Nếu nói về những ca khúc thất tình trước những năm 1975 ở miền Nam Việt Nam, chắc chắn ai cũng sẽ nhớ đến người nhạc sĩ ủy mị Đỗ Lễ, đặc biệt là ca khúc “Sang Ngang” làm nên thương hiệu u sầu vì nó não tình và sướt mướt đến độ….không một ca khúc có thể vượt qua được. Có mấy người trên đời này có thể chứng kiến cảnh tượng ấy: Nhìn người yêu quay gót bỏ đi, mặc áo cưới lên xe hoa về nhà chồng. Đau đớn nào nguôi, đến một lời từ biệt cũng chẳng thể nói thành lời, chỉ biết lặng câm mà buông bỏ. Nhưng ít người biết, nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng có một bài hát với nội dung tương tự có tên là “Chia Ly”, nhưng nhiều người lại bị nhầm lẫn khi biết nó với cái tên Chuyện Buồn Tình Yêu của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân. Đây là sự nhầm lẫn của người làm công việc sản xuất băng đĩa, dẫn đến hàng loạt hiểu lầm sau này, tuy nhiên ca khúc đã được đính chính và hoàn về tác giả.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nói Đỗ Lễ là nhạc sĩ của những cuộc tình dang dở khi ông cho ra đời hàng loạt các ca khúc mang hơi hướm thất tình, khiến người nghe vô cùng não lòng như “Tình Phụ”, “Tuyệt Tình”, “Dại Khờ”, “Tình Buồn”, “Mùa Thương Cũ”,…..Nhạc sĩ Đỗ Lễ quyết định tiến tới hôn nhân cùng nữ ca sĩ Hoài Xuân (Người đã trình bày nhạc phẩm “Sang Ngang” lần đầu tiên) sau khi chứng kiến tình cảnh tuyệt vọng – Người mình thương lên xe hoa theo chồng. Tuy nhiên, cuộc tình này chỉ kéo dài được 6 năm, khi cả hai đã có với nhau 3 mặt con. Năm 1994, ông theo gia đình qua Mỹ định cư nhờ sự bảo lãnh của thân nhân, sau đó lại do chán nản với cuộc sống ở Mỹ mà ông chọn lựa trở về quê nhà – Việt Nam. Tại quê hương, ông đã bị trầm cảm nặng, sau đó ông đã tự kết liễu cuộc đời của mình. Vợ ông cũng cho biết: Ông là một con người ủy mị, rất yếu đuối, cứ gặp chuyện là sẽ chẳng thể nào chịu đựng nỗi, cứ trở nên suy sụp và chán nản, ông chẳng còn thiết hoạt động gì nữa. Và chắc có lẽ, đây chính là lý do mà ông đã lựa chọn cái chết.
Về phần ca khúc “Chia Ly” hay còn được biết đến với một cái tên khác là “Chuyện Buồn Tình Yêu” của nhạc sĩ Đỗ Lễ. Bài hát chính là một câu chuyện tình buồn của đôi tình lữ, khi hai con người đang yêu nhau thắm thiết nhưng lại buộc phải chia xa vì một lý do không được nói rõ. Duyên phận lỡ làng, tình cảm trái ngang đã để lại một vết xước sâu trong trái tim của đôi trẻ. Ngày chia ly, cô gái vẫn luôn giữ thái độ im lặng, không nói năng câu nào, cũng chẳng đáp lại lời vỗ về an ủi của người yêu. Chỉ có những giọt nước mắt đang âm thầm rơi rơi đã tố cáo nỗi lòng của người thiếu nữ, sự nghẹn ngào làm hoen úa đôi hàng mi của người sắp sang ngang.
“Nói đi em câu chuyện buồn tình yêu
Nói đi em vì mình thương quá nhiều
Khóc làm chi cho hoen úa rèm mi
Cho héo úa xuân thì
Nhớ thương nhau rồi đi
Nói đi em khi chuyện mình dở dang
Nói đi em vì tình duyên lỡ làng
Khóc làm chi cho chua xót tình yêu
Cho cay đắng thêm nhiều
Yêu chẳng được bao nhiêu….”
Một câu chuyện tình buồn cho đôi trẻ, hai người còn duyên thì sắp xếp đến bên nhau để làm nhau hạnh phúc, đến lúc hết duyên rồi trời cao lại ganh tỵ mà chia cách không một lý do. Anh xem em là sinh mệnh, em xem anh là lẽ sống của cuộc đời, cả hai đã yêu thương quá nhiều, tưởng chừng sẽ không thể nào xa cách. Nhưng người tính sao có thể bằng trời tính, vẫn phải cách biệt, em lên xe hoa về xứ người, anh thầm lặng ở lại mà mang đau đớn. Đừng thương khóc nữa em ơi, giây phút này xin hãy bên nhau cho trọn vẹn, để mai này rời đi sẽ còn nhớ thương nhau.
Hãy nói gì đi em, nói gì cho cuộc tình dang dở, nói gì cho phận duyên ta lỡ làng, nhưng dường như chẳng có câu từ nào có thể ủi an nhau vào giờ khắc ấy. Bởi cả hai đều mang theo đau thương, hai con tim đều đang rỉ máu thì làm sao mà dỗ dành lấy nhau. Biết yêu thương là sẽ khổ, nhưng chẳng mấy người có thể cưỡng lại được sự cám dỗ khi yêu, yêu thương thật nhiều, trao hết cả con tim, đến lúc từ biệt lại như chết cả tâm hồn.
“……Mai lên xe hoa em sầu trong áo cưới
Mai lên xe hoa còn thương nhớ một người
Ai gieo đau thương đếm từng đêm tiếc nuối
Em đã đi rồi, em đã quên người tình rồi
Nói đi em, cho vơi niềm thương đau
Nói đi em, để lòng nguôi nỗi sầu
Khóc làm chi, cho đau đớn người đi
Cho héo úa xuân thì, ta âm thầm chia ly”
Chỉ còn lại đêm nay để đôi ta nói nên những lời cách biệt – tạ từ một câu chuyện tình chẳng được trọn nên duyên. Ngày mai em sẽ bước lên xe hoa, sẽ khoác lên mình chiếc áo cưới xinh đẹp, em sẽ như một nàng công chúa tuyệt trần bước ra từ truyện cổ tích và sánh bước cùng chàng hoàng tử nơi lễ đường. Nhưng chàng trai ấy lại chẳng phải anh, chẳng phải người em hằng thương nhớ, chẳng phải anh người đã trao em bao câu hẹn thề. Em tiếc nuối chuỗi ngày xưa cũ, em thương về cố nhân – người sẽ nhìn em với ánh mắt xa lạ. Em đi rồi, em sắp bước ra đi rồi, nhưng liệu em có quên được người tình xưa không hay em vẫn ôm hoài hình bóng cũ?
Trong giây phút từ tạ sau cùng, chỉ mong người sẽ nói một câu gì đó để có thể vơi đi được nỗi đau thương dằn xé nơi con tim này, vơi đi những ưu sầu nghẹn uất nơi khóe mi. Nhưng biết nói gì bây giờ? Khi định mệnh đã sắp đặt mọi thứ, mang chúng ta đến bên nhau, cho chúng ta yêu nhau mặn nồng và thắm thiết, sau cùng lại nhẫn tâm mà chia cách đôi lứa đôi nơi. Dù có nói gì trong lúc này, thì nỗi đau đớn của cuộc chia ly hôm nay vẫn sẽ kéo dài theo Bài hát “Sang Ngang” được nhạc sĩ Đỗ Lễ viết trong tình cảnh tuyệt vọng khi người ông yêu là ca sĩ Lệ Thanh lên xe hoa về nhà chồng, và rất có thể ca khúc “Chia Ly” cũng như thế. Nhiều người bảo đây chỉ là câu chuyện tình đơn phương, “tình yêu từ một phía” của Đỗ Lễ mà thôi. Bởi tại thời điểm đó, Lệ Thanh là nữ ca sĩ được săn đón nhiều nhất bởi chất giọng đặc trưng của cô nàng, còn Đỗ Lễ chỉ là một chàng sinh viên nghèo đêm ngày “mơ tưởng” sánh đôi cùng “người tình trong mộng”. Tuy nhiên, trong những lần tâm sự cùng bạn bè, nhạc sĩ Đỗ Lễ lại cho biết, đấy chẳng phải tình đơn phương như mọi người vẫn đồn đoán mà là tình yêu phát sinh từ hai trái tim yêu. Nhưng do nhà ông nghèo khó, trong khi Lệ Thanh lại là con gái nhà quyền quý và danh giá nên nàng bị buộc nghe theo sự sắp đặt của gia đình và từ đó tình cảm đôi tình lữ bị chia cắt.
Đó chẳng qua chỉ là lời tâm sự từ một phía của chàng sinh viên – người nhạc sĩ si tình, nhưng dù sự thật có là thế nào đi chăng nữa thì câu chuyện tình tuyệt vọng ấy cũng đã đóng góp phần nào làm phong phú nền âm nhạc Việt Nam bằng một nhạc khúc trữ tình bất hủ dành cho những kẻ thất tình
Nói đi em câu chuyện buồn tình yêu
Nói đi em vì mình thương quá nhiều
Khóc làm chi cho hoen úa rèm mi
Cho héo úa xuân thì
Nhớ thương nhau rồi đi
Nói đi em khi chuyện mình dở dang
Nói đi em vì tình duyên lỡ làng
Khóc làm chi cho chua xót tình yêu
Cho cay đắng thêm nhiều
Yêu chẳng được bao nhiêu
Mai lên xe hoa em sầu trong áo cưới
Mai lên xe hoa còn thương nhớ một người
Ai gieo đau thương đếm từng đêm tiếc nuối
Em đã đi rồi, em đã quên người tình rồi
Nói đi em, cho vơi niềm thương đau
Nói đi em, để lòng nguôi nỗi sầu
Khóc làm chi, cho đau đớn người đi
Cho héo úa xuân thì, ta âm thầm chia ly
- “Cuốn Theo Chiều Gió” – Dường như gió đã cuốn đi vô vàn ký ức tuổi thơ của tôi
- Hình ảnh quý về Quảng Triệu Hội Quán tại Sài Gòn xưa
- Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Việt Nam đã dùng những từ ngữ vay mượn nào từ người Tàu: hủ tiếu, xì thẩu, tài xỉu .v.v.
- Nhìn lại những trận túc cầu Sài Gòn xưa và nhớ về “huyền thoại” bình luận viên bóng đá Huyền Vũ
- “Chuyện Hoa Sim” và câu chuyện tình buồn bên màu tím của loài hoa sim.