Trầm Tử Thiêng là nhạc sĩ nhạc vàng tiêu biểu ở miền Nam Việt Nam cả trước và sau năm 1975. Những sáng tác của ông rất phong phú với nhiều thể loại khác nhau. Trước năm 1975, ông nổi tiếng với những ca khúc nhạc vàng, có thể kể đến như Bài Hương Ca Vô Tận, Trộm Nhìn Nhau, Đưa Em Vào Hạ,… Sau năm 1975, ông có sự thay đổi phong cách sáng tác, cũng như sáng tác nhiều thể hoại hơn. Tuy nhiên, chất trữ tình trong các tác phẩm của ông vẫn giữ được nét riêng biệt.
Âm nhạc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thường gắn liền với thời cuộc của đất nước và của chính cuộc đời ông. Những giai đoạn lịch sử Việt Nam đều ảnh hưởng đến các sáng tác của ông. Bài hát “7000 Đêm Góp Lại” được ông sáng tác vào giữa thập niên 1960, giữa giai đoạn cao trào nhất trong chiến cuộc tại Miền Nam. Bài hát ca ngợi tuổi đôi mươi của những người trẻ đã lớn lên trong thời loạn lạc.
Bảy ngàn đêm góp lại thành lời tường tận tình đời.
Qua bảy ngàn đêm, những người trai thành sử rạng ngời.
Những người em thấm ngọt son môi.
Bảy ngàn đêm ta biết yêu rồi.
Em về với người, cho chị thêm vui.
Anh lớn khôn rồi, anh ra chiến trường cho mẹ anh thương.
Từ lúc sinh ra cho đến 20 tuổi là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Ở tuổi 20 ấy, tuổi của thanh xuân, tuổi của thời trai trẻ, tuổi để con người ta trưởng thành, những chàng trai cô gái bắt đầu có những suy nghĩ chín chắn. Qua bảy ngàn đêm đầu đời, những suy tư trước thời cuộc cũng làm con người ta trở nên già dặn, “những chàng trai thành sử rạng, những người em thấm môi son”. Hai mươi tuổi là khi ta ngừng lại việc đọc những bài học do người khác viết bởi bản thân lúc này phải chủ động tìm kiếm và học hỏi những bài học của riêng mình, để có thể gánh vác trên vai những trọng trách của thời cuộc. Những điều mà khi còn nhỏ chúng ta nghĩ rằng không thể chịu đựng được, thì ở ngưỡng 20 chúng ta đã phải chịu.
Ôi! Cả thời gian, tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu.
Đêm qua đêm súng ru em ngủ, còn đâu nồng nàn.
Bảy ngàn đêm giấc ngủ chưa tròn.
Giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại, mắt còn đỏ hoe.
Bảy ngàn đêm đi qua, đã làm tóc mẹ bạc màu, áo chị cũng sờn bâu. Giờ đây ta không còn trong vòng tay mẹ, không còn dựa vào vai chị, còn đâu những nồng nàn gần gũi khi mà mỗi đêm ta gối đầu ngủ bên súng. Có ai hiểu được những cái ôm đưa tiễn đau thắt đến độ nào, bỏ lại sau lưng gia đình nhỏ mà lòng quặn đau. Phải chăng khi xa nhà sẽ làm ta trưởng thành hơn? Không còn vô lo vô nghĩ, thay vào đó là gánh trên lưng trách nhiệm lớn lao. Những giấc ngủ hao mòn chưa bao giờ trọn vẹn, vì cứ mãi bị phá vỡ bởi những âu lo trước thời cuộc. Đất nước còn lâm nguy, tiếng đạn bom vẫn còn đó, thì lòng oán hờn ngoại xâm vẫn còn vang vọng nơi nơi. Khi cơn mơ thành bại vẫn chưa dứt thì giọt nước mắt đau thương vẫn còn đeo bám, bao thế hệ sẽ phải tiếp tục ra sức gồng gánh.
Những vành môi khép lại chờ người dành trọn nụ cười.
Ôi! Bảy ngàn đêm, những người anh bày tỏ tình đời.
Những người em hết dạ thương tôi.
Bảy ngàn đêm ta biết yêu người.
Dẫu về với người chưa trọn đêm vui.
Qua phút êm đềm, nay ta đã thành duyên nợ trong tim.
Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.
Bảy ngàn đêm đi qua, ta biết yêu, biết thương một người, biết dành sự quan tâm không chỉ cho riêng mình. Ở tuổi 20, ta nghĩ về tình yêu là những câu chuyện cổ tích nhiều mộng mơ, nơi có những gì đẹp đẽ nhất, tươi sáng nhất. Nhưng với những con người trong thời cuộc này thì khác, họ không phải nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng, họ không có đủ thời gian để cảm nhận hơi thở của tuổi trẻ len lỏi trong từng tế bào, bởi vì hoàn cảnh ly loạn, những con người ấy phải gánh trách nhiệm bảo vệ quê hương. Gác lại những yêu thương, những phút giây êm đềm sẽ nuôi dưỡng tình yêu ấy để kết thành duyên nợ. Quả thật, tuổi 20 của chúng ta cũng thật lắm đau thương và nuối tiếc.
Những đau thương tiếc nuối vẫn chưa dừng lại khi ta được trở về, nhìn thấy những người thân yêu trở nên héo mòn vì mang nhiều lo âu dành cho mình.
Ta trở về đây, tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu.
Đêm thiên thâu với em ru ngủ bằng câu chuyện tình.
Bảy ngàn đêm mắt tỏ canh mờ.
Giấc ngủ mong chờ qua cơn thành bại bây giờ là đây.
Niềm hân hoan khi được về nhà của người trai trẻ dường như bị vơi đi khi thấy tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu. Nhưng bù lại ngay sau đó là những giây phút được ở bên cạnh những người thân yêu, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà người lính xa nhà luôn trông ngóng từng ngày. Giá mà những đêm đó là đêm thiên thu dài bất tận. Khoảnh khắc trở về đoàn tụ ấy làm tan biến bao khó khăn, gian khổ, thành bại của chinh chiến. Dành trọn tâm tư để trân trọng, tận hưởng trọn vẹn thời gian ít ỏi bên cạnh những người thân yêu của mình sau bao ngày xa cách. Những chàng trai tuổi đôi mươi đã hy sinh tuổi xuân, hy sinh thân mình để thực hiện một sứ mệnh trọng đại là bảo vệ Tổ quốc. Ở cái tuổi tươi xanh với bao ước mơ hoài bão, họ cũng là những con người bình thường, có gia đình có tình yêu nơi quê nhà, thế nhưng, họ đã gác lại những hoài bão và chuyện tình yêu để lo việc nước, sự hy sinh đó không phải ai cũng đủ dũng cảm thể làm.
Bảy ngàn đêm góp lại thành lời tường tận tình đời.
Qua bảy ngàn đêm, những người trai thành sử rạng ngời.
Những người em thấm ngọt son môi.
Bảy ngàn đêm ta biết yêu rồi.
Em về với người, cho chị thêm vui.
Anh lớn khôn rồi, anh ra chiến trường cho mẹ anh thương.
Ôi! Cả thời gian, tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu.
Đêm qua đêm súng ru em ngủ, còn đâu nồng nàn.
Bảy ngàn đêm giấc ngủ chưa tròn.
Giấc ngủ hao mòn, cơn mơ thành bại, mắt còn đỏ hoe.
Những vành môi khép lại chờ người dành trọn nụ cười.
Ôi! Bảy ngàn đêm, những người anh bày tỏ tình đời.
Những người em hết dạ thương tôi.
Bảy ngàn đêm ta biết yêu người.
Dẫu về với người chưa trọn đêm vui.
Qua phút êm đềm, nay ta đã thành duyên nợ trong tim.
Ta trở về đây, tóc mẹ bạc màu, áo chị sờn bâu.
Đêm thiên thâu với em ru ngủ bằng câu chuyện tình.
Bảy ngàn đêm mắt tỏ canh mờ.
Giấc ngủ mong chờ qua cơn thành bại bây giờ là đây.
- “Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta” (Hoàng Thi Thơ) – Lòng ôm hoài niệm, mong chờ người thương hồi tâm quay đầu…
- Tuyển tập những bức ảnh đẹp về Cảnh Sát Quốc Gia VNCH qua bộ ảnh quý – Phần 1
- Lịch sử những tuyến đường sắt đầu tiên nối Sài Gòn với những vùng đông dân cư
- “Ngàn Thu Áo Tím” – Điệu Valse nhẹ nhàng vẽ nên bức tranh lãng mạn bao trùm sắc tím
- Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trường Sa – tác giả của những ca khúc bất hũ “Xin Còn Gọi Tên Nhau”,