Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội (quê gốc ở Thanh Hóa). Nhạc sĩ Y Vân là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân Nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ và vẫn được trình diễn bởi những ca sĩ hiện thời. Ông là người đi tiên phong cho dòng Nhạc Trẻ với những bài hát có giai điệu Chachacha, Disco, Twist như: “Sài Gòn”, “Ảo Ảnh”, “60 Năm Cuộc Đời”, “Thôi”. Thời gian sau năm 1975, ông tham gia Đoàn Ca Nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu…Sự nghiệp sáng tác của ông có khoảng trên dưới 200 tác phẩm. Tác phẩm “Lòng Mẹ” của ông rất nổi tiếng và được xem như một trong những ca khúc kinh điển tiêu biểu, sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình mẹ.
Ngoài tác phẩm “Lòng mẹ” ra, một bài hát để lại dấu ấn sâu sắc cũng nổi tiếng không kém và thường được các ca sĩ nhiều thế hệ tiếp tục trình diễn cho đến giờ đó chính là bài hát “Đêm giã từ”. Một ca khúc kể về cảnh tượng buồn bã nơi mà có những con tàu và sân ga. Cảnh tượng chia tay với con tàu hay là chia tay với sân ga, cũng là lúc phải chia tay với một mối tình. Mối tình nào, tiếng còi tàu nào đã khiến nhạc sĩ viết nên một bài hát về những lứa đôi yêu nhau mà chẳng thể ở cạnh nhau.
“Mưa buốt lạnh trong đêm đứng trên thềm ga vắng
Hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh
Mưa ướt mềm đôi vai biết bao điều chưa nói
Biệt ly sầu vời vợi có gì vui…”
Có biết bao nhiêu là con tàu đến và đi trong cuộc đời này, không làm sao đếm hết được. Sân ga vẫn nằm đấy, im ắng, hiu quạnh, như cõi lòng trống vắng, quạnh hiu của một người vừa tiễn đưa một người. “Mưa buốt lạnh trong đêm đứng trên thềm ga vắng”, “hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh”. Một cảnh tượng xót xa, đau nhói, cảnh chia ly có mấy ai vui. “Mưa ướt mềm đôi vai biết bao điều chưa nói”, “biệt ly sầu vời vợi có gì vui”.
“…Mưa giá lạnh tim ta nói sao bằng thương nhớ
Có chăng là lệ nhòa trên nét mi
Mưa gió lùa qua hiên giữa khi mình lưu luyến
khi tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm…”
Tác giả mượn cơn mưa để che giấu đi những giọt nước mắt của đôi trai gái mặc dù không muốn rời xa, nhưng hoàn cảnh trớ trêu lại khiến họ không thể ở cạnh. “Mưa giá lạnh tim ta nói sao bằng thương nhớ “có chăng là lệ nhòa trên nét mi”. Cảnh tượng đôi trai gái lưu luyến nhau giữa cơn mưa gió lạnh lùa qua hiên khiến trái tim càng thêm thắt lại, tiếng còi xe ngân lên bao trùm cả màn đêm một cách lạnh lùng, phũ phàng.
“…Quyến luyến anh còn đứng chưa lên đường
Nhớ tiếc trong lòng mãi qua đêm trường
Ánh sáng cây đèn soi trên thềm
Còn đó chăng là bóng em và bóng đêm…”
Còn nỗi buồn nào sâu hơn, tái tê hơn nỗi buồn sân ga “quyến luyến anh còn đứng chưa lên đường”, “nhớ tiếc trong lòng mãi qua đêm trường”, khi tiếng còi tàu xa dần, chỉ còn lại “ánh sáng cây đèn soi trên thềm”, khi bóng con tàu mờ dần trong tiếng mưa đêm, chỉ còn lại “bóng em và bóng đêm”…