Nhạc sĩ Anh Bằng luôn tâm sự với công chúng rằng: Ông không mong muốn những nhạc khúc mình sáng tác phải cô đơn và lẻ loi trong âm nhạc, hay chỉ dành riêng cho một nhóm người nào đó yêu thích hay cảm thụ. Mà đã là âm nhạc, đã là sáng tác thì phải được đưa đến đại chúng, để mọi người cùng có sự thấu cảm với từng ca từ, từng giai điệu. Và chính sự trăn trở và suy tư của mình, nhạc sĩ Anh Bằng không chỉ tạo ra cho mình một hướng đi – một phong cách âm nhạc riêng biệt, mà còn được công chúng đón nhận nhiệt tình
Bên cạnh những sáng tác xuất phát từ cảm xúc riêng của người nhạc sĩ, Anh Bằng còn rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm phổ nhạc từ thơ của các nhà thi sĩ nổi tiếng Việt Nam như “Nếu Vắng Anh” từ bài thơ Cần Thiết của thi sĩ Nguyên Sa, “Bướm Trắng” được phổ từ bài Người Hàng Xóm của thi sĩ Nguyễn Bính, “Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không?” phổ từ Hoa Học Trò của thi sĩ Nhất Tuấn,….Anh Bằng là một nhạc sĩ nổi tiếng với hoạt động sáng tác năng nổ, ông thể nghiệm bản thân ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Phong cách âm nhạc chỉn chu với lời lẽ được trau chuốt vô cùng tỉ mỉ, điểm chung lớn nhất trong sáng tác của ông là ca từ dung dị nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, khi nghe qua người ta sẽ dễ dàng cảm nhận được từng lời ca ý nhạc.
“Bướm Trắng” nói lên nỗi lòng của chàng trai nhỏ, thương thầm cô hàng xóm cạnh bên nhà mình, tương tư nhiều năm nhưng chẳng dám ngỏ lời yêu. Đến cuối cùng nàng nâng bước mà theo chồng về dinh, để lại nơi miền thôn quê quen thuộc ấy một trái tim buồn tủi và nhớ mong hoài những hoài niệm quá khứ. Ca khúc “Bướm Trắng” được nhạc sĩ Anh Bằng thường bị nhầm lẫn với ca khúc Cô Hàng Xóm của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, bởi cả hai đều được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Bính và dường như giữ nguyên toàn bộ bài hát nên mới có sự nhầm lẫn này. Tuy nhiên ở đoạn cuối ca khúc “Bướm Trắng”, nhạc sĩ Anh Bằng đã thêm vào một đoạn nhạc khác với nguyên bản của Nguyễn Bính, khiến cho ca khúc thêm phần nức nở. Dù là lời hai bài hát giống nhau nhưng giai điệu lại khác nhau hoàn toàn, nếu Cô Hàng Xóm mang theo sự da diết khó nói nên lời thì Bướm Trắng lại nhẹ nhàng như một lời tâm tình thỏ thẻ.
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mồng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này….”
Không biết tự bao giờ mà gia đình hai bên đã cạnh nhau, nhà nàng ở ngay bên cạnh nhà chàng, dù chỉ cách nhau cái dậu mồng tơi thôi nhưng cả hai lại chẳng nói chuyện cùng nhau, chỉ biết sống trong khoảng trời cô đơn của riêng mình. Chàng cảm thấy ấm ức cho bản thân, trách cái dậu mồng tơi xuất hiện không đúng nơi, chàng tự nhủ: Nếu như không có cái dậu chắn ngang ấy thì chàng đã mạnh mẽ hơn mà sang thăm nhà nàng, sang nói chuyện cùng người con gái anh “thầm thương trộm nhớ” bao ngày…nhưng dậu mồng tơi xanh rờn ấy đã tiêu tan tất cả dũng khí trong anh. Đã không biết bao nhiêu đêm anh chìm trong giấc chiêm bao, nhìn thấy có một cánh bướm trắng nhẹ nhàng bay sang nhà mình, anh đã ngượng ngùng trong mớ suy nghĩ của bản thân: Có phải cô nàng hàng xóm, nàng cũng có nỗi niềm giống chàng nên đêm đêm hóa thân thành cánh bướm trắng mà tìm vào giấc mơ…
“….Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Tại sao không thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Hôm nay mưa đổ sụt sùi
Tơ không hong nữa bướm lười không sang
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng.”
Mắt nàng cứ đăm đăm trông lên như mang theo một nỗi u hoài không đáy, ánh mắt buồn như cất chứa biết bao tâm sự nhưng lại chẳng biết sẻ chia cùng ai. “Bướm ơi!” tại sao chẳng khi nào thấy môi nàng nở một nụ cười xuất phát từ chân tâm, tại sao chẳng bao giờ thấy nàng vui vẻ cười đùa như bao cô nàng cùng trang lứa….Chưa nhận được câu trả lời thì bướm trắng đã bay đi, bay về bên kia của dậu mồng tơi rồi mãi mãi cũng chẳng sang nữa. Chàng chỉ dám thỏ thẻ tâm tình cùng cánh bướm đêm đêm tìm vào giấc mộng mà chẳng có can đảm để bước qua ngỏ ý cùng nàng, sự nhút nhát cùng ngượng ngùng đã khiến cho đoạn tình cảm ấy chết dần theo thời gian. Hãy nhìn đi, bên hiên chẳng còn bóng dáng người thiếu nữ hong tơ, nàng đã đi rồi, đi theo tiếng gọi khác của con tim, để lại nơi thôn quê cũ một người “gục xuống bàn rưng rưng”.
Ca khúc “Bướm Trắng” được khán giả yêu thích bởi chất nhạc trữ tình nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng sâu lắng, nó không hẳn là trách móc mà đúng hơn là sự chia sẻ – “Vì sao yêu mà lại không dám nói, thương mà cứ giữ mãi trong lòng?”. Chúng ta thường hay nghĩ, tình yêu đôi khi chính là sự cho đi, trao đi tình cảm chỉ mong người thương được hạnh phúc thì chính bản thân cũng cảm thấy mãn nguyện. Sẽ có những mối quan hệ chỉ nên dừng lại ở mức tình bạn, bởi con đường từ tình bạn đến tình yêu thường rất ngắn nhưng muốn từ người yêu quay trở về làm bạn thì lại là điều không thể. Vì muốn gìn giữ tình bạn đẹp, đôi khi người ta lựa chọn sự im lặng mà ngắm nhìn người thường hạnh phúc bên một người khác mà chẳng phải là mình.
Những sáng tác của Anh Bằng vẫn sống mãi với thời gian, ngay cả thời điểm hiện tại, khi chúng ta dạo quanh trên đường phố, bằng ngang những quán cafe hoài cổ, ta vẫn có thể nghe thấy giai điệu dìu dặt, lắng đọng của bài hát “Khúc Thụy Du”; hay sự day dứt nhưng mang theo nồng nàn của “Sầu Lẻ Bóng”; hay một chút tha thiết lại tràn đầy sự say đắm của tình khúc “Anh Còn Nợ Em” và những ca từ cùng nhịp điệu quen thuộc: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn” của “Bướm Trắng (Cô Hàng Xóm)”. Âm nhạc một khi đã đi vào lòng người thì nó sẽ như hạt giống mà nảy mầm nơi trái tim người yêu nhạc, rất khó để phải mờ. Cái gì một khi tự truyền tải cái hay, cái đẹp sẽ luôn được người ta yêu thích và đón nhận mà chẳng cần sự tung hô hay quảng bá, ca ngợi – Và âm nhạc của Anh Bằng chính là như thế!
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mồng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Tại sao không thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.
Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Hôm nay mưa đổ sụt sùi
Tơ không hong nữa bướm lười không sang
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng.
- Tuyển tập nhưng ca khúc hay được thu âm trước năm 1975 của ca sĩ Hoàng Oanh
- Nhớ về ký ức với những nét “Văn hóa không tên” tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa
- “Hạnh Phúc Đầu Xuân” – Những giai điệu năm mới rộn rã như lòng người, tươi mới những niềm tin…
- Ngôn ngữ tiếng Việt: Những từ ngữ được vay mượn từ tiếng Anh
- Bàng hoàng với những cuộc vượt ngục mưu mô ở “trận đồ bát quái” Chí Hòa