“Em còn nhớ hay em đã quên” (Trịnh Công Sơn) – Tình khúc buồn dành tặng cho một thành phố thân yêu mang tên Sài Gòn

“Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu.” – Một câu nói được trích từ lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với ông, tình yêu là chủ đề, là nguồn cảm hứng vô tận ảnh hưởng đến sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh, những tình ca chiếm phần lớn trong danh mục sáng tác của ông. Nhạc tình trong sáng tác của ông đa số là nhạc buồn, mang theo tâm trạng miên man và nỗi cô đơn chồng chất như “Sương đêm”, “Ướt mi” hay nó là những ca khúc nhạc tình mênh mang nỗi buồn kiếp người như “Diễm xưa”, “Biển nhớ”, “Tình nhớ”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Hoa vàng mấy độ”, “Mưa hồng”……Những bản tình ca trong sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường mang giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát và dễ thuộc, bởi nó thường được viết với tiết tấu chầm chậm, thích hợp với điệu Slow, Blues hay Boston. Ngoài giai điệu, phần lời ca khúc cũng được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ và nhiều chiêm nghiệm nhờ những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ… đôi khi pha lẫn hơi hướng siêu thực, trừu tượng. Nhạc tình của họ Trịnh tuy không được giới chuyên môn đánh giá cao về phần âm nhạc, nhưng từ giai điệu gần gũi cho đến ca từ sâu sắc và lắng đọng, nhạc của ông lại dễ dàng đi vào lòng công chúng, được yêu thích và bất hủ cho đến tận ngày nay.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

“Em còn nhớ hay em đã quên” với dòng ghi chú “bài hát đã hát nhiều quanh thành phố” là một tình khúc về Sài Gòn ngày cũ, về một dáng hình xinh đẹp thấp thoáng nơi đâu đó của người con gái và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mượn hình ảnh của “em” để hồi tưởng lại đôi dòng ký ức, đôi chút hoài niệm về một thành phố thân thương.

“Em còn nhớ hay em đã quên ?

Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng

Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân

Nhớ đèn đường từng đêm thao thức

Sáng che em vòm lá me xanh

Em còn nhớ hay em đã quên ?

Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm

Có hai mùa vẫn đi về

Có con đường nằm nghe nắng mưa…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Mở đầu ca khúc là một câu hỏi, một câu cảm thán: “Em còn nhớ hay em đã quên?”, câu hỏi nhưng lại chẳng hề có câu trả lời mà nó như một lời trần thuật của nhạc sĩ họ Trịnh.

Sài Gòn trong mắt mọi người toát lên vẻ đẹp của cô tiểu thư đỏng đảnh, nhưng lại dễ thương và dễ mến chứ không hề đơn điệu hay mộc mạc. Có người nói, Sài Gòn vô tư và phóng khoáng, người thì cho rằng Sài Gòn lúc nào cũng phồn hoa và rộn rã. Con người Sài Gòn thì quanh năm tất bật với cuộc sống mưu sinh, Sài Gòn không hề rảnh rỗi và cũng có một Sài Gòn không ngủ về đêm…..Nhạc sĩ họ Trịnh nhớ về một Sài Gòn đầy nắng và gió, chợt mưa nhưng cũng chợt ráo bằng một cơn nắng nhẹ sau lại được che mát bằng những hàng me xanh đầy lộc non bên vệ đường. Những con phố xưa đã quá quen rồi những bước chân vội vã, quen với những con người không ngủ mà hàng đêm thao thức, quen với những ánh đèn đường soi bóng lữ khách đêm hôm. “Em còn nhớ hay em đã quên” những người hàng xóm cùng ngõ nhỏ thân thương, chẳng họ hàng thân thích, chẳng quen thuộc từ trước nhưng vẫn đều đều mà hỏi hang, thăm nom. Dù ngày mưa hay ngày nắng thì tình láng giềng vẫn được gắn kết bền lâu, có người rời xa con phố nhỏ vài năm trời nhưng khi trở lại vẫn có người khều khều hỏi thăm: “Cô/Cậu đi xa mới về à?”.

“…..Em ra đi nơi này vẫn thế

Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ

Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru

Có tiếng em thơ

Có chút nắng trong, tiếng gà trưa…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Ngọc trình bày.

“Em” trong câu hát này phải chăng tác giả đang nói chính mình, hay đây là hình bóng của một người con gái nào đó ẩn đằng sau những hoài niệm của tác giả về một Sài Gòn ngày cũ. Người ra đi, phố xưa vẫn vậy, vẫn có những đợt nắng cháy và những trận mưa rào bất chợt làm ướt tấm lưng gầy. Lá trên những hàng me xanh dọc đường phố vẫn giữ cho mình một màu xanh trinh nguyên và tươi đẹp. Khu vườn xưa vẫn rộn rã tiếng mẹ ru ơi hời và tiếng em nhỏ ê a tập nói, bi bô tập đi…

“……Em còn nhớ hay em đã quên ?

Nhớ đường dài qua cầu lại nối

Nhớ những con kênh nối hai giòng sông

Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng

Nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm

Em còn nhớ hay em đã quên ?

Trong lòng phố mưa đêm trói chân

Dưới hiên nhà nước dâng tràn

Phố bỗng là giòng sông uốn quanh….”

“Em còn nhớ hay em đã quên” những cung đường quen thuộc nơi đất Sài Thành phồn hoa, những tên đường lạ mà quen nối dài những cây cầu lớn nhỏ khác nhau, “những con kênh nối hai giòng sông”, nhớ những phương tiện bon bon trên đường phố ra đến tận ngoại ô xa xa. Những thước xe ngựa lóc cóc bởi những chiếc móng sắt rắn chắc, những bãi tắm ngựa hôi thối nhưng lại chất chứa biết bao kỷ niệm. Nhưng dần về sau, xe ngựa không còn được dùng ở trung tâm thành phố nữa mà lùi về vùng ven và các tỉnh lẻ. Em còn nhớ hay không những hàng quán đêm đêm vẫn người người tấp nập, đến rồi đi, vui vẻ và cười đùa, giải tỏa hết những muộn phiền suốt một ngày vất vả.

“Em còn nhớ hay em đã quên” những cơn mưa như trút, ngập cả một con hẻm nhỏ, có khi đến cả mắt cá chân, cũng có khi lên đến đầu gối. Thế là Sài Gòn vô tình có thêm một dòng sông uốn quanh sinh động! Nhưng nước dâng rồi nước cũng rút, nước mưa rơi rơi trên mái hiên nhà tạo nên một khung cảnh nên thơ và như mơ.

“……Em còn nhớ hay em đã quên ?

Nhớ Sài gòn những chiều ngợp gió

Lá hát như mưa suốt con đường đi

Có mặt đường vàng hoa như gấm

Có không gian màu áo bay lên

Em còn nhớ hay em đã quên ?

Khi chiều xuống bên sông nước lên

Én nô đùa giữa phố nhà

Có nắng vàng lạc trên lối đi….”

“Em còn nhớ hay em đã quên” một Sài Gòn với hàng dài những quán ăn ngon, lũ bạn gặp nhau hẹn hò buổi chiều tan sở. Rủ rê nhau ăn uống ở quán quen, cầm trên tay những ly chè thơm nức và ngọt ngào hương vị quê hương. Cùng dạo bước trên phố phường quen tên, bằng qua hàng dài những mái ngói xinh xinh và cười đùa cùng nhau. Sau đó, lại kéo nhau lân la ngồi hóng mát bên sông, những cơn gió nhẹ thổi qua làn tóc em mang theo chút hương hoa ngọt ngào của người thiếu nữ trẻ. Ngắm nhìn những chú én nô đùa bay lượn trên bầu trời, nhảy qua những mái ngói đỏ tươi đắm mình trong từng đợt nắng vàng đến quên lối về….

“……Em ra đi nơi này vẫn thế

Vẫn có em trong tim của mẹ

Thành phố vẫn có những ước mơ

Vẫn sống thiết tha

Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Quang Dũng trình bày.

Ngày em ra đi, Sài Gòn vẫn như thế, vẫn tươi đẹp và ngày một phát triển, vẫn xanh tươi và ôm trong mình bao giấc mộng đổi mới để người dân nơi đây có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Ngày em đi, trong tim của mẹ vẫn chứa đựng bóng hình của người con bé nhỏ, thành thị phồn hoa vẫn giữ cho mình những ước mộng tươi sáng. Được sống trọn một đời hạnh phúc, được thiết tha hơn với những yêu thương nồng nàn và được vươn mình lấp lánh như những cánh hoa trên đại lộ Nguyễn Huệ.

“…..Em còn nhớ hay em đã quên?

Nhớ Sài Gòn những chiều lộng gió,

Lá hát như mưa suốt con đường đi,

Có mặt đường vàng hoa như gấm,

Có không gian màu áo bay lên.

Em còn nhớ hay em đã quên?

Quê nhà đó năm xưa có em,

Có bóng dừa, có câu hò,

Có con đò chở mưa nắng đi.

Em còn nhớ hay em đã quên ?”

“Em còn nhớ hay em đã quên” một Sài Gòn lúc nào cũng mát mẻ với những gió lộng miên man thổi lúc chiều hôm, những cành lá ven đường cũng vang lên khúc hòa tấu xào xạc như tiếng mưa, như tiếng lòng trên suốt quãng đường đi. Mặt đường được soi rọi bởi ánh nắng vàng như nở rộ ngàn hoa, cả quãng đường như một dải gấm lụa trân quý lấp lánh những ánh sáng hoàng kim.

“Em còn nhớ hay em đã quên” quê nhà năm đó, năm em vẫn còn nơi đây, vẫn còn là cô thiếu nữ xinh đẹp thu hút bao ánh nhìn, vẫn còn là cô thiếu nữ chèo đò chèo đò chở nắng sang sông. Trên con đò cũ có cả tình yêu, tình dân tộc, có câu hò đậm tình thiết tha, được bóng dừa hai bên bờ kênh che bóng.

Tất cả những điều đó, liệu em có còn nhớ hay chăng? Hay đã không còn nhớ đến, đã gác những mảnh ký ức vụn vặt ấy vào lớp bụi của thời gian mà dần quên lãng. “Em còn nhớ hay em đã quên” không đơn thuần là một lời nhắc nhở mà đúng hơn là tác giả đang tự hỏi chính mình, có còn nhớ về quê hương xưa, có còn nhớ một Sài Gòn đầy mộng ước của ngày cũ.

Lời bài hát Em Còn Nhớ Hay Đã Quên – Trịnh Công Sơn

1. Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh.

Em còn nhớ hay em đã quên
Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
Có hai mùa vẫn đi về
Có con đường nằm nghe nắng mưa.

[ĐK:]
Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
Vườn xưa vẫn có tiếng me ru
Có tiếng em thơ
Có chút nắng trong, tiếng gà trưa.

Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ đường dài qua cầu lại nối
Nhớ những con kênh nối hai giòng sông
Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng
Nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm.

2. Em còn nhớ hay em đã quên
Trong lòng phố mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhà nước dâng tràn
Phố bỗng là giòng sông uốn quanh.

Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ sài gòn những chiều ngợp gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm
Có không gian màu áo bay lên.

Em còn nhớ hay em đã quên
Khi chiều xuống bên sông nước lên
Én nô đùa giữa phố nhà
Có nắng vàng lạc trên lối đi.

[CHORUS:]
Em ra đi nơi này vẫn thế
Vẫn có em trong tim của mẹ
Thành phố vẫn có những ước mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi.

Em còn nhớ hay em đã quên?
Nhớ sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên.

Em còn nhớ hay em đã quên?
Quê nhà đó bao năm có em
Có bóng dừa có câu hò
Có con đò chở mưa nắng đi.

Em còn nhớ hay em đã quên.

Đánh giá post

Viết một bình luận