Hoàn cảnh sáng tác “Buồn Trong Kỷ Niệm” – Nhạc phẩm về tương lai u buồn trong hiện tại hạnh phúc

Đăng ngày 20/07/2024

Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào

Đó là câu thơ của nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Quả thật tình yêu mang lại sức mạnh, soi sáng tâm hồn con người, nâng đỡ và cứu rỗi con người. Thế giới sẽ trở nên khô cằn nếu thiếu những yêu thương. Nhưng chúng ta lại hay đa sầu đa cảm trước tình yêu. Nỗi lo sợ sẽ mất đi tình yêu là tâm trạng chung của rất nhiều người, và càng nhiều hơn đối với các tâm hồn thơ nhạc. Vì thế có rất nhiều thơ văn, nhạc phẩm nói về tình yêu, nói về nỗi đa sầu đa cảm, sợ mất đi trong tình yêu. Thơ có Sóng của Xuân Quỳnh thì nhạc có Buồn trong kỷ niệm của Trúc Phương. Buồn trong kỷ niệm là nhạc phẩm viết về dự đoán tương lai của nhạc sĩ Trúc Phương khi đang trong cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Ca khúc "Buồn Trong Kỷ Niệm" - Lời tiên định chính xác về cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc (1933-1995). Ông là người con của vùng đất Trà Vinh. Nhạc sĩ Trúc Phương được đông đảo người mộ nhạc biết đến qua các ca khúc bolero như: 24 giờ phép, Chiều phố huyện, Thư gửi người miền xa,… Năm 2014, Trung tâm Asian thực hiện chương trình Asian 74: Trúc Phương – Ông hoàng của dòng nhạc Bolero để vinh danh ông.

Buồn trong kỷ niệm là một bài hát tên tuổi, để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp cũng như chính cuộc đời nhạc sĩ Trúc Phương. Bởi theo nhạc sĩ chia sẻ:

“Bài Buồn Trong Kỷ Niệm được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết.

Tôi nghĩ là sau này, cái bài đó tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi rằng sẽ có một cái ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, về cái nỗi buồn kia. Thật ra thì lúc đó tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn các tác phẩm, đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế, mà phần lớn tác phẩm đều có như thế, ngoài Buồn Trong Kỷ Niệm ra, còn một số tác phẩm khác”.

Và thật sự bài hát Buồn trong kỷ niệm là một điềm báo cho cuộc hôn nhân tan vỡ sau này của ông. Năm 1976, Trúc Phương vượt biên nhưng không thành công và còn bị tịch thu nhà. Những năm sau đó, ông vượt biên thêm hai lần nhưng vẫn không thành công. Lúc ra tù, vợ con ly tán, ông sống trong cảnh không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân.

Đường vào tình yêu…..có trăm lần vui……..có vạn lần buồn

Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ

Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế

Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về

Về Ca Khúc “Buồn Trong Kỷ Niệm” Của Nhạc Sĩ Trúc Phương – Nhạc Vàng

Trong tình yêu luôn có những lần vui, có những lần buồn. Nhưng với Trúc Phương, “có trăm lần vui, có vạn lần buồn”. Nhạc sĩ đã dùng con số cụ thể và gấp nhiều lần để nói về chuyện tình buồn của mình. Có những lần “lầm lỡ” mà “đánh mất ân tình cũ”. Đau cũng chỉ thế thôi, và tiếc thương cũng thế. Câu hát như nói lên nỗi đau đớn, tiếc thương vô cùng, không có nỗi đau nào, không có sự tiếc nào hơn chuyện chúng mình đánh mất nhau. Nỗi đau giằng xé lòng người là nỗi đau khi hai người vốn yêu nhau nhưng lại chẳng thể như ước nguyện, không thể cùng chung lối. Không thể cùng nhau bước tiếp trên con đường “bách niên giai lão”.

Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn

Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc

Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá

Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay

Chúng ta quen biết và đến bên nhau từ ngày tuổi trẻ, từ lúc “môi còn non tuổi, mộng vừa tròn”. Đây là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, khi đôi môi còn đỏ mộng, khi chúng ta còn ôm ấp những giấc mộng tương lai tươi đẹp, khi tóc còn đen và vương hương thơm, và… khi ấy chúng ta chưa từng khóc “mắt chưa lần khóc”. Nhưng đến nay, khi đã cùng nhau đi qua những tháng năm của cuộc đời, khi cùng trải qua những đắng cay của cuộc sống, khi nhưng ngây thơ tuổi trẻ giờ đã mất, khi chúng ta trưởng thành hơn lại chẳng thể bước đi với nhau. Câu hát như lời than, lời tiếc thương cho mối tình tuổi trẻ. Lời khóc cho cuộc tình đẹp đã cùng nhau nắm tay trong những ngày tuổi trẻ nhưng lại chẳng thể giữ mãi cái nắm tay ấy đến trọn đời.

Bao năm qua rồi còn gối chiếc

Nghe lòng nhiều nuối tiếc

Thương nhau rồi

Xa nhau rồi

Một lần dang dở ấy

Đêm lạnh vui với ai?

Buồn Trong Kỷ Niệm - Quang Đại

Để rồi khi xa nhau, những ngày sau này chỉ còn một mình “gối chiếc” liệu chúng ta có còn nhớ về nhau? Có còn nghe thấy lòng mình “nhiều nuối tiếc”. Người ta thường nói, thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng. Nhưng Trúc Phương lại không tin là thế, ông tự hỏi, liệu những năm tháng sau này, khi chúng ta về già, chúng ta có còn nhớ về nhau, nhớ về những hạnh phúc xưa kia, nhớ về cuộc tình thương nhau rồi phải xa nhau. Chúng ta liệu có còn nhớ về “một lần dang dở ấy”, những “đêm lạnh” lại đến thì “vui với ai?”.

Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời

Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước

Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ

Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!

“Nụ cười ngày xưa” nay đã “chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời”. Khi chúng ta lỡ đánh mất nhau thì cũng đánh mất đi nụ cười. nụ cười tuổi xuân tràn đầy tươi vui, nụ cười trên đôi môi còn non tuổi, còn tràn đầy hạnh phúc nay đã mất. Thay vào đó chỉ là nụ cười đầy gượng gạo trên bờ môi héo mòn tuổi đời. Nếu mở đầu bài hát, nhạc sĩ tả bờ môi là “môi còn non tuổi” thì giờ đây, khi chia xa, khi đi qua những tháng năm những tháng năm tuổi đời, đôi môi ấy giờ chỉ là “bờ môi héo mòn tuổi đời”. Một hình ảnh đôi môi trước và sau tan vỡ cũng đủ nói lên nỗi đau thương khi xa nhau. Mất nhau, ta mất đi nụ cười! Có lẽ chính vì tình yêu say đắm nhưng chia xa, mà tác giả cũng sợ hãi nếu đi thêm bước nữa “Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước”. Đến đây, nỗi lòng của người nghệ sĩ như vỡ òa ra, nỗi nhớ thương, niềm thương tiếc khi đánh mất người mình yêu như trào dâng trong từng câu hát “Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ. Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!” Và nếu qua những năm tháng ấy, chúng ta vẫn nhớ về nhau, vẫn nhớ về “mắt môi người cũ” xin hãy “mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!”. Mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em chính là cách nói khác của “Anh yêu em”! Đúng vậy, cả nhạc khúc “Buồn trong kỷ niệm” là một sự tiếc thương về mối tình tan vỡ, nhưng lại kết thúc bằng câu thốt mang hàm nghĩa “anh yêu em”. Tuy tác giả không nói trực tiếp, mà chỉ lòng ghép qua cách dùng từ nhưng chính vì thế chúng ta càng cảm thấy đau lòng cho cuộc tình này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *