Gần đây xuất hiện trào lưu nghệ sĩ trẻ lấy chất liệu từ văn học và các tác phẩm văn nghệ dân gian đưa vào ca khúc của mình. Hơn nửa thế kỷ trước, cũng đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác dựa trên cảm hứng từ những câu chuyện trong các tiểu thuyết Việt Nam hoặc truyền thuyết dân gian nổi tiếng, tạo nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian.
Ba bản Chuyện tình Lan và Điệp được lấy cảm tác từ một cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn đầu thế kỷ 20.
Trong 3 bản Chuyện tình Lan và Điệp thì ca khúc 1 rất quen thuộc với công chúng, nhất là ở phía nam. Nó được mở đầu bằng câu: “Tôi kể người nghe, đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…”. Nhiều người nhầm tưởng nhạc sĩ đã được nghe một câu chuyện truyền khẩu và kể lại bằng âm nhạc, nhưng thực ra câu chuyện bắt nguồn từ tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan (xuất bản năm 1933).
Tiểu thuyết Tắt lửa lòng có thể tóm tắt như sau: Điệp – một học sinh nghèo tỉnh lẻ, và Lan – con gái một ông Tú làng – ân nhân của gia đình Điệp. Điệp và Lan được gia đình hai bên hứa hôn, họ thương yêu nhau rất mực bằng một tình cảm trong sáng, trân trọng nhau. Tuy nhiên, do mắc mưu của một quan phủ, Điệp phải phụ tình Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông Phủ. Lan ôm mối tình tuyệt vọng, vào chùa cắt tóc đi tu… Sau này, quá chán ngán mối lương duyên hờ với Thúy Liễu nên Điệp đã ly dị. Chàng sống một mình, tu tâm học hành và trở thành một bác sĩ giỏi. Điệp đã nhiều lần đến chùa tìm Lan nhưng không gặp được… Mãi đến mười mấy năm sau, khi Lan lâm bạo bệnh do quá sầu não, chàng mới được phép đưa nàng về nhà chữa trị, nhưng đó cũng là những giây phút cuối cùng của Lan. Nàng lìa đời, bỏ lại một mối tình đầy day dứt.
… đến trường ca Chuyện tình Lan và Điệp
Tác giả của 3 ca khúc Chuyện tình Lan và Điệp là Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh (đây là một trong những bút danh của nhóm Lê Minh Bằng, gồm 3 nhạc sĩ: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Tuy ký tên chung nhưng hầu hết những sáng tác của nhóm đều do Anh Bằng viết, 2 người kia chỉ góp ý, sửa chữa chút ít). Nhạc sĩ Lê Dinh giải thích sở dĩ nhóm này lấy nhiều bút danh (Lê Minh Bằng, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Tôn Nữ Thụy Khương, Giang Minh Sơn…) như sau: “Chúng tôi muốn thử nghiệm một loại nhạc hợp với đa số người thưởng thức, giản dị, nhạc dễ nhớ, lời dễ hiểu, dễ thuộc… Nếu nó có được khán thính giả chấp nhận thì là một điều hay, còn nếu không thì cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến tên tuổi của 3 anh em chúng tôi. Nhưng chúng tôi không ngờ, những bài như Chuyện tình Lan và Điệp 1, Cô hàng xóm và nhiều bài khác – cũng thuộc loại bài có lời ca hợp với đa số người bình dân – lại được phần đông mến chuộng. Bằng cớ là mỗi lần xuất bản 10.000 bản, chỉ trong vòng một tuần lễ là hết sạch, các đại lý yêu cầu tái bản tới tấp, chúng tôi phải có mặt suốt đêm ở nhà in Tương Lai, đường Trần Hưng Đạo để lo in cho kịp. Có nhiều bài mức phát hành lên đến cả trăm ngàn bản…”.
Nếu trong tiểu thuyết, nhà văn kể lại các sự việc qua góc nhìn của Điệp thì trong các ca khúc, nhạc sĩ lại tập trung vào tâm trạng của Lan, và có những điểm nhấn khác nhau. Ở ca khúc 1 là câu “… Lần cuối gặp nhau Lan khẽ nói: Thương mãi nghe anh, em yêu anh chân tình, nếu duyên không thành – Điệp ơi, Lan cắt tóc quên đời vì anh…” nghe vừa dễ thương vừa xót xa, thương cảm; Ở ca khúc 2 là: “… Những chiều phai nắng, nàng thường ra ngồi gốc bồ đề, đem bao tâm sự gửi vào hư vô, vì Lan cố tìm quên. Nhưng một ngày kia nàng bắt bướm đặt kề bên cánh lan. Hoa cùng với bướm, ép chung một trang sách chôn cùng một nấm mồ… Ai đã từng yêu, cảm thông nỗi niềm đau thương với nàng. Mối tình đầu tiên nàng đành chôn vùi theo đôi bướm hoa…”. Tuy đã quy y, lánh xa cõi trần, nhưng “Nàng không sao xóa tình yêu xưa cũ, dẫu cho con thuyền neo bến đường tu…” nên đã bắt một con bướm (Điệp) đặt nằm kề bên cánh hoa Lan (mình) trên trang giấy, rồi đem chôn chung. Cảnh tượng thật mủi lòng. Ở ca khúc 3 là: “… Chiều nay cũng như bao lần rồi Lan ra sân đứng khóc cô đơn. Chợt nghe tiếng chuông reo từng hồi xa xa, ai đến viếng thăm chùa. Trời vô tình đã khiến xui nên cơn ly tan, cớ sao vẫn còn xúi người yêu đi thăm Lan. Điệp nhìn Lan không nói, đôi lòng chung đắng cay ứa lệ không lời…”.
Cả 3 ca khúc được thể hiện bằng điệu bolero dễ hát, nên được phổ biến rộng rãi trong công chúng – nhất là tầng lớp bình dân. Kể từ lúc sáng tác (năm 1965) tới nay đã hơn nửa thế kỷ, người nghe đến tận bây giờ vẫn biết đến Chuyện tình Lan và Điệp.
Năm 2016 tại TP.HCM, một ca sĩ trẻ là Hamlet Trương đã “thử sức” mình khi viết tiếp Chuyện tình Lan và Điệp 4, là góc nhìn từ phía Điệp trong một chiều lên thăm Lan ở chùa. Tuy nhiên, ca khúc này mới chỉ là một thử nghiệm chưa được đánh giá khẳng định về thành công.
- Bước chân lẻ loi cùng tiếng nỉ non của người con gái nhỏ trong “Khóc Thầm” (Lam Phương)
- “Hãy yêu nhau đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- Ngô Đình Lệ Thủy người con gái của ông Ngô Đình Nhu
- “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” – Nỗi nhớ khắc khoải của tác giả
- Cuộc đời và sự nghiệp Ca sĩ Mộc Lan – Tiếng hát “Họa Mi” vang bóng một thời