“Chiều Cuối Tuần” (Trúc Phương)

Đăng ngày 04/09/2024

Những buổi chiều đi vào âm nhạc thường mang cho người nghe một sự buồn rười rượi, bởi “chiều” là khoảng thời gian gần tối, trước khi ánh nắng buông dần và nhường chỗ cho bầu trời hoàng hôn cô đơn, mang một trạng thái tĩnh và gợi buồn. Hầu hết các ca khúc Việt Nam gắn với chữ “Chiều” đều mang một hàm xúc buồn, nếu không là sự chia xa trong tình yêu cũng là ngăn cách tình thương, nỗi niềm của sự nhung nhớ hay ký ức xưa cũ.

Chiều Cuối Tuần (St: Trúc Phương) | Trúc Anh (Á Quân Người Kể Chuyện Tình 2023)

Nếu cái buồn trong Chiều Sân Ga, Chuyến Tàu Hoàng Hôn là sự ly biệt trên sân ga; hay trong Chiều Hành Quân, Chiều Hoang Vắng là những miên man trên con đường hành quân của người chiến sĩ; thì với nhạc khúc “CHIỀU CUỐI TUẦN” của nhạc sĩ Trúc Phương lại được người nghe yêu thích hơn. Bởi cũng là chiều buồn nhưng lại không chứa nhiều ưu thương như loạt ca khúc khác mà lại nhiều thêm phần ngọt ngào và lãng mạn, đúng với chất nghệ sĩ trong con người của Trúc Phương.

CHIỀU CUỐI TUẦN” kể về một cuộc chia ly vội của đôi uyên ương trẻ, chàng nơi biên cương, nàng nơi hậu phương chờ đợi, chỉ mong mỗi chiều cuối tuần được kề cạnh bên nhau để nói lên bao lời tâm sự rồi chàng lại nhanh chóng trở về trình diện để tiếp tục thân chinh. Dù nội dung của bài hát là cuộc chia ly người yêu, phảng phất sự nhung nhớ khi đôi trẻ đôi phương trời xa cách nhưng vẫn làm người ta cảm nhận được sự rộn ràng của phố xa chiều cuối tuần.

“Em ơi! Tôi lên đường phố cũ tìm em chiều hẹn hò,
Cho nhau niềm vui cuối tuần vì hơn mấy lần
vắng em trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn…..”

Đến hẹn lại lên, cuối cùng cũng đến ngày anh lính quay trở lại thành phố cũ để thăm lại người em bé nhỏ – người nắm giữ trái tim anh. Đây là dịp hiếm hoi để cho đôi uyên ương được đoàn tụ, hạnh phúc bên nhau, bởi lẽ thân mang trọng trách, người chiến sĩ làm gì có thời gian mà chăm chút cho hạnh phúc của riêng mình. Nên thật lâu của chiều cuối tuần chàng mới được về phép, mới cho nàng được tình yêu đúng nghĩa chỉ vỏn vẹn thời gian ấy.

Chiều Cuối Tuần | NS Trúc Phương | Thanh Tuyền - YouTube

Niềm vui dâng trào trong lòng cả hai, chàng thì vui mừng khôn xiết khi được cùng nàng tay trong tay nơi phố cũ, còn nàng cũng xúng xính váy lụa điểm trang thẹn thùng mà hân hoan cùng chàng hẹn hò. Nhưng cũng có những chiều cuối tuần vắng bóng người yêu, chàng dạo bước trên con đường quen thuộc nhưng lại thấy vô cùng lạ lẫm, bước từng nhịp cô đơn…

“Vắng em trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn…” – Kinh đô ở trong ca khúc này chính là thủ đô, nhưng Trúc Phương đổi cách gọi như kinh đô, kinh kỳ hay là kinh thành,…lại mang cho người nghe một thi vị khác, cảm giác hơi cổ phong mới lạ trong dòng nhạc vàng xưa. Nó như gợi lên hình bóng của người lính xưa cầm đao giết giặc bảo vệ giang san.

“…..Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi
Em ơi! Dù hai chúng mình mộng xưa khó thành,
biết nhau chiều hôm nay xin nhớ mãi về sau này…..”

Tâm tư của người chiến sĩ thân mang nghĩa vụ, quanh năm gắn bó với rừng hoang núi sâu thăm thẳm, hàng ngày hành quân không biết qua bao nẻo đường, vượt bao chiến địa hiểm nguy, nhưng chàng chẳng hề quên đi hẹn ước của lứa đôi. Nỗi nhớ về cô người tình bé bỏng cùng lời thề nguyện bên nhau của mối tình chung thủy vẫn luôn thường trực trong tâm trí chàng.

Về Ca Khúc 'Chiều Cuối Tuần' Của Nhạc Sĩ Trúc Phương – Nhạc Vàng

Chẳng cần bất kỳ lời thề ước nào cả, khi đôi tay em đã nắm vững vàng trong lòng bàn tay to lớn của anh, nó như một giao hẹn bên nhau suốt đời của đôi trẻ. Bản thân người lính biết mình không thể nào chối bỏ được trọng trách trên vai, nên chàng chỉ mong mỏi dù mai này có điều gì làm hai đứa chia rẽ, dù “mộng xưa khó thành” thì cuộc tình này vẫn sẽ trường tồn mãi mãi. Dù chỉ bên nhau một kiếp thì cũng xin được vĩnh hằng trong lòng nhau, khắc ghi hình bóng nhau vào tim trên những bước đời còn lại.

“….Ghi vào đời hình bóng một người
Đôi lúc chân mơ giày khua lối ngõ
Tâm tư bâng khuâng
nghe chiều biệt ly theo khuất nẻo người đi….”

Hình bóng em luôn ngự trị trong trái tim ấm nóng ấy, từng bước chân, từng dáng hình cũng làm anh mong ngóng đợi trông. Khi thang lang nơi đường phố vắng, anh lại suy nghĩ về em, về những tình cảm của chúng ta, không biết đến khi nào chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau, không còn cảnh tượng “kẻ ở người đi”, hai phương trời cách biệt như thế. “Tâm tư bâng khuâng” của hai người yêu nhau – chấp nhận yêu xa, chấp nhận mỗi người mỗi ngã để rồi mỗi chiều cuối tuần lại cùng nhau đôi lời tâm sự, dắt tay trên con phố quen thuộc. Đến lúc ly biệt lại lặng lẽ ngắm nhìn người dần khuất nẻo cùng dòng người tấp nập.

“…..Khi tôi đưa chân người tôi mến tạm xa biệt kinh thành
Mong sao đừng quên mỗi lần chiều qua cuối tuần
Có tôi đợi trông em khi phố cũ vừa lên đèn.”

Buổi hẹn hò của đôi tình nhân trong buổi chiều cuối tuần đã vụt nhanh như một cơn gió, để bao nỗi niềm nơi người chiến sĩ và cả đáy lòng người thiếu nữ. Tiễn người thương lên xe rời xa thành phố, rời xa chính mình, người chiến sĩ chỉ biết lặng lẽ nhìn theo từng chuyển động của bánh xe đang khuất dần nơi ngã rẽ. Chàng mong những lần chia tay thế này chỉ là “tạm thời xa cách”, rồi chúng ta sẽ còn nhiều cái cuối tuần để gặp nhau, thậm chí là bên nhau khi đất nước thái bình. Mong em đừng quên những chiều hẹn hò như thế và hay biết rằng luôn có một người vẫn đợi chờ em nơi phố cũ khi ánh đèn vừa được thắp lên.

Yêu xa chính là phép thử khắc nghiệt nhất trong tình yêu nam nữ, bạn phải làm quen với cái gọi là khoảng cách địa lý, phải đếm ngược từng ngày giờ gặp nhau, khi bên nhau lại lo sợ thời gian trôi nhanh mình lại phải cách biệt. Nhưng không sợ “xa” về không gian hay thời gian, chỉ sợ khoảng cách giữa hai tâm hồn. Sợ cảm giác cô đơn trong những ngày mệt mỏi nhưng lại chẳng ai bên cạnh, sợ đêm lạnh không có người cầm tay sưởi ấm. Nhưng may mắn, đôi trẻ trong CHIỀU CUỐI TUẦN vẫn giữ được trọn vẹn tình yêu và cầu mong rằng tình cảm ấy sẽ bền vững như một bức tường thành chắc chắn, chẳng điều gì có thể phá vỡ được.

“CHIỀU CUỐI TUẦN” mang cho ta nhiều cảm xúc khi thưởng thức từng ca từ, từng giai điệu của bài hát. Nếu nói người thành công nhất khi trình diễn nhạc phẩm này thì phải kể ngay đến ca sĩ Thanh thúy. Chất giọng liêu trai, gây nhiều thổn thức đã mang bài hát đến gần hơn với khán giả yêu nhạc.

Em ơi! Tôi lên đường phố cũ tìm em chiều hẹn hò,
Cho nhau niềm vui cuối tuần vì hơn mấy lần
vắng em trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn.

Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi
Em ơi! Dù hai chúng mình mộng xưa khó thành,
biết nhau chiều hôm nay xin nhớ mãi về sau này.

[ĐK:]

Ghi vào đời hình bóng một người
Đôi lúc chân mơ giày khua lối ngõ
Tâm tư bâng khuâng
nghe chiều biệt ly theo khuất nẻo người đi.

Khi tôi đưa chân người tôi mến tạm xa biệt kinh thành
Mong sao đừng quên mỗi lần chiều qua cuối tuần
Có tôi đợi trông em khi phố cũ vừa lên đèn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *