Nhạc sĩ Trịnh Hưng (1924-2008) được sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào miền nam sinh sống và từ đây những ca khúc của ông dần được biết đến rộng rãi và trở nên nổi tiếng. Dòng nhạc đồng quê của ông rất được ưa chuộng vì sự gần gũi, thân thương, nhạc phẩm “Tôi yêu” là một trong số những ca khúc như vậy. “Tôi yêu” là bài hát ông sáng tác để nhớ về quê hương Bắc Ninh trong những ngày sinh sống cùng gia đình trong miền nam. Ca khúc gợi lên cho chúng ta một bức tranh đồng quê tươi đẹp với những hình ảnh quen thuộc và thân thương như lũy tre, con sông. Những lời ca đơn sơ, mộc mạc kết hợp cùng giai điệu rộn ràng, tươi vui, bài hát đã tạo cho người nghe một cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng và yêu đời. Đồng thời, bằng những hình ảnh thân quen ấy, Trịnh Hưng còn cổ vũ, thôi thúc tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người
Mở đầu bài hát bằng những hình ảnh thiên nhiên gần gũi. Những nét đẹp thuần khiết ấy của làng quê Việt xưa được tác giả đem đến trong ca khúc làm cho người nghe một cảm giác an yên trong tâm hồn.
Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa.
Lũy tre xanh được tác giả nhắc đến đầu tiên trong bài hát cùng với tình yêu thiết tha của ông dành cho nó. Lũy tre là linh hồn của những miền quê, nó mang một vẻ đẹp trầm lắng và bền bỉ với thời gian. Hình ảnh lũy tre làng gắn bó mật thiết với những con người lớn lên tại đây, mọi cuộc chia ly hay tương phùng đều dưới sự chứng kiến của ngọn tre xanh. Vì vậy dù là một nghệ sĩ hay một người bình thường thì hình ảnh lũy tre cũng luôn là điều gì đó thiêng liêng và sâu sắc. Con sông mùa cạn, cát dâng vàng hoe bên cạnh mái đình xưa cũ, một sự kết hợp về màu sắc tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc với những chất liệu thô sơ của cuộc sống nơi đây. Yêu ánh trăng quê thanh bình, dịu dàng soi sáng khắp một miền quê. Cùng với ánh đèn đêm le lói, ánh trăng đã tỏa sáng cho cô nàng ngồi dệt tơ. Yêu cánh đồng bao la tươi mát, nơi cho người ta cái ăn, cái mặc, giúp cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thương những đôi tay thoăn thoắt, khổ cực trên những mảnh ruộng từ gieo cấy đến khi thu hoạch để đổi lấy những hạt thóc, hạt ngô vàng ươm.
Sau khi miêu tả về vẻ đẹp của thiên nhiên, tác giả đã nhắc đến những nỗi niềm của riêng mình về mái nhà xưa và người yêu nơi xa. Những câu từ được sử dụng trong đoạn nhạc không mang tính chất u buồn, sầu bi thường thấy khi cặp đôi phải chia lìa. Nó vẫn nhẹ nhàng và lấy hình ảnh quê hương để làm hơi thở. Vì vậy, ca khúc vẫn được tiếp diễn với giai điệu và nội dung tươi vui, rộn ràng.
Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng quê
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây em chờ anh về.
Tác giả yêu sự đơn sơ của mái tranh nghèo, căn nhà đất. Ở đó con người ta được cha mẹ sinh ra, lớn lên từng ngày, gắn bó như máu thịt mà giờ đây đã phải cách xa và có lẽ chẳng bao giờ được sống trong ngôi nhà ấy một ngày nào nữa. Nhớ tiếng hát khoan hò là lời thề ước đẹp nên thơ của vùng quê Bắc Bộ. Yêu con đê nhỏ dẫn lối đến với chợ quê, ngày qua ngày tấp nập, nhộn nhịp. Những điều đã đi vào cuộc sống hằng ngày như một lẽ tự nhiên nay bỗng trở nên xa xôi. Một hình bóng luôn hiện lên trong lòng của tác giả đó là người yêu. Nơi từng hẹn thề đó, giờ đây người con gái đã phải sống trong những tháng ngày cô đơn, lẻ loi, không người bầu bạn. Tác giả mượn hình ảnh nhịp cầu tre để nói lên nỗi nhớ thương người yêu. Qua đó ta thấy được dù tình yêu thương kia có sâu sắc và to lớn bao nhiêu nhưng tác giả vẫn kìm nén nó lại và vẫn thể hiện sự lạc quan, yêu đời, không bi lụy với những thương đau.
Nhớ thiên nhiên, nhớ người thương và nỗi nhớ về nhịp sống làng quê tiếp diễn trong suy nghĩ của tác giả. Ở nơi xa lạ, những ngày được sống bình yên của ngày xưa là những kỷ niệm quý giá nhất.
Kìa cùng đùa chơi trẻ thơ ca hát say đời
Dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười
Mưa nắng ơn trời luống cày thắm đẹp lúa ngời
Xóm làng đón mùa chiêm mới ấm no ấp ủ lòng tôi.
Khi không có tiếng bom đạn của chiến tranh, ta sẽ nghe được những tiếng đùa vui, ca hát của trẻ thơ dưới đường làng. Những vô lo, vô nghĩ ấy làm cho mỗi người đều cảm thấy háo hức trong lòng, thầm cười vì mình cũng từng trải qua những ngày tháng tươi đẹp ấy. Vùng quê yên bình ấy, dù nghèo khó nhưng nụ cười luôn hé trên môi mỗi người, họ hạnh phúc với những gì đang có và sống không quá tính toán hơn thua. Họ sống thiện lành và tin vào thần linh, xin trời đất cho mưa thuận gió hòa để mùa màng được tươi tốt. Cầu mong cho mùa lúa mới đầy bồ để cuộc sống trong một năm được ấm no, sung túc.
Cuối bài hát, tác giả đã khẳng định lại tình yêu của mình dành cho quê hương, nơi ông sinh ra và lớn lên nhưng giờ đã phải chia xa. Tình yêu ấy nồng nàn và dù có bao nhiêu cách xa đi chăng nữa thì nó vẫn không phai nhòa.
Tôi yêu quê tôi yêu mãi bây giờ còn yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hoà
Yêu anh yêu em yêu nước yêu trời gần xa
Và yêu mối tình nở hoa ngàn năm không hề phai nhòa.
Tình yêu đối quê hương, đến giờ vẫn yêu và sẽ mãi yêu quê, tình yêu ấy đã trở thành vĩnh cửu và bất diệt. Một lòng hướng về quê hương từ nơi miền nam xa xôi, chờ từng tin mừng thái hòa, hạnh phúc của quê hương được gửi tới theo cánh chim. Tình yêu mặc cho cách trở về địa lý, hai phương trời có gần xa như thế nào thì mảnh linh hồn này vẫn cảm nhận được hơi thở của quê hương. Dù có trăm năm, ngàn năm đi nữa thì mối tình ấy vẫn nở hoa và vẹn nguyên như những đơn sơ ban đầu.
Tình yêu mà nhạc sĩ Trịnh Hưng dành cho quê hương của mình sâu sắc và thắm thiết. Ông đã viết nó thành bài hát và lan tỏa tình yêu ấy đến với những người được nghe ca khúc này. “Tôi yêu” không những đem đến cho người nghe cảm giác bình yên, thanh thản trong cuộc sống bộn bề ngày nay mà nó còn gợi lên lòng yêu quê hương, đất nước trong tiềm thức của mỗi con người chúng ta.
Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô hàng đẹp xinh
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây đang dựng mùa hoa.
Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng xưa
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây anh chờ em về
Kìa cùng đùa vui trẻ thơ ca hát say đời
Dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười
Mưa nắng ơn trời luống cày thắm đẹp lúa ngời
Xóm làng đón mùa chiêm mới
Ấm no ấp ủ làng tôi
Tôi yêu quê tôi yêu mãi bây giờ còn yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hòa
Yêu anh yêu em yêu nước yêu trời gần xa
Và yêu cánh đồng vời xa là đây anh chờ em về
- Phố Vắng Em Rồi (Mạnh Phát & Nguyễn Đan Thanh)
- Tìm hiểu thêm về tên gọi thật sự của các địa danh Nam Bộ xưa
- “Mùi đu đủ xanh”, ký ức một thời về phim điện ảnh Việt của năm 1993
- “Câu Chuyện Đầu Năm” – Những hy vọng, ước nguyện và chờ mong một tương lai tốt đẹp
- Xe thổ mộ, phương tiện giao thông vang bóng quen thuộc của người Miền Nam xưa