Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người
Quê hương chính là cái nôi đầu tiên đón nhận tiếng khóc chào đời của mỗi người chúng ta, nơi có những bước đi chập chững chưa được vững vàng, gắn liền với những ký ức tuổi thơ không thể nào quên của chúng ta. Và đó cũng là nơi cuối cùng mà ai cũng mong muốn trở về để tiếp tục gắn bó phần tuổi già còn lại. Và hiển nhiên, quê hương với người nghệ sĩ chính là nguồn cảm hứng vô tận, thể hiện tình yêu thắm thiết dành cho quê nhà. Đó không ngoại lệ với nhạc sĩ Thanh Sơn, khi ông cũng cho ra đời nhiều nhạc phẩm có chủ đề về quê hương và nếu nói ấn tượng thì phải nhắc đến “CHIỀU QUA PHỐ CŨ” đã vẽ lại bức tranh hồi tưởng đầy cảm xúc.
Nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ chẳng còn xa lạ với khán thính giả yêu nhạc, ông tên thật là Lê Văn Thiện sinh năm 1940. Ngoài bút danh Thanh Sơn, ông còn một bút danh khác chính là Sơn Thảo, là một người nhạc sĩ Việt Nam với gia tài âm nhạc đồ sộ. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với những nhạc khúc tuổi học trò thơ mộng, ông gần như là người đại diện cho thế hệ học sinh với những nhạc phẩm gắn liền với màu đỏ phượng vỹ. Nhưng đến khoảng thời gian sau, ông lại chuyển hướng dần sáng những chủ đề về quê hương dân tộc, các ca khúc mang âm hưởng miền Tây Nam Bộ mang theo chút ngọt ngào của dân ca và sự sâu lắng của giai điệu Bolero trữ tình.
Ca khúc “CHIỀU QUA PHỐ CŨ” cũng là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn, được viết vào sau năm 1975, ca khúc là dòng hồi tưởng về những cảm xúc dâng trong lòng người nhạc sĩ khi chợt một lần quay lại thăm quê, nơi tác giả được sinh ra và lớn lên, nơi những ước mơ được xây dựng và vun đắp, nơi tình bạn nảy nở, nơi con tim biết rung động đầu đời và cũng là nơi cho người lưu khách đường xa trở lại mà sưởi ấm con tim đang lạnh dần bởi sự bon chen và cạm bẫy nơi xã hội ngoài kia. Có bồi hồi xúc động, có lâng lâng nhớ thương, có những nỗi buồn miên man và cũng có sự hiu hắt cô liêu,…khi nhìn ngắm lại cảnh vật bây giờ, chẳng còn như ngày xưa nữa. Có lẽ cảnh cũng chẳng có quá nhiều sự thay đổi nhưng con người tạo nên những cảm xúc xưa đã không còn nơi đây nữa, vậy nên chỉ biết “tưởng nhớ” mà thôi.
“Chiều về thăm quê hương,
sau nhiều năm gió sương
sống lại giây phút buồn.
Con đường xưa nằm đây
dài hun hút hàng cây
sân trường vắng tiêu điều.
Nắng nhạt nhòa màu chiều,
chạnh lòng lặng thinh.
Sỏi đá nghe bước về ngơ ngác nhìn
hình bóng xưa còn đây ta với mình….’
Với người con xa xứ, sau nhiều năm rời xa nơi chôn rau cắt rốn, những cảm xúc bùi ngùi đang dâng cao trong lòng tác giả. Giây phút đặt chân lại trên mảnh đất quê hương, Thanh Sơn cảm thấy bản thân như được hồi sinh sau nhiều năm dài đấu tranh với những cạm bẫy nơi xã hội ngoài kia. Cũng con đường xưa, cũng hàng cây cũ, cũng mái trường và sân trường năm nào nhưng giờ đây lại tiêu điều và sơ xác. Có thể vì người xưa đã chẳng còn đây nên thiếu đi một phần sinh động của khung cảnh năm ấy. Ánh nắng như hiểu được nỗi lòng của người con xa quê lâu ngày trở lại nên nắng cũng thêm phần nhu hòa và nhạt bớt, nhưng cũng vì thế mà cảnh sắc lại thêm phần buồn bã và chạnh lòng hơn. Đến sỏi đá trên đường cũng cảm nhận được sự hiu quạnh đó mà “ngơ ngác nhìn”….
“….Nhìn thời gian đi qua
thương đời như kiếp hoa
kỷ niệm xưa đã già.
Tôi thầm mơ từ lâu
về đây thấy mặt nhau
thăm bạn cũ năm nào
có ngờ lòng nghẹn ngào.
Hỏi trời, hỏi mây
chỉ biết thương xót mà không trả lời.
Tìm thấy trong lòng ta nước mắt buồn…..”
Nhìn lại quãng thời gian đã trôi qua, cứ nghĩ cuộc đời như một cuốn phim, trôi qua một cách nhanh chóng nhưng lại chẳng thể như cuốn phim có thể quay lùi trở lại. Cuộc đời ta như một kiếp hoa, sớm nở tối lại tàn nhưng hoa thì tuần hoàn còn con người ấy thì lại chóng già theo tạo hóa, còn lại đây chỉ còn những kỷ niệm đã dần phai tàn theo thời gian.
Bản thân luôn tâm niệm được một lần trở lại nơi phố cũ, để tìm gặp những người bạn xưa, chào nhau bằng một cái ôm nhiệt tình, thăm hỏi nhau những trải đời thú vị và ôn lại những kỷ niệm năm nào. Nhưng cảnh còn người mất, chẳng thể tìm gặp lấy một ai, tác giả chỉ biết ngửa mặt mà hỏi trời cao, hỏi mây bay. Nhưng tạo hóa trêu ngươi, chẳng thấy một lời đáp, nên Thanh Sơn chỉ biết ngậm ngùi mà nuốt ngược nước mắt buồn sầu vào trong….
“…..Tôi nhớ hoài một kỷ niệm,
giờ đây muốn tìm
tình thương cho con tim.
Nhưng bỗng rung động bàng hoàng
như sụp đổ không gian,
tình nhân an giấc ngủ
Và người kể tôi nghe,
nghẹn ngào vì thương đau
đôi giòng lệ ứa trào….”
Không chỉ có những người bạn, không chỉ có những tuổi thơ không mà, mà còn có một đoạn tình mãi không quên, hằn in trong lòng tác giả. “Tôi nhớ hoài một kỷ niệm, giờ đây muốn tìm tình thương cho con tim” – Làm sao mà quên được lần con tim rung động, và càng không thể quên khi nỗi đau chia cắt chính là vết sẹo dài nơi trái tim còn đang từng nhịp đập. Không phải sự chia ly do tình phụ mà do hai người âm dương cách biệt, dù muốn níu kéo cũng chẳng thể đi cùng nhau, nỗi đau này còn lớn hơn, còn khiến người nhạc sĩ bàng hoàng hơn khi nhớ lại và sự thật càng tàn khốc khi được “người kể tôi nghe”, lòng chỉ còn biết “nghẹn ngào vì thương đau đôi giòng lệ ứa trào….”
“……Từng hồi chuông ngân nga
như ngàn nỗi xót xa
ru hồn lữ khách lạ.
Đâu rồi ân tình xưa
ngồi sưởi ấm chiều mưa
bao ngọt đắng hương nồng
giấu chuyện buồn vào lòng.
Trả lại mộng mơ
đường phố xưa vẫn nằm im hững hờ
chỉ có riêng mình ta đứng thẫn thờ.”
Thanh Sơn tự nhận bản thân là “lữ khách lạ” trên chính quê hương của mình, có thể do bản thân đã rời đi quá lâu, cũng có thể nơi đây chứa đựng quá nhiều nỗi đau nên tác giả chẳng muốn nhớ lại. Đặt chân đến khu phố cũ, từng nỗi nhớ, từng chuyện buồn,…cứ chạy đều trong tâm trí của nhạc sĩ, có ngọt cũng có đắng, có vui cũng có buồn,…tất cả đều được giấu kín nơi đáy lòng. Và rồi nhạc sĩ Thanh Sơn đã “Trả lại mộng mơ” để quay lại với thực tại , quay lại với guồng quay của cuộc sống bon chen và dụ lợi, để “đường phố xưa vẫn nằm im hững hờ” và “chỉ có riêng mình ta đứng thẫn thờ.”.
Âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn là những ca từ rất đỗi thân thuộc, nó gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam, giai điệu đơn giản những khi bài hát được cất lên thì lại mang đến cho người nghe nhạc những cảm xúc khó nói thành lời. “CHIỀU QUA PHỐ CŨ” mang đến cho người nghe những cung bậc khó tả bởi cái tình cái nhớ trong bài hát, một tình cảm chân thành mà tác giả dành cho quê hương của mình. Không có những thủ thuật mỹ miều, những cách so sánh cao xa nhưng từng hàng cây, từng khoảng trời kỷ niệm trong bài hát như mang chúng ta trở về với miền quê cũ để nhớ, để hoài niệm. Nhạc sĩ Thanh Sơn không chỉ là người nhạc sĩ của tuổi học trò mà còn cả một gia tài chan chứa tình quê hương dân tộc, những tình cảm tri ân chân thành nhất.
Trích lời bài hát Chiều Qua Phố Cũ:
Chiều về thăm quê hương,
sau nhiều năm gió sương
sống lại giây phút buồn.
Con đường xưa nằm đây
dài hun hút hàng cây
sân trường vắng tiêu điều.
Nắng nhạt nhòa màu chiều,
chạnh lòng lặng thinh.
Sỏi đá nghe bước về ngơ ngác nhìn
hình bóng xưa còn đây ta với mình.
Nhìn thời gian đi qua
thương đời như kiếp hoa
kỷ niệm xưa đã già.
Tôi thầm mơ từ lâu
về đây thấy mặt nhau
thăm bạn cũ năm nào
có ngờ lòng nghẹn ngào.
Hỏi trời, hỏi mây
chỉ biết thương xót mà không trả lời.
Tìm thấy trong lòng ta nước mắt buồn.
Tôi nhớ hoài một kỷ niệm,
giờ đây muốn tìm
tình thương cho con tim.
Nhưng bỗng rung động bàng hoàng
như sụp đổ không gian,
tình nhân an giấc ngủ
Và người kể tôi nghe,
nghẹn ngào vì thương đau
đôi giòng lệ ứa trào.
Từng hồi chuông ngân nga
như ngàn nỗi xót xa
ru hồn lữ khách lạ.
Đâu rồi ân tình xưa
ngồi sưởi ấm chiều mưa
bao ngọt đắng hương nồng
giấu chuyện buồn vào lòng.
Trả lại mộng mơ
đường phố xưa vẫn nằm im hững hờ
chỉ có riêng mình ta đứng thẫn thờ.
- Danh ca Phương Hồng Quế: Trọn tình với người, hết mình với đời – Phần 2
- “Con Đường Mang Tên Em” (Trúc Phương)
- “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” – Ngậm ngùi cho một tình yêu tan vỡ dưới ý thơ của Trịnh Cung và tài phổ nhạc của Trịnh Công Sơn
- Ta cố quên người nhưng sao lòng mãi nhớ hoài, nhớ thương hình bóng quen thuộc – Người Quên Kẻ Nhớ (Đài Phường Trang)
- Đôi nét về Nhạc Sĩ Văn Phụng