Người yêu thơ thường nói rằng “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định là bài thơ mang thành phố núi Pleiku đến với mọi người. Còn người yêu nhạc lại nói rằng chính Phạm Duy đã mang vẻ đẹp và người phố núi đến đông đảo mọi người khi phổ nhạc vào thơ.
Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung, là một nhà thơ người Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Tác phẩm gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu từ 7-8 chữ, mang theo những hình ảnh nhẹ nhàng, tế nhị của phố núi Pleiku, từ cảnh vật đến con người. Bài thơ này được viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm 1 người bạn gái ở Pleiku. Cùng năm này, bài thơ được đăng báo Khởi Hành của Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên với khổ thơ cuối được nâng lên thành cao trào.
Nhạc khúc “Còn chút gì để nhớ” là mối duyên kỳ lạ của Phạm Duy với nhà thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy hồi tưởng:
“Năm 1972, tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ, Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ… trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung có bán – cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.”
Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Ngọc Lan trình ới đầy sương phủ. Phố núi chìm ngập trong cảnh trời phủ xanh của cây “cây xanh thấp thật buồn”. Trên con phố núi còn lạ lẫm và vương chút buồn của sương kia, có anh khách lạ “đi lên đi xuống” và may mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong.
Em Pleiku “má đỏ môi hồng” giữa buổi chiều mà năm thời tiết chỉ một mùa đông “tóc em ướt và mắt em ướt” nên nhìn em “mềm như mây chiều trong”. Hình ảnh cô gái Pleiku qua lời thơ và ý nhạc càng trở nên tươi sáng và động lòng người. Em đẹp nét tuổi xuân má đỏ môi hồng, đôi mắt ướt như vạn lời chất chứa.
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng.
Phố núi nơi cao như thành phố gần trời, phố núi nhỏ nên phố núi tình thân. Đi dăm ba phút đã đi về chốn cũ, nhưng buổi chiều thoáng gặp em Pleiku thì lòng vẫn bâng khuâng. Phố núi nơi Pleiku tuy nhỏ nhưng chân tình, tuy không giàu về vật chất nhưng rất giàu tình người. Thành phố Pleiku như thành phố gần trời luôn chìm trong màn sương mây trắng lượn lờ trên đỉnh đầu, nơi khí hậu dù quanh năm lạnh như mùa đông nhưng vẫn ấm áp tình người Pleiku.
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên.
Mai đây tôi về lại trên đồn biên giới xa lắc, xin gửi lời cảm ơn thành phố có em, “xin cảm ơn một mái tóc mềm” đã mang lại cho tôi một kỷ niệm về cảnh sắc nơi đây, vẻ đẹp về con người Pleiku chốn này. Để một mai khi xa “còn một chút gì để nhớ để quên”.
Người ta nói “Còn chút gì để nhớ” khi được Phạm Duy phổ nhạc đã mang theo tên tuổi nhà thơ Vũ Hữu Định đến với mọi người. Còn với nhạc sĩ Phạm Duy, không ngần ngại thừa nhận rằng chính Vũ Hữu Định với bài thơ ấy đã đóng góp lớn lao đối với sự nghiệp nghiên cứu của ông “Vũ Hữu Định đã đưa tôi đến âm nhạc của miền sơn cước”. Cả đời Phạm Duy say mê tìm hiểu nhất là những giá trị thuộc về văn hóa dân tộc. Mặc dù được học hành ở Pháp, nhưng giống như lời Giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Duy biết chọn lọc giữa mới mẻ và truyền thống. Việc phổ nhạc cho thơ cũng là một cách thể hiện sự trân quý giá trị văn hóa của ông. Phạm Duy đã có rất nhiều trường ca, tổ khúc nổi tiếng. Không ngừng lại ở đó, ông đã và đang ngày đêm miệt mài hành trình gieo tiếng nhạc cho thơ. Có thể nói, riêng về lĩnh vực này, Phạm Duy được xếp ở vị trí bậc thầy trong làng tân nhạc Việt Nam.
“Còn chút gì để nhớ” như một sáng tác định mệnh gắn kết hai tâm hồn nhạc và thơ trong một lần gặp gỡ ngắn ngủi. Ca khúc ấy không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thành phố núi Pleiku, còn mang vẻ đẹp của những tâm hồn yêu mến danh cảnh nước nhà, yêu mến nghệ thuật.
Năm tháng trôi đi, ẩn sau mỗi khuông nhạc, bao mối tình tri âm tri kỷ vẫn còn rưng rưng lay động tâm hồn người yêu nhạc
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
Còn một chút gì để nhớ để quên