“Hai năm tình lận đận” (Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên) – Thất vọng chính là thất vọng, đau thương vẫn hoàn đau thương…

Từ trước những năm 1975, nếu hỏi ai là cây đại thụ cho làng văn nghệ Sài Gòn và cả nền tân nhạc mới hình thành của Việt Nam thì phải kể đến nhạc sĩ Phạm Duy – Một trong những nhạc sĩ thiên tài, thổi hồn vào ngôn từ và giai điệu để vẽ nên bức tranh âm nhạc đặc sắc, sinh động. Ông không chỉ là một nhà sáng tác nhạc thông thường mà còn là một “phù thủy” khi phù phép những bài thơ của những thi sĩ không tên trở nên bất hủ và những thi sĩ ấy cũng trở nên gần gũi hơn với công chúng. Nếu thi sĩ Phạm Thiên Thư có bài “Ngày xưa hoàng thị”, “Gọi em là đóa hoa sầu”,…hay thi sĩ Huyền Chi với bài “Thuyền viễn xứ”,…thì nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã thành công khi được đưa “bộ tam khúc” đến gần với khán giả nghe nhạc: “Thà như giọt mưa”, “Em hiền như ma soeur”, “Hai năm tình lận đận”. Ba ca khúc này được thu âm lần đầu qua giọng ca của ca sĩ Duy Quang (con trai thân sinh của nhạc sĩ Phạm Duy và Thúy Hằng) và cũng trở thành những sáng tác “đo ni đóng giày”, mang tên tuổi của ca sĩ ngày càng nổi tiếng và được công chúng yêu thích, mến mộ.

Nhà văn Nguyễn Tất Nhiên

Cùng với ca khúc “Em hiền như ma soeur”, “Hai năm tình lận đận” cũng nói về cùng một mối tình học trò hồn nhiên và trong sáng. Nhưng đan xen chính là những khổ đau, niềm khát khao về một tình yêu ngây ngô nhưng sau cùng chỉ toàn là thất vọng khi bị cự tuyệt tình cảm. Ôm một trái tim đau đớn, trái tim vốn nên trinh nguyên ở lứa tuổi xuân thì nhưng giờ phút ấy lại trở nên tan nát vì niềm tin đặt vào quá nhiều. Sự dằn vặt trong tâm tư của lứa tuổi thiếu niên về tình yêu mới chớm đã tạo nên phong cách thơ rất riêng của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Thêm vào đó chính là những nốt nhạc “thần sầu” của nhạc sĩ Phạm Duy mà ca khúc càng trở nên da diết:

“Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao

Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao

Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Quang trình bày.

Hai năm, khoảng thời gian này có phải là quá dài cho một câu chuyện tình thiếu niên, cho lứa tuổi học trò hay không? Câu trả lời là không, hai năm cho một câu chuyện tình không tính là quá dài, nhưng nó đủ, đủ để mọi thứ dần thay đổi, đủ để tình yêu lứa đôi một là mặn nồng hơn do thấu hiểu nhau hơn – hai là nhạt nhẽo hơn vì đoạn tình cảm không còn nồng nhiệt và cháy bỏng như thuở ban đầu. Hai năm đủ cho một con người thay đổi trong vô thức, trưởng thành hơn, tự lập hơn và đôi khi chịu đựng tổn thương giỏi hơn.

Hai năm hai đứa cùng quấn quýt, cùng “xanh xao”, cùng trao nhau những câu nói ngây ngô yêu thương, cùng thở chung một nhịp thở đậm hương tình, cùng dìu nhau qua những cung đường vạn lối, cùng “hư hao”. Nhưng hai năm tình đó vẫn “lận đận” làm sao, bởi kết quả cho một câu chuyện tình dài hai năm chính là “hai đứa đành xa nhau”. Chúng ta không nói tình đầu thuở học sinh là tình không trọn vẹn, bởi họ chưa hiểu hết được thế nào là chữ “yêu”, chưa chắc chắn được chữ “thương” sâu đậm thế nào. Nhưng ít nhất hai năm ấy, họ dành cho nhau, họ cùng nhau trải qua thuở thanh xuân tươi đẹp với một tình cảm ngọt ngào và nồng nhiệt. Để sau này, khi trên đường đời muôn vạn lối, họ còn có cái để nhớ về, nhớ rằng “thanh xuân năm ấy chúng ta từng có nhau”…

“….Em xưa còn thắt bím, nuôi dưỡng thêm ngây thơ,

Anh xưa còn lính quýnh giữa sân trường trao thư…

Em thường hay mắt liếc, anh thường ngóng cổ cao,

Ngoài đường em bước chậm, quán chiều anh nôn nao……”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Thuý trình bày.

Trở về quá khứ, khoảng thời gian mộng mơ của lứa tuổi học trò, thuở còn cắp sách đến trường, giờ hoài niệm lại thấy có chút luyến tiếc. Ngày xưa nàng ngây ngô và trong sáng như một trang giấy trắng trinh nguyên, vẫn thích thắt bím, vẫn thích ngây thơ. Còn chàng trai thì “lính quýnh” giữa chốn sân trường để trao những tấm thư ngỏ lòng mình. Cụm từ “lính quýnh” nghe sao lạ lẫm trong văn thơ quá đúng không, bởi mấy ai lại xài thứ ngôn từ đời thường như thế trong lời thơ ca hoa mỹ. Nhưng nó lại là một từ tượng hình quen thuộc đối với những cậu học trò xưa, lúc nào cũng trở nên bối rối và hậu đậu trước ánh nhìn của người thương trong các mối tình thuở ban sơ. Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười, cũng khiến chàng lính quýnh đến run rẩy, tay chân chẳng biết cất đâu, cứ cảm thấy sao thật dư thừa.

“Em thường hay mắt liếc, anh thường ngóng cổ cao”, một hình ảnh rất dễ thương của nét yêu đơn phương thầm lặng và ngượng ngùng của cậu học trò mới lớn. Mắt lúc nào cũng dõi theo từng động tác, từng nụ cười của “nàng thơ” nhưng khi nàng quay đầu nhìn thì lại lật đật mà ngóng cao đầu sáng chỗ khác để né tránh ánh mắt “có lực sát thương lớn” của người mình thầm yêu. Lúc nào cũng thế, chẳng dám đối diện với ánh mắt làm chàng say mê, chỉ dám lặng lẽ mà ngắm nhìn, chỉ như vô tình mà bắt gặp. Còn nữa, “ngoài đường em bước chậm, quán chiều anh nôn nao”, em di từng bước chân nhỏ, chàng lại nôn nao mà định đuổi theo để cùng sánh bước, nhưng ngượng ngùng mà chẳng dám tiến lên, nên vẫn cứ âm thầm mà theo sau chân nàng.

Có một điều thú vị mà khá nhiều người yêu thích ca khúc này không biết được chính là, nhạc sĩ Phạm Duy đã chỉnh sửa đôi chút cho phần lời bài hát:

Nguyên văn câu thơ là:

“…Em vẫn còn mắt liếc, anh vẫn còn nôn nao

Ngoài đường em bước chậm, trong quán chiều anh ngóng cổ cao…”

Khác đôi chút so với ca từ của bài hát, nhưng dường như thế bài hát lại trở nên xuôi vẫn hơn, trôi chảy hơn cả bản gốc. Nhưng thế thì vẫn đảm bảo được cường độ nôn nao và mong ngóng của chàng thư sinh khi ngắm nhìn cô nàng của mình đang kiêu sa và kiều diễm trên lối nhỏ thân thương.

“….Em bây giờ có lẽ toan tính chuyện lọc lừa

Anh bây giờ có lẽ xin làm Người tình thua…”

Hồi ức quá đẹp nhưng khi đối diện với thực tại sau hai năm tình lại thấy thất vọng vô bờ, bởi nàng của bây giờ chỉ toàn “toan tính chuyện lọc lừa”. Có thể đây chỉ là sự đa nghi, đa sầu đa cảm của một chàng thi sĩ chịu tổn thương cho một mối tình đơn phương trước đó. Nên khi tiếp tục cho một cuộc yêu mới với người thương mới nhưng vẫn ở lứa tuổi ngây ngô học trò, chàng luôn mang trong mình tâm tư ngờ vực với thứ gọi là “tình yêu chân thành và chung thủy”. Do đó, suốt hai năm tình bị chàng cho là lận đận, luôn xuất hiện sự toàn tính và lọc lừa. Còn về người con gái ấy, cô nàng chỉ quá đề phòng về một câu chuyện tình không tương lai, không kết quả mà thôi. Bởi nàng cũng đã biết “tình sử” của chàng trước đó, lại thêm tính cách và nội tâm có phần phức tạp của thi sĩ nên nàng luôn cảm thấy bất an trước chuyện tình này. Nếu vậy, trong chuyện này, chẳng ai là người có lỗi, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho sự tan vỡ hay thất vọng trong tình cảm này cả. Bởi hai người đều chịu tổn thương, chàng thì vì thất vọng trong quá khứ, nàng thì chịu áp lực của hiện tại, nên cả hai trong chuyện tình “hai năm lận đận” đều đáng thương hơn là đáng trách.

“….Chuông nhà thờ đổ lạnh, tượng Chúa gầy hơn xưa

Chúa bây giờ có lẽ xuống trần gian trong mưa

Anh bây giờ có lẽ thiết tha hơn tín đồ

Xin làm cây Thánh Giá trên nóc cao nhà thờ

Cô đơn nhìn bụi bặm, xanh xác rêu phủ mờ,

Trước ngày lên ngôi Chúa, ai chắc không dại khờ…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Ở hai câu hát kế tiếp và những câu sau đó của ca khúc, dần xuất hiện những hình ảnh về “chuông nhà thờ”, “tượng Chúa”, “thánh giá”…dù là người ngoại đạo nhưng có lẽ do ảnh hưởng của môi trường sống mà Nguyễn Tất Nhiên đã vay mượn khá nhiều để đưa vào thi văn của mình. Có lẽ có chút táo bạo, nhưng chính điều đó lại tạo thành một điểm nhấn khác biệt của thi sĩ.

Sau khi tự nhận mình là “người tình thua”, những hình ảnh về Chúa đã xuất hiện như một sự cứu rỗi linh hồn của kẻ thất tình, anh mong muốn được Chúa hiện thân mà tẩy sạch những bụi trần gian để lòng này đỡ phiền não vì một câu chuyện tình thất bại. Chuông nhà thờ lạnh lẽo, tượng Chúa như gầy hơn, hình như Chúa đã phù phép để giáng xuống trần một đạo mưa lớn, người đầm mình trong cơn mưa kia sẽ được rửa trôi mọi tội đồ, rửa sạch mọi oán niệm trần gian. Chỉ vì thất bại trong một mối tình học sinh mà người thi sĩ lại muốn được hóa thân thành chiếc Thánh Giá, để bản thân không còn cảm xúc yêu thương, không còn chịu tổn thương khi tình phụ. Cứ vững vàng mà cô đơn trên nóc cao của nhà thờ, rồi vươn ánh mắt nhìn xuống đời để chắc rằng mình không còn dại khờ như thuở trước….

“…Hai năm tình lận đận, hai đứa già hơn xưa

Hai năm tình lận đận, mình đã già hơn xưa…

Mình đã già hơn xưa…”

Hai năm tình lận đận, hai năm tình với nhiều biến đổi, nếu yêu thương mặn nồng sẽ làm người ta trẻ ra thêm vài tuổi bởi được chăm sóc bằng thứ mỹ phẩm chất lượng gọi là “tình yêu”. Nhưng khi tình thất bại, người rời đi kẻ ở lại, tàn phá bản thân bằng thứ chất độc gọi là “bi thương” nên “hai đứa già hơn xưa”. Già hơn vì suy nghĩ chín chắn hơn, già hơn vì trưởng thành hơn, không còn những dại khờ hay bồng bột của tuổi trẻ…Già hơn để biết, hai năm tình lận đận ấy, dạy ta biết cách yêu thương hơn cho người sau….

Thanh xuân vốn vô giá vì vô tình bắt gặp những nỗi buồn không tưởng, tình cờ gặp những người chẳng thể quên và những cảm xúc tươi vui cùng những khoảng lặng đến đau cả kiếp người. “Hai năm tình lận đận” tuy chỉ là những hồi ức về một câu chuyện tình “thất bại thảm hại” của người thi sĩ, hay cũng có thể là tình cảnh chung của nhiều người khác. Nhưng chẳng sao cả, vì nó là thanh xuân của ta, thanh xuân của tác giả, cái mà in hằn trong ký ức, lúc đầu là đau nhưng lúc sau sẽ là nhớ. Dù sao cũng chỉ có một lần tuổi học trò nên cứ sống và yêu hết mình đừng ngại ngần sự thất bại mà lưu lại luyến tiếc cho muôn đời.

Lời bài hát Hai Năm Tình Lận Đận – Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao
Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao
Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau…

Em xưa còn thắt bím, nuôi dưởng thêm ngây thơ,
Anh xưa còn lính quýnh giữa sân trường trao thư…
Em thường hay mắt liếc, anh thường ngóng cổ cao,
Ngoài đường em bước chậm, quán chiều anh nôn nao…

{ Repeat 1st Refrain }

Em bây giờ có lẽ toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ xin làm Người tình thua…
Chuông nhà thờ đổ lạnh, tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ xuống trần gian trong mưa…

Anh bây giờ có lẽ thiết tha hơn tín đồ
Xin làm cây Thánh Giá trên nóc cao nhà thờ
Cô đơn nhìn bụi bậm, xanh xác rêu phủ mờ,
Trước ngày lên ngôi Chúa, ai chắc không dại khờ…

Hai năm tình lận đận, hai đứa già hơn xưa
Hai năm tình lận đận, mình đã già hơn xưa…
Mình đã già hơn xưa…

Đánh giá post

Viết một bình luận