Với gia tài hơn 200 bài hát được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như hải ngoại, nhạc sĩ Lam Phương luôn được đề cao là một trong những ngôi sao sáng chói có năng khiếu về âm nhạc và một tâm hồn đẹp với nhiều cảm xúc. Lam Phương đa tài là thế nhưng cũng rất đa tình, những câu chuyện tình yêu của ông cũng tốn không ít giấy mực của báo giới thời bấy giờ. Có những cuộc gặp gỡ đối với nhạc sĩ dù chỉ là thoáng qua sau đó lại chia ly, những bóng hồng vây quanh đã để lại cho ông nhiều cung bậc cảm xúc để viết nên nhiều nhạc phẩm bất hủ để đời.
Tuy nhiên, nếu hỏi cuộc tình nào làm cho Lam Phương – Người nhạc sĩ đa tình phải khổ nhất và bi thương nhất thì chính là cuộc hôn nhân 20 năm với kịch sĩ Túy Hồng. Người phụ nữ xinh đẹp đã kề cạnh và chịu đựng tính khí của ông suốt ngần ấy năm, nhưng đột nhiên lại ngoảnh mặt đi để lại một trái tim tan nát, dường như chẳng thể lành lặn lại được nữa. Từ một người đang trên đỉnh cao của danh vọng, bỗng chốc trở nên lam lũ, bần hèn. Từ một người nhạc sĩ được chào đón nhất lại trở thành một người lao động tay chân, cực nhọc mỗi ngày để vừa bươn chải cho cuộc sống, vừa chắt chiu cho con đường trở lại với âm nhạc. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này, Lam Phương như rớt xuống vực sâu vạn trượng, chìm đắm trong sự bẽ bàng và chua xót. Chính những ngày tháng nặng trĩu tâm tình, cùng quẫn nhất của con người, nhạc sĩ Lam Phương đã cho ra đời hàng loạt ca khúc tình buồn và nổi tiếng nhất có thể kể đến là nhạc khúc “Cỏ Úa”.
“Cỏ Úa” được xếp vào những bản nhạc thất tình buồn bi thương của nhạc sĩ Lam Phương – Vốn là một người đào hoa lại đa tình bậc nhất của miền Nam trước năm 1975. Lời nhạc thể hiện được rõ nét đắng cay và sự chua xót khi chạm tay vào thực tế chán chường lại đau lòng. Sự thất vọng về cuộc đời, về tình người đã biến một người nhẹ nhàng trong lời nói, khiêm nhường trong cách cư xử và hiền lành trong tính tình đã bật thốt nên những câu ai oán cho sự tan vỡ không ngờ.
“Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng
Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm
Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ
Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ….”
Đường đời này có trăm vạn lối, hai người gặp nhau chẳng qua chỉ là do số mệnh, có lẽ trời cao ghen ghét với uyên ương nên chỉ cho đôi lứa gặp gỡ yêu đương ngắn ngủi rồi lại phải xa rời trong ngậm ngùi. Đôi khi chợt nhớ thương trong lòng, cũng chỉ dám “xin gọi trong giấc mộng”, bởi làm sao can đảm mà đối diện cùng em – Người đã từng kết tóc se duyên, nhưng nay lạnh lùng quay bước.
“Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng” – Một sự vương vấn đầy xót xa cho một cuộc tình đánh mất, ai có thể níu kéo được đoạn tình cảm này khi trái tim người ấy chẳng nằm nơi ta nữa. Chỉ mơ hồ mà gọi tên nhau trong mộng ảo, vừa tiếc nuối vừa thương đau khi cánh cổng thiên đường cho mối lương duyên xưa đã khép.
“Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm” – Xin hỏi “dư âm” ấy là của một tiếng đàn ngân vang nơi lối cũ đang buông từng tiếng tơ sầu hay thực chất là của những ngày tháng mộng mơ bên nhau? Giờ phút này, những dư âm ấy có chăng chỉ là chuỗi ngày thơ mộng bao hàm những kỷ niệm lứa đôi, dâng trào trong lòng người những tiếc thương nhung nhớ.
Trong mỗi chúng ta, dù cuộc tình đó có hạnh phúc hay lắm thương đau thì khoảnh khắc chia xa cũng ít nhiều đau đớn, nó như trút đi phần máu thịt bởi sự quen thuộc đã trở nên xa lạ, lẽ nào không đau sao, lẽ nào không nhớ hay sao? Tuy biết, bi thương nào cũng sẽ qua thôi bởi thời gian là một “liều thuốc tiên” sẽ xóa mờ vết thương theo năm tháng, nhưng kỷ niệm và những hồi ức đã in sâu vào tâm trí thì xóa bằng cách nào được. Vậy nên đừng bao giờ hỏi bản thân có thật sự yêu hay không hay lý trí bảo quên mà lòng còn cố nhớ. Bởi tình yêu luôn có những lý lẽ chẳng thể nào giãi bày được, con tim và lý trí luôn song hành cùng nhau, chẳng thể nào quyết định cảm xúc bởi một yếu tố riêng lẻ được.
“…..Từ lúc em đi trong rượu cay men nồng
Màu trắng khăn tang quanh căn phòng cô đơn
Bão tố triền miên ngày em về nhà đó
Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu….”
Một cảm giác bất lực dường như lan tràn cả cơ thể người nhạc sĩ, khi một người đang cố gắng vun đắp mà xây dựng cho hạnh phúc của lứa đôi thì lại có người đan tâm đạp đổ. Mộng ước ban đầu đẹp đẽ biết nhường nào thì giờ đây mộng vỡ tan tành, bi thương ngập tràn như suối lệ thành sông. Men rượu cay nồng ngày ấy như ly rượu cuối tiễn bước em đi, có lẽ em hạnh phúc với sự lựa chọn đó nhưng với anh đó là “đau thương chồng chất, thất vọng triền miên”.
Cuộc đời có phải quá bất công với con người tài hoa ấy, vốn đã hoang vu tẻ nhạt lại càng cô đơn và hiu quạnh trong chính căn phòng của mình, không khí ảm đạm tựa như “màu trắng” của chiếc khăn tang. Em có biết không “ngày em về nhà đó”, ngày em rời xa mái ấm từng có của đôi ta cũng chính là ngày “mây mù giăng lối, bão tố triền miên” hay không? Bởi người ở lại luôn là người ôm đau thương nhiều nhất, sẽ trải qua thế nào những ngày tháng cô liêu….
“…..Một chiều trên đồi em làm thơ
Cỏ biếc tương tư vàng úa
Mộng dệt theo đàn bên người mơ
Mới biết mình yêu bao giờ…..”
Ai lại nỡ quên đi một câu chuyện tình đẹp hay xóa nhòa những ký ức mộng mơ của thuở ban đầu: “Một chiều trên đồi em làm thơ”. Em đang làm thơ, phải chăng em đang thả những ước nguyện tình yêu của đôi mình vào từng vần văn vẻ? Hình ảnh cô nàng xinh đẹp tung tăng trên ngọn đồi thơ mộng, ngâm nga những giai điệu tình yêu khiến cho cây cỏ cũng phải tương tư trở nên úa vàng. Trách làm chi cho anh – một kẻ đa tình cũng phải nhớ nhung nhưng lại thêm nhiều đau khổ khi hoài niệm. Nhưng chàng vẫn biết, tình đã tàn thì mãi chẳng thể nào chung đôi, níu kéo làm chi khi người đã chọn xa rời, chỉ dám đôi lần mộng tưởng về ngày xưa để biết cuộc tình của mình từng đẹp như thế đó.
“…..Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời
Tình đã như vôi mong chi còn chung đôi
Cứ cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ
Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang … !!!”
“Chuyện thần tiên xa vời” bởi những câu chuyện thần tiên về chàng hoàng tử và nàng công chúa chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, thế gian này ai chẳng mong ước có được tình yêu đẹp tựa thiên tiên nhưng mấy ai đạt được. “Tình đã như vôi” thì dù có chung đôi cũng chỉ làm khổ cho người trong cuộc, trái tim người chẳng ở nơi ta, giữ lại có chẳng chỉ là “cái xác không hồn” có ích lợi gì nữa chứ hỡi cố nhân ơi! Thôi đành “cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ”, đành ôm riêng mình một mối tương tư để bao bọc lại con tim chịu nhiều tổn thương của mình. Đừng cố gắng níu kéo khoảng thời gian tươi đẹp ngày xưa, để bản thân cứ mãi đắm chìm trong thương nhớ mà lưu luyến thêm sầu.
Với giai điệu vừa da diết, nghẹn ngào lại thêm chút bi thương đến đau lòng, “Cỏ Úa” đã trở thành nhạc khúc tình buồn của nhạc sĩ Lam Phương mỗi khi nhắc đến. Một cuộc tình tan nát, một cuộc hôn nhân tưởng chừng sẽ cùng nhau “răng long đầu bạc” vậy mà lại vỡ đôi, mỗi người mỗi ngã. Từng câu, từng chữ như chứa đầy nỗi đau cùng sự thất vọng của nhạc sĩ, thêm nhiều sự đắng cay và cô độc bởi lòng người sao dễ đổi thay.
Trong suốt khoảng thời gian bị “khủng hoảng” về mặt tình cảm, nhạc sĩ Lam Phương đã sống trong chuỗi ngày đau buồn, tinh thần luôn trong trạng thái bi thương. Nhưng cũng chính nhờ những thứ cảm xúc đó mà ông đã cho ra đời nhiều nhạc phẩm mang chủ đề tình yêu xuất sắc cho các thế hệ mến mộ âm nhạc. Lam Phương cho biết, nguồn cảm hứng đến với ông thường xuất phát từ chính những tâm tư của ông và quan trọng hơn hết là sự yên tĩnh trong tư tưởng, sự tập trung nhất định để sáng tác dù tại thời điểm đau buồn nhất của mình. Trong khoảng không im lặng ấy, nhạc sĩ Lam Phương được sống thật với những ý nghĩ của mình, được là chính mình. Đối diện với hoàn cảnh bẽ bàng trong tình yêu tan vỡ, ông tìm cách giải tỏa chúng qua lời ca, giai điệu, dùng những lời lẽ của con tim để nói lên nỗi lòng của kẻ tình si.
Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng
Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm
Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ
Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ.
Từ lúc em đi trong rượu cay men nồng
Màu trắng khăn tang quanh căn phòng cô đơn
Bão tố triền miên ngày em về nhà đó
Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu
Một chiều trên đồi em làm thơ
Cỏ biếc tương tư vàng úa
Mộng dệt theo đàn bên người mơ
Mới biết mình yêu bao giờ.
Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời
Tình đã như vôi mong chi còn chung đôi
Cứ cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ
Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang … !!!
- Câu chuyện về Taxi “con cóc” – Hình dáng quen thuộc trên đường phố Sài Gòn thập niên 50-70
- Những khám phá thú vị về Nguyễn Bính – Thi ca đậm chất… Bolero
- Lấy đi nước mắt bằng “Ca dao Mẹ” (Trịnh Công Sơn)
- “Đêm Chợ Phiên Mùa Đông” (Lê Uyên Phương)
- Cảm nhận sự gắn kết giữa tình yêu và cơn mưa mùa hạ qua bài hát “Cơn mưa hạ”