Ca khúc “Áo đẹp nàng dâu” được nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Ly sáng tác. Nhạc sĩ Anh Bằng được biết đến là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng và cả nhạc hải ngoại. Ông là thành viên nhóm Lê Minh Bằng và cũng chính ông là người sáng lập nên Trung tâm Asia. Ngoài ca khúc Áo đẹp nàng dâu ông còn sáng tác chung với nhạc sĩ Trúc Ly một ca khúc rất nổi tiếng đó là ca khúc “Nhật ký của hai đứa mình”. Cả hai đã có những cảm xúc chung hài hòa để tạo nên những sáng tác để đời cho đến ngày hôm nay.
Ca khúc “Áo đẹp nàng dâu” là tác phẩm để lại cho người nghe rất nhiều cảm xúc bởi ca từ ngọt ngào, lời nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng. Cũng chính câu chuyện vô cùng ý nghĩa mà hai tác giả Anh Bằng và Trúc Ly đem đến đã lay động được trái tim của rất nhiều người nghe và đặc biệt còn thấu hiểu, cảm thông được tấm lòng son sắt của người phụ nữ luôn một lòng hướng về một người, thuỷ chung trước sau như một. Hy sinh cả thanh xuân để làm hậu phương vững chãi cho chàng trai đang miệt mài đi tìm lý tưởng sống.
“Còn gì đẹp hơn những ngày bên nhau
Hai đứa chung vui ý hợp tâm đầu
Em nhớ chăng em mỗi độ hoa Đào
Mình thầm ước đến mai sau
Nhặt hoa kết áo nàng dâu…”
Những kí ức, nỗi nhớ tha thiết về những kỷ niệm vào thời khắc đẹp đẽ nhất của tình yêu, cả hai đã có khoảng thời gian yêu thương, hiểu nhau nhất. Đặc biệt “thầm ước đến mai sau, nhặt hoa kết áo nàng dâu”. Đó là nguyện vọng minh chứng cho tình yêu sâu nặng của cặp đôi về một tương lai sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời. Hoa đào ở đây là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và mùa xuân và ở đất nước Nhật Bản thì hoa đào là biểu hiện cho những mối tình. Mặc kệ cho cuộc đời mai này có ra sao, đôi tình nhân tâm đầu ý hợp cùng nhau trải qua những ngày đẹp nhất của tình yêu, chỉ có tình yêu đậm sâu, ước hẹn bên nhau dài lâu không quan tâm đến sự đời, hay cản trở của số phận. “Còn gì đẹp hơn những ngày bên nhau, hai đứa chung vui tâm đầu ý hợp thầm ước đến mai sau nhặt hoa kết áo nàng dâu.”
“…Mình thường chờ nhau những ngày mưa ngâu
Chung nón che mưa nói chuyện ban đầu
Anh viết câu thơ ý đẹp muôn màu
Mình nào nghĩ đến thương đau
Nào hay yêu mến con tàu…”
“Mình thường chờ nhau những ngày mưa ngâu/Chung nón che mưa nói chuyện ban đầu.” Không phải tự nhiên mà “mưa ngâu” lại được hai nhạc sĩ đem vào lời bài hát. Mưa ngâu là tên gọi của những cơn mưa thường xuất hiện vào tháng 7 âm lịch ở Việt Nam. Đó là những cơn mưa không liên tục, tuy không lớn nhưng lại “rả rích”, mới mưa đó rồi lại tạnh rồi lại mưa, không như những cơn mưa khác tầm tã suốt ngày đêm hay những trận mưa dầm, không chóng vánh vội đến rồi vội đi mà cứ bình lặng như cuộc tình sâu đậm, thủy chung son sắt. “Anh viết câu thơ ý đẹp muôn màu/Mình nào nghĩ đến thương đau/Nào hay yêu mến con tàu”. Chàng trai đã dùng những lời lẽ chân thành từ tận đáy con tim để gửi gắm đến người con gái mà anh một lòng thương mến. Chắc hẳn người con gái sẽ là người cảm nhận được rõ nhất tấm chân tình mà chàng trai bày tỏ. Một tấm chân tình sâu nặng đến thế rất đáng được trân trọng. Hình ảnh con tàu tác giả nhắc đến để ví cho chàng trai phải đi khắp muôn phương để lần theo lý tưởng cũng như sự nghiệp của mình còn bến đỗ lại là hậu phương vững chắc của người con gái giữa dòng đời khó lường này. Cả hai không hề quan tâm đến vạn vật xung quanh, luôn đặt niềm tin cho nhau và sống cho hiện tại, là một mối tình sâu đậm hiếm có giữa những bất biến vô thường của cuộc sống hay những bận tâm của xã hội, lo nghĩ cho tương lai.
“…Em ơi giờ đây em còn phiêu bạt nơi đâu em ơi
Đời em bao ngày nắng mưa dãi dầu
Về đây em có bàn tay nhỏ đêm thâu
Đốt đèn châm lửa cho nhau
Quên chuyện đắng cay cơ cầu…
Người con gái sẽ là bến đỗ bình yên nhất, sẽ là niềm tự hào để chàng trai quên đi hết buồn sầu, những bon chen thường nhật, quên đi hết mệt mỏi của công việc hay áp lực cuộc sống, xã hội. “Về đây em có bàn tay nhỏ đêm thâu/Đốt đèn châm lửa cho nhau”. Hình ảnh đôi bàn bàn tay của người con gái nói lên sự hy sinh thầm lặng chẳng hề oán trách. Có lẽ là vì tình yêu của đôi uyên ương quá mãnh liệt, chẳng gì có thể ngăn cản được tình yêu đó. Chắc hẳn cả hai đã nỗ lực, đã cố gắng vì nhau rất nhiều quên cả “đắng cay cơ cầu”.
“…Còn gì buồn hơn những ngày xa nhau
Hai đứa hai nơi cũng một tâm sầu
Em hỡi nơi đây vẫn nhiều hoa đào
Mà người cũ mãi nơi đâu
Để cho duyên lỡ nhịp cầu…!!!!”
“Còn gì buồn hơn những ngày xa nhau/Hai đứa hai nơi cũng một tâm sầu”. Hai người hai nơi tuy là xa nhau nhưng tâm can lại cùng một niềm nhớ thương về người kia, buồn thay lại không thể ở bên nhau. Một mối tình sâu nặng đến thế, thuỷ chung đến thế! Để lại một nỗi niềm day dứt, xót thương. Ca từ và lời nhạc của ca khúc “Áo đẹp nàng dâu” ở đoạn cuối này hoàn toàn trái ngược với khúc mở đầu của bài hát. Phải chi kết cục cả hai được đoàn tụ, sống trọn vẹn với nhau đến hết cuộc đời và sẽ là một cái kết không thể hạnh phúc hơn. Nhưng thật trái ngang cuối cùng lại là nỗi sầu ly biệt thay cho khúc đầu là niềm hạnh phúc đến tột cùng của cả hai. Dù là ở hai phương trời ly biệt nhưng tình yêu của họ lớn hơn hết chính là lòng thuỷ chung và trái tim họ luôn hướng về nhau. “Em hỡi nơi đây vẫn nhiều hoa đào mà người cũ mãi nơi đâu để cho lỡ nhịp cầu”. Một kết thúc đáng để mọi người phải suy ngẫm, nên nếu có đang hạnh phúc bên nhau thì mong rằng các bạn sẽ biết nắm bắt, gìn giữ tấm chân tình của mình vì không ai muốn đối mặt với sự ly biệt.
“Áo đẹp nàng dâu” của hai nhạc sĩ Anh Bằng – Trúc Ly đã tái hiện thành công được hai nhân với một tình yêu sâu đậm, trước sau như một nhưng đến cuối cùng lại là sự ly biệt, đã lấy đi không ít nước mắt của người nghe, xót thương thay cho đôi tình nhân. Dù đã hy sinh thầm lặng cho nhau, trái tim luôn hướng về nhau nhưng đến cuối cùng lại không thể đến bên nhau. Qua sự thể hiện song ca của rất nhiều ca sĩ, bài hát lại càng chạm đến trái tim của người nghe hơn qua phần thể hiện của cặp đôi huyền thoại Chế Linh và Hương Lan.
- Nỗi lòng dang dở chưa báo đáp được Quê Hương Đất Nước qua ca khúc “Hai Quê” của Đinh Miên Vũ
- Lời nhạc phẩm trữ tình “Diễm Xưa” và sheet nhạc chuẩn nhất
- Chút hoài niệm về quá khứ, về ngày chia ly định mệnh cùng người xưa qua “Hình Bóng Cũ” (Trúc Phương)
- Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Khánh Ly
- Cuộc đời u buồn của nàng tiên Giáng Hương qua nhạc khúc “Cành hoa trắng”