“Đường về hai thôn” – Hình ảnh con đường thôn quê thân thuộc trong lòng mỗi người

Đăng ngày 20/07/2024

Phạm Thế Mỹ, người con của vùng đất An Nhơn, Bình Định, là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc tự tình dân tộc và được biết đến với hàng trăm ca khúc quen thuộc từ trước và sau năm 1975. Nhắc đến Phạm Thế Mỹ, người ta sẽ nghĩ ngay đến những khúc tình ca thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc dành cho mảnh đất hình chữ S xinh đẹp cùng ánh trăng thanh bình, đồng lúa xanh tươi. Trong nhiều thập niên qua, các ca khúc của Phạm Thế Mỹ hầu hết đều được phổ biến và lan truyền rộng rãi, đặc biệt những bài hát này có sức ảnh hưởng lớn với học sinh – sinh viên miền Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh đầy bom bay lửa đạn chống Mỹ xâm lăng. Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hàng trăm ca khúc từ tình ca đến trường ca. Bên cạnh những bản nhạc tràn đầy lòng tự hào dân tộc cùng những lời hát có cánh ca ngợi vẻ đẹp non sông, ngợi ca tình cảm dành cho quê hương thì trong lời ca của nhạc sĩ còn chất chứa cái tôi của người con dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ lìa xa cội nguồn, không bao giờ rời bỏ cái nơi đã nuôi lớn ta và tấm lòng hiếu thảo của người con Việt Nam. Những nhạc phẩm đặc sắc của Phạm Thế Mỹ phải kể đến như “Thương quá Việt Nam”, “ Bông hồng cài áo”, “Thuyền hoa”, “Bóng mát”, “Đường về hai thôn”, “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”, “Đưa em về quê hương”,…

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Nhắc đến những bài hát chứa đựng tình cảm nồng nàn với quê hương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, không thể không nhắc đến ca khúc “ĐƯỜNG VỀ HAI THÔN”. Đây là một bài hát có giai điệu nhẹ nhàng và sâu lắng, ca từ rất tích cực với những câu từ rất đẹp cùng giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hương Lan và Duy Khánh đã truyền đạt một cách trọn vẹn những tình cảm, những cảm xúc, làm cho người nghe cảm thấy yêu quê hương, xứ sở mình hơn. Lời bài hát gợi lên cho người nghe những hình ảnh thân thuộc trên con đường thôn quê như một bức tranh sống động và mộc mạc nhưng lại thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Tình yêu quê hương luôn gắn liền với yêu gia đình, luôn mong ngóng về quê hương dù ở nơi xa xôi. Tình yêu quê hương rất giản đơn, nó không phải là những điều to lớn ít người làm được, nó chỉ vỏn vẹn bằng việc yêu những gì thuộc về mảnh đất mà mình sinh ra ấy, yêu làng xóm, yêu những con đường sỏi đá, yêu cái nắng, yêu cái gió cho dù thời tiết khắc nghiệt. Là nỗi nhớ thường trực mỗi lần xa quê, là sự háo hức mong chờ khi sắp được lên chuyến xe trở về, là lòng thổn thức lưu luyến khi phải rời xa quê. Những tình cảm này được tác giả gói ghém trong hình ảnh con đường về thân quen giữa hai thôn, một hình ảnh chứa vẻ đẹp nên thơ và đầy chất trữ tình với con sông, đồng lúa và những đêm thanh trăng ngà.

“Đường về thôn em duyên dáng bên ven sông con thuyền xuôi mái

Nhịp cầu băng qua men lối đi quanh co, cỏ hoa nối dài

Nhà em cuối xóm ghép đôi mái tranh nâu trăng cài trước sau

Có tằm mến nương dâu, có trầu vấn vương cau

Và đào tơ thơm ngát, ngát hương trinh ban đầu”

Con đường về thôn có cô em gái duyên dáng bên ven sông êm đềm, con thuyền xuôi mái. Lời kể của tác giả cùng khả năng miêu tả làm gợi lên những cảm giác chân thành, mộc mạc, con sông cũng trở nên rất gợi cảm và phóng khoáng. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn tài tình thể hiện được sự e ấp và dịu dàng của cô gái qua những hình ảnh ví von của mình.

“Đường về thôn anh con sáo ru êm êm trên đồng xanh lúa

Nhịp cầu băng qua đưa tới sân rêu xưa thắm hoa bốn mùa

Nhà anh mái lá tháng năm vẫn chưa nghe duyên tròn ước mơ

Có giàn mướp xanh lơ, có hồ cá nên thơ

Mà lòng quê vẫn hát, hát bao câu mong chờ” 

Đường Về Hai Thôn - Vũ Hoàng, Thạch Thảo - tải mp3|lời bài hát - NhacCuaTui

Đi bên cạnh chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc chúng ta có một nền văn minh lúa nước khá có bề sâu. Cho nên hình ảnh cánh đồng xanh, mà đặc biệt những buổi chiều quê cùng những con sáo đã đi sâu vào tâm thức của con dân Việt Nam. Chiếc sân cũ đóng rêu phong qua lời của tác giả cũng trở thành một hình ảnh nghệ thuật “thắm hoa bốn mùa”. “Giàn mướp xanh lơ” cùng “hồ cá nên thơ” –  cái hình ảnh bình dị nhưng thân thương đến nao lòng. Ngày nay đất nước có biết bao nhiêu thành thị, có bao người sinh ra ở thành thị, nhưng cái gốc sâu xa trong mỗi chúng ta đều là một người nhà quê và những hình ảnh tác giả gợi lên vốn rất quen thuộc với mỗi người.

Có bức tranh nào yên bình và mơn man lòng người bằng hình ảnh đêm trăng thanh ở vùng quê nơi hội mùa ca hát. Đây cũng chính là nơi nên duyên cho biết bao nhiêu đôi trẻ đến tuổi cập kê. Tình yêu lứa đôi bắt nguồn từ những khoảnh khắc nồng nàn và trải qua nhiều giai đoạn với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh đó, còn gì hạnh phúc hơn một tình yêu được lời chúc phúc và mong cầu từ những người thân quen. Nhờ cảnh non nước hữu tình mà tình yêu đôi lứa còn đẹp hơn nữa với bao lời hứa hẹn: “Gương nước chưa phôi pha ta còn vui hoài”. Bên cạnh tình cảm gắn bó và yêu mến quê hương, tác giả còn mong muốn được vun đắp, xây dựng quê hương tươi đẹp, thịnh vượng hơn nữa.

“Mỗi đêm thanh trăng ngà hội mùa lên tiếng ca góp tay cần lao

Ôi hai thôn giao đầu nhịp cầu tre bước chung êm vui dường bao

Tình ta lên men rồi, còn chi ngăn cách lòng mà chưa trao giấc mơ xuân cùng nhau

Chày dâng lên trăng màu, bà con đang mong cầu

Rằng đôi ta sớm nên duyên ban đầu

Đường về hai thôn mai mốt đôi uyên ương qua cầu soi bóng

Nhủ thầm sông ơi gương nước chưa phôi pha ta còn vui hoài

Trời quê bát ngát sẽ trông thấy tương lai qua tình lứa đôi

Lúa đồng mãi xanh tươi, mướp cà thắm nơi nơi

Và vành môi trai gái góp bao câu ca yêu đời.”