh, biểu tượng đẹp nhất của mùa xuân chính là những câu chúc mừng năm mới, an lành trao nhau như lời ca của bài hát “Hạnh Phúc Đầu Xuân”.
Nhắc đến Minh Kỳ, ai mà chẳng biết đến người nhạc sĩ với khả năng sáng tác nhạc “thần thánh”, bởi ông có biệt tài viết nhạc vô cùng nhanh, thần thánh ở chỗ nhanh nhưng rất hay chứ không phải nhanh mà sơ sài, cẩu thả hay dở. Minh chứng là sự ra đời của ca khúc “Cánh thiệp đầu Xuân” và “Hạnh phúc đầu Xuân”, khi vào một buổi trưa tháng 11 năm 1963, ông đã giao bản nhạc cho nhạc sĩ Lê Dinh và yêu cầu gấp, làm cho nhạc sĩ đã phải thức cả đêm để viết lời cho kịp ngày mai. Vậy mà đến hôm sau khi giao bài hoàn tất của “Cánh thiệp đầu Xuân” ông đã đưa tiếp cho Lê Dinh phần giai điệu không lời khác chỉ trong 1 ngày. Những bài hát của nhạc sĩ Minh Kỳ vô cùng đa dạng về thể loại, cũng như sự phong phú về chủ đề, khiến người nghe chẳng bao giờ thấy chán và những sáng tác của ông cũng chẳng bao giờ bị lãng quên.
Còn về phần nhạc sĩ Lê Dinh, trước khi thành lập nhóm nhạc Lê Minh Bằng (Nhóm nhạc sĩ được ghép bằng tên của ba nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng) thì Lê Dinh và Minh Kỳ vẫn thường hay hợp tác sáng tác cùng nhau. Nhiều nhạc phẩm của hai đồng sáng tác đã trở nên bất hủ trong mọi thời đại, có thể kể đến như “Người em xứ thượng”, “Hạnh phúc đầu xuân”, “ Cánh thiệp đầu Xuân”, “Mưa trên phố Huế”,….Lời nhạc của Lê Dinh không rắc rối và khiến người nghe khó mường tượng, sự đơn sơ cùng với nét mộc mạc đi thẳng vào tâm hồn người nghe đã tạo nên sự thành công cho tác giả.
“Hạnh Phúc Đầu Xuân” chính là bài nhạc thứ 2 được ra đời trong cùng khoảng thời gian với ca khúc “Cánh thiệp đầu Xuân”, hai bài hát này được Minh Kỳ xếp vào tuyển tập nhạc xuân mừng Tết Giáp Thìn 1964. Trước khi ra về với bản nhạc “Cánh thiệp đầu Xuân” trên tay, Minh Kỳ không quên để lại cho Lê Dinh một bài khác chỉ toàn giai điệu mà chưa hề có lời, cũng chẳng có tựa. Lê Dinh chỉ biết giai điệu có phần rôm rả, mang theo sự nhộn nhịp của mùa xuân nên viết tiếp lời cho ca khúc về chủ đề mùa xuân. Trong cùng một khoảng thời gian, làm thế nào mà viết được 2 bài nhạc với cùng chủ đề mà buộc nó phải khác nhau? Đây là một thử thách đối với nhạc sĩ Lê Dinh, ông đã phải thức trắng đêm để tìm phương hướng giải quyết cho bài toán khó mà Minh Kỳ đã đề ra cho ông. Không hổ với danh xưng “người nhạc sĩ tài hoa”, chỉ vài ngày sau đó Minh Kỳ đã cho ra đời bài nhạc về Xuân thứ hai và có tựa đề là “Hạnh Phúc Đầu Xuân”. Nếu hình ảnh biểu tượng trong “Cánh thiệp đầu Xuân” là nét đẹp gửi thiệp chúc mừng năm mới, thì với ca khúc này, Minh Kỳ đã tôn vinh nét truyền thống trong mỗi dịp Tết là những câu chúc miệng, những cái bắt tay chào hỏi và những lời gửi gắm cho tương lai.
“Thấm thoát là đây một mùa Xuân mới với ngàn cánh mai vàng
Nụ cười trên môi trên làn má ai đón Xuân tươi vừa sang
Biết chúc chi đây khi làn gió Xuân về
Giấy trắng ghi lại đôi giòng nhạc tâm tư
Làm thơ trao duyên gửi người đôi câu chúc nhau vào lúc đầu Xuân….”
Một năm bắt đầu từ mùa xuân, ngàn nhành hoa đang báo hiệu mùa xuân bởi những cành hoa mai tươi thắm, khoe sắc vàng dưới ánh nắng trời xuân. Rực rỡ và chói lóa! Xuân về, nụ cười luôn hé mở trên môi của mọi người, gió xuân như thơm nhè nhẹ vào đôi má hồng của ai đó. Tình cảm mà lãng mạn! Tết tới xuân sang, khắp chốn lại rộ lên ngàn câu chúc nhau, mong nhau bình an, chúc đôi bên thuận hòa, cát tường như ý….Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài ba câu chúc, nhưng cũng đủ ấm lòng, cũng đủ vui vẻ cả năm.
“…..Xuân nay tôi chúc người miền biên cương muôn ngàn câu mến thương
Mong Xuân yên lành trong bao hương tình
Để rồi người thêm vui cuộc sống thanh bình…..”
Được sáng tác trước năm 1975, thời điểm đất nước Việt Nam còn đang chìm trong chiến loạn, người người vẫn còn chưa dứt được sự mất mát và đau thương do chiến tranh gây ra. Mùa xuân trong thời điểm này như một vết dao khứa vào lòng cả dân tộc, bởi ngoài biên cương những người lính trong đó có con trai, người yêu, chồng,….vẫn đang miệt mài tìm cách bảo về quốc gia, thì nơi quê nhà sao dám linh đình mà đón chào năm mới tới.
Tác giả thay mặt tất cả mọi người gửi lời cảm ơn chân thành đến với những “người miền biên cương” đang vô cùng gian khổ nhưng chẳng tiếng than vãn, gửi đến họ “muôn ngàn câu mến thương”. Chúng ta nơi quê nhà, lúc nào cũng mong ngóng sự toàn thắng mà quay về hạnh phúc bên gia đình, không cầu họ giàu sang chỉ cầu họ bình an trong bao niềm thương của mọi người. Bởi chính những người lính miền xa ấy đã hy sinh cả thanh xuân của mình để giữ vững non sông, giúp yên bờ cõi cho mảnh đất hình chữ S thân yêu này.
“…..Xuân nay tôi chúc người người nơi nơi cho bền duyên lứa đôi
Như hoa Xuân đời tay trong tay rồi
Dựng xây ngày hôm nay cho ngày mai thắm tươi…..”
Mùa xuân là mùa của sự sinh sôi của cây cối, cũng là mùa của sự kết duyên, người người ngập tràn trong những tình yêu màu hồng tươi đẹp. Đôi trẻ vẫn chọn lựa mùa xuân trở thành mùa ước định hẹn thề, cầu mong cho tình yêu của họ sẽ mãi đẹp và mộng mơ như mùa xuân đất trời.
Không cầu bản thân nên duyên tình cảm, chỉ nguyện chúc “người người nơi nơi” gặp được định mệnh của đời mình, mãi mãi “bền duyên lứa đôi”. Tình yêu luôn là khởi nguồn tươi đẹp cho đất nước, tác giả gửi đến các đôi yêu nhau “như hoa Xuân đời tay trong tay rồi”, mãi gắn bó, mãi bền lâu, đừng tách rời mà thêm khổ cho nhau. Tình yêu là cội nguồn của sự lớn mạnh, tình yêu đủ lớn sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, vậy nên hãy yêu thương nhau nhiều hơn để “dựng xây ngày hôm nay cho ngày mai thắm tươi…”.
“……Chúc tiếp rằng em dù đường xa cách nhưng mà chớ xa lòng
Người về thương nhau tâm tình luyến trao ước mong sao dài lâu
Nhớ nhớ hôm nao ước hẹn lúc ban đầu
Mãi mãi ta là đôi bạn lòng bên nhau
Mình về mai sau xin đừng quên câu chúc nhau hạnh phúc đầu Xuân”
Cuối bài hát, tác giả mới dành lời chúc cho bản thân nhưng lại vô cùng ít ỏi, ông mong tình yêu của ông sẽ đẹp, mong người mình yêu sẽ mau chóng về lại cùng mình để lứa đôi cũng được trọn vẹn niềm hạnh phúc ngày xuân. “Chúc tiếp rằng em dù đường xa cách nhưng mà chớ xa lòng” – Dù có xa cách muôn dặm thì xin người đừng xa lòng, hãy nhớ mãi về nhau để tình cảm của đôi ta luôn được mặn nồng như thuở mới yêu, được bên đẹp theo thời gian. Hãy nhớ đến hôm chúng ta từng hẹn thề ước nguyện cùng nhau, bên nhau như một đôi bạn lòng, chia sẻ buồn vui và hạnh phúc để luôn xuân trong tình yêu.
Có lẽ, bài hát đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người chúng ta, nên mỗi khi Tết đến Xuân về, từng ca từ giai điệu của “Hạnh Phúc Đầu Xuân” lại tràn ngập trong lòng, dấy lên trong từng suy nghĩ, cảm xúc. Những cảm giác lâng lâng vô cùng khó tả đồng loạt đan xen nhau, những tia sáng được gieo rắc vào khoảng trời ngày xuân, từng ánh nắng ấm áp, từng cảm giác gần gũi, lôi kéo mọi người sum họp lại với nhau để gửi nhau đôi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe. Xuân luôn tươi mới, xuân chẳng bao giờ già, một mùa xuân đi thì lại một mùa xuân khác sắp đến, chỉ có con người chúng ta mỗi năm lại lên một tuổi, vậy nên sự tuần hoàn đấy làm người ta thêm trân quý mỗi mùa xuân qua. Gặp gỡ nhau, dành cho nhau những câu chúc ấm no, cùng trải qua một năm nhiều hy vọng và hoài bão, trân trọng thời khắc quây quần bên nhau….chính là điều mà đôi tác giả muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người chúng ta.