Nhạc sĩ Phạm Duy có rất nhiều ca khúc được sáng tác dựa trên thơ của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh trong đó tiêu biểu như 2 ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau và Đừng Bỏ Em Một Mình. Sinh lão bệnh tử là lẽ đương nhiên mà không ai có thể tránh khỏi nhưng ai cũng sợ, sợ một ngày mình không còn trên cõi đời và thi sĩ cũng không ngoại lệ. Bà thể hiện nỗi sợ, sợ cô đơn, sợ cái chết trong bài thơ Đừng Bỏ Em Một Mình.
Người con gái bẻ nhỏ, đang yêu đời luôn nở nụ cười từng bước tự tin trên đại lộ thênh thang ngày nào trong bức hình ở thành phố Paris – Thủ đô của Pháp đã khóc nức nở trong bài thơ Đừng bỏ em một mình bởi lo sợ một ngày mình phải nằm xuống, không còn trên cõi đời và để cho côn trùng rúc rỉa.
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
Những lời thơ bi ai có phần rùng rợn và đau thương trong bài thơ Đừng bỏ em một mình lời thơ của một người phụ nữ đã chết nhưng còn lưu luyến nhân dan, lưu luyến tình yêu, người thương trên cõi đời. Bài thơ được Nhạc Sĩ Phạm Duy phổ nhạc lên thành bài hát cùng tên. Với những nốt nhạc buồn thương, ai oán cộng thêm lời bài hát khiến bài thơ đã có phần đau thương, cô đơn ai oán còn thêm phần đau thương hơn nữa.
“Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang mông mênh
Đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang lênh đênh
Đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Cùng một lũ côn trùng
Rỉa rúc thân mình.”
Thân xác trước kia là vỏ bọc, là hơi ấm vốn ôm lấy linh hồn này khỏi sự lạnh lẽo, quạnh quẽ rợn ngợp của mùi tử khí nghĩa trang, vốn tách bạch linh hồn khỏi sự vô cùng đời đời kiếp kiếp và khỏi nỗi cô đơn trùng điệp cùng thời gian. Nhưng rồi thể xác trong mộ cũng sẽ chẳng còn, cô rồi sẽ lạc mãi trong không thời, quên lãng. Thứ “trần gian” còn lại nơi cô – hương liệu mà ca khúc tỏa ra khiến người đọc run hãi vì nào hay cõi âm lại quen thuộc và gần mình đến lạ- là tình yêu đôi lứa đi liền cùng ký ức, cùng nỗi niềm đơn độc.
“Lời nào đó lời nào đó
tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
nhạc nào đó nhạc nào đó
nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn”
Linh hồn cô gái, em ở đâu, ranh giới thực-ảo nào cho em, em nhìn vào đâu: quá khứ hay hiện tại? Tiếng ân tình khi xưa nay hòa vào cùng những lời cầu kinh cho em – người quá cố. Nhạc kia réo rắt cũng đều dành cho em cả nhưng là nhạc cho người còn sống hay cho em, nay chỉ là ma nữ vấn vương? Nhạc ngày xưa em cùng anh thưởng, hay thứ nhạc dập dìu, chán nản, thiếu vắng sức sống từ đám ma? Em giờ là ai? Em giờ ở đâu? Anh ở đâu?
“Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
trời lạnh quá trời lạnh quá
sao đành bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
chiều lộng gió chiều lộng gió
sao anh đành bỏ em”
Trời lạnh, gió lộng khiến thiên nhiên mang màu sắc u uất, khí trời cô đặc lại. Trời lạnh, gió lộng nhưng nào có bằng khắc khoải, đớn đau của cô gái khi bị bỏ lại riêng mình, bị rời xa nhưng không cách nào cứu hồi lại được chỉ vì cách trở sống – chết không phải thứ để vui đùa. Bài hát với những câu ca lặp đi lặp lại “đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình”, “sao anh đành bỏ em” đã đưa người nghe đứng giữa đất trời lạnh lẽo, gió thổi lồng lộng, chẳng khác nào đặt họ vào cùng nơi cô gái đang cất lời ai oán. Họ sẽ cảm thấy bị nỗi niềm cô gái bủa vây, đặc quạnh quanh mình khi lời cô như được gửi chung cùng với gió, cứ lặp mãi, vang vọng mãi, thốc mãi vào họ những luồng khí lạnh. Trong phút chốc, họ bước vào cõi vô chừng, rơi vào hun hút của không gian thời gian vốn chẳng dành cho người trần gian. Thế nên lắm người nghe bài hát thấy rùng rợn tâm can. Hoặc trong cuộc đời hữu hạn, trong sự hữu hạn của khả năng biểu lộ tâm tình, kẻ hãy còn sống khi nghe nhạc trở nên ám ảnh, hoang mang bởi chưa bao giờ họ đạt tới đáy thẳm. Con người, cùng sự sống của nó, cùng toàn bộ những gì nó có, nó là, quả lưng chừng, chênh vênh. Sống ở mãi khoảng giữa, nó chẳng hay một bước xuống thẳm sâu, một bước lên đỉnh cao chót vót cũng đưa đến một nhận thức, một cảm nhận mới về chính mình, một bản năng nghi hoặc những gì đang hiện hữu. Những cùng cực đỉnh điểm khiến con người đổi mới nhưng mấy ai dám dấn vào.
“Đừng lặng thinh đừng lặng thinh
với tiếng chày tiếng búa nện đinh
đừng tỏa hương đừng tỏa hương
khói hương vàng che khuất người thương”
Em chẳng cần cứu chuộc, siêu thoát. Tiếng chày, tiếng búa, khói hương chẳng qua cũng chỉ là phù phiếm, chỉ là ước mong của người trần mắt thịt. Em không ôm lấy mộng an nhiên, càng không cần lấy nỗi niềm kẻ khác. Em chỉ cần nghe tiếng anh, chỉ cần nhìn thấy anh. Cô đơn, bất lực, đau thương càng dập dìu, lần lữa. Em bảo anh nói đi mà anh nào cất tiếng, anh không còn nghe thấy lời em. Em không sở hữu được anh nên em bảo nhang khói vô tri vô giác đừng cháy nữa.
Không cần lấy sự cầu khấn người đời nhưng cô gái vẫn mong mình được giải thoát:
“Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
một mồ trinh chênh vênh
chờ cỏ xanh
Đừng bỏ em một mình
đừng bỏ em một mình
vài ngàn đời sau nữa
vài ngàn đời sau nữa
ai mái tóc còn xanh.”
Chết khi còn mang cái nết trong sạch nên tự ví mình là mồ trinh. Lạc, “chênh vênh” giữa đôi bờ của đất trời vạn vật, của tình yêu vô vọng kiếp này, cô chẳng khát gì hơn ngoài “cỏ xanh” – đợi chờ để được siêu thoát, để được yêu thêm lần nữa. Nhưng đợi đến bao giờ, hay sẽ sợ người thương rời bỏ đến “vài ngàn đời” cùng tâm tư bỏ ngỏ “ai mái tóc còn xanh”? Cũng có thể đó là ước muốn của cô về một tình yêu sống mãi cùng thời gian. Thứ tình diết da, đằng đẵng nhưng cũng là đọa đày, quên không được thì cứ mang qua cùng đời người, kiếp số.
Cái hay toàn vẹn của bài ca chỉ đến khi người nghệ sĩ ngân nga hai đoạn cuối này. Trước đó chỉ là hoang mang của cô gái về bản thân hiện tại, về nơi chốn mình bị rơi vào. Trước đó chỉ là những níu kéo, cưỡng cầu, xót xa cùng cực đến độ thấm đẫm cả khí trời bằng nỗi u hoài tình yêu. Nhưng đau thương mãi rồi sẽ có ngày hóa thành thù hận, ở trong bóng tối mãi sẽ chẳng biết có ánh sáng ở đời. Thế nên khoảnh khắc linh hồn biết mong sự giải thoát cũng là lúc hy vọng được thắp lên dẫu rằng nỗi sợ bị lãng quên vẫn níu chặt.
Song chẳng rõ liệu linh hồn thiếu nữ này có thoát được hay chỉ mãi ôm nỗi sầu mênh mông. Vì lẽ tình yêu thay vì trao đi nhận lại, lan tỏa nồng ấm, mãnh liệt nay lại nắm trọn riêng mình sẽ chỉ đi vào bế tắc, sẽ chẳng khác nào độc dược đầu độc, nguyền rủa tâm hồn. Và vì chấp niệm, không buông bỏ được, để rồi mang khát khao sở hữu của linh hồn người nữ, ca khúc này của Phạm Duy chỉ nên được nghe với tâm thế “đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu” trong khoảnh khắc. Đừng bám víu vào hòng giải tỏa, giải thoát khỏi bất mãn – yêu và hận, hay chứng minh về một tình yêu say mê vượt giới hạn không gian thời gian vì bản thân bài hát này chẳng qua cũng chỉ là lời ca cất lên trong đêm tối, chưa vươn tới được ánh sáng.