Phạm Thế Mỹ là một nhạc sĩ người Việt Nam, ông có nhiều sáng tác nhạc vàng gây thương nhớ. Từ nhỏ ông đã có năng khiếu vượt trội với bộ môn thổi sáo, nhưng cha ông không ủng hộ vì cho rằng nó dễ mắc bệnh lao, nên ông được khuyến khích chơi guitar. Sáng tác đầu tay của ông là bài hát “Nắng lên xóm nghèo” và sau đó là sự ra đời của hàng loạt nhạc phẩm bất hủ, trong đó không thể không kể đến bài hát viết về Mẹ tạo nên tiếng vang lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông – ca khúc “BÔNG HỒNG CÀI ÁO” được lấy cảm hứng từ bài áng văn của nhà thiền sư nổi tiếng thời bấy giờ – Thích Nhất Hạnh.
Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, ông không chỉ là một vị thiền sư, mà còn là một nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, một người vận động cho hòa bình người Việt Nam,…Ông sinh ra tại Thừa Thiên Huế và xuất gia tu hành từ năm 16 tuổi và đến năm 1949, ông trở thành một nhà sư. Vào mùa Vu Lan năm 1962, ông đã cho ra đời một tác phẩm áng văn mang tên “BÔNG HỒNG CÀI ÁO” nói về việc ngài được một sinh viên người Nhật cài một bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo tràng trong ngày của Mẹ của người phương Tây. Thiền sư thấy đây là một hình ảnh vô cùng đẹp, việc cài hoa lên áo tưởng nhớ về mẹ là một điều vô cùng ý nghĩa, nên ông cũng đã áp dụng nghi thức này vào đại lễ Vu Lan tại Việt Nam. Chính bài viết và câu chuyện đằng sau đã khơi màu lên niềm hứng khởi cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác nên bài hát “BÔNG HỒNG CÀI ÁO” vào năm 1967.
Bài hát “BÔNG HỒNG CÀI ÁO” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là ca khúc được phổ từ áng văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong thời gian bị chính quyền cũ bắt giam, ông đã không ngừng nhớ thương mẹ mình, lo lắng mẹ mình thế nào rồi, cũng vô tình đó ông đã đọc được áng văn của nhà thiền sư. Sau khi được trả tự do, ông đã cho ra mắt ngay sáng tác này như để dành tặng cho người mẹ thân yêu của mình, bày tỏ tấm lòng của một người con, nỗi nhớ thương da diết to lớn hơn bất kỳ thứ tình cảm nào.
Trong cuộc sống này, có rất nhiều thứ tình cảm trân quý: tình đồng chí vào sanh ra tử, tình vợ chồng kết tóc se tơ – vạn kiếp trăm năm, tình tri kỷ buồn vui có nhau,….nhưng chắc chắn thứ tình cảm cao đẹp nhất, thiêng liêng nhất và vĩnh hằng nhất chỉ có thể là tình mẫu tử.
Qua bài hát, ta có thể thấy nhạc sĩ đã hạnh phúc thế nào thay cho những người vẫn còn có mẹ, vẫn còn được cài trên mình những cánh hoa màu sắc tươi sáng như ánh mặt trời ban mai. Nếu cuộc đời mất đi Mẹ thì sẽ “như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm…..” – Buồn tủi biết bao, khó nhọc biết bao, rồi mai này nếu trên nẻo đường con bước quá mỏi mệt, con biết tựa mình vào đâu để tìm kiếm đôi lời an ủi.
Có một câu thơ rất hay, diễn tả đầy đủ những tình cảm, những hy sinh của Mẹ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ mãi theo con”. Đúng vậy, với những bậc phụ huynh, dù chúng ta có 40 tuổi, 50 tuổi hay thậm chí là 80 tuổi, thì con vẫn rất nhỏ bé, vẫn rất cần vòng tay của mẹ chở che và bao bọc. Câu hát “Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền – Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên – …..- Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào – Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau…” Mẹ là cả một bầu trời, là cả tuổi thơ con. Lời bài hát rất buồn, nó thể hiện được sự quan trọng của người Mẹ đối với những đứa con, không có bất kỳ thứ gì có thể bù đắp được sự thiếu thốn khi mất đi Mẹ. Niềm hạnh phúc thật sự của mỗi người không phải là trở thành người giàu nhất, có nhiều của cải nhất, nhiều người xoay quanh bạn, cung phụng bạn; mà hạnh phúc nhất là còn Mẹ, được kể mẹ nghe những câu chuyện vui của mình, cùng mẹ tâm sự, cùng mẹ giải tỏa những suy nghĩ rối ren trong đầu, tháo gỡ những khúc mắt trong cuộc sống. Và được mỗi ngày nói lên câu “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?” – “Biết là, biết là con thương Mẹ không?”.
Tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả, nó là tình thương vô bờ bến. Lòng mẹ bao la lắm, là bến đỗ bình yên cho bất cứ ai thấy mệt mỏi với cuộc đời đầy bon chen và tấp nập. Chắc hẳn trong lòng mỗi người, ai cũng sẽ thuộc nằm lòng câu nói của Phật: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Đó không chỉ là sự hy sinh của người mẹ, mà còn bao nhiêu đau khổ của người cha để nuôi ta khôn lớn nên người. Đừng ai dại dột vứt bỏ cái tình cảm bất diệt này, bởi những danh lợi tầm thường ấy hay những thứ tình cảm yêu đương nhỏ nhoi ấy sẽ không theo ta suốt đời, sẽ không bảo vệ ta mãi. Có lẽ, cha rồi sẽ già, mẹ rồi sẽ mất đi, nhưng họ vẫn sẽ luôn dõi theo con của mình, mong muốn nó sống cả một đời hạnh phúc và yên vui. Những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt và còn cả máu của những người cha, người mẹ đã hy sinh, trải đường cho con, nhưng họ không hề mong đứa nhỏ ấy đáp đền. Vậy nên chúng ta hãy sống như một con người chân chính, nó bắt đầu từ việc tôn trọng tình mẹ thiêng liêng, tôn thờ vai trò và tấm lòng của mẹ.
“Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?”
-Biết gì ? “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.