Nhạc phẩm “CHIỀU TÂY ĐÔ” của nhạc sĩ Lam Phương được sáng tác vào năm 1984 tại Paris. Bài hát muốn truyền tải đến ta nỗi nhớ của tác giả đến vùng đất Tây Đô – Thủ đô của miền Nam Việt Nam, nơi người thương của ông vẫn đang chờ đợi, từng ngày mong ông quay về. Không chỉ thế, qua những thông tin có được từ báo chí kể về vùng đất Tây Đô của sau những năm 1975, ông đã vẽ nên một viễn cảnh tang thương và xơ xác, người người mất nhà, trẻ nhỏ thì lang thang đói kém, không gian bị bao trùm bởi màu đen u tối,….Ông đồng cảm, ông xót thương cho những người tha hương, không chốn nương tựa.
“CHIỀU TÂY ĐÔ” nhanh chóng được người nghe đón nhận nồng nhiệt bởi chất nhạc giàu cảm xúc và ấn tượng với khán giả nhờ ca từ của nó. Ca khúc “CHIỀU TÂY ĐÔ” dường như chính là tiếng lòng của người con Việt Nam thuộc chế độ cũ, họ nhớ thương quê hương da diết, nhớ người yêu nơi góc nhà cũ chờ đợi vì họ chính là những người đã phải rời bỏ quê hương, vượt biên, vượt biển, lặn lội nơi đất khách quê người để lưu trú tấm thân. Nỗi nhớ quê ngày đêm như ăn mòn tâm trí họ, dần dần đi sâu trong tiềm thức, đến khi ngủ cũng có thể mơ thấy mình được về quê – Nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi chất chứa bao kỷ niệm và hoài bão tuổi trẻ.
“Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về
Thăm quê xưa với vườn cau thề
Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô
Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều
Sao anh không thấy về Ninh Kiều
Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen
Đen như manh áo buồn chưa quen…”
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chiều Tây Đô do Duy Khánh trình bày
Sự xa cách khiến cho những người tha hương đến cả nằm mơ cũng thấy mình được về với quê hương, về với miền đất nhỏ bé nhưng đầy anh dũng và hào hùng. Họ ghi nhớ tất cả mọi thứ, nhớ từ vườn cau, nhớ từng bãi cỏ, nhớ cả bờ sông với tà áo dài thướt tha kiều diễm. Nhưng đó mãi chỉ là niềm nhớ, bởi mảnh đất Tây Đô rạng ngời năm nào, giờ đây chỉ là một mảnh tiêu điều và hoang vắng. Còn đâu là bến Ninh Kiều của thành phố Cần Thơ, còn đâu là khung cảnh bát ngát nơi cánh đồng, thôn xóm,… Giờ đây, trên tại mảnh đất ấy, chỉ là một mảnh tăm tối, không khí nặng nề bao trùm cả miền Nam lúc bấy giờ, “đen như manh áo buồn chưa quen…”.
“…Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van
Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển
Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay
Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày
Vợ chờ tin chồng ngày về quá xa xăm
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?”
Một câu hát quá đỗi nhẹ nhàng, mang theo sự êm đềm của người nghệ sĩ, nhưng ẩn chứa trong từng câu chữ lại là ý nghĩa vô cùng sâu sắc, một phép ẩn dụ mà chỉ những người thời bấy giờ hiểu được. Trong lòng tác giả dường như khi xưa gió chỉ mang đến sự mát lành, làm dịu đi những cơn nóng, nhưng giờ nhiệm vụ của gió chỉ là cố gắng mang người tha hương, vượt biên, vượt biển để cứu vớt con người khỏi bể khổ. Còn mẹ già, còn người vợ trẻ, còn đàn con thơ nơi quê nhà ấy thì sao? Mẹ đã già nhưng đến miếng trầu cũng chả dám ăn, nó như món hàng xa xỉ với tuổi xế tà, chỉ biết ngậm ngùi. Con thơ nheo nhóc, lang thang nơi đầu đường xó chợ vì cơn đói hoành hành. Những người vợ chờ tin chồng về trong vô vọng, chưa biết đến khi nào mới nhận được tin chồng mình bình an quay trở lại.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Chiều Tây Đo do Hoàng Oanh trình bày.
“…Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường
Nay nghe sao khác từ tên đường
Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương.”
Ôi những ngày xưa, những cung đường với những cái tên sao thân thuộc, từng viên gạch viên đá nơi sân trường hàng ngày đến lớp, từng con đường mình dạo bước ngày ngày. Nhưng giờ đây, tên đường đã được đổi khác, những con đường đá thân thuộc cũng thay đổi. Nhưng dù thế, tác giả vẫn mong mỏi một ngày, những con người tha hương sẽ được quê hương Tây Đô đón về trên chính con tàu đã tiễn họ ra đi. Rồi sẽ có một ngày, nơi vùng đất Tây Đô ấy, sẽ sống lại, phát triển hơn, đẹp đẽ hơn và chứa đựng sự yêu thương vô bờ bến giữa những con người xa xứ.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hùng Cường và Hương Lan trình bày.
Lam Phương tuy là ông hoàng nhạc tình ca, nhưng không vì thế mà người nghe có thể phủ nhận tài năng của ông khi sáng tác những tình khúc dành cho quê hương. Lam Phương là một nhạc sĩ rất giỏi trong việc dùng tình yêu để truyền tải tình yêu quê hương xứ sở. Bởi ban đầu, ông mong muốn sáng tác bài hát này chỉ để tặng cho người bạn của ông, nhưng khi nghe được tin mảnh đất hình chữ S này, mà đặc biệt là viễn cảnh hoang tàn của miền Nam VIệt Nam, thì tinh thần dân tộc trong ông đã trỗi dậy. Ông muốn thông qua bài hát tố cáo chiến tranh hung tàn đã lấy đi biết bao nước mắt của người dân. Ca khúc này được vô số nghệ sĩ, ca sĩ trình bày, nhưng có lẽ hay nhất, dạt dào cảm xúc nhất phải nói đến danh ca Hoàng Oanh. Bà không chỉ truyền cảm xúc vào từng ca từ mà còn đưa vào đấy cái tình, cái nhớ như chính bà là một trong những con người số khổ ấy.
Trích lời bài hát Chiều Tây Đô:
Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về
Thăm quê xưa với vườn cau thề
Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô
Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều
Sao anh không thấy về Ninh Kiều
Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen
Đen như manh áo buồn chưa quen
Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van
Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển
Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay
Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày
Vợ chờ tin chồng ngày về quá xa xăm
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?
Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường
Nay nghe sao khác từ tên đường
Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương