“Bên Đời Hiu Quạnh” – Trịnh Công Sơn: Lòng tuy bình yên nhưng cũng có chút gợn sầu.

Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam từ trước và sau năm 1975 đến nay, không gì có thể gây được ấn tượng sâu sắc, thắm qua từng khối óc con tim, một sức mạnh khủng khiếp lan tỏa về lòng yêu thương cùng với sự trân quý về tình người như âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh luôn là nơi ta giải tỏa mọi muộn phiền, nơi ta có thể tìm kiếm được những điều tưởng chừng phi lý nhưng lại hợp lý đến lạ. Cái tình người trong từng giai điệu của nhạc Trịnh không hề khó để ta có thể cảm nhận, thậm chí nếu không nói là vô cùng đơn giản và dễ dàng, nhưng đó chỉ dễ với những ai sống mà biết quan tâm mọi người xung quanh, biết đồng cảm và cảm thông cho sự khó khăn của người khác. Chứ nhạc của Trịnh Công Sơn chẳng dám nhờ đến những ai có một cuộc đời hời hợt, chẳng thèm suy nghĩ cho ai, chỉ biết đến bản thân mình….có thể hiểu được cái tình, cái lý của ông.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Không biết có phải Trịnh Công Sơn sinh ra nhầm thế kỷ hay không? Ông luôn mang đến cho người nghe nhạc một cảm giác như đang phiêu du nơi chân trời nào đấy, cứ mông lung nhưng lại rõ ràng những triết lý nhân sinh trong cuộc sống. Trịnh Công Sơn như một kẻ du ca khi nhận định rất rõ ràng về tình yêu, quê hương và thân phận. Ông là một người có khao khát sống mãnh liệt nhưng lại như vẻ bất lực với dòng đời vạn đắng cay, ông như một vị tiên phật nhìn thấu được mọi khổ đau nơi trần ai và dùng âm nhạc của mình để mong rằng mọi người có thể hiểu và “tự cứu vớt lấy thân”. Trịnh Công Sơn đã chẳng còn xa lạ, chỉ cần nhắc đến tên của ông thì dù người già hay người trẻ, người yêu nhạc hay không đều biết một hai. Ông để lại cho đời vô vàn ca khúc và dạy cho người muôn ngàn bài học. Trong đó gây ấn tượng thì không thể quên ca khúc “BÊN ĐỜI HIU QUẠNH” bởi tư tưởng ấn giấu và sự cô tịch khi chợt nhận ra bản thân mình.

“BÊN ĐỜI HIU QUẠNH” là một trong nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng có lẽ là bài ít được người chào đón, nó là một bản tình ca nhưng lại tịch mịch đến lạ, sự cô đơn xuyên suốt cả bài hát như chính cuộc đời của người nhạc sĩ. Lời bài hát nếu không nói là sầu thảm thì chính là ảo não vô cùng, nhưng lại được cất lên trên một cái nền nhạc với những giai điệu vui tươi lạ thường, một bản tình ca buồn nhưng lại không buồn – vui lại chẳng vui. Tình ca nhưng lại chỉ có một nhân vật là “tôi”, xuyên suốt trong bài hát chính là giấc mơ của “tôi” và những hình ảnh quá khứ cứ đan xen vang vọng làm đau lòng người. Từ lúc cao trào con tim tràn ngập yêu thương cho đến lúc gần như buông xuôi mọi thứ, tâm chẳng còn chất chứa tình cảm hay giận hờn, ganh ghét.

“Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa

Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế

Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ……”

https://www.youtube.com/watch?v=81rEHexeRiU

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Khánh Ly trình bày.

Khi con bé, chúng ta chỉ mong muốn thời gian trôi sao thật nhanh, để mình có thể nhanh lớn một chút, để có thể tự do làm mọi điều mình thích mà chẳng cần hỏi ý kiến một ai. Hay mong muốn đi đâu đó thật xa, rời khỏi nơi vùng quê được xem là “chán” này, đặt chân đến những miền đất lạ, khám phá những gì mới mẻ và hay ho hơn. Còn người trưởng thành chỉ mong được một điều ước để quay trở về với tuổi thơ, được ở mãi bên mẹ để chẳng cần hiểu thấu sự đời trớ trêu hay dụ lợi chông gai. Ở bất cứ đâu cũng mong về nhà thật nhanh, ủ ấm dưới mái nhà nhỏ, tiêu dao tự tại nhưng có tình thương của người thân. Nghịch lý quá phải không?

Nhân vật “tôi” trong bài hát cũng vậy! Trong suốt hành trình của cuộc đời, đã không biết bao nhiêu lần mơ được về nơi quê nhà, nơi có không gian êm đềm, có sông có suối, có núi có đèo, có những con người chân chất và đôn hậu, có những tình cảm yêu thương nhau mà chẳng vì bất kỳ điều gì, có cả những tuổi thơ không bao giờ quên. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi lắm, một tiếng gọi thân thương và nhu mì, lòng bình yên đến lạ bởi chẳng cần lo toan hay tất bật, chẳng cần so đo hay cố kỵ. Đó có thể nói là đoạn quá khứ bình yên và tươi đẹp nhất của mỗi người chứ không riêng gì “tôi”, dần đà mọi cảm xúc như buông trôi, để mặc cho nó chảy đều như níu kéo chút kỷ niệm, dù vui hay buồn, lòng cũng chỉ mong mỏi tìm kiếm những điều hạnh phúc nhỏ nhoi mà thôi.

Nhưng lúc này đây, “tôi” lại chợt tỉnh ngộ, tay đã gần chạm đến ước mơ, cảm thấy bản thân đã cận kề với sự bình yên thì lại phát hiện “lòng thật bình yên mà sao buồn đến thế”. Có lẽ đây chính là nhân quả cuộc đời, mọi điều sẽ đều có hai mặt của nó, bình yên chính là chấp nhận sự cô đơn và buồn bã, hạnh phúc chỉ đến khi bản thân trải qua đủ sự khổ đau, nếu chúng ta chấp nhận được nhân thì sẽ gặt được quả ngọt. Tiếng hát cất lên sẽ giúp ta vui vẻ nhất thời, nhưng một khi tiếng hát không còn thì tâm tình vẫn trở về nặng trĩu. Biết vậy nhưng tại sao “tôi” vẫn cứ cố chấp mà bám víu vào đấy?

“…….Rồi một lần kia khăn gói đi xa

Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế

Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ……”

https://www.youtube.com/watch?v=apbJN3VlxzM

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Ngọc Lan trình bày.

Người ta bảo hãy thử một lần đi thật xa để cảm thấy nhớ và mong muốn quay trở về nhà, còn “tôi” dường như muốn đi ngược lại với nhân sinh. Bản thân khăn gói lên đường, đi đến một miền đất thật xa nào để chỉ là để quên đi nỗi nhớ thương nơi quê nhà tha thiết. Tại sao vậy? Đây là đang cố gắng tìm niềm vui mới để quên đi nỗi nhớ nhung cũ hay đang hành hạ bản thân nhớ thương chồng chất nhớ thương? Để rồi khi bản thân nghĩ rằng mình đã làm được, mình chống lại định luật của cả nhân loại, quên đi một phần nào đó một đoạn tình cảm xót xa trong lòng thì chợt nhận ra bản thân đã nước mắt nhạt nhòa tự bao giờ. Miệng cười nhưng mắt rơi lệ, lệ này chẳng hề chất chứa niềm vui mà nụ cười này còn “xấu” hơn cả khóc. Chợt “tôi” nhận ra bản thân vô cùng luyến tiếc vì bản thân đã đánh mất đi những tình cảm, những ký ức đẹp mà mình “từng” có.

“……Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua

Đường về tình tôi có nắng rất la đà

Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ

Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ…..”

Không phải ai cũng xấu xa, mà chỉ là một một khoảnh khắc ra quyết định họ lựa chọn phần chân thật của bản thân hay tham muốn không giấu nổi. Có bao giờ bạn cảm thấy bản thân lạc lõng trong chính cuộc đời của mình hay chưa? không biết bản thân muốn gì, không biết mình cần phải đi đâu và làm gì, hoang mang mà vô định như một người lạc mất phương hướng trong một mê cung tự mình tạo ra.

Đường nào cũng thấy quen thuộc, đường nào cũng cảm giác mình đã đi qua, nhưng chợt nhận ra mình không nhớ đường nào cả. Rồi cuối cùng lại cô liêu trong vòm trời xa lạ mà rộng lớn vô bờ.

“……Đường nào dìu tôi đi đến cơn say

Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời

Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy

Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi”

https://www.youtube.com/watch?v=6Yv53SzjyPY

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Ý Lan trình bày.

Phải chăng “tôi” đã cảm thấy quá thất vọng với cuộc đời nghẽn lối này rồi nên “một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” – Cứ như chẳng còn cánh cửa nào đang mở để chào đón người ấy, nhìn mây xanh vời vợi mà chẳng thể tung cánh bay xa, nhìn tình yêu ngọt ngào lại chẳng cất giữ được trong tim, nhìn trái ngọt trên cây nhưng chẳng với tới được nhành cây,…chỉ đành vui thân xác này vào “cơn say” của đường đời, trở thành một kẻ “nghiện rượu” đến quên trời quên đất.

Lòng không còn biết buồn, bản thân cứ lửng thửng trong vô định, từ bỏ hoàn toàn thực tại tàn khốc. Trong tiềm thức của “tôi” dường như thật sự buông bỏ, để lại tất cả ước mơ, để lại toàn bộ niềm nhớ, nhẹ dần trong từng hơi thở,….từng giọt từng giọt nước mắt đang chảy dài trên đôi má nhưng lòng vẫn dửng dưng, chẳng biết buồn hay vui, hạnh phúc hay buồn khổ. Có lẽ, do bản thân không còn quá nhiều chấp niệm, nên khi choàng giấc tỉnh dậy, mọi sầu đau đều tan biến không để lại dấu vết và thay vào đó là một niềm vui sướng cùng hạnh phúc khôn nguôi. Mắt thấy niềm vui như đang vỡ òa trong ánh mắt cứ ngỡ từng tia nắng mặt trời soi rọi vào trái tim ta.

“BÊN ĐỜI HIU QUẠNH” mang đến cho người nghe những triết lý chẳng hề đơn giản, nhưng nếu hiểu được sẽ cảm thấy đáng giá gấp vạn lần. Trịnh Công Sơn muốn chúng ta biết rằng: Chỉ cần bản thân chấp nhận sự buông bỏ, chấp niệm không còn quá lớn thì tự động sẽ cảm thấy hạnh phúc thật giản đơn. Tâm thanh tịnh, cuộc sống vô tư sẽ không còn khiến bản thân chịu đựng sự hiu quạnh, điều đơn giản thế nhưng nhiều người vẫn cứ mãi u mê chẳng nhận ra, cứ lao vào những tham lam đố kỵ để tìm kiems những điều hư vô. Đây có gọi là nghịch lý thế gian không?

Trích lời bài hát Bên Đời Hiu Quạnh:

Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ

(hưm…hừm……..hưm)
(hưm….hừm…………..hưm)

Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ

(hưm…hừm……..hưm)
(hưm….hừm…………..hưm)

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường về tình tôi có nắng rất la đà
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ

(hưm…hừm……..hưm)
(hưm….hừm…………..hưm)

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi

(hưm…hừm……..hưm)
(hưm….hừm…………..hư)

Đánh giá post

Viết một bình luận