“Đan Áo Mùa Xuân” (Phạm Thế Mỹ)

Đăng ngày 20/07/2024

Những bài tình ca Việt Nam trước năm 1975 hầu hết đều xoay quanh chuyện tình người lính, những câu chuyện tình xa cách, người tiền tuyến, người hậu phương. Thời kỳ loạn lạc đó những đôi vợ chồng, đôi trai gái yêu nhau mà phải xa nhau biền biệt, chỉ gặp nhau qua những bức thư tình đẫm nước mắt. Khi ấy người ở hậu phương chỉ biết thể hiện tình cảm qua những chiếc áo len được đan tỉ mỉ, với mong muốn rằng người thương của mình sẽ được sưởi ấm trong những đêm sương lạnh.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng sở hữu những ca khúc viết về câu chuyện tình yêu người lính gắn liền với những chiếc áo, chiến khăn. Điển hình là bài hát “Đan Áo Mùa Xuân”, với những ca từ mang đầy nỗi nhớ của cô gái chờ người yêu khi xuân về, tình cảm của cô gửi vào những chiếc áo len được chính tay cô đan. Những tấm áo, chiếc khăn được đan từ những bàn tay, có thể không đẹp bằng một chiếc áo, chiếc khăn được dệt lên từ dàn máy hiện đại, nhưng lại khiến người mặc cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Vì trong từng sợi len, họ cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương từ người đan gửi tặng. Sự giá rét khi đông về cũng là lúc mà nỗi cô đơn, nhung nhớ dâng tràn trong tâm hồn đôi lứa lúc xa nhau.Nỗi niềm trong bài "Đan Áo Mùa Xuân" - Ca khúc xuân bất hủ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã khắc họa một nỗi nhớ nhung da diết vào những ca từ và giai điệu để viết lên những cung bậc cảm xúc khác nhau của bài hát.

Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ

Là em thôi mong nhớ xuân này chàng có về

Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng

Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng

Tình yêu đậm sâu của người con gái nơi hậu phương dành cho người lính được thể hiện qua nỗi nhớ mong, đợi chờ người thương trở về vui đón xuân ở quê nhà, nhưng người vẫn còn gian nan nơi rừng sâu núi thẳm. Cứ mỗi lần hoa mai vàng nở là cô gái biết rằng người thương không thể trở về cùng vui xuân này. Nỗi nhớ mong chẳng biết tả như nào, người ở phương xa ngàn dặm, còn em đây hiu quạnh ôm nhung nhớ một mình. Trong lòng cô gái lúc nào cũng tràn đầy nỗi nhớ, nhìn hình ảnh hoa mai vàng nở chỉ là có thêm lý do để cô càng nhớ người thương. Sự bơ vơ, tuyệt vọng cứ mãi đeo bám, chỉ biết hỏi mây hỏi gió rằng đến khi nào người mới trở về nhưng gió mây chẳng hồi đáp.

Sắc xuân tưng bừng tràn ngập muôn nơi, hoa đua nhau nở rộ, ánh nắng chan hòa cùng với từng làn gió mát rượi thổi qua làn mây bồng bềnh trắng xóa. Nhưng cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân cũng không thể bù đắp cho nỗi buồn kia vơi đi, ngược lại càng thấy cô đơn hơn.

Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến

người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng

Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó

cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.Đan Áo Mùa Xuân - Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ - Tiếng Hát Tô Thị Thu Cúc

Giữa cảnh sắc tưng bừng của mùa xuân thì đâu đó người trai vẫn vật vã nơi đạn bom khói lửa, từng đêm gối đầu bên lá rừng, kề cận bên mình là tay súng chứ không phải người yêu. Vì hòa bình của quê hương nên người chinh nhân đã gác lại tình cảm đôi lứa, những gian khổ nơi thao trường cũng được thi vị hóa để phần nào giúp người thương ở hậu phương được yên lòng: “người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng”.

Người con gái chờ đợi người thương với bao xúc động, lòng thầm nhớ về những ngày xuân xưa ấy.

Nhớ xuân sang năm nào,

bên bếp lửa ấm, ngồi đan áo cho anh

đôi mắt anh dịu buồn, nói anh sẽ về

khi máu sương ngừng rơi.

Để giờ mình em và manh áo ấm trên tay

Dù rằng ngoài kia vang tiếng pháo đón giao thừa

Bánh chưng rất xanh, với hoa rất vàng mà ngỡ là giấc mơ thanh bình.

Trong thời khắc xuân sang, bên bếp lửa ấm, nàng ngồi đan áo, anh ngồi cạnh bên và cùng nhau tâm tình, bày tỏ nỗi lòng với nhau. Anh hứa rằng khi đất nước yên bình anh sẽ về, nhưng đến xuân năm nay chỉ có mình nàng và manh áo đan dở, có bánh chưng xanh, có hoa mai vàng, có tiếng pháo mừng giao thừa, mà lại không có anh bên cạnh. Bếp lửa hồng năm nào giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng dù vậy nàng vẫn nuôi hy vọng anh sẽ trở về, tin rằng người yêu sẽ về vào một mùa xuân mới, rồi họ sẽ cùng vẽ nên bức tranh của những ngày tháng hạnh phúc. Khi bầu trời xanh kia không còn tiếng súng, nơi đó sẽ thành vùng trời bình yên của chúng ta.ĐAN ÁO MÙA XUÂN 24/11/1967 [Phạm Thế Mỹ] | Khắc Trung | Official Music Video

Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ

và lang thang chim én mang sầu về cuối trời

quà cho em là bướm và hoa thơm cỏ biếc

với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.

Anh sẽ về khi không còn tiếng súng

trời xanh cao tiếng hát, chim trổi nhạc đón mừng

Để hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm

cho áo mới yêu đời cho tiếng sáo thêm vui.

Niềm tin lớn lao về một ngày nào đó quê hương sẽ không còn tiếng súng. Khi mai nở vàng trước ngõ, chim én mang sầu hận bỏ đi về cuối trời, hoa thơm cỏ biếc thi nhau khoe sắc, tiếng gió thổi rì rào hòa quyện với tiếng sáo tuyệt vời, lúc đấy anh sẽ trở về. Anh sẽ trở về nơi trời xanh cao tiếng hát, tiếng chim ríu rít đón mừng. Và cuối cùng, đôi môi người thiếu nữ đương xuân thì sẽ lại được sưởi ấm bởi những nụ hôn ngọt ngào. Tất cả những thanh âm rộn ràng ấy đã vẽ nên một khung cảnh tuyệt đẹp, đó là khát khao cháy bỏng của lứa đôi, của những tâm hồn đã phải xa cách và chịu nhiều tổn thương. Và cuối cùng, đôi môi người thiếu nữ đương xuân thì sẽ lại được sưởi ấm bởi những nụ hôn ngọt ngào.

“Đan Áo Mùa Xuân” của Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có lẽ là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất. Lời ca của bài hát rất bình dị, tiết tấu bolero êm đềm. Nhạc sĩ đã dùng hình ảnh mai vàng nở rộ để báo cho người con gái hậu phương biết mùa xuân đang về. Bài hát là những giai điệu mang nỗi nhớ da diết của cô gái chờ người yêu. Nhưng khi thấy hoa mai nở rộ ngoài ngõ cửa, cô biết rằng người yêu đang còn trên vai những gánh nặng biên cương. Tình yêu cô gửi vào những chiếc áo mà cô tự tay đan và mong rằng mùa xuân tới người yêu sẽ về

Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
là thôi em mong nhớ xuân này chàng có về?
Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng.
Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng.

Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng.
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.

Nhớ xuân xuân năm nào,
bên bếp lửa vui, ngồi đan áo cho anh.
Đôi mắt anh dịu buồn,
nói anh sẽ về khi máu xương ngừng rơi.

Để giờ mình em và manh áo xám trên môi.
Dù rằng ngoài kia vang tiếng pháo đón giao thừa.
Bánh chưng rất xanh, với hoa rất vàng
mà ngỡ là giấc mơ thanh bình.

Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ
và lang thang chim én mang sầu về cuối trời.
Quà cho em là bướm và hoa thơm cỏ biếc
với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.

Anh sẽ về khi không còn tiếng súng
trời xanh cao tiếng hát, chim trỗi nhạc đón mừng.
Để hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm.
Cho áo mới yêu đời cho tiếng pháo thêm vui