Ai trong chúng ta mà chẳng có cái gọi là “tình đầu”, vì không có tình đầu thì sao có được tình yêu chân chính. Tình đầu luôn là những điều gì đó trong sáng nhất, tươi đẹp nhất, bởi chẳng hề có sự toan tính hay vụ lợi mà chỉ có sự thật lòng sưởi ấm trái tim ta. Nhưng cũng chính tình yêu đầu giúp ta ngộ ra nhiều chân lý của cuộc sống, giúp ta trưởng thành hơn và biết quý trọng hơn thứ tình cảm ngọt ngào ấy. Có lẽ vì sự đẹp đẽ của nó mà nhiều nhạc sĩ cũng chẳng cầm lòng được mà cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc ấn tượng, trong đó phải kể đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua ca khúc “GẶP NHAU LÀM NGƠ” khi dùng những điều ngây ngô, ngượng ngùng của tình yêu đầu để vẽ nên bức tranh tươi đẹp trong cuộc sống.
Trần Thiện Thanh là một người nhạc sĩ vô cùng đặc biệt, có lẽ với ông chẳng có gì gọi là bi thương hay đau khổ hoặc có thể ông thuộc tuýp người che giấu tổn thương vô cùng giỏi. Bởi qua những tác phẩm âm nhạc của ông, dù viết về chủ đề người lính nhưng nhạc lính của ông chẳng bao giờ nghe được sự thù hằn hay có sự đả kích gay gắt, hoặc sự bi thảm; chúng ta chỉ nghe được những bài hát vui tươi, thêm phần thi vị hóa và lãng mạn hóa như cổ vũ tinh thần của người chiến sĩ gian khổ. Nhạc tình cũng thế, có thể có buồn đấy, có thể có sầu đấy nhưng ngay sau đó lại lạc quan và yêu đời, không hề mất lòng tin về tình yêu mà còn ước mơ cho mình những cuộc tình khác tốt đẹp hơn.
Bài hát “GẶP NHAU LÀM NGƠ” là một trong những bản tình ca vui tươi mang màu sắc dân ca của nhạc sĩ, nó không chỉ nằm trong danh sách những ca khúc mở đầu cho thời đại tân nhạc Việt Nam mà còn là bài hát để đời của cố nhạc sĩ. Mở đầu cho một chuyện tình có phần ngây ngô nhưng lại đáng yêu không gì tả được bởi tình yêu Việt Nam bao giờ cũng đẹp hơn những câu chuyện tình phương tây, nhẹ nhàng cũng không kém sự nồng nhiệt. Ca khúc kể về một mối tình đầu tiên của nhạc sĩ, nói lên những rung động đầu đời, những ngượng ngùng mắc cỡ của thời niên thiếu được Trần Thiện Thanh khắc họa vô cùng rõ nét. Bài hát có tiết tấu khá mới lạ, nhịp có chút nhanh hơn so với các bản tình ca khác, nhưng chính điều này đã tạo nên nét riêng cho ca khúc, cảm giác bắt tai từ những giai điệu đầu tiên.
“Nhớ khi xưa lạ nhau, chung một đường
kẻ trước, người sau.
Chàng lặng đi theo nàng,
hát vu vơ mấy câu nhạc tình.
Nàng làm như vô tình,
gái đoan trang dễ đâu làm quen.
Lối đi qua nhà em nghe nồng
nàn mùi Dạ Lý thật thơm….”
Hồi ức quay về tại thời điểm còn niên thiếu, lúc đó đôi ta chẳng mấy thân quen, thậm chí còn xem nhau như đôi người xa lạ, chỉ biết chúng ta hay chung con đường về mà thôi. Nhưng chẳng biết đến bao giờ thì chúng ta cần kéo gần khoảng cách với nhau, từ hai người chẳng nhớ mặt nhau nay đã thành một người trước một người sau chỉ cách nhau đôi bước chân. Có vẻ chàng trai trong ca khúc là người có ý trước bởi “Chàng lặng đi theo nàng, hát vu vơ mấy câu nhạc tình”, còn nàng thì thái độ vô cùng dửng dưng “nàng làm như vô tình, gái đoan trang dễ đâu làm quen”. Nhìn thì tưởng hiền dịu, dễ bắt nạt đấy, nhưng muốn được làm quen nàng thì chẳng phải chuyện đùa, chàng trai cần nhiều thêm sự nhẫn nại và thêm nhiều nhiệt huyết mới có thể bắt được trái tim người thiếu nữ xuân xanh.
“…..Khi đêm sang đom đóm đong đưa,
giờ nàng đã ngủ chưa?
Đi lang thang khuya lắc khuya lơ,
đèn nhà ai tắt sớm.
Gom suy tư thao thức đêm khuya,
chàng bèn viết lá thư.
Hai hôm sau mới dám đưa thư,
nàng nhận nhưng làm thinh…..
Ban ngày đi qua cổng nhà nàng, một mùi hương thoang thoảng cứ vởn quanh, dịu dàng làm sao mùi hương Dạ Lý, thanh khiết nhưng lại quyến rũ chết người. Còn khi đêm về thì nhà nàng lại rực rỡ những tia sáng đom đóm, cứ đong đưa qua lại, trộm nhìn không biết giờ này nàng đã ngủ chưa? Tương tư ngày đêm, trong tâm tư chàng nhạc sĩ lúc này chỉ còn lại những câu hỏi: “Nàng đã ngủ chưa?”, “Nàng đã ăn chưa?”, “Nàng đang làm gì thế nhỉ?”,….”Nàng có nhớ đến mình không ta?”. Trong lòng cứ nhộn nhịp mong trời mau sáng để bản thân còn được gặp nàng, gặp người tình trong mộng nên chẳng thể ngủ được. Cứ lang thang trong đêm tối, nhìn thấy nhà ai ai cũng tắt sớm nên thôi đành mượn đôi dòng thư để gửi gắm chút tâm tư.
Những phong thư tuổi mộng đã chẳng còn xa lạ với chúng ta, chẳng phải điện thoại nhắn tin thường ngày như bây giờ, chỉ có những lá thư trao tay cất giữ sự chân thành của tuổi mới lớn. Lần đầu yêu đương, trong lòng biết bao suy nghĩ, không biết người ta có thích mình không, liệu mình gửi thư người ta có nhận không? Nên chàng đã giữ mãi, viết rồi nhưng chẳng dám gửi đi phải “hai hôm sau mới dám đưa thư”. Nhưng cô nàng im lặng quá, là nàng vô tâm không biết được tâm tư của chàng, hay thực chất nàng chẳng có tí tình cảm nào với chàng trai vậy nên nhận thư rồi cũng làm thinh luôn….
“…..Nhớ khi xưa còn thơ,
tuy thương thầm nhìn nhau cứ lặng câm.
Chuyện tình yêu ban đầu,
mấy ai may mắn chung nhịp cầu.
Nàng đội hoa theo chồng,
nước mắt tôi rớt bên bờ sông.
Đã không như là mơ,
nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ.”
Tác giả đã nhớ mãi không quên cái thời xa xưa ấy, lúc đấy còn bé bỏng còn ngây thơ, có biết thế nào gọi là yêu, có biết sao gọi là thương, chỉ biết rằng bản thân rất nhớ, muốn lúc nào cũng được nhìn thấy người ấy. Nhưng tiếc làm sao, “tuy thương thầm nhìn nhau cứ lặng câm”, đôi bên đều có ý, nhưng chẳng ai chịu mở lời, ngượng ngùng đôi khi giết chết một trái tim.
Khi trái tim xanh biết bắt đầu rung động, ai cũng nghĩ đây sẽ là mối tình cuối cùng của mình, bởi nó đẹp quá, nồng nhiệt và cháy bỏng quá. Nhưng thực tế lại có phần đáng thương khi ta nhận ra, tình đầu chỉ là mối tình để nhớ, nhớ một đời cũng chẳng thể nào quên được. Tình đầu là thời còn bỡ ngỡ, là thời ta học cách để yêu thương một ai đó và cũng là lần đầu tiên trong đời bản thân biết nhớ thương một ai đó. Có quá nhiều cái đầu tiên trong mối tình này nhưng “mấy ai may mắn chung nhịp cầu” bởi chẳng mấy ai là tình đầu của nhau lại có thể đi cùng nhau đến trọn đời, đây chính là điều tàn nhẫn nhất và luyến tiếc nhất. Rồi khi nhìn “nàng đội hoa theo chồng” thì chàng đã chẳng còn kiềm được đôi dòng lệ rơi, người mình thương yêu từ thuở ban đầu, bây giờ đã về bến đỗ mới. Lúc này có nói lời nào cũng chỉ là sự muộn màng, chỉ mong sau này nếu có tình cờ gặp nhau trên đường đời “xin cứ làm ngơ” để tim này đỡ nhớ thương.
Trích lời bài hát:
Nhớ khi xưa lạ nhau, chung một đường
kẻ trước, người sau.
Chàng lặng đi theo nàng,
hát vu vơ mấy câu nhạc tình.
Nàng làm như vô tình,
gái đoan trang dễ đâu làm quen.
Lối đi qua nhà em nghe nồng
nàn mùi Dạ Lý thật thơm.
Khi đêm sang đom dóm đong đưa,
giờ nàng đã ngủ chưa?
Đi lang thang khuya lắc khuya lơ,
đèn nhà ai tắt sớm.
Gom suy tư thao thức đêm khuya,
chàng bèn viết lá thư.
Hai hôm sau mới dám đưa thư,
nàng nhận nhưng làm thinh.
Nhớ khi xưa còn thơ,
tuy thương thầm nhìn nhau cứ lặng câm.
Chuyện tình yêu ban đầu,
mấy ai may mắn chung nhịp cầu.
Nàng đội hoa theo chồng,
nước mắt tôi rớt bên bờ sông.
Đã không như là mơ,
nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ.