Khánh thành tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bên bờ biển Quy Nhơn

Bức tượng thể hiện hình ảnh nhạc sỹ ở độ tuổi trung niên, ngồi đánh đàn ghi ta với nét mặt suy tư như đang thả hồn vào những giai điệu âm nhạc; bên cạnh là tổng phổ bài hát “Biển nhớ.”

Chiều 12/10, tại công viên bên bờ biển thành phố Quy Nhơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành tượng nghệ thuật nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Với chủ đề “Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với tác phẩm ‘Biển nhớ’ bên bờ biển Quy Nhơn,” bức tượng thể hiện hình ảnh nhạc sỹ ở độ tuổi trung niên, ngồi đánh đàn ghi ta với nét mặt suy tư như đang thả hồn vào những giai điệu âm nhạc; bên cạnh là tổng phổ bài hát “Biển nhớ,” có khắc nhạc và lời.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bức tượng Trịnh Công Sơn cao 2,4m được làm bằng chất liệu đá granite xám trắng Phước Hòa (Bà Rịa-Vũng Tàu). Phần bệ tượng gồm có 2 vòng tròn đồng tâm, ở tâm là khối bát giác giật 3 cấp đều. Vòng tròn 1, bán kính có 5m trồng hoa, bó vỉa bằng chất liệu đá granite. Vòng tròn 2 có bán kính 3,6m trồng cỏ, bó vỉa bằng chất liệu đá granite.

Khối bát giác ở tâm hình tròn có cạnh là 1,4m, giật đều lên 3 cấp; cốt đỉnh của khối bát giác cao 0,75m. Tác giả công trình nghệ thuật này là nhà điêu khắc Lâm Quang Nới (Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, công trình được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về bố cục, chất lượng nghệ thuật bởi có sự kết nối hài hòa với khuôn viên chung, tạo nên một điểm nhấn cho khu vực đô thị, đặc biệt đã góp phần tôn tạo không gian bờ biển thành phố Quy Nhơn – nơi in dấu nhiều kỷ niệm đẹp của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với thành phố biển khi ông theo học sư phạm ở đây vào những năm 1962-1964, tạo điểm đến tham quan, thưởng lãm cho nhân dân thành phố và du khách.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cắt băng khánh thành tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bên bờ biển Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cắt băng khánh thành tượng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bên bờ biển Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cho biết: “Tôi rất hạnh phúc, rất xúc động. Bức tượng anh Trịnh Công Sơn rất đẹp, khuôn mặt giống và đôi mắt rất có hồn; bức tượng được đặt đúng vị trí mà anh tôi rất thích. Từ nhỏ tôi được nghe anh Sơn nói rất nhiều về Quy Nhơn. Ở đây anh Sơn đã sáng tác nhiều bài hát hay, trong đó có bài ‘Biển nhớ’ được nhiều người biết đến. Đối với gia đình chúng tôi Quy Nhơn như quê hương thứ hai, nơi mà anh Sơn đã để lại nhiều dấu ấn.”

Trịnh Công Sơn là nhạc sỹ nổi tiếng ở Việt Nam với gia tài là hàng trăm ca khúc. Ông đã từng học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn) và ở thành phố Quy Nhơn ông đã sáng tác nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích như “Hoa buồn,” “Chiều chủ nhật buồn,” “Vết lăn trầm,” “Nắng thủy tinh,” “Cát bụi”… trong đó, đặc biệt nhất là ca khúc “Biển nhớ”.

Nguyên Linh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.youtube.com/watch?v=qtEh7–fHIM

Click để nghe lại ca khúc Cát Bụi do ca sĩ Khánh Ly biểu diễn.

Về ca khúc Biển Nhớ

“Biển nhớ” là một trong những ca khúc trữ tình “để đời” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Sáng tác vào năm ông vừa tròn 23 tuổi (năm 1962). Sau khi cho ra đời 2 tuyệt phẩm âm nhạc là Hạ trắng và Diễm xưa, “Biển nhớ” đã tiếp nối con đường thành công của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, bài hát được rất nhiều nghệ sĩ, danh ca thể hiện thành công và truyền đạt gần như trọn vẹn tấm chân tình của người con trai thương nhớ người yêu xa da diết.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly năm 1970
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly năm 1970

Mọi người truyền tai nhau rằng, “Biển nhớ” là bài hát được lấy cảm hứng từ chính tâm trạng thật của tác giả, đó là một câu chuyện buồn và là nỗi lòng của Trịnh Công Sơn khi ông nhiều đêm ngồi trên bãi biển Quy Nhơn để nhớ về người con gái tên Bích Khê. Trong bài hát có cụm từ Sơn Khê nổi bật, phải chăng đây là cụm từ viết tắt của Trịnh Công Sơn và Bích Khê, Sơn liền Khê như núi liền sông không thể tách rời.

Câu hát được nhắc đến nhiều nhất trong bài hát là câu gì nhỉ? “Ngày mai em đi…” – Đây chỉ đơn thuần là một câu hát, thêm vào bài hát cho thêm phần sâu lắng hay nó chính là câu nhắc nhở của tác giả. Ngày mai – Chính ngày mai này thôi, cô gái ấy, đã đi mãi không về, mối tình xưa này nay còn đâu.

“Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ…:”

Câu hát gợi lên một khung cảnh thật buồn làm sao! “…Gọi hồn liễu rũ lê thê – Gọi bờ cát trắng đêm khuya” – Cô đơn, tối tăm, một mình ngồi lặng lẽ nơi bờ biển, ngắm khung cảnh dần buông đến tối khuya, nhưng mà em đi sao vẫn chưa thấy về, bờ biển này, bờ cát này – Và còn có cả anh đang nhớ thương em từng giờ. Khi em đi, em có biết chăng, cả một khoảng trời buồn bã, mọi thứ đều trở nên tẻ nhạt và cô đơn.

“…Ngày mai em đi
Biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn
Bàn tay chắn gió mưa sang…”

Ngày mai em đi, biển nhớ em…Câu này mới làm lòng nghẹn ngào, nhạc sĩ đã khiến lòng ta trở nên mông lung không còn xác định rõ được biển là em, hay em là biển, hay chính tác giả vẫn còn trong bóng đêm tĩnh mịch của bản thân. Mọi thứ xung quanh, mọi cảnh vật dần trở nên hối hả như muốn ngăn trở lối đi của người con gái ấy, thì chính Trịnh Công Sơn lại buông tay, không cách nào níu giữ.

“…Ngày mai em đi
Thành phố mắt đêm đèn mờ
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
Nghe ngoài biển động buồn hơn
Hôm nào em về
Bàn tay buông lối ngỏ
Đàn lên cung phím chờ
Sầu lên đây hoang vu…”

Cô ấy đi rồi! Trong đầu đang dần vang lên một câu hỏi: “Liệu người con gái ấy có còn quay về nữa không?”. Dẫu lòng đã biết đáp án, nhưng lại không cầm lòng được mà suy tư. Cảnh vật dần buông lơi theo tâm tình của chàng nhạc sĩ, biết là buông tay nhưng không quên nhắn nhủ, dù người có ở đâu thì nơi đây vẫn có chàng đang mong ngóng.

Đây như là một lời tự sự của tác giả hay cũng chính là của những chàng trai, cô nàng đang chìm đắm trong tình yêu và sự ly biệt. Tâm sự của những người tràn đầy những con sóng yêu thương nhưng không khỏi khắc khoải về một nỗi buồn của sự chia xa.

“…Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước sơn khê
Ngày mai em đi
Cồn đá rêu phong rủ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hờn
Nghe ngoài trời giăng mây tuôn
Ngày mai em đi
Biển có bâng khuâng gọi thầm
Ngày mưa tháng nắng còn buồn
Bàn tay nghe ngóng tin sang.”

Tất cả cảnh vật làm nền cho khung cảnh cô đơn này: trời cao, sơn khê, cồn đá, đèn phố, mây giăng, mưa tủi, rêu phong, bờ biển,…đều bâng khuâng nhịp chân xung quanh cái cao trào triều sương ướt đẫm cơn mê….Đây cũng chính là cái trạng thái đạt tới từ một trong những “chức năng” thẩm mỹ được nhiều nghệ sĩ coi là cao nhất, có thể cùng người thưởng thức cùng mình thăng hoa vào…chốn khác.

Ngày mai em đi, vậy có đồng nghĩa là ngày hôm nay họ vẫn còn bên nhau, cùng nhau nhìn ngắm hoàng hôn trên bờ biển, ngồi trên bờ cát trắng, nhìn ngắm những đợt sóng xô ồ ạt. Hay ngày mai này là đại biểu cho một tương lai, vì chàng trai ấy đã đạt đến cảnh giới vô thường, nhận thức ra rằng cuộc đời này không có gì gọi là mãi mãi. Có người đến, thì ắt sẽ có người đi, có người ở lại bên bạn, thì chắc rằng sẽ có người rời bỏ bạn mà đi – Hợp rồi tan, chính là lẽ thường của nhân sinh.

Bất cứ chàng trai nào đang ở độ tuổi yêu đường, nghe thấy bài hát “Biển nhớ” này, với giai điệu giản dị, với ca từ da diết, ắt hẳn đâu đó trong lòng họ cũng đều dâng lên những cung bậc cảm xúc vô cùng khó tả. Khi bạn đã yêu ái đó, nhưng lại không được gặp, cũng chẳng được thấy, từ ngữ nào có thể diễn tả hết nỗi nhớ thương đầy vơi này.

Nhưng với những người đã bước qua cái thuở chập chững biết yêu đó, thì sẽ lại có những cảm giác khác khi nghe thấy bài hát này. Những nỗi nhớ khắc khoải khi bị chia cắt, thương nhớ vô thường, yêu nhau lại không đến được với nhau, nhớ nhau da diết lại chẳng được thấy nhau.

“Biển nhớ” cho ta thấy được cái chất vô thường trong bản nhạc Trịnh, ngay từ những câu hát đầu tiên, nhưng có lẽ ít ai để ý đến điều này. Có thể do lời bài hát quá đỗi hay, nó cứ làm cho người nghe như đang trên “chín tầng mây”, cứ bâng khuâng, cứ mơ hồ, không còn suy nghĩ sâu xa để suy đoán ý nghĩa trong từng câu hát nữa. Có lẽ, ngay chính tác giả cũng không cảm nhận được chính xác tâm trạng của mình lúc này, ý thức có thể đã mơ hồ rồi, và nhờ thế tính cách bài hát mông lung lại mang đến sự rung động của lời ca trong lòng người thưởng nhạc.

“Ngày mai em đi
biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê
gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ngày mai em đi
đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ
nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Ngày mai em đi
biển nhớ em quay về nguồn
gọi trùng dương gió ngập hồn
bàn tay chắn gió mưa sang

Ngày mai em đi
thành phố mắt đêm đèn mờ
hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
nghe ngoài biển động buồn hơn

Hôm nào em về
bàn tay buông lối ngỏ
đàn lên cung phím chờ
sầu lên đây hoang vu

Ngày mai em đi
biển nhớ tên em gọi về
triều sương ướt đẫm cơn mê
trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi
cồn đá rêu phong rủ buồn
đèn phố nghe mưa tủi hờn
nghe ngoài trời giăng mây tuôn

Ngày mai em đi
biển có bâng khuâng gọi thầm
ngày mưa tháng nắng còn buồn
bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi
thành phố mắt đêm đèn vàng
nửa bóng xuân qua ngập ngừng
nghe trời gió lộng mà thương”

Đánh giá post

Viết một bình luận